Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Trị bị ngân hàng kiện ra tòa
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện 10 chủ tàu cá.
Trước đó, 10 chủ tàu cá này đã vay vốn đóng tàu theo Nghị đinh 67về một số chính sách phát triển thủy sản nhưng không trả nợ theo kỳ hạn đã cam kết, phát sinh nợ xấu và dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Đến giữa năm nay, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã cho 10 chủ tàu cá vay 178 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 144 tỷ đồng. Phía Ngân hàng đã nhiều lần làm việc với các chủ tàu để tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ.
Ngân hàng BIDV Chi nhánh Quảng Trị sẽ khởi kiện 10 chủ tàu cá đóng để xử lý nợ.
Tình trạng nợ kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Hiện, Ngân hàng đang hoàn thiện hồ sơ khởi kiện các chủ tàu để xử lý nợ.
Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị cho biết, vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 do các Ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm nhưng cho ngư dân vay lại chỉ với lãi suất 1%/năm là rất ưu đãi.
Theo ông Hồ Sỹ Trọng, hiện thời gian trả nợ được Trung ương nâng từ 11 năm lên 16 năm nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng an toàn về vốn, vừa phù hợp với vòng đời của tàu cá nên không thể gia hạn thêm được nữa.
“Đề nghị ngư dân cố gắng làm ăn tiết kiệm để hoàn trả nợ của Ngân hàng. Theo quy định nếu không trả nợ đúng hạn, ngoài nguyên nhân khách quan ra, thì phần không đúng hạn đó sẽ không được hỗ trợ lãi suất. Cuối cùng nếu không được nữa, Ngân hàng phải dùng chế tài để xử lý một vài tàu. Đặc biệt nếu phát hiện ra những tàu chây ì trả nợ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn mặc dù phải bán tàu đi để thu hồi thấp hơn vẫn phải làm”, ông Trọng nói.
Sau 1 thời gian triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản tại tỉnh Quảng Trị hầu hết các khoản vay đóng mới tàu cá đều bị chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu.
Các chủ tàu nêu ra hàng loạt nguyên nhân chậm trả nợ đối với ngân hàng như: Thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí chuyến biển; ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp…
Video đang HOT
Nhiều chủ tàu cá không trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng.
Ngư dân Hồ Văn Hoàn, ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng, những khoản nợ quá hạn, nợ xấu của ngư dân có nguyên nhân khách quan chứ không phải ngư dân chây ì, không muốn trả nợ cho Ngân hàng. Nếu Ngân hàng khởi kiện ngư dân để xử lý nợ, tàu bị thanh lý thì bà không còn phương tiện để vươn khơi, tìm nguồn trả nợ.
Ngư dân Hồ Văn Hoàn lo lắng: “Nếu chúng tôi làm ăn mà không có trách nhiệm với Ngân hàng thì đó là phạm luật. Nhưng bây giờ vướng nhiều vấn đề chồng chéo cho bà con. Chúng tôi mong Lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành kết hợp với Ngân hàng có cách tháo gỡ cho bà con. Cũng mong muốn cho Nghị định 67 thực sự đi vào cuộc sống và phải có cách nhìn thực tế hơn”.
Trong 2 năm 2016 và 2017, nhiều ngư dân tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu cá, chủ yếu là tàu vỏ thép. Ngư dân tỉnh này đã đóng mới 25 tàu cá, nâng cấp 118 tàu với tổng số tiền giải ngân hơn 431 tỉ đồng. Tàu đóng mới chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả hoạt động không như mong muốn, nhiều tàu thua lỗ.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, gần 2 năm nay, chủ một số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 không trả được nợ theo cam kết, chuyển sang nợ xấu.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu thực hiện đúng hợp đồng cam kết với ngân hàng. Ngư dân đã được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước phải có trách nhiệm trả nợ cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng.
“Không có Ngân hàng nào phàn nàn nói rằng ngư dân chây ì, trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cam kết vay vốn với Ngân hàng. Tuy nhiên có nợ chậm, có nợ xấu, có nợ quá hạn nhưng chủ yếu do điều kiện khách quan”, ông Đồng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Xóa nợ, khoanh nợ, giản nợ thì trong quy định có rồi, mà quy định như vậy là quy định mềm, quy định theo hướng có lợi cho người dân. Khi xảy ra vấn đề gì, hai bên chấp hành đúng hợp đồng không bàn cãi về việc quá hạn mà cứ đưa hợp đồng ra để thực hiện đúng cam kết”./.
Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung
Ngân hàng dồn dập mua lại trái phiếu tăng vốn: Liệu có bất thường?
Mới đây, Ngân hàng BIDV thông báo mua lại 7.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, trong khi MB công bố mua lại 524 tỷ đồng trái phiếu. Liệu có ẩn tình nào khiến ngân hàng một mặt tăng mua về trái phiếu đã phát hành, mặt khác lại dồn dập phát hành trái phiếu mới?
Phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ là phương án tạm thời trong khi ngân hàng chưa tăng được vốn cấp 1. Ảnh: Đ.T
Chỉ là hoạt động "gối đầu" bình thường
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, 8 tháng đầu năm, số lượng phát hành trái phiếu của các nhà băng lên tới 56.000 tỷ đồng. Đi ngược lại với làn sóng tăng vốn, gần đây, một loạt ngân hàng thông báo mua lại trái phiếu phát hành.
