Nhật công bố sách trắng quốc phòng, chỉ trích Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 21.7 yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây dựng các giàn khoan thăm dò dầu khí ởbiển Hoa Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc này nhằm bổ sung vào sách trắng quốc phòng của Nhật vừa công bố cùng ngày.
Một đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Tokyo đang kiểm soát quần đảo này – Ảnh: Reuters
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa thêm đề nghị trên vào sách trắng quốc phòng năm 2015 của nước này, sau khi đảng cầm quyền phàn nàn dự thảo ban đầu quá “mềm yếu” với Trung Quốc, theo Reuters.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21.7 đã thông qua Sách trắng quốc phòng 2015, dầy 500 trang, mô tả tình hình an ninh quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nguy hiểm.
Trung Quốc đã khôi phục hoạt động thăm dò ở biển Hoa Đông cách đây hai năm, theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản.
“Chúng tôi xác nhận Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng những giàn khoan mới trên biển. Chúng tôi tái khẳng định sự phản đối đối với những hành động đơn phương của Bắc Kinh và đề nghị nước này ngừng lại”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong sách trắng quốc phòng.
Những giàn khoan mới xuất hiện ở phía Trung Quốc gần đường phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Video đang HOT
Tokyo lo ngại những giàn khoan mới của Trung Quốc sẽ nhắm vào các mỏ khí đốt nằm ở vị trí chồng lấn đường phân định ranh giới và có thể được dùng để làm trạm hoặc căn cứ radar cho các máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc quan sát hoạt động gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, sách trắng quốc phòng Nhật Bản không nêu chi tiết vị trí và số lượng các giàn khoan của Trung Quốc.
Đối với tình hình Biển Đông, sách trắng quốc phòng Nhật Bản chỉ trích hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, gọi đây là hành động “đơn phương, cưỡng bức”, đe dọa an ninh khu vực.
Đây là lần đầu tiên sách trắng quốc phòng Nhật Bản có bao gồm hình ảnh vệ tinh về những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
“Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng tại 7 bãi đá ở Trường Sa, xây dựng hạ tầng như đường băng và cảng trên một số bãi đá. Đây là mối lo ngại đối với cộng đồng quốc tế”, theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản.
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lo ngại các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự và ảnh hưởng ở Biển Đông. Biển Đông là nơi có lượng hàng hóa tổng trị giá khoảng 5 nghìn tỉ USD lưu thông hằng năm, trong đó có nhiều hàng hóa nhập và xuất khẩu từ Nhật Bản. Tokyo tuyên bố có thể bắt đầu tuần tra trên không ở Biển Đông, và Trung Quốc phản đối động thái này.
Nhật Bản và Philippines cũng vừa tiến hành hai cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông. Vào tháng 6.2015, Thủ tướng Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố họ đã bắt đầu hội đàm mở đường cho quân Nhật đến các căn cứ quân sự của Philippines. Trong khi đó, Philippines đang kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Báo Úc: Châu Á cần một Nhật Bản hùng mạnh để kiềm chế Trung Quốc
Để kiềm chế sự trỗi dậy đi kèm hung hăng của Trung Quốc ở châu Á, không gì hiệu quả bằng một siêu cường đối trọng, và Nhật Bản là quốc gia mà châu Á có thể trông đợi để kiềm chế Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua dự luật an ninh mới, trong đó cho phép quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong bài viết trên tờ The Age (Úc) hôm nay 21.7, giáo sư Hugh White thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (Đại học Quốc gia Úc) nhận định rằng châu Á rất cần một Nhật Bản hùng mạnh cả về kinh tế và quân sự trong bối cảnh tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa cho các nước châu Á.
Sẽ không sai nếu để một Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong việc lãnh đạo khu vực, nhưng lại rất sai nếu để Trung Quốc thống trị châu Á, tác giả bài viết nhận định.
Với riêng Nhật Bản, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể kéo theo căng thẳng gia tăng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát. Ngoài ra, tác giả bài báo cũng đặt câu hỏi liệu Washington có theo đuổi được lời hứa bảo vệ đồng minh và ủng hộ Nhật Bản như Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố hay không, nếu cuộc đối đầu với Trung Quốc tốn nhiều sức lực và tiền của của người dân Mỹ? Rủi ro sẽ rất cao nếu sự tốn kém đó quá lớn.
"Cho dù Washington có nói gì thì thực tế Nhật Bản cũng sẽ bị bỏ rơi một mình để đối mặt với Trung Quốc. Điều này có nghĩa chính sách an ninh (được Mỹ bảo vệ) của Nhật Bản dù có tốt và kéo dài bao lâu thì sẽ không thể tiếp tục trong tương lai (với sự trỗi dậy của Trung Quốc)", từ nhận định đó, giáo sư White cho rằng chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm kiếm một chiến lược mới.
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Abe đang thực hiện chiến lược song song: một mặt tiếp tục tăng cường liên minh với Mỹ, mặt khác hợp tác với những nước khác. Trong đó Úc, Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á có triển vọng trở thành đối tác đáng tin cậy của Tokyo. Những nước này cũng muốn chống lại sức mạnh của Trung Quốc và kiềm chế tham vọng bá chủ của Bắc Kinh ở châu Á.
Để thực hiện những điều này, Tokyo đã có những động thái gia tăng sức mạnh quân sự vốn lâu nay chỉ dựa vào Washington, như hợp pháp hóa sự hiện diện của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài, tham gia hoạt động quân sự và chuyển giao công nghệ quân sự cho nước khác...
"Điều quan trọng mà tất cả chúng ta phải nhớ rằng Nhật Bản đang và sẽ vẫn là một cường quốc ở châu Á; châu Á nói chung không thể được ổn định trừ khi nước Nhật an toàn", giáo sư đại học Úc nhận xét.
"Con đường tốt nhất của Nhật Bản là tăng cường năng lực tự vệ, đồng thời góp phần xây dựng một tập thể lãnh đạo khu vực trong đó Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn những quốc gia còn lại. Đó sẽ là một di sản mà ông Abe có thể tự hào nếu Tokyo thành công", giáo sư White kết luận.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản sẽ lên án Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa Trong sách trắng quốc phòng dự kiến công bố vào cuối tháng 7 này, Nhật Bản sẽ lên án việc Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trang tin Defense News cho hay hôm nay 20.7. Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập -...