[NHẬT KÝ TỪ PHÒNG CÁCH LY]: Nữ sinh nhắn ‘mong đừng ai gian dối, trốn tránh’
‘Tôi mong đừng ai vì ích kỷ nhất thời mà trốn tránh, gian dối để lại hậu quả cho cộng đồng rất lớn’, nữ sinh đang cách ly phòng tránh Covid-19 ở Vĩnh Long chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên.
Bình yên ở nơi cách ly – Lệ Quyên
Nguyễn Thị Lệ Quyên, 27 tuổi, nữ sinh viên Trường ĐH Nữ Gwangju, quê ở Đồng Nai, đang cách ly ở Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình, Vĩnh Long vừa gửi tới Báo Thanh Niên ghi chép của cô trong những ngày ở đây. Mong muốn của cô là chia sẻ tinh thần lạc quan, tích cực cho những bạn đang cách ly, đồng thời hy vọng không có ai gian dối trong khai báo, né cách ly, gây tổn thất cho cộng đồng.
Tôi vừa tới Hàn Quốc, đăng ký môn học kỳ đầu tháng 3 tại Trường ĐH Nữ Gwangju thì công bố bùng dịch, tôi rất băn khoăn vì còn vài tháng nữa sẽ ra trường, nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định trở về.
Những ngày không thể quên
Khi tôi làm thủ tục, một chị người Hàn Quốc cho biết chúng tôi sẽ hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ, vì Tân Sơn Nhất dừng nhận các chuyến về từ Hàn Quốc. Chuyến bay ngày 1.3 dự kiến bắt đầu lúc 10 giờ 50 nhưng do quá đông người về nên 12 giờ 30 mới được cất cánh, lên máy bay không khí căng thẳng vẫn bao trùm. Khi chúng tôi vừa hạ cánh sân bay Cần Thơ đã có đoàn tới đón, chúng tôi được chở về Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình, Vĩnh Long.
Tôi được sắp xếp vào một phòng 3 giường, ở cùng có hai anh chị và một em bé mới 4 tháng tuổi. Sau khi được phát bánh bao ăn cho đỡ đói, tôi được phát dụng cụ vệ sinh cá nhân như kem đánh răng, bàn chải đánh răng, dầu gội, thau, xà phòng giặt đồ, mọi thứ đầy đủ hơn cả khách sạn. Chăn, gối, mùng, mọi thứ chỉ dành cho một người nên đồ gì cũng nhỏ cưng, dễ thương, hôm sau bạn tôi mang đồ ăn xuống thăm nhưng chỉ được đứng ngoài 10 phút nhìn vào rồi về.
Mọi người cùng dọn dẹp nơi ở – Ảnh Lệ Quyên
Mọi người cách ly chung với tôi tuy ít tuổi nhưng bạn nào củng chăm, giỏi ngoan, cùng hỗ trợ lẫn nhau. Chỉ sau một ngày là mọi người hòa nhập, thích nghi được, chúng tôi có cảm giác thân thuộc như quen biết nhau từ hồi nào.
Thời gian biểu trong trường quân sự mấy ngày đầu làm ai cũng bỡ ngỡ, bình thường ở Hàn Quốc hay ở Việt Nam tôi toàn ngủ khuya dậy trễ, thời gian sinh hoạt thất thường nhưng ở đây mọi thứ rất quy củ. Sáng sớm 5 giờ kém có đài phát thanh mở bài hát “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường”, sau đó tôi bắt đầu nghe những âm thanh rủ nhau đi dạo tập thể dục quanh sân của những bạn trẻ. Không bao lâu lại nghe tiếng loa “mời mọi người xuống ăn cơm, mời mọi người xuống ăn cơm”, vừa phát loa vừa gõ cửa.
Sau giờ ăn, chúng tôi được khám sức khỏe, đo nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, những chị có thai, có em bé nhỏ thì được điều bác sĩ chuyên khoa xuống để hỗ trợ siêu âm thăm khám. Xong xuôi mọi người bắt đầu đem thau ra hồ giặt đồ, vệ sinh cá nhân, sau đó là những cuộc giao lưu nho nhỏ cùng những anh chị em phòng lân cận.
