Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí đẩy nhanh tham vấn về vấn đề lao động thời chiến
Ngày 4/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin đã gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 ( AMM-55) tại Phnom Penh, Campuchia.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Hội nghị, sáng 4/8. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/PV TTXVN tại Campuchia
Tại cuộc gặp, hai nhà ngoại giao đã tập trung thảo luận về khả năng đạt tiến triển trong việc giải quyết tranh cãi về các yêu cầu bồi thường liên quan vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.
Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết hai nhà ngoại giao đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc tham vấn về vấn đề lao động thời chiến, vốn khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 30 phút, ông Park Jin cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm một cách chân thành để hai nước có thể đối mặt với lịch sử và phát triển quan hệ hướng tới tương lai, cũng như giải quyết những vấn đề song phương còn tồn tại. Ông xác nhận hai bên đã nhất trí tiếp tục các cuộc tham vấn liên quan và hợp tác an ninh 3 bên với Mỹ “trong bối cảnh tình hình an ninh nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên”.
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ 2 giữa các Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Park Jin trong vòng nửa tháng qua, được xem là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol thông qua việc thu hẹp khoảng cách về những vấn đề xuất phát từ lịch sử thời chiến.
Tại cuộc gặp trước đó ở Tokyo (Nhật Bản) vào giữa tháng 7 vừa qua, hai Ngoại trưởng đã nhất trí sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol nhậm chức vào tháng 5.
Các cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh Tòa án Tối cao Hàn Quốc dự định phán quyết về việc thanh lý các tài sản của 2 công ty Nhật Bản bị giữ tại Hàn Quốc. Ngoại trưởng Park Jin cam kết sẽ nỗ lực đưa ra “giải pháp mong muốn” trước khi các tài sản bị đưa ra thanh lý.
Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc đã xuống đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc tháng 10/2018 ra phán quyết yêu cầu 2 công ty Nippon Steel Corp. và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. của Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Tháng 7/2019, Chính phủ Nhật Bản quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình – các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc.
Quan hệ hai nước có dấu hiệu khởi sắc khi Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trương thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương với Tokyo. Mặc dù chưa có một hội nghị thượng đỉnh song phương, nhưng hai bên đã có một loạt các cuộc tiếp xúc quan trọng mang tính khởi động.
Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập an ninh vũ trụ do Mỹ dẫn đầu
Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 4/8, giới chức Hàn Quốc cho biết, nước này đã tham gia cuộc diễn tập an ninh vũ trụ đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu, trong bối cảnh Seoul đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng khi lĩnh vực an ninh ngày càng quan trọng.
Máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ tham gia cuộc tập trận tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 9/5/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Seoul đã cử một quan chức từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và một quan chức từ Viện Khoa học không gian và Thiên văn học Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập Global Sentinel kéo dài 10 ngày, từ 25/7 đến hết ngày 3/8, tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California. Cuộc diễn tập tập trung vào việc thúc đẩy phối hợp giữa các nước tham gia thông qua các hoạt động nhận biết tình huống không gian và các nhiệm vụ an ninh khác. Hàn Quốc đã tham gia cuộc diễn tập này từ năm 2017.
Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cho biết cuộc diễn tập Global Sentinel năm nay có sự tham gia của 25 quốc gia, gồm Mỹ, Australia, Bỉ, Brazil, Canada, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, Anh, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Na Uy, New Zealand, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển, Thái Lan và Ukraine.
Trung Quốc khuyến cáo các hãng hàng không và vận tải biển tránh khu vực gần Đài Loan Căng thẳng ở eo biển Đài Loan đã gia tăng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này. Bắc Kinh cảnh báo các hoạt động hàng không và hàng hải gần Đài Loan do diễn tập quân sự. Ảnh: AFR Theo hãng tin Bloomberg ngày 3/8, Trung Quốc đã khuyến cáo các hãng hàng không hoạt...