“Nhất xuyến trân châu” trong vòng vây Mỹ
“Nhất xuyến trân châu” (Chuỗi ngọc trai) là chuỗi liên hoàn các “chốt” được xem như tiền đồn hải ngoại cho tham vọng mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc. Thực tế thì Trung Quốc khó có thể thành công trong ý đồ này.
Tham vọng và thực tế
Tháng 2/2014, Ngoại trưởng Sri Lanka Gamini Lakshman đến Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều nhằm “thúc đẩy hợp tác hàng hải toàn diện và cùng xây dựng con đường tơ lụa trên biển”. Khái niệm “con đường tơ lụa trên biển” lần đầu tiên được nhắc đến trong chuyến kinh lý Đông Nam Á đầu tiên của Tập Cận Bình vào tháng 10/2013, với việc tập trung phát triển hạ tầng đặc biệt hải cảng trong đó có kế hoạch chi gần 2 tỉ USD để nâng cấp cảng Kuantan (Malaysia). “Con đường tơ lụa trên biển” sẽ liên kết với “chuỗi ngọc trai” tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong đó có hai cứ điểm quan trọng (cảng Colombo ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan) để tạo thành mạng liên kết chiến lược hỗ trợ tham vọng mở rộng hoạt động quân sự của Bắc Kinh.
Trung Quốc không bao giờ thừa nhận yếu tố chính trị lẫn quân sự trong việc thiết lập “nhất xuyến trân châu”. Thuật từ này thật ra cũng không do Trung Quốc đặt. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong báo cáo mật “Energy Futures in Asia” 2004 do nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton thực hiện và đệ trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld (sau đó rò rỉ và lọt lên tờ Washington Times năm 2005). Báo cáo cho biết Trung Quốc đã xây dựng loạt căn cứ chiến lược trải dài từ Nam Trung Quốc đến Trung Đông. Đó là những căn cứ tiền đồn hải quân hoặc trạm nghe lén. Ba “hạt ngọc” to nhất trong “chuỗi ngọc trai” là Ramree (Myanmar), Colombo (Sri Lanka) và Gwadar (Pakistan).
Hải quân Mỹ dày đặc tại Thái Bình Dương
Video đang HOT
Là bán đảo hoang vắng nằm phía bắc bờ Ấn Độ Dương của Myanmar, Ramreetheo tác giả Geoff Dyer (trong quyển “The Contest of the Century: The New Era of Competition with China and How America Can Win”; phát hành tháng 2/2014)là một trong những điểm nóng về địa chính trị thế kỷ XXI ít được để ý. Ramree có cảng nước sâu tự nhiên nhìn ra vịnh Bengal và nó cũng có thể là điểm bắt đầu của tuyến ống dẫn dầukhí đốt 2.806km chạy xuyên Bắc Myanmar, qua loạt rặng núi chập chùng và rừng rậm nhiệt đới, rồi cuối cùng đến Côn Minh (Trung Quốc).
Bán đảo này từng là nơi chứng kiến trận giao tranh ác liệt trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ II, kéo dài 6 tuần đầu năm 1945, khi phe đồng minh đụng độ với Nhật. Đại bại, lính Nhật trốn chạy, băng qua cánh đầm đước lầy lội trong đêm tối mịt mù và bị cá sấu nuốt chửng. Sách Kỷ lục Thế giới (Guinness) ghi nhận có đến gần 1.000 lính Nhật bị chết trong đầm lầy này. Với phe Đồng minh, Ramree là một cứ điểm chiến lược quan trọng bởi nó giúp dễ tiếp cận đường biển. Với Trung Quốc hiện tại, Ramree cũng đóng vai trò tương tự. Nó là cánh cửa trực tiếp mở ra Ấn Độ Dương. Nhờ tuyến ống dẫn bắt đầu từ Ramree (một dự án với kinh phí 2,5 tỉ USD), Trung Quốc không còn lệ thuộc eo Malacca đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự thay đổi đột ngột trong quan hệ với Bắc Kinh, Myanmar đã “treo” dự án tuyến ống dẫn Ramree…
Tại Sri Lanka, đảo quốc với vị trí chiến lược nằm ở điểm giao nhau của vịnh Bengal và Biển Arab, Công ty xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC) đang xây một hải cảng khổng lồ có thể chứa tàu dầu và làm trạm tiếp liệu. Cảng nằm ở Hambantota, thị trấn quê nhà của Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Trung Quốc đã “mua đứt” Chính phủ Sri Lanka bằng nhiều màn “hối lộ” hào phóng trong đó có việc xây một sân vận động cũng như viện trợ quân sự 1 tỉ USD/năm! Bằng cách tương tự, Bắc Kinh cũng mua chuộc được Chính phủ Pakistan để được đầu tư xây cảng nước sâu Gwadarmột hải cảng chiến lược quan trọng với vị trí nằm gần ngõ vào eo biển Hormuz (nút thắt cực kỳ quan trọng đối với nguồn vận chuyển dầu hỏa thế giới).
Tuy nhiên, thực tế không triển vọng như được tưởng. Gwadar là một thành phố cô lập thuộc tỉnh Baluchistan nằm kẹp giữa Iran và Afghanistan, nơi các cuộc xung đột chống Chính phủ Islamabad xảy ra như cơm bữa trong suốt nhiều thập niên. Đường nhựa và hỏa xa từ Gwadar nối với các vùng khác tương đối giàu có hơn, chạy quanh Karachi và Lahore, luôn trong tình trạng nguy hiểm. Bản thân cảng Gwadar cũng không an toàn. Bởi nằm trên một đảo nhỏ nên nó nối vào đất liền bằng một cây cầu. Nếu xảy ra chiến tranh, chỉ một quả bom cũng cắt đứt Gwadar với bờ bên kia.
Bất luận thế nào, việc Bắc Kinh cố thiết lập các căn cứ quân sự hoặc bán quân sự ở hải ngoại cũng là điều họ không thể không nghĩ và không thể không làm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, căn cứ quân sự hải ngoại không chỉ là nơi giải quyết vấn đề hậu cần. Nó là một vùng có chủ quyền nằm trong một lãnh thổ có chủ quyền. Nó là đầu cầu của một mối quan hệ cực kỳ đặc biệt, một kiểu liên minh quốc phòng trong đó nước lớn hơn phải đảm bảo an ninh cho nước nhỏ, nơi nước lớn mượn đất làm căn cứ. Điều đó phải là một cam kết chắc chắn tuyệt đối. Nước nhỏ không thể đặt an ninh quốc gia mình trên bờ vực, vì họ có thể bị vạ lây nếu nước lớn đụng độ giao tranh với quốc gia nào đó.
Nói cách khác, muốn xây dựng căn cứ quân sự hải ngoại, Trung Quốc, trước hết, phải thiết lập một liên minh quân sự vững mạnh. Vấn đề ở chỗ, nước nào có thể tin Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ, nếu họ cho Trung Quốc “tạm trú” dựng căn cứ? Hơn nữa, liên minh quân sự còn là sự ràng buộc về quốc phòng hỗ tương. Liệu có nước nào sẵn sàng làm đồng minh quân sự để sẵn sàng đưa lính nhà đi cứu Trung Quốc một khi Trung Quốc lâm vào một cuộc chiến? Cuối cùng, quan trọng nhất, điều đầu tiên nhất thiết cần làm, mà phải làm trong thời gian rất dài, là xây dựng được lòng tin cậy tuyệt đối. Sẽ hoàn toàn không dễ để thuyết phục và đánh tan hoài nghi rằng, làm thế nào tôi có thể tin anh và cho phép anh mang vào nhà tôi tàu chiến súng ống để bảo vệ tôi chứ không phải để ngày nào đó xâm chiếm lãnh thổ tôi?
Trong vòng vây Mỹ
Muốn mở rộng hoạt động quân sự và đảm bảo thành công cho các chiến dịch quân sự, không thể không có các căn cứ hậu cần cho tiếp liệu, thực phẩm, đạn dược… Thiếu yếu tố căn bản này, hải quân Trung Quốc không thể “đánh bắt xa bờ”! Và cho dù có thể xây dựng thành công “nhất xuyến trân châu”, Trung Quốc cũng khó có thể thoát được vòng vây kín mít của Mỹ.
