Nhiếp ảnh gia Mỹ nhức nhối cùng nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Damir Sagolj của hãng thông tấn Reuters đã sang Việt Nam tìm hiểu và thực hiện chùm ảnh về các nạn nhân của chất da cam/dioxin quái ác, hậu quả của những gì người Mỹ đã gieo rắc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam hơn 40 năm về trước.
Cựu chiến binh Nguyen Hong Phuc, 63 tuổi, ngồi trên giường với cậu con trai bị di chứng chất độc da cam Nguyen Dinh Loc, 20 tuổi
Lao Động lược dịch bài viết đăng trên Reuters ngày 22.4 của nhiếp ảnh gia này.
Ngày 30.4.2015 đánh dấu 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn phải chịu đựng những vết thương về cả tinh thần và thể chất nghiêm trọng, đặc biệt là những nỗi đau nhức nhối do chất độc màu da cam để lại.
Nếu bạn ở trên máy bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng rồi nhìn qua cánh cửa máy bay, giữa những tòa nhà và bức tường màu vàng chia tách sân bay này khỏi những khu phố đông đúc, bạn sẽ nhìn thấy một vết sẹo xấu xí để lại do cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Đây là nơi những thùng chất da cam/dioxin quân đội Mỹ lưu giữ tại sân bay này rồi gieo rắc trên khắp đất nước Việt Nam. Giờ đây, hơn 40 năm trôi qua, vị trí cuối cùng hứng chịu thứ chất độc này đã được khử nhiễm.
Khi ngày kỷ niệm sắp tới, tôi vẫn muốn thực hiện một câu chuyện về chất da cam dù nó không còn mới mẻ. Một số đồng nghiệp của tôi đã cau mày và hỏi: Tôi không thể tìm một thứ gì đó mới thay vì kể đi kể lại một câu chuyện?
Tôi không thể nhớ tôi đã nghe ở đâu và khi nào, nhưng tôi nhớ có một lời khuyên rằng: Dù một câu chuyện đã được kể bao nhiêu lần và bao nhiêu người đã khai thác nó, hãy cứ làm như thể bạn là người đầu tiên và duy nhất được chứng kiến nó. Tôi nghe lời khuyên này nhiều lần trước đây và giờ tôi lại nghe như vậy.
Cựu chiến binh Le Văn Dan có hai cháu trai cũng bị nhiễm chất độc da cam
Tôi và một đồng nghiệp người Việt đã quyết định đi khắp Việt Nam, một đất nước trải dài hơn 1.500km từ Bắc đến Nam, với một số lượng lớn những người vẫn chịu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin.
Video đang HOT
Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) nói với Reuters rằng, hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với loại chất độc hại này và hơn 3 triệu người đã mắc những căn bệnh chết người do ảnh hưởng của nó.
Nhưng ngay sau khi tôi bắt đầu chụp những bức ảnh và nói chuyện với các nạn nhân và người thân của họ, tôi nhận thấy nên nghĩ lại cách thức thực hiện câu chuyện. Phản ứng tự nhiên và ngay lập tức của tôi khi đó là đến gần hơn, chủ yếu là tiếp cận khuôn mặt họ để thấy rõ những gì đã xảy ra trên thân thể những nạn nhân này.
Tại một trung tâm bảo trợ xã hội ở ngoại ô Hà Nội, sau khi ghi lại chân dung của một số trẻ em bị nhiễm chất da cam/ dioxin, tôi cảm thấy kế hoạch ban đầu của mình là sai lầm. Tôi có những đôi mắt, những khuôn mặt bị tổn thương nhưng tôi đang thiếu đi thứ gì đó, có thể là câu chuyện ẩn sâu bên trong những số phận bất hạnh.
