Nhiều chủ cửa hàng sập bẫy lừa từ biên lai chuyển khoản giả
Thời gian qua, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến giao dịch, chuyển khoản, thanh toán tiền mua hàng hóa qua mạng Internet.
Tuy nhiên, vì sự chủ quan, mất cảnh giác và nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng, bị chiếm đoạt từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, chị Nguyễn Thị H. (SN 1996, trú tại phường Tây Lộc, TP Huế), chủ một cửa hàng kinh doanh ổ khóa các loại đến Công an TP Huế trình báo sự việc bị một đối tượng gọi điện thoại đặt mua hàng, sau đó dùng thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn của chị H.
Chị Nguyễn Thị H. (ngồi giữa) bị kẻ gian lừa đảo, trình báo tại Công an TP Huế.
Theo trình báo của chị H, đối tượng này gọi điện và tự xưng là cán bộ của một cơ quan đóng trên địa bàn TP Huế và cho biết cần đặt mua 100 bộ khóa. Để lấy lòng tin của chị H, đối tượng cung cấp địa chỉ cụ thể của cơ quan và chuyển khoản đặt cọc trước cho chị H số tiền 1,5 triệu đồng. Do cửa hàng chị H không có loại khóa mà đối tượng cần mua nên đối tượng này nhờ chị H đặt mua một số sản phẩm và nói sẽ chuyển khoản trước cho chị H 100 triệu đồng để nhờ chị H mua hàng.
Đối tượng còn cung cấp cho chị H số điện thoại của người bán loại mặt hàng mà đối tượng yêu cầu. Ngay sau đó đối tượng chuyển cho chị H hình ảnh biên lai đã chuyển khoản thành công 100 triệu đồng. Lúc này, tài khoản ngân hàng chị H chưa nhận được tiền nhưng đối tượng liên tục gọi điện thoại thuyết phục với lý do “Việc chuyển tiền của ngân hàng vào ngày cuối tuần có thể bị chậm”.
Video đang HOT
Do tin tưởng đối tượng đã chuyển thành công 100 triệu đồng nên chị H. gọi vào số điện thoại mà đối tượng cung cấp để mua hàng và đặt cọc 80 triệu đồng theo yêu cầu. “Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, tôi gọi điện đến các số điện thoại do các đối tượng cung cấp trước đó thì không còn liên lạc được nữa. Lúc này tôi mới nhận ra là mình đã bị lừa. Qua kiểm tra lại thì phát hiện biên lai chuyển tiền 100 triệu đồng của đối tượng là biên lai giả”, chị H trình bày.
Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc của chị H, đơn vị đã cắt cử cán bộ tiến hành điều tra để làm rõ. Qua điều tra xác định, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chị H không mới và đã được cơ quan Công an tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các đối tượng thường nhắm đến là chủ các cửa hàng kinh doanh, chủ nhà hàng, đại lý vật liệu xây dựng… thường xuyên có hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, chuyển khoản thanh toán để thực hiện gọi điện đặt hàng, nhờ mua hàng. Sau đó các đối tượng này sử dụng hình ảnh biên lai chuyển tiền thanh toán thành công được làm giả gửi đến chủ cửa hàng để tạo lòng tin.
“Bằng thủ đoạn này, có nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị sập bẫy lừa đảo, mất số tiền lớn do tin tưởng vào các hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả tinh vi”, Trung tá Lê Ngọc Minh cho biết thêm.
Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lừa đảo bà Trần T.T.H, chủ nhà hàng S.H. (đóng ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhiều triệu đồng thông qua việc đặt tiệc. Trước đó bà H nhận được cuộc gọi của một người lạ về việc đặt bàn tiệc khoảng 40 người, mỗi suất ăn 400 nghìn đồng, chưa kể nước uống với tổng giá trị bàn tiệc khoảng 16 triệu đồng.
Tiếp đó, người đặt tiệc nhờ bà H mua loại rượu có nhãn hiệu là Chateau Armaichal và Lé Bécases để phục vụ khách. Khi bà H thông báo nhà hàng và trên thị trường ở Huế không có 2 loại rượu trên thì vị khách này chuyển số điện thoại người cung cấp rượu để nhờ bà H đặt mua. Bà H chuyển hơn 4,3 triệu đồng tiền mua rượu và sau đó yêu cầu vị khách chuyển lại tiền mua rượu kèm tiền cọc bàn tiệc.
Lúc này đối tượng thông báo đã chuyển thành công cho bà H. số tiền 15 triệu đồng kèm hình ảnh biên lai chuyển tiền qua zalo. Do không biết hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả nên bà H vẫn cho nhân viên làm tiệc. Đến giờ hẹn không thấy khách đến, gọi điện thoại vào số của người đặt tiệc thì “thuê bao không liên lạc được”, lúc này bà H mới hay mình trúng quả lừa và mất luôn số tiền đã chuyển tiền đặt mua rượu nên mới vội vàng trình báo đến cơ quan Công an.
Theo Công an TP Huế, trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao sử dụng hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả để lừa đảo các chủ cửa hàng, chủ nhà hàng được cơ quan Công an tiếp nhận điều tra. Do các biên lai chuyển khoản có giao diện rất khó phân biệt với đầy đủ thông tin và phông chữ như thật nên Công an TP Huế khuyến cáo người dân, chủ cửa hàng, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, chuyển khoản thanh toán.
Để tránh bẫy lừa đảo này, cơ quan Công an yêu cầu người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng có đề nghị mua hàng hóa số lượng lớn. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.
Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email cho bất kỳ ai, kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo nhằm được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Nói "việc nhẹ lương cao" ở Tây Ninh nhưng đưa sang Campuchia
Sau khi đăng ký trên mạng xã hội (MXH), đến tỉnh Tây Ninh làm việc, nhiều thanh niên Quảng Ngãi bất ngờ bị cưỡng ép đưa sang Campuchia, làm công việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính người dân quê mình thông qua MXH.
Hầu hết nạn nhân bị đánh đập nếu không làm việc hoặc không đạt chỉ tiêu.
Ngày 4/4, anh Nguyễn Tấn Thanh (ngụ ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết cũng vì lên MXH tìm việc làm mà anh đã bị "sập bẫy" lừa đưa sang Campuchia. "Không có việc làm nên đầu năm 2024, em lên Facebook tìm việc và thấy có đăng bài tuyển nhân viên bốc xếp hàng hóa lương tháng 10 triệu đồng ở tỉnh Tây Ninh. Em đón xe vào Tây Ninh rồi có người đưa em qua Campuchia lúc nào em không biết. Tại đây, người phiên dịch cho em biết là làm trên máy tính chứ không bốc hàng. Lúc này em mới tá hỏa, biết bị lừa", anh Thanh kể lại và cho biết, mới đây, gia đình phải bỏ ra trên 100 triệu đồng mới chuộc Thanh về lại Việt Nam.
Một nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia làm việc với Công an tỉnh Quảng Ngãi sau khi gia đình chuộc về.
Cùng chuyến đi lên Tây Ninh tìm việc làm với anh Thanh còn có ông Nguyễn Thanh Hùng, cũng cùng ở huyện Nghĩa Hành. Ông Hùng kể: "Họ bắt chúng tôi mỗi ngày phải lừa ít nhất được một người với số tiền 600 USD. Nếu không thì họ kéo chúng tôi ra đánh đập, chích điện. Không thể làm công việc lừa đảo người dân quê mình nên tôi chỉ còn đường cầu cứu gia đình bỏ tiền ra, chuộc tôi về".
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi, tuần qua có nhiều trường hợp là người ở Quảng Ngãi bị lừa sang Campuchia được gia đình chuộc trở về nước. Số tiền chuộc mỗi người khoảng trăm triệu đồng; có trường hợp đã chuyển tiền chuộc nhưng vẫn chưa được về. Trước đây, thủ đoạn của đối tượng lừa thường đăng bài tuyển dụng lao động trên MXH giới thiệu việc làm tại Campuchia nhưng gần đây, chỉ ghi tại tỉnh Tây Ninh. Thậm chí đối tượng trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động đến Tây Ninh làm việc với những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn như cho ứng trước tiền để lo chi phí. Do không có được nhiều thông tin, nhất là thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an, nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin và bị "sập bẫy".
Khi nạn nhân tới Tây Ninh thì các đối tượng đã sử dụng nhiều cách để lừa xuất cảnh sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch và trái phép; đưa họ vào làm việc trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ với tần suất làm việc cao (15 - 16h/ngày) nhưng mức lương chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Quá trình ở Campuchia họ bị quản lý chặt chẽ, không được tự do đi lại và liên hệ với bên ngoài. Khi không đáp ứng được tần suất làm việc, chỉ tiêu được giao, vi phạm quy định do phía chủ đề ra (như: làm việc không đủ giờ, không lôi kéo đủ số người tham gia đánh bạc trực tuyến, tìm cách liên hệ với bên ngoài...) thì bị tra tấn, đối xử thậm tệ.
Thượng tá Phạm Quang Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua MXH, nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp có thẩm quyền cấp phép. Đồng thời, thông tin đến người thân trong gia đình và những người xung quanh biết để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa giới thiệu việc làm
Nhận 'chạy án', chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng Ngày 1/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Văn Lưu (SN 1994, trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo thông tin điều tra ban đầu,...