Nhật mất dần “ngai vàng” điện tử gia dụng?
Sự trỗi dậy của các tên tuổi nước ngoài đã khiến ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản mất dần thị phần và lâm vào cảnh khó khăn trong vài năm trở lại đây.
Quận Akihabara, trung tâm mua sắm hàng điện tử nổi tiếng nhất nước Nhật – Ảnh: Internet.
Hàng loạt “tin xấu” về thị phần, doanh thu, cắt giảm nhân sự… liên tục ập đến với các tập đoàn điện tử gia dụng Nhật Bản như Sony, Panasonic hay Sharp thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế xứ hoa anh đào. Điều gì đã xảy ra?
Ngủ quên trên chiến thắng
Trong chuyến công tác đến Nhật năm 2004, cây bút công nghệ Michael Gartenberg (Thời báo Phố Wall) đã rất ấn tượng khi trông thấy chiếc Librie của Sony, máy đọc sách dùng “mực điện tử” (e-ink) đầu tiên của thế giới vào thời điểm đó.
Khi ấy, Gartenberg đã bị thuyết phục chiếc máy hẳn sẽ đóng vai trò tiên phong của một làn sóng thiết bị điện tử gia dụng mới sắp đổ bộ lên thị trường Hoa Kì và phương Tây. Tuy nhiên đã có một vấn đề: hệ điều hành của Librie chỉ hỗ trợ tiếng Nhật, việc tải sách cần được thực hiện thông qua máy tính và các lựa chọn dịch vụ đều rất hạn chế.
Ngày nay, thiết bị Kindle của Amazon đang thống trị gần như tuyệt đối thị trường máy đọc sách điện tử, còn Sony lại đang ở vào thế “trầy vi tróc vảy” khi các thế hệ tiếp theo của chiếc Librie chỉ chiếm vỏn vẹn 2% thị trường này.
Thiết bị Librie của Sony ra mắt trước Amazon Kindle đến ba năm – Ảnh: Internet.
Video đang HOT
Biểu đồ thị trường thiết bị đọc sách điện tử năm 2012, Sony (Nhật) chiếm 2% thị phần so với con số 62% của Kindle (Amazon, Mỹ) – Ảnh: Internet.
Trên thực tế, kịch bản tương tự đã diễn ra không ngừng trong 20 năm qua đối với các tập đoàn điện tử Nhật, vốn một thời từng dẫn đầu thị trường thế giới. Họ làm được điều đó cũng như đánh bại mọi đối thủ nhờ sự đột phá, cách tân và cực kỳ sáng tạo trong khâu thiết kế phần cứng, từ TV màn hình phẳng cho đến điện thoại di động đa chức năng.
Thế nhưng, cũng trong hầu hết trường hợp, các đối thủ nước ngoài đã nhanh chóng phản công bằng việc cải tiến chất lượng sản phẩm nhanh chóng, sử dụng hệ điều hành/phần mềm thân thiện và dịch vụ trực tuyến đơn giản hơn, và không quên kèm theo một chiến lược tiếp thị thông minh.
“Chúng tôi (các công ty điện tử Nhật) đã quá tự tin về công nghệ và năng lực sản xuất của mình, kết cục là hiện nay chúng tôi mất phương hướng trong việc tìm hiểu khách hàng muốn gì” – chủ tịch Tập đoàn Panasonic Kazuhiro Tsuga phát biểu tại buổi họp báo nhậm chức vào tháng 6-2012, sau khi Panasonic chứng kiến khoản thua lỗ lớn nhất trong suốt 94 năm lịch sử hãng.
Tất cả đã khiến những niềm tự hào của công nghiệp điện tử Nhật, chẳng hạn Sharp, phải vật lộn với cảnh thua lỗ cùng giá cổ phiếu trượt dốc. Sony đang trong giai đoạn tái cơ cấu toàn bộ tập đoàn sau bốn năm liền kinh doanh không có lãi. Một ông lớn khác là Panasonic cũng đang lên kế hoạch cắt giảm dây chuyền sản xuất hàng điện tử gia dụng.
