Nhặt thứ người ta vứt bỏ về “hô biến” thành đồ có giá, kiếm tiền triệu đều đều mỗi tháng
Hơn hai tháng qua, anh Trần Minh Tân (TP.Biên Hòa) đã bắt đầu tìm hiểu và làm ra những mô hình nhà gỗ với đủ mẫu mã, kiểu dáng thuần mộc.
Từ những lát gỗ vụn bỏ đi ở xưởng, anh đã hô biến chúng thành những sản phẩm kiếm tiền triệu mỗi tháng.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai, anh vốn có khiếu về mỹ thuật, hội họa và thích mày mò sáng chế từ những đồ phế thải. Trong một lần tình cờ lướt trang tin nước ngoài, anh nảy ra ý tưởng làm mô hình từ những miếng gỗ vụn nhỏ. Đây vừa là nguyên liệu dễ kiếm, vừa không tốn tiền mua, anh bắt đầu lên ý tưởng và làm mô hình mô phỏng những kiến trúc đã từng gặp qua trải nghiệm du lịch xuyên Việt của mình.
Mô hình anh Tân làm từ những miếng gỗ vụn
Ngoài gỗ vụn bỏ đi, anh còn tận dụng vỏ những loại hạt, tăm, đinh,… tạo nên những chi tiết sinh động cho mô hình
Nói về nghề làm đồ thủ công, anh Tân chia sẻ rằng nhiều người thường nghĩ đây là công việc dễ làm và ít bỏ công sức, nguyên liệu cũng dễ kiếm, không cần đầu tư nhiều nhưng nếu không có sự sáng tạo và biết tận dụng thì rất khó để ra thành phẩm, huống gì là bán kiếm tiền.
“ Làm đồ handmade, tưởng dễ mà khó. Dễ vì nghĩ ai làm cũng được, còn cái khó chính là để sản phẩm có nét riêng thì đòi hỏi nhiều tài năng từ người làm”, anh khẳng định.
Mỗi ngày, sau khi kết thúc công việc chính ngoài công trường, anh sẽ dành thời gian 1-2 tiếng chăm chút, mê mẩn góc nhỏ của mình. Gắn bó với đam mê làm đồ thủ công từ những năm tháng cấp 3, anh cho rằng đây là một nghệ thuật đặc biệt.
“Khi bắt đầu tìm hiểu về handmade, tôi đã biết làm những món quà đầu tiên tặng người yêu như khắc bút chì, nhà gỗ, nhà tăm tre. Dần dần qua thời gian học thiết kế, decor, mình càng nâng cao tay nghề hơn và cũng biết nhiều kỹ năng hơn để làm nhiều món đồ phức tạp khác. Mỗi khi hoàn thành và nhìn ngắm lại thành phẩm của mình, cảm giác rất tuyệt vời và giải tỏa stress”, anh chia sẻ.
Qua trải nghiệm những vùng đất mới, anh mô phỏng và sáng tạo thêm cho sản phẩm có nét riêng độc đáo
Đa dạng các loại mô hình, tiểu cảnh mini thu nhỏ
Anh cho biết mỗi miếng gỗ với kiểu dáng, màu sắc, đường vân khác nhau cho mình cảm giác muốn sáng tạo. Mô hình này nhìn tuy có vẻ dễ làm nhưng thật ra khi sắp xếp, phối màu, thêm vào những chi tiết phụ họa cũng là một nghệ thuật. Người làm cần biết cách tạo hình làm sao từ miếng gỗ thô cứng cho nó có cảm giác thật và sinh động nhất.
Từ một lần tình cờ bắt gặp những sản phẩm này ở nước ngoài, anh đã đi xin ngay gỗ vụn ở các xưởng và bắt tay làm. Là dân chuyên về thiết kế, anh từng tiếp xúc nhiều loại chất liệu khác nhau, nhưng với anh, gỗ luôn đem lại cảm giác gần gũi và nhiều cảm hứng sáng tạo nhất. Những miếng gỗ ngang dọc, xiên xẹo, không theo hình khối cũng có một hình dáng riêng để anh tận dụng, có cái thì dùng làm đế đặt bàn, cái thì dùng làm nhà, tàu lửa,…
“Tất cả là từ óc sáng tạo và cách sắp xếp của mình mà thôi”, anh khẳng định.