Tôi muốn đặt nó trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, 40 năm sau cuộc chiến tranh, để thấy các nạn nhân ở thế hệ thứ hai, thứ ba, họ ở đâu và họ sống như thế nào; để tìm hiểu tại sao con và cháu của những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin hiện nay vẫn sinh ra những người không lành lặn; để khám phá liệu họ có biết những nguy hiểm của thứ chất độc đó và nếu có thì họ phát hiện ra khi nào. Và tôi muốn ghi lại hình ảnh của tất cả những thứ đó.
Khi chúng tôi đến gần hơn những nơi trước kia là mặt trận, số lượng các nạn nhân da cam/dioxin dần tăng lên. Chúng tôi giữ liên lạc với VAVA và họ hỗ trợ chúng tôi những thông tin cần thiết, bao gồm số lượng nạn nhân và nơi họ sinh sống.
Tôi gặp cựu chiến binh Le Van Dan. Ông kể với tôi ông đã bị phun chất da cam trực tiếp như thế nào từ các máy bay Mỹ, cách không xa ngôi nhà ông ở hiện nay. Hai cháu trai của ông cũng bị ảnh hưởng bởi dioxin và sinh ra với thân thể khuyết tật.
Tại ngôi làng nhỏ ở Thái Bình, trong một căn phòng lạnh lẽo, trống không, tôi gặp Doan Thi Hong Gam. Người phụ nữ sống cô lập trong căn phòng này từ năm 16 tuổi vì vấn đề tâm thần. Đến nay, cô đã 38 tuổi. Cha của Gam là một cựu chiến binh, nằm trên chiếc giường trong căn phòng cạnh phòng con gái. Ông rất yếu và cũng bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh năm xưa.
Ông Do Duc Diu bên 12 ngôi mộ của 12 người con qua đời vì chất độc da cam
Tại một ngôi làng khác, cựu chiến binh Do Duc Diu chỉ cho tôi ngôi mộ ông xây cho 12 người con của mình, tất cả đều qua đời không lâu sau khi sinh ra không lành lặn. Bên cạnh đó còn 6 vị trí khác đã được dành sẵn cho 6 cô con gái của ông hiện vẫn còn sống nhưng rất yếu. Ông Diu cũng là một cựu chiến binh và bị nhiễm dioxin. Trong hơn 20 năm qua, ông và vợ ông đã có gắng để có một đứa con khỏe mạnh. Nhưng lần lượt từng đứa con của họ qua đời và họ nghĩ rằng đó là một lời nguyền hay một điều không may nên đã nhờ đến thầy cúng, nhưng cũng không thể thay đổi điều gì.
Họ phát hiện họ nhiễm chất da cam/dioxin chỉ sau khi đứa con thứ 15 của họ ra đời và cũng ốm yếu. Tôi đã chụp bức hình người con gái út của ông và điều này không hề dễ dàng chút nào.
Từng ngôi làng nối tiếp nhau, tôi ghi lại những bức ảnh đầy cảm xúc và thậm chí là những câu chuyện xót xa về các nạn nhân da cam.
Quay lại Đà Nẵng, bên cạnh sân bay quốc tế ở đây, chúng tôi đến thăm một đôi vợ chồng trẻ, những người từng sống và làm việc ở khu vực này từ cuối những năm 90. Khi họ mới chuyển đến đây sinh sống, người chồng thường câu cá, bắt ốc, hái rau quả về nhà ăn. Nhưng anh không biết rằng, chất da cam từng lưu trữ gần nơi anh sống đã nhiễm vào nguồn nước và tất cả mọi thứ xung quanh chiếc hồ gần đường băng.
Con gái của đôi vợ chồng trẻ ra đời ốm yếu năm 2000 và qua đời khi mới 7 tuổi. Tiếp đó, con trai họ chào đời năm 2008 nhưng cũng ốm yếu và cũng có những dấu hiệu tương tự như đứa con gái đầu lòng. Tôi chụp một vài bức ảnh và sau đó đưa gia đình họ đến bệnh viện để truyền máu cho cậu bé. Cậu bé mù và yếu ớt nắm ngón tay tôi rồi sau đó gửi một nụ hôn vô định. Tôi nhìn nó từ đằng xa và lặng lẽ bước đi.
Mỹ đã ngừng rải chất da cam ở Việt Nam năm 1971 và cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. 20 năm sau, nhiều người Việt Nam dường như không biết về nó. Giờ đây, 40 năm đã trôi qua, những đứa trẻ và bố mẹ chúng vẫn phải chịu những đau khổ và một phần lớn của câu chuyện vẫn chưa được kể. Chất da cam là một bi kịch lớn được tạo nên bởi nhiều bi kịch nhỏ, tất cả đều do con người gây ra.
Theo Thảo Nguyên/Reuters
Lao Động
Phía Tây biên giới - 40 năm sau: Ký ức kinh hoàng và nước mắt vẫn rơi
Loạt ký sự "Phía tây biên giới - 40 năm sau", của 2 nhà báo Gia Hiền và Đức Hoàng thực hiện phát trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đang mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đức Hoàng về loạt ký sự này.
Thưa anh, tại sao nhóm thực hiện chương trình lại chọn phía tây dãy Trường Sơn làm địa điểm để thực hiện loạt ký sự rất công phu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này?
Nhà báo Đức Hoàng (phải) chụp cùng một người rà phá bom mìn tại Campuchia. NVCC
- Chúng tôi muốn kể lịch sử theo một hướng mới mẻ, câu chuyện chiến tranh 40 năm trước ở phía đông dãy Trường Sơn đã được khai thác rất nhiều. Vì vậy có lẽ nhiều người sẽ quan tâm rằng những người dân Lào và Campuchia đã ra sao sau 40 năm kết thúc cuộc chiến? Chúng tôi đi trong vòng gần 3 tuần, gần như suốt dọc biên giới phía đông của Lào và Campuchia, tức là phía tây dãy Trường Sơn và phía tây Nam Bộ của Việt Nam.
Đó là khu vực mà nước Mỹ ném xuống một lượng bom khổng lồ. Riêng phía đông Campuchia thì Mỹ ném xuống 2,7 triệu tấn bom, nhiều hơn tổng số bom quân đồng minh ném trong thế chiến thứ 2, tính cả bom nguyên tử. Nó là kết quả của hàng trăm, hàng nghìn chuyến bay B52 rải thảm. Nơi này hứng bom nhiều như thế vì đó là đường vòng cho kênh vận chuyển của bộ đội Việt Nam. Nói như Tổng thống Mỹ Nixon khi ông ấy quyết định thực hiện chiến dịch đó, vì lo sợ ảnh hưởng của Bắc Việt lên khu vực này.
Điều gì khiến anh cảm thấy khó quên được trong suốt chuyến đi thực hiện ký sự?
- Hình ảnh tôi ám ảnh nhất trong chuyến đi chính là quyển sổ liên hệ công tác ở đây. Nó gần giống như mọi quyển sổ liên hệ khác của nước ta: Có tên tuổi, có cơ quan, có mục đích đến làm việc. Nhưng vì đấy là quyển sổ đi vào bãi bom nên bên cạnh tên người còn có một mục là nhóm máu. Mỗi người chúng tôi ghi đại một nhóm máu khác nhau. Tôi viết AB, Gia Hiền thì O, để nếu cần tiếp máu thì cũng tiện.
Tôi nghĩ, nếu chẳng may bom nổ, thì kiểu khai đại khái như thế chả phục vụ được cho công tác nhận dạng thi thể. Trước đấy anh em chúng tôi không hề sợ gì, vẫn chụp ảnh trước biển cấm bước vào bãi bom. Nhưng khi khai nhóm máu rồi thì bắt đầu thấy khác, bước vào con đường mòn đó thì bắt đầu thấy sợ hãi...
Còn những người mà anh đã gặp, điều ấn tượng nhất là gì?