Ngoài ra, sự tăng giá của đồng yen cũng là tác nhân rất lớn góp phần giảm lợi nhuận của các lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài – một vấn đề mà người Hàn Quốc đã tránh được nhờ đồng won có giá trị yếu hơn. Như một hệ quả tất yếu, lợi nhuận suy yếu khiến các công ty Nhật cũng vì thế phải cắt giảm chi phí cho bộ phận nghiên cứu và sản xuất, đồng nghĩa với sự kém cạnh tranh trong việc tạo ra các sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Con số thua lỗ của ba tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản gồm Sony, Sharp và Panasonic lên đến… 20 tỉ USD trong năm tài khóa 2011. Đây là sự tương phản quá khác biệt so với thời kì hoàng kim vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, khi Nhật Bản thống trị toàn bộ thị trường điện tử dân dụng thế giới bao gồm chip nhớ, TV CRT màu và máy ghi âm băng cassette, còn bộ phận nghiên cứu của họ phát minh những thiết bị mang tính “cách mạng” của cả một thời kì như máy nghe nhạc di động Walkman, đầu đĩa CD và DVD…
Theo TTO
Câu chuyện buồn về ebook bản quyền ở Việt Nam
Khi ebook lậu thắng ebook thật.
Đi mua máy đọc sách điện tử như Kindle hay Nook ở các cửa hàng tại Hà Nội, hầu như ở đâu người mua cũng được khuyến mãi một đĩa CD với hàng nghìn đầu sách điện tử (ebook).
Đọc sách điển tử đang là xu hướng hiện nay tại VN.
Tất nhiên là không có bản quyền. Nhưng chẳng có người mua nào lại không vui vẻ nhận. Đó là một ví dụ về nạn vi phạm bản quyền sách điện tử, khiến các nhà xuất bản e dè khi tiến vào thị trường này.
Chia sẻ, hay vi phạm?
Cản trở lớn nhất với ebook vẫn là câu chuyện cũ đã và đang diễn ra với sách giấy - chuyện bản quyền. "Nếu không phát hành ebook, thì 1 - 2 tuần sau trên các trang chia sẻ sách, người ta mới gõ lại sách của chúng tôi, mà chất lượng không bằng. Nhưng nếu làm ebook thì chỉ 15 phút sau là sách bị bẻ khóa, mà chất lượng lại y hệt" - anh Nguyễn Xuân Minh - Phó phòng Tu thư, Cty Nhã Nam - cho biết.
Việc chia sẻ, lưu hành ebook trên các trang web đang tràn lan: Các nhóm học sinh, sinh viên hay những người thích đọc cùng đánh máy lại nội dung cuốn sách, rồi định dạng thành ebook để chia sẻ miễn phí. E-thuvien.com cung cấp hàng trăm đầu ebook. Vnthuquan trước đây là thư viện online, giờ có thêm định dạng ebook là epub cho người đọc đọc offline.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm được rất nhiều nguồn chia sẻ ebook miễn phí trên internet.
Hay trước đây đã xuất hiện dịch vụ tìm kiếm ebook tiếng Anh, người đọc có thể yêu cầu một đầu sách nào đó, quẹt thẻ trả tiền dịch vụ, nhóm này sẽ săn lùng trên Amazon hay các trang bán sách của nước ngoài để lôi về bản gốc tiếng Anh, đồng giá 50.000 đồng một quyển cho sách văn học và 10% giá bán của mỗi cuốn giáo trình. Tuy nhiên, trang web này đã sập sau 3 - 4 tháng hoạt động.
Mang danh là "chia sẻ", cung cấp sách miễn phí cho người yêu sách, nhưng đây rõ ràng là hành vi vi phạm bản quyền. Vài năm trước, Nhã Nam có viết thư thống thiết yêu cầu các trang web này rút những đầu sách của công ty mà họ đã đánh máy và tung lên mạng, nhưng không có phản hồi. Gần 30% số sách in của Nhã Nam được phát hành dưới dạng ebook.
Nhưng trên thực tế, thì tới 70% số sách in của Nhã Nam đã được các trang chia sẻ sách gõ lên rồi. Vì vậy, doanh thu từ ebook của Nhã Nam là khá thấp, hầu như không đáng kể. Anh Nguyễn Xuân Minh than thở: " Tình hình ở VN tương phản với ở nước ngoài. Ở Mỹ, ebook lậu cũng có, nhưng chỉ được lén lút đưa lên mạng, nếu có người thông báo, ebook đó sẽ bị xóa đi. Nhưng ở VN thì ngược lại, ebook lậu thắng thế ebook xịn".
Người tiêu dùng sử dụng ebook lậu rất thản nhiên ở VN.
Với sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách điện tử, hay sự phổ biến của mạng xã hội, thì ebook không bản quyền càng dễ lây lan. Hầu như mọi diễn đàn đều có box chia sẻ ebook. Xu hướng mới là các nhóm chia sẻ trong một quy mô hẹp - nơi các thành viên vẫn cố-gắng-tôn-trọng-bản-quyền. Chẳng hạn trên Facebook có "Hội ebook 6 tháng", tức là 6 tháng sau khi sách in phát hành, hội này mới làm ebook để chia sẻ.