Góc “chế” đồ thủ công của anh Tân
Anh đang mài, xử lý lại phần gỗ bị mục, hư bằng cưa máy
Ngoài gỗ, anh còn tận dụng thêm nhiều vật phẩm tái chế khác như xác lá, vỏ các loại hạt, ống hút, đinh thép cũng nhặt nhạnh khắp nơi để tiểu cảnh thêm hoàn thiện và bắt mắt hơn.
Từ những mảnh gỗ thô sơ, anh bắt đầu mài và cưa, xử lý phần hư hỏng, sau đó đem phơi nắng, rồi tiến hành sơn màu, tạo hình… “Mỗi người thợ đều có một phong cách nhất định thể hiện trong sản phẩm của mình, trong quá trình làm mình cố gắng giữ nét mộc nhiều nhất có thể. Mình thích hình ảnh giản dị, nhuốm màu thời gian nên thường làm các chi tiết giả gỗ, rỉ sét, có màu cũ kĩ và bụi bặm một tí”. Những hình ảnh đó cho anh cảm giác như đang kể lại câu chuyện trong kí ức của mình.
Những miếng gỗ tưởng bỏ đi với nhiều hình thù khác nhau sẽ dễ sáng tạo thành nhiều kiểu dáng độc đáo
Cận cảnh một mô hình gỗ mini làm từ gỗ vụn có giá dao động 250-500.000 đồng
Là một người mê du lịch, anh thường tận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng từ các vùng đất đi qua để thổi hồn vào sản phẩm mô hình. “Làm sao màu sắc thật hài hòa, cách bố trí các chi tiết nhìn y như thật, đó là những câu hỏi nhắc nhở mình phải hoàn thành thật chỉn chu. Chỉ khi mình hài lòng thì khách hàng nhận sản phẩm mới có thể thích thú”, anh bày tỏ.
Trong tương lai, anh có dự định sẽ làm bộ sưu tập nhà mô phỏng lại kiến trúc của vùng Tây Bắc. Ngoài công việc chính là thiết kế nội thất, trung bình mỗi tháng anh có thể kiếm được vài triệu đồng từ công việc làm đồ thủ công này. Đến nay anh đã làm hơn 50 mô hình lớn nhỏ, mỗi cái có giá dao động từ 250.000-500.000 đồng tùy vào độ khó và chi tiết tiểu cảnh.
Độc đáo bức tường nghệ thuật được làm từ phế liệu ở Hà Nội
Người dân làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã dày công thu gom chai, lọ, đồ phế thải bỏ đi để trang trí thành 'con đường gốm sứ đặc biệt'.
Mảnh vỡ phế liệu từ chai lọ, bát đĩa hay là rác thải bỏ đi bằng gốm sứ, đó là các nguyên liệu chính để những người dân ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) dùng để làm nên các bức tường nghệ thuật này.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Hiên (ở ngõ 7 tổ dân phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc) - một trong 3 người đầu tiên của nhóm thực hiện con đường) cho biết, dự án này đã được chị ấp ủ từ lâu, nhưng tới khoảng giữa tháng 10/2020 thì nhóm mới bắt đầu làm những mảng tường đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Hiên - một trong 3 người đầu tiên của nhóm thực hiện những bức tranh tường từ phế thải.
Lúc mới bắt đầu làm, nhiều người vẫn không tin tưởng dự án sẽ thành công. Thế nhưng, với tất cả tâm huyết, chị và hai người bạn vẫn bắt tay vào làm những bức tranh đầu tiên.
"Dù rất nhiều người cho rằng, đó chỉ là một ý tưởng "trên mây", sẽ không bao giờ thực hiện được, nghe những câu nói đó cũng có đôi phần ấm ức, tủi thân nhưng vẫn quyết tâm làm. Sau một thời gian tự phác hoạ, trộn vôi vữa, cầm dao xây, chúng tôi đã thành công với bức tranh đầu tiên là 'làng Liên Mạc'", chị Hiên chia sẻ.
Những bức tranh làm bằng phế liệu mang thông điệp bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, sau bức tranh đầu tiên, nhóm đã nhận được những sự ủng hộ, giúp đỡ, gom góp các phế phẩm để tạo nên con đường này.
"Tuy bức tranh chưa được đẹp lắm nhưng đã có sự hưởng ứng từ một vài người. Đó là thành công bức đầu rồi. Sau đó, ngày càng nhiều người thu gom phế liệu ra ủng hộ chúng tôi, có người chỉ góp vài viên gạch, người miết mạch vữa, người lau tường... Thậm chí, có người vừa đi chợ về đã bắt tay vào làm", chị Hiên kể với cảm xúc vui mừng.
