Nhật Bản mở rộng áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 địa phương
Ngày 25/11, Hội đồng chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản đã phê duyệt áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố theo chủ trương của chính phủ, thời gian áp dụng từ ngày 27/1-20/2.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/1/2022. Ảnh:THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, 18 địa phương được áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm lần này gồm: Hokkaido, Aomori, Yamagata, Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Ishikawa, Nagano, Shizuoka, Kyoto, Osaka, Hyogo, Shimane, Okayama, Fukuoka, Saga, Oita và Kagoshima. Các địa phương này hiện đang duy trì cảnh báo về số ca nhiễm mới và hệ thống y tế mức 2 – mức nguy cơ dịch bùng phát mạnh, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế. Do đó, chính quyền địa phương đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản ban hành các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm sớm kiểm soát dịch.
Như vậy, sẽ có tổng cộng 34 địa phương tại Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm. Đối với 3 địa phương là Okinawa, Yamaguchi và Hiroshima, Hội đồng chuyên gia nhất trí gia hạn áp dụng biện pháp phòng dịch dự kiến kết thúc vào 31/1 đến ngày 20/2.
Với biện pháp phòng dịch trọng điểm, chính quyền các địa phương sẽ có quyền áp dụng các biện pháp mạnh hơn như hạn chế số lượng người tham gia sự kiện hoặc yêu cầu các cửa hàng rút ngắn thời gian hoạt động. Hiện tại, 3 thành phố vùng Kansai là Osaka, Hyogo và Kyoto chủ trương chỉ cho phép các cửa hàng ăn uống có chứng nhận điều kiện phòng dịch được phép phục vụ bia, rượu và có thể hoạt động đến 21h. Các cửa hàng không đáp ứng điều kiện sẽ không được phục vụ bia, rượu và chỉ được mở cửa đến 20h.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Nhật Bản khi số ca nhiễm mới duy trì ở mức cao, trong đó, một số ngày ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trên 50.000 người. Trong cuộc họp báo ngày 25/1, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho rằng cần cảnh giác ở mức cao nhất đối với tình hình dịch hiện tại và việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ được cân nhắc một cách toàn diện trên cơ sở tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế của các địa phương.
Nhật Bản đưa thêm 7 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 7 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/8.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông tại nhà ga tàu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Các tỉnh được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này gồm: Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka. Đây đều là những tỉnh đã nằm trong danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm.
Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura cảnh báo tình hình dịch bệnh hiện nay đang tiến gần mức "thảm họa" và nhiều người có thể sẽ không qua khỏi, trong khi đáng ra có thể cứu được.
Theo Bộ trưởng Nishimura, số ca mắc mới hàng ngày đang ở mức "cực kỳ cao" trên toàn quốc, có một số ngày vượt ngưỡng 20.000 ca. Trong khi đó, nguồn lực y tế đang căng thẳng, đặc biệt là ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận.
Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác, gồm Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa tới ngày 12/9, đồng thời đưa thêm 10 tỉnh vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, gồm Miyagi, Toyama, Yamanashi, Gifu, Mie, Okayama, Hiroshima, Kagawa, Ehime và Kagoshima.
Như vậy, tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 sẽ bao phủ 13 tỉnh, thành, trong khi khu vực phòng dịch trọng điểm sẽ mở rộng ra 16 tỉnh. Cả hai biện pháp này sẽ có hiệu lực tới ngày 12/9. Trong tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và quán bar phục vụ đồ uống có cồn và dịch vụ karaoke được yêu cầu đóng cửa, trong khi các cửa hàng không phục vụ đồ uống có cồn sẽ phải đóng cửa vào lúc 20 giờ. Trong khi đó, ở khu vực phòng dịch trọng điểm, thống đốc các tỉnh sẽ quyết định thời gian được phép phục vụ đồ uống có cồn ở các cơ sở kinh doanh ăn uống đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Kể từ giữa tháng 7 đến nay, dịch COVID-19 đã bùng phát dữ dội ở Nhật Bản. Ngày 16/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 14.854 ca mắc trên toàn quốc, tăng khoảng 2.700 ca so với một tuần trước đó, trong đó Tokyo có 2.962 ca, Kanagawa 2.584, Chiba 1.609 và Saitama 1.301. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng tăng 40 người so với một ngày trước đó lên mức cao kỷ lục 1.603 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số bệnh nhân nguy kịch ở mốc cao mới.
Kinh tế Nhật Bản đã qua cơn bĩ cực? Quý II/2021, nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ tăng trưởng trở lại bất chấp việc Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba ở 10 tỉnh, thành trong gần 2 tháng. Với kết quả tích cực như vậy, Văn phòng Nội các Nhật Bản dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng trở lại...