Nhật Bản ’sốc’ vì điều cấm kỵ
Tháng 5 vừa qua, Hội đồng cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một bản báo cáo lập tức gây sốc dư luận bởi đề cập đến việc sửa một điều “cấm kỵ” trong Hiến pháp.
Gần đây, dư luận quốc tế hướng sự quan tâm khác thường đến những động thái xung quanh Hiến pháp Nhật Bản và những dự định sửa đổi bản Hiến pháp được đánh giá là Hiến pháp hòa bình này. Nhưng sửa đổi cái gì, sửa đổi theo hướng nào, tại sao Hiến pháp Nhật Bản lại được coi là Hiến pháp Hòa bình…? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về vấn đề nói trên.
Động thái mới
Ngày 17 tháng 5 vừa qua, Hội đồng cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (được gọi là: Tọa đàm tái cấu trúc cơ sở pháp luật về an ninh quốc gia) đã đưa ra một bản báo cáo trong đó đề nghị cho phép Chính phủ Nhật Bản được sử dụng quyền tự vệ tập thể (quyền tổ chức chiến tranh và cùng nước khác tham gia chiến tranh) trong trường hợp cần thiết.
Đây là điều cấm kỵ được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản.
Điều 9 hiến pháp Nhật. Ảnh: geocities.jp
Báo cáo này nêu rõ: “Từ trước đến nay, Hiến pháp Nhật Bản được lý giải theo hướng chỉ được áp dụng quyền tự vệ ở mức độ cần thiết tối thiểu. Nhưng với tình hình phức tạp của an ninh trong khu vực và trên thế giới hiện tại, quyền tự vệ cần được nâng lên mức tự vệ tập thể”.
Báo cáo còn nhấn mạnh: nhiều điều trong Hiến pháp Nhật Bản hiện hành là khó hiểu hoặc dễ hiểu lầm và đề nghị “cần giải thích lại Hiến pháp cho phù hợp” nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản tham gia vào các hoạt động gìn giữ an ninh của Liên Hợp quốc và đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Báo cáo này lập tức gây sốc cho dư luận Nhật Bản, bởi, những người đưa ra đề nghị nêu trên đều là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành hoặc những nhà kinh tế tên tuổi, chứ không có một chính trị gia nào. Theo đó, ý kiến của họ rất có trọng lượng và buộc mọi người phải lắng nghe. Thêm nữa, điều họ đề nghị “cần giải thích lại” chính là Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản – điều luật quyết định tính chất hòa bình của bản Hiến pháp được coi là niềm tự hào của người Nhật hiện nay.
Nguồn gốc cũ
Video đang HOT
Tuy nhiên, câu chuyện không phải bắt đầu từ đấy. Vấn đề này đã được nêu ra từ năm 2003~2004 dưới thời của Thủ tướng Koizumi. Lúc đó là thời điểm nổ ra Chiến tranh Iraq.
Mặc dù quân Mỹ đã bắt được Tổng thống Saddam Hussein, nhưng lực lượng chống đối vẫn không dừng lại, chiến sự tiếp tục lan rộng. Như một hệ quả tất yếu, Mỹ cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài, và Nhật Bản – nước đồng minh thân cận cũng không thể đứng ngoài.
Mặc dù lúc đó Chính phủ Nhật Bản chỉ cử lực lượng phòng vệ tham gia các hoạt động hậu cần cho Liên quân như tiếp nhiên liệu, cứu thương, bảo vệ mục tiêu… chứ không tham gia chiến đấu, nhưng đã lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội của người dân Nhật Bản.
Họ chỉ trích quyết định của ông Koizumi là vi phạm Hiến pháp. Mà điều đó hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ: “Nhật Bản từ bỏ quyền tự vệ tập thể” và việc gửi quân sang Iraq có khác gì “cùng nước khác tham gia chiến tranh”. Do quyết định này mà Thủ tướng Koizumi đã có thời điểm phải đối diện với nguy cơ phải từ chức ngoài ý muốn.
Đúng vào thời điểm đó, Thủ tướng Koizumi lần đầu tiên nêu ý kiến yêu cầu sửa đổi Hiến pháp và đã có những hành động cụ thể nhằm thực hiện kế hoạch được coi là vô cùng khó khăn này mà bước đầu tiên đã được tiến hành từ tháng 1 năm 2007 khi nước này nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Phòng vệ.
Những vướng mắc từ quá khứ
Vậy nội dung của Hiếp pháp Nhật Bản như thế nào, xuất xứ từ đâu mà lại có quy định ngặt nghèo này? Để hiểu thêm về vấn đề này xin ngược dòng lịch sử trở về nửa cuối của những năm 40 thế kỷ trước.
Khi đó Nhật Bản vừa bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ thay mặt Đồng minh tiếp quản giải giáp vũ khí quân Nhật. Bản Hiến pháp của Nhật Bản hiện nay được Tướng Douglas MacArthur – Tư lệnh quân Mỹ tại Nhật Bản lúc đó soạn thảo theo 3 nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ 2 nêu rõ: “Nhật Bản từ bỏ việc phát động chiến tranh, từ bỏ cả quyền sử dụng chiến tranh nhằm mục đích giải quyết tranh chấp, thậm chỉ không sử dụng chiến tranh ngay cả để bảo vệ sự an toàn của nước mình. Nhật Bản tự vệ dựa vào những lý tưởng cao quý làm lay động cả thế giới. Trong hiện tại và cả tương lai, Nhật Bản sẽ không có quyền có cả hải, lục, không quân. Nhật Bản không có quyền giao chiến”.
Dự thảo Hiến pháp này được công bố vào ngày 12 tháng 2 năm Chiêu Hòa thứ 21, tức năm 1946. Mục đích của Hiến pháp này là nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một “Phe Trục” mới trong tương lai.
Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ lúc đó tuy sâu mà không xa. Bởi, chỉ mấy chục năm sau, khi Nhật trở thành đồng minh thân cận của Mỹ thì chính điều luật này lại là thứ “trói chân, trói tay” Nhật Bản trong việc trợ giúp ông bạn đồng minh Mỹ về mặt quân sự như đã nói ở trên.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình an ninh khu vực châu Á và trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp với sự trỗi dậy đây hung hăng của Trung Quốc cùng những hành vi khiêu khích, gây hấn nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền biển đảo đang tranh chấp với một số nước lân cận bao gồm cả Nhật Bản, vấn đề “quyền tự vệ tập thể” lại trở nên “ nóng” hơn bao giờ hết.
Câu chuyện chưa có hồi kết
Mặc dù vậy, đa số người dân Nhật Bản lại phản đối việc sửa đổi này với nhiều lý do như: Hiến pháp hiện hành là Hiến pháp hòa bình duy nhất trên thế giới, là niềm tự hào của người Nhật, sửa đổi nó có nghĩa là sửa đổi niềm tự hào của cả một dân tộc; Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ dẫn đến đến nguy cơ một nước Nhật hiếu chiến như đã từng có trong qua khứ gần và tạo thêm một vết nhơ nữa trong lịch sử Nhật Bản; Sửa đổi Hiến pháp theo hướng tăng cường sức mạnh quân sự sẽ dẫn tới việc tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng vào tăng cường quân bị thay vì cho phúc lợi xã hội như hiện nay v.v ….
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Abe và các cố vấn đã nghĩ ra một phương thức có thể gọi là một “tuyệt chiêu”. Đó là, như đã nêu trên, thay vì sửa đổi Hiến pháp với hàng loạt thủ tục phức tạp như trưng cầu dân ý, thành lập các ban bệ… Chính phủ Nhật đề nghị “giải thích lại Hiến pháp”.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là con đường dễ dàng, mặc dù, theo các chuyên gia, việc Nhật Bản trở lại bằng sức mạnh quân sự được khống chế để không trở nên cực đoan như trước và sẽ đóng góp tích cực vào việc giữ thăng bằng cán cân quân sự trong khu vực, tạo một đối trọng cần thiết với Trung Quốc – nước đang liên tục tăng ngân sách quân sự ở mức hai con số trong nhiều năm qua.
Và, câu chuyện xung quanh Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản vẫn chưa có hồi kết.
Toàn văn nội dung Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản để Quý độc giả tham khảo. Trong dịch thuật, do có nhiều từ vựng không có trong tiếng Việt nên tác giả phải trực dịch hoặc diễn giải. Mong độc giả thông cảm: CHƯƠNG 2: TỪ BỎ CHIẾN TRANH Điều 9: (1) Nhân dân Nhật Bản hy cầu (hy vọng và cầu mong) một nền hòa bình thế giới lấy chính nghĩa và trật tự làm nền tảng tư tưởng cơ bản, vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. (2) Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác. Nhật Bản không công nhận quyền giao chiến (với nước khác) của nước mình.
Tuấn Nhật
Theo Vietbao
Liên minh cầm quyền Nhật Bản đồng thuận điều kiện dùng vũ lực
Theo phóng viên tại Tokyo, liên minh cầm quyền ở Nhật Bản ngày 24/6 đã đạt được thỏa thuận cơ bản về những điều kiện mới cho phép nước này sử dụng vũ lực để phòng vệ trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi lớn về chính sách sau Chiến tranh Thế giới, sớm nhất vào tuần sau.
Binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã đưa ra văn kiện bổ sung gồm 3 điều kiện dành cho đảng Công Minh mới (NKP) - đối tác trong liên minh cầm quyền - hồi đầu tháng này nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ của NKP cho việc thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình, mở đường cho Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Sau vòng đối thoại thứ 9 về an ninh, Phó Chủ tịch NKP, ông Kazuo Kitagawa, cho biết các điều kiện sửa đổi đã "phản ánh" quan điểm của đảng này. Các nghị sỹ tham dự phiên thảo luận cho biết các đảng cầm quyền thúc giục Chính phủ đưa ra dự thảo cuối cùng về quyết sách của Nội các cho phiên đối thoại tới đây vào ngày 27/6. Tokyo hiện đang chuẩn bị thông qua dự thảo trên vào ngày 1/7 hoặc 4/7.
Trong vấn đề gây tranh cãi khác, những ý kiến phản bác từ NKP khiến Phó Chủ tịch LDP Masahiko Komura phải thừa nhận rằng liên minh cầm quyền vẫn chia rẽ xung quanh vấn đề liệu Nhật Bản có được phép sử dụng vũ lực trong các chiến dịch an ninh tập thể của Liên hợp quốc hay không. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng tham gia của Nhật Bản trong tương lai.
Thủ tướng Abe ngày 24/6 tái khẳng định rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia hòa bình và Lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ không can dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài đồng thời cũng khẳng định tính hợp lý khi diễn giải một cách "phù hợp" Hiến pháp.
Theo ba điều kiện mà các đảng vừa nhất trí, Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực theo Hiến pháp nếu sự tồn vong của Nhật Bản bị đe doạ và có "những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân."
Để thực thi quyền phòng vệ tập thể, "các nước có quan hệ mật thiết (với Nhật Bản) đang phải hứng chịu cuộc tấn công vũ trang." Kế hoạch trước đây của LDP sử dụng cụm từ "nước ngoài" có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn.
Điều kiện thứ hai là không có bất cứ phương tiện nào khác đẩy lùi hành vi xâm lược để "đảm bảo sự tồn tại của đất nước và bảo vệ sinh mạng người dân" trong khi điều kiện thứ ba đòi hỏi việc sử dụng sức mạnh vũ trang phải được giữ ở mức tối thiểu.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản cấm sử dụng vũ lực giải quyết các tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép quyền tự vệ "tối thiểu."
LDP của ông Shinzo Abe hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu kéo dài hàng thập kỷ qua về bản hiến pháp này. LDP chủ trương rằng việc sử dụng vũ lực mà Hiến pháp cho phép có thể coi là quyền phòng vệ tập thể theo luật quốc tế.
Trong khi đó, NKP lại bày tỏ ý kiến phản đối việc tạo điều kiện cho SDF sử dụng vũ lực nhiều hơn mà không có những giới hạn rõ ràng đồng thời lo ngại Điều 9 - vốn là cơ sở tạo nên chính sách quốc phòng riêng biệt của Nhật Bản - sẽ bị phá vỡ nội hàm.
Tuy nhiên, đối tác nhỏ trong liên minh này đã cho thấy một số dấu hiệu trong những tuần gần đây là đang thỏa hiệp về vấn đề gây tranh cãi này và cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể một cách có giới hạn.
Thủ tướng Abe đã gia tăng áp lực đối với LDP để đạt được thỏa thuận với NKP trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ sửa đổi văn kiện định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến cuối năm 2014.
Theo Vietnam
Australia nhấn vai trò của Nhật ở châu Á-TBD Tại Tokyo, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định Nhật nên đóng một vai trò lớn hơn trong giải quyết các xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương. Nhật triệu Đại sứ TQ về chuyến bay &'nguy hiểm' Ảnh: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại Tokyo hôm 11/6. Ảnh: AP Bà...