Nhiều chuyên gia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương-8 vào bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh xung đột.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về những diễn biến mới trên Biển Đông, Giáo sư Carl A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng trong vụ việc tại bãi Tư Chính hiện nay, hành động của Trung Quốc là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hoạt động khảo sát và có tính thương mại khác của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam ở Biển Đông phải được sự cho phép của Việt Nam vì chỉ Việt Nam mới có quyền đối với mọi nguồn lực trong vùng nước và dưới đáy biển trong khu vực này. Mọi quốc gia ven biển đều nắm rõ điều đó. Theo Giáo sư Thayer, các hoạt động nói trên của Trung Quốc không chỉ diễn ra với Việt Nam mà với cả Philippines và Malaysia ở cùng thời điểm. ASEAN cần phải lên tiếng về điều này và coi đây là những vụ việc nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh nếu các nước ASEAN không đứng lên phản đối, những hành động này sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần trong tương lai. Vì thế, các nước ASEAN phải thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục có ý định thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông James Gomes – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của Việt Nam trong vụ việc căng thẳng với Trung Quốc hiện nay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh Biển Đông phải là khu vực tự do cho tất cả mọi người có thể di chuyển, buôn bán cũng như hợp tác giữa con người với con người trong hoà bình. Với việc Trung Quốc tạo ra những căng thẳng như hiện nay và tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông thì đây là một vấn đề lớn. Cách thức Việt Nam đang làm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền là chiến lược đúng đắn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Takashi Hosoda – chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc), cho rằng Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với hình ảnh của nước này.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Praha, Tiến sĩ Hosoda khẳng định khu vực gần Bãi Tư Chính mà Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là vùng biển hoàn toàn nằm trong EEZ của Việt Nam và Trung Quốc không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền tại Bãi Tư Chính. Theo ông, hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 mà nước này là thành viên.
Theo ông Hosoda, các hoạt động quân sự hóa Biển Đông thời gian qua cũng như hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực gần Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã làm xói mòn hình ảnh của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh gây xung đột trên Biển Đông.
Tiến sĩ Hosoda cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh, … cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể để kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thực địa. Giải quyết vấn đề Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài. Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, tạo sức mạnh tổng hợp để không bị chia rẽ. Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần kiên quyết và kiên trì đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mang tính răn đe và cưỡng ép của Trung Quốc trên thực địa, đồng thời xử lý tranh chấp theo hướng không để ảnh hưởng tới quan hệ song phương với Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, Giáo sư Go Ito thuộc trường Đại học Meiji (Nhật Bản) nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông hiện nay, Việt Nam cần củng cố sức mạnh thông qua việc mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước – những nước có đồng quan điểm với chính sách biển của Việt Nam. Việt Nam cũng cần xây dựng một chính sách biển mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia có tàu thuyền đi qua Biển Đông./.
Theo TTXVN
Chuyên gia Ấn Độ : Trung Quốc cố viết lại quy tắc toàn cầu bằng hành vi sai trái
Theo chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc có vẻ như đang muốn viết lại các quy tắc toàn cầu theo cách riêng mà không tính đến hậu quả.
Sử dụng những hành vi khiêu khích, coi thường luật pháp quốc tế và chiến thuật cưỡng ép, Trung Quốc đã tạo nên thế đối đầu ở Biển Đông trong một thời gian dài. Kể từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc một lần nữa đã gây ra căng thẳng ở vùng biển này khi ngang nhiên cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương Địa chất 8 đi sâu vào vùng biển Nam Biển Đông, gần với lô khai thác 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Gulf Times).
Bình luận về diễn biến mới nhất này, Tiến sĩ Rajaram Panda, Nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ trong bài viết đăng tải trên trang Eurasiareview cho rằng, vụ việc bãi Tư Chính cho thấy hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Panda đồng thời cảnh báo, nếu không được xử lý cẩn thận, căng thẳng có thể nhanh chóng leo thang nguy hiểm.
Chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với bãi Tư Chính
Đối với sự kiện bãi Tư Chính, Trung Quốc cố gắng vin vào yêu sách "đường 9 đoạn" vốn đã bị Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ bằng phán quyết hồi năm 2016 để lý giải cho hành động của họ. Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài kết luận rằng các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển Đông không được vượt quá giới hạn do UNCLOS quy định, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và "quyền lịch sử" (historic rights) trong phạm vi "đường 9 đoạn" là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.
Bãi Tư Chính nằm ở phía Nam của Biển Đông, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam, cách lục địa Trung Quốc khoảng 600 hải lý. Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam thiết lập vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam đồng thời xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Dựa trên các quy định này thì bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.