- Hình ảnh chúng tôi ấn tượng nhất là về những con người cho đến hôm nay họ vẫn phải đi gỡ bom trên đất Campuchia. Nước bạn có một lực lượng dân sự để đi gỡ bom. Ở Việt Nam thì lực lượng gỡ bom chủ yếu là bộ đội công binh. Khi vào trong bãi mìn rồi, nói chuyện với người dò mìn, thấy họ hầu hết là những người đứng tuổi.
Họ cứ đi từ phía tây sang phía đông Campuchia suốt 20 năm. Bắt đầu từ những bãi mìn nguy hiểm hơn là bãi mìn Polpot rải khi trốn chạy, rồi đến các bãi bom mìn phía đông. Có những người 20 năm qua sống xa nhà. Khi tôi nói chuyện với một người rà phá bom từng học tại Việt Nam, ông ấy đã quên gần hết tiếng Việt rồi. Tôi nói chuyện bằng tiếng Anh, hỏi ông ấy là đi như thế này thì con cái có nhớ bố không? Ông ấy cũng nói bằng tiếng Anh, bảo là con cái quên mất tôi rồi. Sau đấy, ông ấy ngẫm nghĩ và nói một câu bằng tiếng Việt: "Tiếng Việt thì gọi là bình thường".
Tôi rất ám ảnh câu nói đó. Cái "bình thường" ấy có thể hiểu nghĩa là tác động của chiến tranh vẫn còn, có nghĩa ông ấy vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, những người rà phá bom mìn vẫn chưa thực sự có hòa bình.
Khi sang nước bạn làm phim, tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người, anh thấy họ nghĩ gì về Việt Nam?
- Công việc của chúng tôi khá thuận lợi vì những tổ chức rà phá bom mìn ở Campuchia hơi khác các cơ quan công quyền. Họ là một tổ chức được lập ra để xin tiền tài trợ, nên họ rất cởi mở. Là một cơ quan chính phủ nhưng nó gần như một tổ chức phi chính phủ (NGO). Họ muốn quảng bá thêm hình ảnh của mình để có thêm tài chính tiếp tục hoạt động. Lãnh đạo một chi nhánh nhỏ ở đấy tâm sự là nếu ngày mai công việc kết thúc thì tôi chỉ muốn có một trang trại nhỏ, để trồng xoài thôi, không muốn làm anh hùng, không muốn là người rà phá bom mìn nữa.
Thời gian cùng sát cánh với Việt Nam để kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua quá lâu, song có những người vẫn bật khóc khi nhớ đến. Có một ông bật khóc, tâm sự: Đến bây giờ vẫn không dám kể với con cái về ký ức kinh khủng ngày đấy. Ngôi làng bé tý mà hàng chục tấn bom Mỹ thả xuống một lúc. Nhưng ấn tượng về bộ đội Việt Nam nói chung là tốt. Một hình ảnh rất ý nghĩa nữa là ở Campuchia, người già chỉ vào đôi dép cao su tôi đang đi và nói hai chữ Hà Nội. Hà Nội chứ không phải Việt Nam.
Xin cảm ơn anh!
Loạt ký sự "Phía tây biên giới- 40 năm sau" của 2 nhà báo Gia Hiền và Đức Hoàng thực hiện gồm 7 tập, bắt đầu phát sóng trên kênh QPVN vào 21 giờ 15 ngày 20.4. Nhóm làm phim trở lại những tuyến đường Trường Sơn nối dài xuyên Đông Dương, xuyên Campuchia và Lào, tìm lại những dấu tích của đại đoàn quân giải phóng cách đây 40 năm và của những người đồng chí bên kia biên giới Tây Nam, kể lại câu chuyện về những cuộc đời đã bị phủ bụi thời gian.
Theo_Dân việt
Trùng trùng quân đi như sóng... Từ nay đến Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đơn vị sẽ tiếp tục có các buổi huấn luyện, hợp luyện. Những ngày này các khối lực lượng vũ trang Quân khu 7 đang nghiêm túc tập luyện diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn...