Nhật Bản thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển
Ngày 22/7, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, ra biển.
Các bể nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, hồi tháng 5, ủy ban trên đánh giá nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý có chứa hàm lượng triti rất nhỏ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và đã chấp thuận kế hoạch xả thải ra biển do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đề xuất.
Theo quy trình, cơ quan này đã tiến hành lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng tính tới ngày 17/6. Sau khi xem xét 1.233 ý kiến, Ủy ban đã chính thức phê duyệt kế hoạch trong cuộc họp ngày 22/7.
Tuy nhiên, để kế hoạch được triển khai, cơ quan này sẽ phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để nhận được sự đồng ý về việc xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.
TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất Triti không thể phân tách. Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và đến tháng tháng 5/2022 đã đạt 1,3 triệu tấn, gần đạt sức chứa tối đa là 1,37 triệu tấn.
Tòa án khẳng định Chính phủ Nhật Bản không phải chịu trách nhiệm trong sự cố hạt nhân Fukushima
Theo truyền thông Nhật Bản, ngày 17/6, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết khẳng định chính phủ nước này không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân Fukushima.
Đây là lần đầu tiên tòa án đưa ra phán quyết như vậy trong một loạt vụ kiện tương tự.
Lò phản ứng số 4 (trái) và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất có độ lớn 9 kéo theo sóng thần đã xảy ra ở bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) và khiến các vật liệu phóng xạ phát tán trên một khu vực rộng lớn, buộc nhiều người dân phải sơ tán. Đây là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Khoảng 470.000 người đã phải sơ tán trong những ngày đầu tiên thảm họa xảy ra. Cho tới tháng 2/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa này.
Các nạn nhân sau đó đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ TEPCO và cả Chính phủ Nhật Bản. Tháng 3 vừa qua, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã giữ nguyên phán quyết buộc TEPCO bồi thường 1,4 tỷ yen (12 triệu USD) cho khoảng 3.700 người bị ảnh hưởng bởi sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima. Quyết định này được đưa ra sau khi tòa án bác kháng cáo của TEPCO, khẳng định công ty này đã lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sóng thần quy mô lớn như vậy.
Các tòa án cấp thấp hơn vẫn đang chia rẽ về phạm vi trách nhiệm của chính phủ trong việc lường trước thảm họa và yêu cầu TEPCO phải có bước đi ngăn ngừa.
Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản cho rằng khó có thể dự báo sóng thần và ngăn chặn các thảm họa sau đó, trong khi TEPCO cho biết đã đền bù cho người dân theo đúng yêu cầu của chính phủ.
Cảnh báo sóng thần tại Fukushima vì động đất rung chuyển Nhật Bản Một trận động đất cực mạnh vừa xảy ra tại vùng đông bắc Nhật Bản, khiến Cơ quan Khí tượng nước này ban hành cảnh báo sóng thần. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ước tính trận động đất mạnh đến 7,3 độ Richter, có tâm chấn nằm ở độ sâu 60 km. Cường độ của trận động đất được ghi nhận ở...