Hay nhóm Bookaholic (Nghiện sách), chủ yếu là làm ebook văn học kinh điển, chia sẻ trong một nhóm hẹp. Khi các nhà xuất bản lên tiếng, các nhóm này sẵn sàng gỡ ebook đó khỏi trang của họ. "Lương tâm vẫn còn răng" - như một thành viên FB nói.
Công cụ luật pháp và ý thức người đọc
Để ebook phát triển, cần có cả chế tài pháp luật mạnh mẽ lẫn nhận thức của người đọc. Số nhà phát hành ebook chính thức ở VN mới đếm trên đầu ngón tay, trong đó đang hoạt động tích cực có Alezza, Lạc Việt hay mới nhất là Anybook. Nhưng ngay cả nhà phát hành cũng "quên" chuyện bản quyền khi mải chạy đua cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Một NXB cho biết, Anybook chưa ký thỏa thuận bản quyền (ít nhất là) với NXB của họ, nhưng đã đưa sách lên bán. Và với cái giá quá rẻ như quảng cáo, chỉ 2.000 - 15.000 đồng một cuốn, thì khó mà đủ chi trả các chi phí bản quyền cho NXB.
PGĐ Cty sách Phương Đông Nguyễn Thị Thanh Hà khuyến cáo, đọc ebook từ các nhà phát hành chính thức sẽ tốt hơn rất nhiều, với những phần mềm thông minh, chuẩn mực, hỗ trợ người đọc tốt hơn trong việc sao chép, tìm kiếm, đánh dấu, khác với những trang cung cấp ebook lậu nhiều lỗi hay dịch không chính xác.
Ông Trần Xuân Phương - GĐ Cty Vinapo - đơn vị điều hành trang bán ebook Alezza - cho biết, qua một năm hoạt động, ông thấy rằng ý thức bản quyền của người đọc có tốt hơn. "Điều quan trọng là luật bản quyền phải được thực thi mạnh mẽ, không chỉ với ebook, mà cả với các nội dung số khác như âm nhạc, phim ảnh" - ông Phương nói.
Ý thức bản quyền tốt hơn trong một phần người đọc hiện nay là lối nhỏ hy vọng để thị trường ebook phát triển. Nhưng số bạn đọc này vẫn còn rất ít ỏi ở VN, hay một số người Việt ở nước ngoài - nơi vấn đề bản quyền được giáo dục và thực thi nghiêm ngặt. Nên ebook vẫn bán được, dù không nhiều. Một đầu sách ebook được xem bán chạy của Nhã Nam là "Mật mã Tây Tạng", thì cũng chỉ có vài trăm lượt download.
Các trang web chia sẻ sách đã có hàng trăm nghìn thành viên, nên nếu pháp luật có chế tài để biến các trang đó thành một trang chia sẻ và kinh doanh có bản quyền, thu hút cộng đồng yêu sách và kêu gọi các nhà xuất bản cùng chung tay, thì đó là thị trường rất tiềm năng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó GĐ Cty sách Phương Đông - cho rằng, ebook vẫn có những đối tượng người đọc nhất định. Lo ngại nạn xâm phạm bản quyền, nhưng có những cuốn ebook của Phương Đông vẫn thu lại bản quyền tốt.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ - đơn vị đang rốt ráo thực hiện dự án số hóa toàn bộ sách của mình - cho rằng, làm ebook là sự phát triển và hoàn thiện của nhà xuất bản.
Theo ông Nhựt, vi phạm bản quyền thì bất kể là sách giấy hay sách điện tử, phòng thì chỉ phòng người ngay, bởi đến những công ty lớn như Amazon, Banners&Noble's, hay ngay cả Apple lẫn Microsoft còn bị vi phạm bản quyền, nên nếu nghĩ theo cách này thì sẽ không có lối ra. "Làm tốt thì độc giả sẽ ủng hộ" - ông nói.
Theo Genk
Kindle Fire 2 và Kindle Paperwhite đã có thể đặt hàng tại Việt Nam Ngày 6/9/2012 vừa qua chiếc máy tính bảng Kindle Fire thế hệ thứ 2 (Kindle Fire HD) và máy đọc sách thế hệ mới Kindle Paperwhite (Kindle Touch mới) đã được Amazon chính thức giới thiệu ra thị trường. Cũng như lần trước, các máy tính bảng và máy đọc sách mới của Amazon trở thành chủ đề được cộng đồng yêu công...