Nhật có thể sở hữu ICBM và 50 đầu đạn hạt nhân trong 3 tháng
Nhật Bản sở hữu hàng trăm kg nguyên liệu hạt nhân đủ để chế tạo tới 50 đầu đạn, có trình độ công nghệ cao để trong vòng 3-6 tháng có thể chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Viễn cảnh về 1 đối trọng hạt nhân tiềm tàng trong tương lai làm Trung Quốc cực kỳ lo ngại.
Trung Quốc lo ngại nghiêm trọng trước thực tế Nhật Bản từ lâu đã không trả lại plutonium cấp độ vũ khí cho Mỹ. Đây là tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh hôm 17-1 tại một cuộc họp báo. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, nước này hy vọng sẽ sớm nhận được lời giải thích từ Nhật Bản và kêu gọi nước này trả lại vật liệu hạt nhân càng sớm càng tốt.
Nhật Bản đã nhận được 331 kg plutonium thời “chiến tranh lạnh” từ Hoa Kỳ và một số lượng nhỏ chất này từ Vương quốc Anh. Plutonium làm giàu được nước này được sử dụng trong các chương trình phát triển các lò phản ứng nhanh, phục vụ cho mục đích dân dụng là năng lượng hạt nhân. Thí nghiệm được tiến hành tại trung tâm khoa học “Tokaimura” trên đảo Honshu.
Washington đã nhiều lần yêu cầu Tokyo hoàn lại cho Mỹ plutonium đã làm giàu cao vì việc phát triển lò phản ứng nhanh ở Nhật Bản đã bị đình chỉ từ hồi tháng 5-2013. Họ cho rằng, 293 kg loại vật liệu này là đủ để sản xuất 40-50 đầu đạn hạt nhân. Nhật Bản đã phản ứng tiêu cực đối với yêu cầu của Mỹ, cho rằng điều đó sẽ cản trở các công trình nghiên cứu khoa học đang còn dở dang của họ.
Hiện tại chưa có thỏa thuận của Nhật Bản về việc hoàn lại plutonium cấp độ vũ khí cho Mỹ. Và đây là một trong những lý do mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản tuyệt đối tuân theo hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Tokyo là thành viên. Tại sao yêu cầu đó lại được công bố ngay tại thời điểm này?
Chuyên gia Viện Viễn Đông Alexander Larin giải thích: “Bây giờ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trở nên khá căng thẳng. Nguồn gốc sự căng thẳng này là tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, nó đã bị đẩy lên cao trào khi Trung Quốc đơn phương thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” trùm lên khu vực này. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các biện pháp để gây áp lực đối với chính phủ Nhật Bản nhằm buộc họ phải nhượng bộ về vấn đề biển đảo”.
Tên lửa đẩy H-2A của Nhật có thể nhanh chóng biến thành tên lửa đạn đạo liên lục địa
“Tokyo giữ Plutonium ở cấp độ vũ khí trong một thời gian dài, nhưng bây giờ Washington đang tiến hành chiến dịch bắt họ hoàn lại chất phóng xạ và Bắc Kinh đã tận dụng điều này. Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng mọi chiêu bài để gây áp lực tâm lý đối với Chính phủ Nhật Bản, làm cho họ cảm thấy bất an và làm suy yếu vị trí trong tranh chấp biển đảo, đồng thời dập tắt mối lo về một đối trọng hạt nhân tiềm năng trong tương lai.”
Video đang HOT
Theo ông Alexander Larin, về lý thuyết, có thể giả định Trung Quốc lo ngại trước việc Nhật Bản chế tạo đầu đạn hạt nhân. Nhưng trên thực tế, người Nhật không nhằm mục đích phát triển vũ khí hạt nhân và trong thực tế không làm bất cứ điều gì để tạo ra loại vũ khí đó, mặc dù họ có đủ tiềm năng khoa học và kỹ thuật để giải quyết vấn đề này. Một số chuyên gia công nghệ đã cho rằng, nếu cần thiết, chỉ cần vẻn vẹn 3 – 6 tháng là Nhật Bản sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Viễn Đông Valery Kistanov cho rằng Tokyo có mọi tiềm năng để sở hữu vũ khí hạt nhân, Tokyo sẽ nhanh chóng sản xuất được loại vũ khí hủy diệt này nếu họ bất chấp ba nguyên tắc phi hạt nhân trong hiến pháp hòa bình của đất nước là: Không nhập khẩu, không sản xuất, không tàng trữ vũ khí hạt nhân.
Ông Kistanov phân tích: “Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi theo tình hình và rất có khả năng các chiến lược gia Nhật Bản cho rằng tương lai cũng phải xem xét vấn đề bảo đảm an ninh của đất nước từ quan điểm vũ khí hạt nhân. Nhật Bản đã chính thức thông qua thuật ngữ “mối đe dọa Trung Quốc” Đối với Nhật Bản, và vấn đề lớn nhất đối với họ bây giờ là làm thế nào để kiềm chế mối đe dọa như vậy”.
Nhật có thể dễ dàng chế tạo các loại bom hạt nhân chiến thuật như B-61-12 của Mỹ
“Vì vậy, có lẽ các nhà chiến lược Nhật Bản cho rằng nước Nhật cần phải suy nghĩ rằng họ cũng cần phải có những loại vũ khí đủ sức răn đe những cái đầu ngông cuồng. Ví dụ như, báo Nhật Bản đã viết thẳng ra là trong trường hợp thống nhất hai miền Triều Tiên, chắc chắn nước này sẽ sở hữu hạt nhân. Và khi đó Nhật Bản chắc chắn cũng phải trở thành quốc gia hạt nhân.”
Trên thự tế, Nhật Bản có lực lượng tên lửa đẩy vệ tinh cực kỳ hùng hậu như: M-5, N-2, H-2A…, có thể biến thành tên lửa đạn đạo liên lục địa ngay lập tức. Viễn cảnh Tokyo có thể sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân trong vòng 6 tháng làm Hàn Quốc, Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc lo ngại. Mối lo Ấn Độ, Triều Tiên chưa dứt lại đến Nhật Bản, thử hỏi làm sao mà Bắc Kinh không làm mọi cách bắt Tokyo phải trả nhiên liệu về cho Washington?
Ngay cả Hàn Quốc cũng đã từng manh nha có ý định này, họ đã hai lần bị bắt bắt quả tang đang cố gắng để có được Plutonium mặc dù ở quy mô nhỏ. Hiểu được điều đó, Washington liên tục ngăn chặn hành động của Seoul, dập tắt khát vọng có được toàn bộ chu kỳ tái chế nhiên liệu hạt nhân nước này. Và có lẽ hiện nay Mỹ cũng sẽ làm mọi cách để ngăn cản Nhật Bản trở thành một cường quốc hạt nhân trong tương lai.
Mỹ hy vọng sẽ ký thỏa thuận với Nhật Bản về việc hoàn lại plutonium cấp độ vũ khí trước hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ ba về an ninh hạt nhân, sẽ được tổ chức ở Hà Lan trong tháng Ba tới. Và hơn ai hết, Trung Quốc – quốc gia sở hữu hàng trăm đầu đạn hạt nhân – cũng rất mong mỏi Mỹ làm được điều này.
Theo ANTD
Trung Quốc tăng thực lực hạt nhân phá thế "xoay trục" của Mỹ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 và DF-41 được coi là vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc trong vòng 20 năm tới. Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vụ thử nghiệm 2 tên lửa loại tên lửa này dường như là hành động "dằn mặt" Mỹ.
Số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, tính đến tháng 1-2013, Trung Quốc có tổng cộng khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Trong số 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, duy nhất chỉ có Trung Quốc tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, quân đội Trung Quốc đang phát triển tên lửa liên lục địa mới, để tăng cường thêm số lượng tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân của mình. Đồng thời, Trung Quốc không ngừng củng cố thêm sức mạnh của hải quân, không quân, mục đích là để ngăn chặn sự bành trướng của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Hôm 13-12, Trung Quốc đã tiến hành thử lửa đạn đạo liên lục địa mới "Đông Phong-41" (DF-41) tại bãi thử tên lửa ở Vũ Hán thuộc tỉnh Sơn Tây-Trung Quốc. Vụ thử đầu tiên của loại tên lửa này diễn ra vào tháng 7-2012.
Hình ảnh mô phỏng tàu ngầm hạt nhân Type 096 Trung Quốc phóng tên lửa
Như vậy, trong vòng mười ngày, Trung Quốc đã tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, hôm 13-12 là tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41,có tầm bắn từ 12.000-14.000 km, trước đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa "Cự Lang-2" (JL-2).
Các nhà bình luận quân sự phương Tây nói rằng, mấy hôm trước Trung Quốc đã thông báo vùng cấm bay ở khu vực biển Bột Hải để tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, rất có thể là Trung Quốc sử dụng tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Type 094 để phóng thử JL-2.
Một số nguồn tin cho rằng, Trung Quốc hiện đã đóng 4 tàu ngầm Type 094, có thể mang theo ít nhất 48 tên lửa đạn đạo "JL-2". Tuy nhiên, có khả năng mới chỉ có 2 chiếc đang được thử nghiệm trên biển, còn 2 chiếc chưa hoàn thiện.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41
Tên lửa "JL-2" có khả năng răn đe hạt nhân tới một số vùng lãnh thổ của Mỹ, nếu nó được phóng trong phạm vi vùng biển Hoàng Hải, có thể dễ dàng tấn công các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Alaska, nếu được phóng từ bờ biển phía đông của Triều Tiên có thể tấn công đến các căn cứ hải quân ở bờ tây nước Mỹ.
Tên lửa JL-2 và DF-41 được coi là vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc trong vòng 20 năm tới. Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, động thái này đã gây quan ngại cho Mỹ.
Quan hệ Bắc Kinh - Washington thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng, bắt đầu từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không" và vụ suýt va chạm giữa chiến hạm Trung Quốc và Mỹ trên Biển đông. Dường như Trung Quốc đang muốn chiếm ưu thế trên không, trên biển tại khu vực này để "dằn mặt" Mỹ.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2
Trang mạng tin tức của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng trước, cũng nhận định rằng, đến năm 2020 Trung Quốc có thể triển khai ít nhất 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 và sẽ phát triển thế hệ tàu ngầm tiếp theo Type 096 lớp Đường, tăng cường đáng kể khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Trung Quốc đã xây dựng 3 căn cứ neo đậu và bảo trì tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Thanh Đảo, Đại Liên và Tam Á, trong đó có 1 căn cứ tàu ngầm chuyên dụng xây dựng ở Thanh Đảo, hình ảnh vệ tinh do Google cung cấp có thể nhìn thấy rõ tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ - Type 092 trong bến của căn cứ Thanh Đảo.
Theo ANTD
10 tên lửa liên lục địa đáng sợ nhất thế giới Trang Army Technology đã xếp hạng 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất. 5 tên lửa của Nga chiếm chỗ trong nhóm này. R-36M (SS-18 Satan), Nga -16.000 km Trang Army Technology nhận định R-36M của Nga đứng top 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn xa nhất thế giới. Đây cũng là ICBM...