Hình ảnh đồng quê, làng xóm quen thuộc hiện lên qua các tác phẩm làm từ các mảnh vỏ chai, gạch ngói vỡ.
Sau bức tranh đầu tiên, nhóm lại rút ra được những kinh nghiệm để tạo nên những bức tranh đẹp hơn. "Sau mỗi bức tranh, chúng tôi càng rút ra nhiều kinh nghiệm. Nếu là người biết thưởng thức nghệ thuật, chắc chắn sẽ nhận ra khi càng đi sâu vào trong, các bức tranh sẽ càng đẹp.
Sau khi hoàn thành vào trước Tết, có một số người cũng nhận xét rằng, những bức tranh này không đẹp như 'con đường gốm sứ' nhưng tôi không hề thấy buồn, bởi quy mô 2 dự án hoàn toàn khác nhau. So sánh với dự án "Con đường gốm sứ" của TP Hà Nội thì thật khập khiễng", chị Hiên kể.
Những vỏ chai nhựa, lọ hoa, gạch vỡ... được ghép thành những bức tranh rất bắt mắt.
Khi được hỏi về ý nghĩa của con đường này, chị Hiên chia sẻ, chị muốn khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường của người dân bằng cách tái chế rác thải. "Khi chúng tôi đi tập thể dục quanh làng thì thấy trong mỗi gia đình rất nhiều rác. Có những thứ khi mang đi vứt vào thùng rác khiến người thu gom rác cũng cảm thấy khó chịu. Vốn làm con dâu trong một gia đình nghệ thuật, trong đầu tôi lúc này đặt ra câu hỏi, tại sao không biến những thứ này thành một bức hoạ trên tường".
"Nhiều lần, tôi ngồi tại cái đống rác rồi cứ mân mê rác để nghĩ xem viên gạch này, cái chai này mình sẽ vẽ như nào. Thế rồi, cả 3 người trong nhóm đã vạch ra kế hoạch, mỗi người một việc", chị Hiên nói tiếp.
Sau khi nhóm của chị hiên làm thành công, nhiều nhà trong xóm cũng đã bắt tay vào việc trang trí nhà mình.
Từng theo học ngành xây dựng và có 6 năm kinh nghiệm trong việc vẽ tranh, thiết kế tiểu cảnh cho các quán cà phê, ông Nguyễn Danh Hảo (47 tuổi) tự tay trang trí hai bên cổng nhà với hình ảnh hoa sen, cây tre và cầu Long Biên. Ông Hảo cho hay, trong 4 ngày thực hiện tác phẩm, ông dùng mảnh vỡ của hai bình gốm màu da lươn để tạo điểm nhấn lên tranh.
Những tấm hình giản đơn nhưng sống động, làm nổi bật cả con đường làng.
Ông Nguyễn Văn Thọ (56 tuổi) chia sẻ: ""Ban đầu tôi chỉ muốn trang trí xung quanh nhà nhưng chị Hiên tới đề xuất với tôi ý tưởng gắn các mảnh phế thải lên tường, tôi đồng ý làm và tham gia với nhóm. Một mình tôi trang trí bức tường nhà mất khoảng 2 tháng rưỡi".
Con ngõ dài khoảng hơn 200 mét được trang trí bằng những bức tranh với chất liệu là phế thải.
Chai lọ, bát hương vỡ, mảnh sành và gạch ốp lát... đều trở thành chất liệu để làm nên những bức tranh này. Tất cả do người dân gom góp.
Những đoạn chưa làm đến, người dân thay bằng những bức phù điêu.
Mỗi người lạ đi qua đều được ngắm nhìn những bức hoạ nghệ thuật.
Mỗi bức tranh được tạo nên từ các chất liệu phế phẩm khác nhau, mang ý nghĩa, thông điệp riêng, không chỉ góp phần làm đẹp con đường làng, mà còn kêu gọi bảo vệ môi trường, giảm rác thải của từng hộ dân.
Mẹo trang trí nhà đón Tết tiết kiệm mùa COVID-19 Dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các gia đình người nên việc sắm Tết và trang trí nhà cửa cũng cần khéo "co kéo" để tiết kiệm chi phí. Bắt đầu được nghỉ Tết, các chủ gia đình bận rộn lao vào dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Vừa có ít tiền vừa có ít thời gian, bạn...