Nhật Bản không phát hành trái phiếu để tập trung chi tiêu quốc phòng
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản dự kiến không phát hành trái phiếu để tập trung cho mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời có thể thực hiện kế hoạch cải cách thuế để tài trợ cho khoản chi tiêu này.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AFP/TTXVN
Trao đổi với báo giới vào cuối tuần trước, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, để duy trì năng lực quốc phòng ổn định, Nhật Bản cần hơn 1.000 tỷ yen để thực hiện ngân sách quốc phòng có trị giá tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào tài khóa 2027. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, để tăng cường năng lực quốc phòng trong vòng 5 năm tới và duy trì trong những năm sau đó, việc đảm bảo nguồn vốn ổn định là “rất quan trọng.” Theo đó, ông cho rằng việc phát hành trái phiếu không phải là phương án phù hợp với mục tiêu hiện nay.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn cho khoản chi tiêu tăng thêm này, đặc biệt là khi tỷ lệ nợ công/GDP của nước này đã vượt ngưỡng 200%.
Video đang HOT
Theo đài truyền hình NHK, trong bối cảnh đó, Uỷ ban thuế của đảng Dân chủ Tự do (LDP) dự định sẽ đề xuất tăng một loạt thuế suất để tạo nguồn thu tài trợ cho chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Kishida nêu rõ Chính phủ Nhật Bản sẽ không tăng thuế thu nhập do tình hình kinh tế khó khăn gây ảnh hưởng tới các hộ gia đình. Vì vậy, việc tăng thuế doanh nghiệp có thể là sự lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, ủy ban đang thảo luận về việc tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá không đốt – vốn rẻ hơn so với cigar, cũng như sử dụng một phần thuế thu nhập đặc biệt để tài trợ cho việc tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Thủ tướng Kishida cho biết nếu được áp dụng, biện pháp tăng thuế sẽ được thực hiện theo nhiều giai đoạn trong vòng một vài năm và thời điểm thực hiện sẽ rất linh hoạt. Ông Kishida cho biết sẽ không bắt đầu triển khai biện pháp này trong tài khóa tới.
Từ lâu, Nhật Bản đã giới hạn mức trần chi tiêu quốc phòng khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với khoảng 5.400 tỷ yen được dành cho tài khóa hiện tại. Thủ tướng Kishida đang lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 43.000 tỷ yen (315 tỷ USD), tương đương 2% GDP trong 5 năm (cho đến tài khóa 2027). Số tiền này cao hơn 50% so với mức dự chi khoảng 27.470 tỷ yen cho giai đoạn 2019-2023. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ ngang bằng với chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhóm chuyên gia Nhật Bản đề xuất tăng gấp đôi vốn ODA
Một nhóm chuyên gia Nhật Bản ngày 9/12 khuyến nghị nước này cần tăng gấp đôi ngân sách cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong 10 năm tới để giúp bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nhật cũng như góp phần xây dựng một thế giới dựa trên pháp trị.
Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong gói đề xuất gửi Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, nhóm chuyên gia gồm 8 thành viên do chính phủ chỉ định cho rằng Nhật Bản "cần ấn định một thời hạn rõ ràng để đạt mục tiêu", như trong 10 năm tới tăng ngân sách ODA lên 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) từ mức 0,34% hiện nay. Theo ủy ban trên, mục tiêu 0,7% GNI đã được quốc tế công nhận tại một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970.
Đề xuất được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị sửa đổi hiến chương về ODA vào năm tới - lần sửa đổi đầu tiên kể từ năm 2015.
Sau khi tiếp nhận gói đề xuất, Ngoại trưởng Hayashi cho biết những đề xuất này "rất rõ ràng về cách thức Nhật Bản sử dụng hợp tác phát triển một cách chiến lược". Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh việc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế là hết sức quan trọng đối với Nhật Bản, đặc biệt là năm 2023 khi nước này tiếp quản cương vị Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), để nước này có thể chủ động ứng phó với những thách thức ngoại giao đang ngày càng gia tăng.
Sau các đề xuất nói trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra dự thảo hiến chương ODA để Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida thông qua trong nửa đầu năm 2023.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vốn ODA của Nhật Bản năm 2020 khoảng 20,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó. Ngân sách dành cho ODA của Nhật Bản trên cơ sở ban đầu đã giảm một nửa so với mức cao nhất vào năm 1997, trong bối cảnh tài chính eo hẹp. Nợ công của Nhật Bản hiện đã cao gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo ủy ban chuyên gia, Nhật Bản cần nâng cao chất lượng và số lượng của ODA để sử dụng nguồn viện trợ này một cách chiến lược như một trong những công cụ quan trọng nhất cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Cụ thể, ODA của Nhật Bản cần góp phần hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Khi thông qua hiến chương ODA hiện hành vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản trên thực tế đã gỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài miễn là vốn ODA được sử dụng cho các mục đích phi quân sự như cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động bảo vệ bờ biển.
Ủy ban chuyên gia gồm các thành viên là học giả và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Nhật Bản cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng viện trợ cho các mục đích phi quân sự "với tư cách là một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa hòa bình".
Nhật Bản và Indonesia đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhanh trở lại, nhất là ở khu vực miền Đông. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19. Tiêm vaccine phòng...