Cụ thể, tuần qua, BIDV thông báo, ngày 19/9 tới, sẽ mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 2 năm 2014, kỳ hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 5 năm. Trước đó, ngày 8/8, ngân hàng này cũng mua lại 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, phát hành đợt 1 vào ngày 8/8/2014 cùng kỳ hạn với loại trên.
Như vậy, đến ngày 19/9, BIDV sẽ mua lại toàn bộ 7.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2014. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng tiền đồng, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV.
"Việc phát hành trái phiếu tăng vốn chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là tương đương 50% vốn cấp 1. Theo đó, các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn" - TS. Cấn Văn Lực
Không chỉ BIDV, mới đây, MB cũng công bố mua lại 524 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số gần 2.995 tỷ đồng phát hành năm 2018. Thời hạn của trái phiếu mua lại là 5 năm 1 ngày. Sau khi thực hiện, lượng trái phiếu phát hành năm 2018 còn lại theo mệnh giá của MB là gần 2.471 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền và đáo hạn năm 2023.
Vậy đâu là lý do khiến các ngân hàng một mặt dồn dập phát hành trái phiếu, song lại tăng cường mua về trái phiếu phát hành? Theo lãnh đạo MB, mục đích mua lại trái phiếu đợt này là thực hiện theo yêu cầu của các trái chủ.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng BIDV cho hay, mua lại trái phiếu cấp 2 là hoạt động bình thường của các ngân hàng. Trước hết, cấu trúc của sản phẩm trái phiếu tăng vốn này ngay từ đầu đã quy định quyền mua lại và cam kết mua lại của ngân hàng với nhà đầu tư sau 5 năm.
Hơn nữa, theo thiết kế của sản phẩm, sau thời hạn cam kết mua lại, nếu ngân hàng không mua, sẽ phải chịu "lãi phạt" cao hơn lãi suất thời kỳ đầu. Vì vậy, ngân hàng mua lại trái phiếu ngoài thực hiện cam kết với nhà đầu tư, còn là để tránh việc phải trả lãi cao.
Chưa tăng vốn cấp 1, ngân hàng còn phải liên tục "gối đầu" trái phiếu
Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay, nhu cầu tăng vốn cấp 1 để cải thiện hệ số CAR của các nhà băng đều rất lớn, song việc tăng vốn cấp 1 không đơn giản. Do đó, nhiều năm nay, hầu hết các ngân hàng đều nỗ lực tăng vốn cấp 1 bằng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 1 (tỷ lệ trái phiếu thứ cấp và nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 tối đa 50% vốn cấp 1).
Do trái phiếu cấp 2 có kỳ hạn và ngân hàng phải thực hiện cam kết mua lại với nhà đầu tư, nên hoạt động mua đi, bán lại để "gối đầu" trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng diễn ra liên tục. Đơn cử, cùng với việc mua lại 3.300 trái phiếu tăng vốn cấp 2 từ năm 2014, đầu năm nay, BIDV công bố phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 và mới phát hành được tổng cộng 300 tỷ đồng vào tháng 6 và tháng 7/2019.
Mới đây, BIDV thông báo phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền để tăng vốn cấp 2 (gồm 2.500 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm và 500 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm).
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ là phương án tạm thời trong khi ngân hàng chưa tăng được vốn cấp 1.
"Việc phát hành trái phiếu tăng vốn chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là tương đương 50% vốn cấp 1. Theo đó, các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn. Giải quyết gốc gác bài toán tăng vốn vẫn phải là thông qua chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư, tức tăng vốn cấp 1", TS. Lực nói.
Đồng tình ý kiến này, nhiều chuyên gia cảnh báo, quá lạm dụng phát hành trái phiếu tăng vốn sẽ tạo rủi ro và gây áp lực cho ngân hàng trong tương lai, cả về lãi suất và áp lực vốn khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu. Tuy nhiên, trong khi chưa thể sớm tăng vốn cấp 1, giải pháp này vẫn sẽ được ngân hàng tăng cường sử dụng. Đây cũng là lý do khiến hoạt động mua đi, bán lại gối đầu trái phiếu tăng vốn cấp 2 tiếp tục nhộn nhịp trong những năm tới.
Không phải ngân hàng thích mua là mua
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng BIDV cho biết, nói chung, với trái phiếu tăng vốn cấp 2, ngân hàng khi phát hành thường cam kết mua lại sau 5 năm. "Trái phiếu tăng vốn là sản phẩm chuẩn mực của thị trường tài chính và phải đáp ứng được các quy định của Ngân hàng Nhà nước, không phải ngân hàng thích mua là mua, thích phát hành thì phát hành. Việc ngân hàng mua lại trái phiếu do đến thời điểm đáo hạn là hoạt động bình thường", ông Quỳnh khẳng định.
Thùy Liên
Theo baodautu.vn
Nhờ đâu cổ phiếu BID lại lọt rổ VN30? Sàn HoSE vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2019, có hiệu lực từ ngày 5/8/2019. Theo đó, BID của ngân hàng BIDV được lựa chọn vào rổ VN30 trong đợt cơ cấu này. BID trở lại rổ VN30 nhờ duy trì được tính thanh khoản cao trong rổ cổ phiếu ngân hàng Sau đợt cơ...