Nhật muốn đưa Triều Tiên vào DS khủng bố
Ngày 13/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông có ý định yêu cầu Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và tăng cường trừng phạt tài chính sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân hôm 12/2 bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.
]Phát biểu trong phiên họp quốc hội, ông Abe nêu rõ: “Điều hết sức quan trọng là phạm vi Mỹ tăng cường trừng phạt tài chính lớn đến đâu, vì vậy Nhật Bản sẽ cần phải vận động hành lang với Mỹ”.
Thủ tướng Abe có ý nói việc Mỹ đóng băng tài sản của Triều Tiên tại một ngân hàng ở Macao từ năm 2005-2007, khi Bình Nhưỡng còn nằm trong danh sách khủng bố. Động thái này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên, vốn từng liên hệ vấn đề này với tiến triển trong đàm phán sáu bên về tham vọng hạt nhân của quốc gia này.
Cũng trong phiên họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Tokyo “không thể loại trừ khả năng” Triều Tiên sẽ thành công trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào tên lửa.
Trong diễn biến liên quan, tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman ra ngày 13/2 đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, coi đó là một vi phạm trực tiếp Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ các nghị quyết có liên quan của HĐBA, cụ thể là Nghị quyết 1718 (2006), 1874 (2009) và 2087 (năm 2013).
Hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày 12/2. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố “quan ngại nghiêm trọng” về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 12/2, khẳng định đây là ” sự vi phạm rõ ràng và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động gây hấn trong tương lai.
Cùng ngày, Đức đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Berlin tới để bày tỏ sự phản đối vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trước đó, theo AFP, Bộ Ngoại giao Anh ngày 13/2 cho biết đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại London tới sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba khiến cả thế giới tức giận.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire nói: “Tôi đã triệu Đại sứ Triều Tiên đến để nhấn mạnh lời lên án của Anh đối với vụ thử hạt nhân hôm qua bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.”
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cùng ngày khẳng định Jakarta quan ngại về việc Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, đồng thời kêu gọi nối lại cuộc đàm phán sáu bên để giải quyết vấn đề này.
Theo ông Marty, đối thoại đóng vai trò hết sức thiết yếu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên.
Theo 24h
Triều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân lần 3
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin nói rằng Triều Tiên vẫn đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân mới sau khi đã tiến hành hai vụ thử trong các năm 2006 và 2009.
"Trên thực tế, từ lâu nay miền Bắc vẫn đang chuẩn bị cho hoạt động thử nghiệm này", ông Kim cho biết trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày hôm qua (24/10).
"Và khi thời gian chín muồi cho một quyết định chính trị, nước này có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba này", ông Kim nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng nối lại các vòng đàm phát 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân vốn đã bị đóng băng từ năm 2008. Ông Kim cũng miêu tả chính quyền mới ở Triều Tiên dưới thời Kim Jong-Un là "khá ổn định".
Theo ông Kim, nhà lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng đã cố gắng tiến hành cải cách kinh tế nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa rõ ràng.
Hai binh sỹ Triều Tiên bảo vệ tên lửa đẩy Unha-3 tại Trung tâm vũ trụ Tangachai -ri ngày 8/4/2012
Tuy nhiên, ông Kim cũng cho rằng, Kim Jong-Un dường như vẫn theo đuổi chính sách "quân sự hàng đầu" giống người cha quá cố trước khi thực sự nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của người dân.
"Ông ấy vẫn còn trẻ, nghĩa là ông ta có thể mạnh bạo hơn so với thế hệ đi trước", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nhận xét.
Trong khi đó, Leon Panetta, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) nói rằng cách cư xử của nhà lãnh đạo Triều Tiên mới như thế nào vẫn còn là vấn đề để ngỏ.
"Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta vẫn chưa biết liệu ông ta có theo hay không theo những bước đi của người cha hay ông ấy sẽ mang đến một phong cách lãnh đạo mới trong tương lai".
Ông Panetta đã lên án lập trưởng "khiêu khích" của Triều Tiên và nói rằng Washington vẫn tái cam kết mạnh mẽ đối với an ninh trên Bán đảo Triều Tiên bằng số quân hiện đang đóng tại Hàn Quốc.
Mỹ hiện vẫn duy trì 28.500 binh sỹ ở Hàn Quốc cũng như nhiều hệ thống phòng thủ trong khu vực và sẽ đóng vai trò như một "cái ô hạt nhân" trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công.
Theo 24h