Máy bay tàng hình B-2 Spirit tại căn cứ không quân Hickam(Honolulu,Hawaii)
Quân đội Mỹ hiện áp dụng cùng lúc ba mô hình: quan trọng nhất là các “căn cứ hoạt động chính”, nơi quân đội Mỹ (và gia đình họ) đồn trú thường trực với loạt cơ sở hạ tầng phức tạp hỗ trợ, chẳng hạn Căn cứ không quân Ramstein ở Đức hay Căn cứ không quân Kadena ở Okinawa; kế đến là các “địa điểm hoạt động tiền phương”, nơi thường duy trì sự hiện diện quân sự tương đối khiêm tốn và được sử dụng tạm thời làm điểm chuyển quân, tiếp liệu, hậu cần hoặc huấn luyện, chẳng hạn cảng Sembawang ở Singapore; và cuối cùng là các “vị trí an ninh hợp tác” với sự chia sẻ hạ tầng giữa Mỹ và nước chủ nhà, nơi quân đội Mỹ gần như không hiện diện thường trực.
Hai mô hình sau đang được ưu tiên bởi giúp hạn chế kinh phí, có tính chiến lược cao và tính linh hoạt trong điều phối, lại ít khả năng xảy ra va chạm sự nhạy cảm chủ quyền với nước chủ nhà. Tính đến năm 2013, theo The Diplomat (5/2/2014), hiện Mỹ có khoảng 695 căn cứ hoặc cơ sở quân sự hải ngoại trong đó có 97 thuộc lãnh thổ Mỹ bên ngoài phạm vi nước Mỹ và 40 ở nước ngoàitập trung nhiều nhất ở ba nước (Đức với 179 căn cứ; Nhật 109 và Hàn Quốc 83). Đó là chưa kể 4.364 căn cứcơ sở quân sự tại nước Mỹ.
Tại châu Á, Hawaii là trung tâm quân sự lớn nhất và là xương sống của quân đội Mỹ. Là nơi đặt Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (lớn nhất trong tất cả Bộ Tư lệnh Mỹ), Hawaii có 161 cơ sở quân sự đáp ứng tất cả yêu cầu hoạt động quân sự, từ bộ binh, không quân, hải quân và thậm chí không gian, đến huấn luyện và liên lạc… Phối hợp với Hawaii là căn cứ phòng thủ tên lửa Alaska, nơi chịu trách nhiệm đánh trả tất cả cuộc tấn công tên lửa từ khắp Châu ÁThái Bình Dương. Tại đây có ba căn cứ không quân, ba căn cứ lục quân và 5 đồn Tuần duyên (Coast Guard)…
Ngoài Hawaii còn phải kể đến Guam, nơi được nâng cấp liên tục một thập niên qua. Đây là một trong những tiền đồn chiến lược của hải quân Mỹ, nơi đóng quân của Hạm đội tàu ngầm 15 và cũng là điểm ghé chân của tàu chiến thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Bảy… Mỹ đã giảm quân số tại các căn cứ ở Nhật lẫn Hàn Quốc (thật ra việc này không hề làm mất đi yếu tố chiến lược) nhưng lại có thêm vài điểm kết nối mới là Philippines, Australia và Singapore. Năm 2001, Singapore đã (bỏ khoảng 60 triệu USD tiền túi) xây xong căn cứ hải quân tại Changi để phục vụ tàu chiến Mỹ (kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm).
Một trong những kế hoạch tái phối trí quân sự đáng chú ý nhất là việc triển khai không lực tại châu Á. Tháng 7/2013, tướng Tư lệnh trưởng các hoạt động không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Herbert “Hawk” Carlisle, cho biết, ngoài việc luân chuyển chiến đấu cơ đến Australia, Không quân Mỹ còn đưa máy bay quân sự đến căn cứ Changi ở Singapore, căn cứ Korat ở Thái Lan, Trivandrum ở Ấn Độ, Puerto Princesa ở Philippines… (Foreign Policy 29/7/2013). Chưa hết, cuối năm 2013, Mỹ cũng có kế hoạch thuê 13,3 hecta đất tại đảo Saipan làm căn cứ không quân quy mô nhỏ (Saipan cách Guam chỉ 190km).
Trung Quốc làm thế nào có thể vẫy vùng trong vòng vây này, làm thế nào để hạn chế được sự bất đối xứng này, đặc biệt khi ngày càng xuất hiện nhiều liên minh quân sự với Mỹ, ở dạng này hay hình thác khác?
Theo PetroTimes