Nhiễm khuẩn huyết: có thể tử vong chỉ với một vết xước nhỏ
Nhiễm khuẩn huyết ( nhiễm trùng máu) xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn đến suy đa cơ quan, rối loạn đông máu hoặc suy gan, suy thận…
Chân của một em bé 3 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết có nguy cơ bị cắt bỏ
Các cơ quan bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải trong quá trình chống lại sự nhiễm trùng.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết khi xác định nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ sẽ xác định “ngõ vào” của vi khuẩn, ví dụ nhiễm trùng máu hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… do trước đó người bệnh đã bị nhiễm trùng các hệ này trước.
Các dấu hiệu ban đầu đôi khi có thể là chỉ là từ vết xước trên da, qua máu, máu đi khắp cơ thể, hàng rào bảo vệ bị phá vỡ thì nhiễm trùng huyết xâm nhập dễ dàng gây ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
Nếu bị nhiễm trùng xương hay còn gọi là chứng viêm tủy xương cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết.
Video đang HOT
Hoặc vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn huyết có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, các vết mổ, ống thông tiểu niệu đạo và các vết loét do nằm liệt giường.
Tùy theo tác nhân nào sẽ gây biến chứng nặng hoặc nhẹ, ví dụ nhiễm khuẩn huyết do viêm não mô cầu sẽ gây tử vong nhanh. Hoặc nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng, ecoli… Trong những trường hợp này, cơ sở y tế sẽ thông báo cho cơ quan địa phương phòng chống dịch do các tác nhân này gây ra dẫn đến nhiễm trùng huyết khiến bệnh nhân tử vong.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên một số nhóm có nguy cơ cao hơn như nhóm người bị suy giảm hệ miễn dịch (mắc các bệnh như HIV/AIDS, ung thư); trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; người cao tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe; người mới phẫu thuật trong thời gian gần đây; bệnh nhân tiểu đường…
Cơ chế đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến chân tay và các cơ quan nội tạng, dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy. Trong một vài trường hợp, một hoặc vài cơ quan nội tạng có thể bị suy chức năng.
Trường hợp xảy ra “sốc nhiễm khuẩn” có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng ở một số bộ phận như phổi, thận và gan. Thậm chí, triệu chứng này có thể gây tử vong.
Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết
Do nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên bệnh cũng có nhiều triệu chứng khác nhau.
Tuy nhiên, nhiễm khuẩn huyết sẽ có đầy đủ các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc như: dấu hiệu đầu tiên là sốt cao, nhiệt độ cơ thể không ổn định; thở gấp hoặc rối loạn nhịp thở; ớn lạnh; đi tiểu ít hơn bình thường; mạch nhanh; thở nhanh; buồn nôn, ói mửa; bị tiêu chảy.
Nhiễm trùng huyết có thể điều trị hết nếu gặp các biểu hiện trên, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị tích cực.
Để xác định có phải nhiễm trùng huyết hay không bác sĩ sẽ cho làm những kiểm tra chuyên sâu, cấy máu, xác định vi khuẩn trong máu, nguồn lây nhiễm từ đâu, số lượng tiểu cầu, thay đổi chức năng gan thận…
Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn bị nhiễm khuẩn huyết, bạn sẽ được khuyến cáo vào khoa chăm sóc đặc biệt. Taị đây, các bác sĩ sẽ cố gắng để ngăn chặn sự nhiễm trùng, kiểm soát chức năng hoạt động của các cơ quan và điều chỉnh huyết áp cân bằng.
Khi bác sĩ xác định được nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc cho với mục tiêu diệt loại vi khuẩn cụ thể gây bệnh. Thông thường, bác sĩ kê đơn thuốc giảm huyết áp để cải thiện huyết áp.
Nếu trường hợp bệnh nhân trầm trọng, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị khác như dùng máy thở hoặc lọc máu. Một vài trường hợp phải phẫu thuật để loại bỏ nhiễm trùng.
“Nhiễm trùng huyết không phải bệnh nhưng đây là tình trạng nguy kịch có thể gây tử vong cho bệnh nhân, hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, mọi người thường hay nói nhiễm trùng huyết có thể tử vong chỉ từ một vết xước nhỏ. Mọi người cần lưu ý để được điều trị ngõ vào gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết sớm”- BS Duy Phong khuyến cáo.
Theo tuoitre.vn
Bác sĩ không thể cứu được tay chân bé gái 3 tuổi
Bé Đèo Anh Thư bị nhiễm khuẩn huyết, tay chân hoại tử, bác sĩ cứu được tính mạng song phải đoạn các chi của cháu.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé được bệnh viện tỉnh Lai Châu chuyển đến trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, tay chân bị hoại tử và phải thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh. Các kết quả xét nghiệm loại trừ bệnh than, liên cầu lợn, xác định bé bị tắc mạch ngoại vi ở các chi do nhiễm khuẩn huyết, dẫn đến hoại tử.
Các bác sĩ tập trung cứu tính mạng cháu. Hiện bé đã qua cơn nguy kịch, song không thể giữ lại được bàn tay phải, cẳng tay trái.
"Bé mới 3 tuổi. Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn phải đoạn tay của bé. Khi sức khỏe cháu khá hơn sẽ phải tháo khớp đôi bàn chân vì chúng không còn sự sống nữa. Khi đó sức khỏe của cháu mới ổn định được", bác sĩ Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tác nhân gây nhiễm khuẩn huyết rất nhiều, có thể chỉ là một vết xước trên da, vết côn trùng đốt hoặc thậm chí viêm răng, viêm họng... sau đó vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nên nhiễm trùng. Tuy nhiên với bé, vẫn chưa xác định được loại vi khuẩn nào gây nhiễm khuẩn huyết.
Bé Thư sau ca phẫu thuật đoạn hai tay, sắp tới phải tháo khớp hai bàn chân hoại tử. Ảnh: N.P.
Sau nửa tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), chị Tẩn Thị Hồng 25 tuổi ở Lai Châu vẫn không tin được việc xảy ra với cô con gái 3 tuổi của mình. Vừa dùng khăn lau mồ hôi ở đầu và lưng cho con, chị vừa cố gắng an ủi làm dịu cơn đau ở cổ tay nhỏ xíu. Nơi đó đang được băng kín mít. Người mẹ không biết sẽ giải thích với con thế nào về việc bác sĩ đã phải cắt bỏ hai bàn tay con. Chị đau xót hơn nữa là vài ngày sau khi cơ thể con hồi phục sẽ tiếp tục phải vào phòng mổ để cắt đôi chân đang bị hoại tử.
"Sinh ra con đầy đủ tay chân, nay phải cắt bỏ thì thật là đau xót", người mẹ nghẹn lời. Trước đó mỗi lần nhìn thấy hai tay bị hoại tử đen khô, cháu đều khóc. Vậy mà sau khi cắt bỏ tay, bé Thư không khóc mà chỉ kêu đau chỗ băng bó vết thương tay.
Người mẹ cho biết con vốn khỏe, cho đến gần một tháng trước ăn kém rồi sốt. Chị nghĩ con ốm vặt do thời tiết, uống thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đêm 24/3, cháu sốt cao rồi ngủ li bì, sáng hôm sau tay chân có vết phồng như bỏng nước và tím đen. Vào bệnh viện huyện khám, bé được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Bác sĩ làm xét nghiệm và loại trừ khả năng bé bị nhiễm liên cầu khuẩn. Ngày 26/3 bệnh viện tỉnh chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Hà An (VNE)
90% mọi người đều thực hiện sai 10 phương pháp sơ cứu cơ bản này Dưới đây đều là những phương pháp sơ cứu rất đơn giản nhưng hầu như ai cũng thực hiện sai vì những lầm tưởng tai hại. 1. Vệ sinh vết thương hở Phương pháp sai: Thông thường, mọi người sẽ dùng peroxide, iodine, và rượu để vệ sinh vết thương hở. Nhưng peroxide lại phá hủy mô liên kết, khiến cho vết thương...