Cuốn phim chậm
Đồng hồ 10 giờ 45 phút, tới giờ ăn cơm trưa, chúng tôi xách chén, muỗng, đũa xuống nhà ăn (mỗi người một bộ đồ ăn xong rửa đem về). Sau giờ ăn, mọi người cùng đọc sách, tiểu thuyết. Nơi cách ly không có tủ lạnh, máy giặt, nhưng sống ở giữa thiên nhiên, chúng tôi cảm thấy không khí rất trong lành. Sau giờ ăn chiều, các bạn trẻ cùng xúm vào phụ giúp các anh bộ đội dọn dẹp. Sau đó, cùng giải trí với những môn thể thao như nhảy dây, đá cầu, đánh cầu lông, đánh bóng. Chúng tôi có cảm giác như có được tấm vé về tuổi thơ, nhìn mọi thứ bình yên quá.
Bữa ăn ngon miệng ở nơi cách ly – Ảnh Lệ Quyên
Ngày làm tôi khó quên nhất, đó là 8.3 vừa qua. Những bạn nữ cách ly chúng tôi được mấy anh đặt bánh kem âm thầm, rồi mang hoa dại, đủ loại trái cây, nước ngọt tới cùng chung vui, tuy đơn giản nhưng rất ngọt ngào. Cảm giác lo sợ 14 ngày bị cách ly tan biến, tôi có cảm giác nơi này như gia đình của mình, nơi tất cả mọi người rất có trách nhiệm với nhau. Những sĩ quan nhiệt tình, chú bộ đội giỏi giang, nấu một ngày 3 cữ ăn cho mọi người, nhường chỗ ngủ cho hơn 200 anh chị em bị cách ly, những người bạn nơi này ai cũng có ý thức cùng giữ gìn vệ sinh chung.
Video đang HOT
Tôi đang có cảm giác như mình được sống trong một cuốn phim ngắn, nơi đó mọi người đối xử với nhau bằng cả tấm chân thành, không cần tiền cát sê, đơn giản chỉ là bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội, cùng đất nước Việt Nam đẩy lùi covid-19.
Cùng đẩy lùi Covid-19 – Ảnh Lệ Quyên
Tôi muốn nhắn gửi tới mọi người, dù có dịch bệnh hay không thì vẫn nên giữ thói quen rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng sạch, dùng nước súc miệng hoặc nước muối, luôn giữ cơ thể khỏe, ăn uống nhiều trái cây có vitamin C, sinh hoạt điều độ để nâng cao sức đề kháng.
Tôi mong muốn tất cả những anh chị em ở những vùng có dịch covid-19 nên tự biết bảo vệ bản thân một cách thông minh nhất, tuân thủ đúng luật, khi trở về Việt Nam nên khai báo y tế, để được đưa đi cách ly. Mong đừng ai vì ích kỷ nhất thời mà trốn tránh, gian dối để lại hậu quả cho cộng đồng rất lớn.
Theo thanhnien
'Cảm ơn bộ đội đã chăm sóc, chở che những ngày cách ly'
'Còn nhớ, đón chúng tôi ở sân bay Nội Bài hôm ấy không phải là bố mẹ, người thân mà là những chiến sĩ, cán bộ... Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ 14 ngày là một khoảng thời gian dài và mong sao cho hết, nhưng sự thật thì không như vậy'.
Một bạn trẻ cười tươi trong buổi lễ - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng nay 11-3, hơn 240 công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc vừa hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô nhận chứng nhận "hết thời hạn cách ly" về với gia đình, cộng đồng.
"Về nha, tạm biệt nha", những công dân "chưa hết hạn cách ly" đứng ở khu cách ly của nhà trường cùng các chú, các anh bộ đội hô vang chúc mừng, vẫy chào các công dân vừa hoàn thành thời hạn cách ly.
Những người vừa lên chuyến xe trở về gia đình, hô vang đáp lại: "Chúng tôi yêu các chú bộ đội" cùng với những tràng vỗ tay giòn giã.
Hầu hết công dân Việt thực hiện cách ly tại trường là các bạn trẻ, du học sinh Việt ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi. Suốt 14 ngày qua, ai cũng xúc động trước sự chăm sóc nhiệt tình, sự động viên của các chú bộ đội.
Trước khi lên xe rời đơn vị, họ xúc động viết lên những dòng nhật ký như là món quà tâm tình gửi tặng các chú, các anh.
Các công dân chia sẻ tâm sự những ngày trong trung tâm cách ly vào những cuốn sổ nhật ký - Ảnh: NAM TRẦN
Du học sinh Đào Thị Liên về nước từ ngày 26-2 không giấu được xúc động viết: "Còn nhớ, đón chúng tôi ở sân bay Nội bài hôm ấy không phải là bố mẹ, người thân mà là những chiến sĩ, cán bộ. Họ mặc quần áo bảo hộ, thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng, chống dịch. Qua đây, tôi cảm nhận rất rõ tính nghiêm trọng của dịch bệnh, sự nghiêm ngặt của công tác phòng chống dịch của nước ta.
Tuy không nhìn rõ được khuôn mặt, ánh mắt nhưng lời nói, cử chỉ của các chú, các anh, chúng tôi đều có cảm giác được che chở, bảo vệ, giúp đỡ tận tình. Suốt quãng đường từ sân bay về đến Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô, cả đoàn luôn nhận được sự động viên của cán bộ. Thật lòng, tôi yên tâm vô cùng.
Đến trường, chúng tôi được các chú, các anh hướng dẫn chi tiết, ân cần. Họ nhẹ nhàng, thân mật vô cùng. Các chú không hề có một biểu hiện nhỏ nào của sự kỳ thị, xa lánh chúng tôi. Trái lại, đối xử với chúng tôi như đối xử với người thân...
...Quả thật, lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ 14 ngày là một khoảng thời gian dài và mong sao cho hết. Nhưng sự thật thì không như vậy.
Ngày ngày, chúng tôi được khám bệnh, được trò chuyện, được tập thể dục, thể thao. Chẳng những chúng tôi hiểu rõ hơn về dịch bệnh mà còn hiểu rõ hơn về cách phòng tránh. Và có một điều, chúng tôi không thể phủ nhận được là tình cảm, trách nhiệm cách đối xử của Nhà nước ta nói chung, của cán bộ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô nói riêng. Nói đâu trên trái đất này, bộ đội nhường nhà, nhường chiếu vào rừng nằm lá để cho dân được chăn ấm, nệm êm.
Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng ta, Nhà nước ta, kính trọng, yêu quý vô cùng bộ đội Cụ Hồ, quân đội nhân dân Việt Nam. Với cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô, chúng tôi nợ các chú, các anh một lời cảm ơn sâu sắc".
Đại tá Nguyễn Mạnh Phú, phó hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các cán bộ trao giấy chứng nhận hết thời hạn cách ly cho các công dân - Ảnh: NAM TRẦN
Ngồi trước cuốn nhật ký rất lâu, du học sinh Lê Thị Quỳnh (quê ở Bắc Giang) nhớ lại quyết định từ Teku về Việt Nam bởi một ý nghĩ duy nhất: "Mỗi khi gặp khó khăn, Việt Nam là nơi giang tay đón về".
Về nước, cách ly 14 ngày tại đơn vị, Quỳnh nhớ hình ảnh những buổi trưa nắng nóng, các chú các anh vẫn nhiệt tình bê cơm nước cho người dân đúng giờ, không sót một bữa nào.
Hôm nay nhận hoa chúc mừng từ các chú bộ đội, Quỳnh xúc động viết:
"Ra đi cánh gió phương trời lạ
Vẫn nhớ non sông một mái nhà
Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
... Mới đó đã 14 ngày, Nhà nước đã ôm tôi vào lòng, nuôi dưỡng và kiểm tra tình hình sức khỏe. Nơi đã giúp tôi thực hiện là nơi Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, nơi mà các chú bộ đội, ban lãnh đạo đã tận tình chăm sóc ta như những người cha, người mẹ.
Các chú bộ đội đã rất vất vả, cực nhọc chỉ để cho chúng tôi vượt qua công cuộc cách ly. Vào những buổi trưa nắng nóng nhìn các chú bê cơm, bê nước, mồ hôi nhễ nhại nhìn cũng thấy động lòng mà em không biết làm gì ngoài việc thực hiện cách ly cho tốt.
Ban đêm, ban sáng khi chúng em đang ngủ là khi các chú bộ đội phải dậy để chuẩn bị thức ăn, thức uống, đồ dùng cho em. Ngày mới bước vào công cuộc cách ly, em đã khóc nhưng được sự chăm sóc tận tình đã bớt đi một phần nào đó tủi thân.
Đất nước Việt Nam ơi, phải chăng không có gì có thể ngăn chặn, cản bước được ta. Hãy cùng nhau vượt qua dịch bệnh này nhé".
Còn du học sinh Nguyễn Văn Vũ chỉ viết một dòng ngắn gọn nhưng gói trọn tâm tư: "14 ngày không phải là ngắn. Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều".
Chia sẻ với báo chí, Đại tá Nguyễn Mạnh Phú - phó hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô - cho biết ngay khi có kết luận của trung tâm y tế dự phòng, để giúp đỡ công dân về với gia đình, nhà trường bố trí phương tiện di chuyển đưa công dân đến những nơi lên tàu xe gần nhất, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho công dân về với gia đình và cộng đồng.
"Dự kiến ngày mai các công dân khác cũng kết thúc 14 ngày cách ly tại đơn vị, chúng tôi tiếp tục làm các thủ tục để đưa các công dân về với gia đình", đại tá Phú cho biết.
Trước đó từ ngày 25-2, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô tiếp nhận 752 công dân Việt Nam và Hàn Quốc đến thực hiện cách ly tập trung tại nhà trường. Đơn vị đã bố trí hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia công tác chăm sóc, phục vụ, chăm sóc y tế cho công dân trong suốt 14 ngày.
Trong số hơn 240 công dân hoàn thành đợt cách ly đợt này có 9 người là công dân Hàn Quốc - Ảnh: NAM TRẦN
Các cán bộ, chiến sĩ kiểm tra giấy tờ tùy thân, hộ chiếu trước khi trả lại cho các công dân - Ảnh: NAM TRẦN
Những công dân hoàn thành đợt cách y 14 ngày nhận lại hộ chiếu và giấy chứng nhận - Ảnh: NAM TRẦN
Nhóm bạn trẻ cùng phòng cách ly chụp ảnh lưu niệm cùng chứng nhận và hộ chiếu đã nhận, phía sau là khu nhà họ đã từng sinh hoạt trong thời gian cách ly - Ảnh: NAM TRẦN
Và không quên trò chuyện, cám ơn những chiến sĩ ngày đêm phục vụ, chăm lo cho mình - Ảnh: NAM TRẦN
Cán bộ, chiến sĩ giúp các công dân đưa hành lý lên xe để trở về - Ảnh: NAM TRẦN
Những công dân có người thân đến đón đưa hành lý di chuyển ra khỏi khu vực cách ly - Ảnh: NAM TRẦN
Được biết ngày mai 12-3, số công dân còn lại trong số tổng cộng 752 công dân cũng sẽ hết đợt cách ly này trở về với cuộc sống thường ngày - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Tuổi trẻ
Bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 có kết quả âm tính Năm người đi cùng chuyến bay và bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho kết quả âm tính. Chiều 8/3, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho biết 4 người đi cùng chuyến bay và một bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 có kết quả âm tính. Du khách được kiểm tra...