Tiến sĩ Panda thừa nhận, bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đang cố đưa ra những tuyên bố nhằm gây nhầm lẫn rằng đây là khu vực có tranh chấp; đồng thời cảnh báo nếu Bắc Kinh tiếp tục làm tới, điều này có thể khiến quan hệ giữa hai nước đi xuống.
Trung Quốc hành động theo kiểu áp đặt
Theo ông Panda, mấu chốt của vấn đề chính là ở chỗ không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ hoạt động ngăn cản các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực khai thác dầu khí ở bất kỳ nơi nào trong "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông.
Đồng ý với nhận định này, nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh ở Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc Đại học Nanyan của Singapore cho rằng, đằng sau các hành động quấy nhiễu việc khai thác dầu của Việt Nam ở bãi Tư Chính còn có một thông điệp: không nước nào có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại "vùng biển tranh chấp này" nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản là cho dù Bắc Kinh không "thò" được vào nguồn năng lượng này thì cũng không nước nào được đụng tới.
Chuyên gia khẳng định việc đưa nhóm tàu xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn nằm trong "âm mưu" từ lâu của Trung Quốc.
Thực tế cũng đã chỉ ra rằng, Trung Quốc không chỉ cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của việt Nam mà còn có các hành động gây hấn tương tự với Malaysia và Philippines.
Trung Quốc liên tục bác bỏ những nỗ lực hòa giải từ bên ngoài và chỉ khăng khăng muốn giải quyết vấn đề ở Biển Đông với từng nước đơn lẻ có liên quan. Điều này được cho là để Trung Quốc dễ dàng áp đặt ý chí chủ quan lên các nước láng giềng nhỏ hơn và tiếp tục khoa trương về nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng cái gọi là "hòa bình và ổn định" theo quan điểm của riêng họ. Theo Panda, trong khi ASEAN nỗ lực hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) thì Trung Quốc không thực sự nghiêm túc trong vấn đề này bởi nó sẽ gây bất lợi cho lợi ích của Bắc Kinh.
Khiêu khích mới nhất chứng minh rằng Trung Quốc đã không học được bài học nào từ quá khứ và vẫn tiếp tục lao vào con đường sai trái để quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng cách cưỡng ép các nước nhỏ hơn. Trung Quốc có vẻ như muốn cố viết lại các quy tắc toàn cầu theo cách của riêng mình mà không tính đến việc theo đuổi một chính sách như vậy có thể dẫn đến hậu quả. Theo chuyên gia Panda, Trung Quốc cần hiểu rằng một chiến lược như vậy sẽ đi ngược lại với lợi ích của họ và có thể thúc đẩy các liên minh tôn trọng chuẩn mực toàn cầu, để cùng nhau đối phó với Bắc Kinh.
Việt Nam đề cao thượng tôn pháp luật
Để ngăn chặn leo thang căng thẳng, Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc rút các tàu có hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia vào nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông, vốn là lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Panda, Việt Nam không hề muốn có xung đột với Trung Quốc nhưng sẽ không dung thứ cho những hành động khiêu khích.
"Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hôm 25/7.
Quan điểm này cũng được Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp của Phong trào Không liên kết (NAM) tại Caracas hôm 21/7. Theo Đại sứ, cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy các cuộc đàm phán để sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả. Đại sứ cũng kêu gọi các bên thực hiện tự kiềm chế và tranh các hành động làm phức tạp tình hình, bao gồm cả các hành động đơn phương và quân sự hóa Biển Đông.
Trước căng thẳng leo thang, Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự can thiệp phi lý của Trung Quốc vào hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí của các nước khác ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh năng lượng trong khu vực và nền hòa bình, ổn định tự do của thị trường năng lượng Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Như lẽ thường, Trung Quốc vẫn bác bỏ lời kêu gọi của chính nghĩa để bảo vệ cái gọi là chủ quyền của họ ở Biển Đông và nói vẫn đang duy trì giải quyết các tranh chấp với các nước liên quan thông qua đàm phán và tham vấn. Tuy vậy, theo ông Panda, lời nói và hành động của Trung Quốc luôn bất nhất và khó có thể đặt niềm tin vào Bắc Kinh khi họ vẫn không ngừng theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng trên toàn cầu để mở rộng ảnh hưởng chiến lược. Cách duy nhất để chứng tỏ thiện chí, đó là Trung Quốc phải rút ngay các tàu đang triển khai tại vùng biển của Việt Nam, không lặp lại những hành động mang tính phiêu lưu tương tự trong tương lai.
Theo HÙNG CƯỜNG/VOV
Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc đừng lầm lẫn sự kiềm chế của các nước láng giềng là yếu đuối Các chuyên gia quốc tế đã bày tỏ quan ngại về hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đã "phớt lờ" luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc cử nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép gần bãi Tư Chính, vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền...