Nhật ký đi phượt: vượt đèo trong đêm mưa
Từ địa phận Đắk Nông, cả đoàn cũng cố di chuyển nhanh hơn, gấp gáp hơn. Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mắt cay xè. Cơ thể run lên vì lạnh. Đôi chân sũng nước. Bụng đói run.
Rời phố thị, về cao nguyên nắng gió
Tôi bắt đầu hành trình mang tên hạnh phúc – Happy tour – cùng 13 người đồng hành, đa phần đều thuộc thế hệ 9x sung sức và nhiệt huyết. Hành trình mà chúng tôi dự kiến kéo dài 14 ngày, chặng đường 1.620 km, từ TP HCM tới Đà Nẵng.
Chúng tôi tập trung từ 6h, nhưng phải mất vài tiếng chuẩn bị, lục tục cho nhiều công đoạn khác nhau mới bắt đầu được hành trình. Tôi chấp nhận, vì đi đông và để đảm bảo an toàn, đội hình thật chỉn chu, điều đó không thừa. Khi xe bắt đầu lăn bánh cũng là lúc mặt trời đủ chói chang để cả đoàn toát mồ hôi.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), với quãng đường khởi động 220 km. Từ TP HCM theo hướng cầu Bình Triệu, chúng tôi qua Bình Dương, Bình Phước. Cái nắng của phố thị dù oi nồng nhưng thỉnh thoảng vẫn được vuốt ve bởi những “cơn gió lạ”, đủ mơn man và mát dịu.
Vì là ngày khởi động, lại chủ yếu di chuyển trên các cung đường đông dân cư, đoàn đi chậm. Các thành viên mới quen gặp mặt vài lần trước đó, nên những cuộc trò chuyện vẫn mang tính chất xã giao. Chúng tôi ngại nói về mình, dù thời gian làm quen này thật quý báu, phải nói nhiều hơn thế.
Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) – điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình.
Sau khi vượt gần 200 km đầu tiên, Gia Nghĩa dần hiện ra trước mắt. Không khí của thị xã cao nguyên mát dịu với những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi thoai thoải chạy dài đến tận chân trời. Ánh nắng chiều dần tắt sau những cánh rừng, nhường chỗ cho mây đen kéo tới.
Từ địa phận Đắk Nông, chúng tôi được chào đón bằng cơn mưa chiều khi những vệt khói lam lan tỏa, mờ ảo trên những ngọn đồi nằm ở phía xa xa. Cả đoàn cũng cố di chuyển nhanh hơn, gấp gáp hơn. Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mắt cay xè. Cơ thể bắt đầu run lên vì lạnh. Đôi chân sũng nước. Bụng đói run rẩy.
Hành trình Happy Tour bằng xe máy kéo dài 15 ngày trong tháng 8, khởi hành tại TP HCM, đi qua Dak Lak, Đà Lạt, Phú Yên, Quy Nhơn, Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra còn có một nhóm khởi hành từ Hà Nội
Chúng tôi đến Gia Nghĩa khi thị xã đã lên đèn. Cơn mưa bớt nặng hạt. Trong trời chiều chập choạng, thị xã cao nguyên dường như càng vắng lặng. Chúng tôi dừng chân ở một nhà nghỉ ngay khu vực trung tâm. Lục tục dọn dẹp đồ đạc sau một ngày khởi động đủ mệt nhưng tinh thần tất cả dường như không hề bị ảnh hưởng. Bữa ăn tối càng ấm áp hơn bởi những câu chuyện đã bắt đầu nồng ấm. Nhiều thành viên trong đoàn thậm chí còn trêu đùa, chúng tôi bắt đầu “quen hơi” nhau.
Những người bạn đồng hành trong chuyến đi.
Đứng trên ban công nhà nghỉ còn thơm mùi sơn, tôi tranh thủ hít hà hơi se se lạnh, cảm nhận khí trời trong lành của thị xã cao nguyên. Tôi có thể cảm nhận được hơi thở của núi rừng rất rõ trên từng làn da, thớ thịt.
Video đang HOT
Chơi thác, vượt đèo trong đêm mưa
Đích đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình ngày thứ 2 là chinh phục thác D’ray Sáp (huyện Krông K’Nô, tỉnh Đăk Nông). Hơn 100 km đầu tiên là những cung đường uốn lượn quanh những sườn núi. Từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi băng qua rừng thông với những vạt nắng len lỏi đầu ngày. Những cánh rừng xanh mướt sau một đêm được cơn mưa cao nguyên gội sạch càng toát lên màu xanh no ấm của sự sống.
Cảnh đẹp mê hồn trên đường.
Luôn duy trì tốc độ ở mức cho phép, các phượt thủ liên tục đổi lái để cùng nhau tận hưởng cảm giác chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên suốt đường đi: khi vút lên đỉnh dốc và nhìn xuống những thung lũng sâu với thấp thoáng những ngôi nhà nho nhỏ, khi trả trôi theo dốc để tận hưởng cảm giác phiêu lưu, đầy tự do và thích thú.
Chúng tôi dừng chân tại thác D’ray Sáp khi mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu. Dù giữa trưa trời khá nắng và oi nồng, tất cả dường như dịu đi khi chúng tôi bước vào khu rừng với những tán cây cổ thụ rợp bóng. D’ray Sáp là một trong 3 ngọn thác nổi tiếng trên dòng Serepok, là địa điểm du lịch mà hầu như ai cũng muốn ghé khi đặt chân đến Đăk Nông.
Tháng 8, nước chảy không quá mạnh, cũng không trong vắt nhưng cũng đủ để khiến tất cả phải trầm trồ bởi vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên. Dòng nước chậm chậm chảy uốn lượn theo dòng suối trước khi đổ xuống, bọt tung trắng xóa. Chúng tôi cũng có bữa ăn trưa nhẹ ngay bên thác, ngắm dòng nước chảy và nghe tiếng suối reo, nước đổ cùng những thanh âm của rừng.
Chúng tôi cùng có chung tâm trạng tiếc nuối khi rời thác D’ray Sáp. Cả đoàn lại tiếp tục rong ruổi trên những con “ngựa chiến” vượt quãng đường khoảng 100 km, qua thành phố Buôn Ma Thuột trước khi chọn nghỉ đêm tại hồ Lak (Đak Lak).
Đi thuyền độc mộc dạo hồ Lak.
Quãng đường đi như dài hơn khi cơn mưa chiều sầm sập kéo đến. Băng qua thành phố cao nguyên sầm uất hay những buôn làng bình yên suốt hai bên đường, chúng tôi mải mê chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Những đoạn đường núi hiện ra trước mắt phía dưới là những cánh đồng lúa đương thì con gái lên màu xanh tốt.
Càng đến gần thị trấn Lak, trời tối nhanh hơn. Khi ngôi nhà dài của buôn Jun hiện ra trước mặt cũng là lúc cơn mưa ập đến. Ngôi nhà trở nên ấm cúng hơn khi tất cả cùng nhau quây quần bên bữa tối sau một ngày dài đủ vui và cũng đủ mệt.
Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều hơn những câu chuyện trên đường đi. Cả ngôi nhà đầy tiếng cười nói, đến tận đêm khuya khi tất cả dần dần chìm sâu vào giấc ngủ. Bên ngoài, tiếng mưa khẽ rơi trên những giọt gianh xen lẫn tiếng gia súc, gia cầm, tiếng cóc, nhái.
Ngủ muộn, nhưng cả đoàn không bỏ lỡ khoảnh khắc đón bình minh trên Hồ Lak – thắng cảnh du lịch đượm nguyên vẻ đẹp nguyên sơ. Cuộc sống của người M’Nông ở buôn Jun bình yên đến lạ, cứ chầm chầm trôi. Khi những tia nắng đầu tiên lấp ló phía sau rặng núi xa xa, hồ nước tĩnh lặng như một tấm gương soi khổng lồ bắt đầu lấp lánh theo những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ.
Chúng tôi lên thuyền độc mộc với mái chèo khoan thai của người dân địa phương, khám phá và thưởng ngoạn phong cảnh ở hồ Lak. Từng chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước. Những người lần đầu ngồi trên những chiêc thuyền kiểu này không giấu được niềm háo hức. Với họ, đó là sự thư thái để ghi lại phong cảnh sơn thủy hữu tình khi cả mặt nước, bầu trời và đỉnh núi dường như cùng nhau thức giấc.
Ở buôn Jun, chúng tôi còn được xem cảnh những người quản tượng đưa những chú voi đi dạo khắp buôn làng, đưa du khách đi chơi. Không khó để bắt gặp những nụ cười thích thú của các du khách nước ngoài khi đến nơi đây. Mùa này, cả buôn dường như sôi động hơn và thơm nức mùi rơm mới vừa được gặt trên những cánh đồng.
Lưu luyến với ngôi nhà dài, với những người dân hiền hòa, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Đoạn đường hôm nay không dài như hai ngày đầu tiên nhưng đổi lại, phải vượt qua rất nhiều những cung đường đèo quanh co, hiểm trở.
So với ngày thứ 2, đường đèo thuộc địa phận các huyện Lak (Dak Lak) và Đam Rông (Lâm Đồng) khó hơn. Cũng bởi vậy, tất cả phượt thủ dường như bước vào một cuộc thử thách mới khi vừa phải vững tay lái trong từng khúc cua, lên dốc đứng hay khi đổ đèo vừa được chứng kiến những cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ hiện ra trước mắt.
Mỗi khi chinh phục từng đỉnh đèo, từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống là những thung lũng sâu thăm thẳm, phóng tầm mắt ra xa, mây và núi cùng vờn nhau trên nền trời xanh ngắt. Những ngọn đồi dường như dốc đứng được bao phủ bởi những vạt rừng xanh mát hay những nương cà phê trĩu cành những trái xanh chờ mùa thu hoạch mới.
Ngoài việc chinh phục đèo dốc, sự khó khăn còn được nhân lên khi nhiều đoạn đường xuất hiện vô số ổ gà, ổ voi, hay những đoạn đường bụi mù mịt trên những công trường đang thi công.
Dù vậy, hành trình trong ngày thứ 3 vẫn rất suôn sẻ. Chúng tôi kịp dừng ăn trưa ngay trên đèo Chuối trước khi vượt qua đèo Phú Sơn để đến với thành phố Đức Trọng, ghé thăm Trung tâm 05-06 để cùng thăm hỏi cán bộ, nhân viên và những học viên đang cai nghiện ma túy. Cuộc gặp trễ hơn dự kiến 3 tiếng đồng hồ bị gián đoạn bởi cơn mưa chiều. Mọi hoạt động giao lưu đều bị hủy bỏ nhưng chúng tôi vẫn kịp ngồi lại để hiểu thêm về những con người thầm lặng nơi đây.
Rời Đức Trọng để về Đà Lạt khi cơn mưa ngày càng nặng hạt hơn, đoàn di chuyển khá vất vả bởi sau một ngày mệt nhoài. Chúng tôi cùng nhau vượt qua đèo Prenn khi mưa trắng xóa, cái lạnh tê tái hơn. Đoạn đường đèo 11 km dường như càng dài hơn. Khi ánh đèn thành phố mộng mơ hiện ra, cơn mưa cũng tạnh. Những đôi chân đã thấm mệt. Những đôi tay dường như lạnh cóng vì mưa rét, nhưng nụ cười vẫn nở. Bữa cơm tối bên nồi lẩu nghi ngút như tiếp thêm sinh lực cho ngày mới.
Ngày mai, chúng tôi sẽ cùng nhau chinh phục Lang Biang nơi có câu chuyện về một tình yêu huyền thoại.
(Còn tiếp)
Theo Zing News
5 trải nghiệm không thể bỏ qua khi du lịch Đắk Lắk
Đắk Lắk là khu vực còn nguyên sơ nhất ở khu vực Tây Nguyên. Nơi đây sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm cực thú vị về văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam.
1. Chèo thuyền khám phá hồ Lắk
Hồ Lắk là hồ nước tự nhiên lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, nơi đây quyến rũ du khách bởi bầu không khí hoang dã và vẻ đẹp ấn tượng của mình. Các bản làng của người dân tộc M'Nông sống xung quanh hồ cũng sẽ cung cấp cho bạn những trải nghiệm văn hóa hết sức độc đáo.
Nhưng ấn tượng hơn cả, hồ Lắk là nơi lý tưởng để bạn thực hiện các hoạt động thư giãn như chèo thuyền dạo quanh hồ, xem biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, bơi lội, và đặc biệt khung cảnh mặt trời mọc và lặn ở đây là khoảnh khắc hết sức tuyệt vời.
2. Tham quan thác nước hùng vĩ Dray Sáp
Thác Dray Sáp hay còn biết đến với tên gọi là thác Chồng, là thác nước có bề mặt trải dài hơn 500m và cao gần 20m chia làm 3 phần: thượng, trung và hạ thác. Mỗi năm vào đầu mùa mưa, con thác đổ ầm ầm, tung bọt nước trắng xóa, vì vậy người Ê-đê hay gọi là thác khói.
Ngọn thác nằm ở một khu vực nhiều hang động, cây rừng, dây leo chằng chịt, bốn bề vang động âm thanh, cộng thêm đường lên thác quanh co, gập ghềnh với những tảng đá đầy rêu phong. Những yếu tố đó đã góp phần biến nơi đây trở thành một danh thắng nức tiếng của Việt Nam.
3. Cưỡi voi dạo chơi ở Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn là một địa điểm du lịch chứa nhiều điều ký thú, rất hấp dẫn không chỉ đối với du khách mà còn có rất nhiều nhà khoa học tới đây tham quan nghiên cứu. Với diện tích 115.545 ha, Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam.
Tới đây, bạn sẽ vô cùng ấn tượng với những cánh rừng đại ngàn đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á và nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím... Đặc biệt, trải nghiệm cưỡi voi đi dạo xung quanh rừng và băng qua sông, sẽ là những kỷ niệm khiến bạn không thể nào quên.
4. Ghé thăm Tháp Yang Prong
Tháp Yang Prong còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 để thờ thần Siva - vị thần tượng trưng cho sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc theo tín ngưỡng của người Chăm. Hiện nay, tháp là một điểm du lịch thu hút rất đông du khách quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên đến tham quan.
5. Thưởng thức cà phê tại "thủ phủ cà phê"
Thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu đã được xem như là "thủ phủ cà phê" của Việt Nam, đến đây bạn không chỉ được nhìn ngắm những đồn điền cà phê xanh ngút tầm mắt, mà sẽ còn được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon nhất của Việt Nam. Ngồi uống một ly cà phê tại Buôn Mê Thuột trong một buổi chiều mưa, bạn sẽ cảm nhận thấy đó là ly cà phê tuyệt vời nhất mà bạn đã từng thưởng
Theo lamdeponline
Say men rượu cần, chếnh choáng Đà Lạt Sau những ngày đầu của hành trình mệt nhoài, Đà Lạt đón chúng tôi bằng cơn mưa lạnh khiến hai ngày trải nghiệm vùng đất cao nguyên Lâm Đồng này ấm tình hơn bao giờ hết. Trên hành trình 1.620km, chúng tôi có hai đêm dừng chân ở Đà Lạt. Với nhiều phượt thủ trong đoàn, Đà Lạt không còn xa lạ. Nhiều...