Nhật Bản, Indonesia tăng cường hợp tác an ninh
Lãnh đạo Nhật Bản và Indonesia nhất trí tăng cường hợp tác an ninh -quốc phòng với một trong những trọng tâm là an ninh biển.
Tổng thống Widodo (trái) và Thủ tướng Abe tại Tokyo ngày 23.3 – Ảnh: AFP
Kết quả trên được đưa ra sau cuộc hội đàm ngày 23.3 tại Tokyo giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Kyodo News dẫn lời giới chức Nhật cho hay 2 nhà lãnh đạo còn quyết định tổ chức “Diễn đàn biển cấp cao song phương” nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này cũng như bảo đảm an ninh biển. Để cụ thể hóa, Thủ tướng Abe và Tổng thống Widodo chứng kiến bộ trưởng quốc phòng 2 nước ký các thỏa thuận về việc Nhật sẽ hỗ trợ các lực lượng Indonesia nâng cao năng lực và hợp tác phát triển thiết bị quốc phòng. Hai nhà lãnh đạo còn tuyên bố xúc tiến cuộc họp 2 2 giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng.
Nội dung chi tiết của cuộc hội đàm không được công bố nhưng vấn đề biển Đông cũng được cho là nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Nhật của Tổng thống Widodo và sẽ tiếp tục được ông đề cập khi đến Trung Quốc ngày 25.3. Trước đó, Kyodo News đưa tin 2 nhà lãnh đạo Nhật và Indonesia tiếp tục kêu gọi giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo luật pháp quốc tế. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun cuối tuần trước, ông Widodo khẳng định: “Đường 9 đoạn mà Trung Quốc đánh dấu biên giới biển của nước này không có cơ sở theo bất kỳ luật pháp quốc tế nào”. Đến ngày 23.3, Cố vấn đối ngoại của tổng thống là ông Rizal Sukma tiếp tục cho Reuters hay: “Trong năm 2009, Indonesia đã trình lập trường chính thức của mình về vấn đề này lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ, tuyên bố đường 9 đoạn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”.
Dường như để phản ứng các phát biểu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua tuyên bố tranh chấp ở biển Đông “nên được giải quyết giữa các bên có liên quan trực tiếp”, theo Reuters. Thực chất, các hành động của nước này trên biển Đông, nhất là quá trình bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, thời gian qua khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại. Mới đây, 4 thượng nghị sĩ hàng đầu thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ là John McCain, Bob Corker, Jack Reed và Bob Menendez cảnh báo Trung Quốc “cố tình sử dụng các biện pháp ép buộc phi quân sự để thay đổi hiện trạng” ở biển Đông và Hoa Đông. Từ đó, các nghị sĩ yêu cầu Mỹ và các đồng minh đưa ra chiến lược “ứng phó toàn diện”.
Nhật có thể hỗ trợ Mỹ ở biển Đông
Cũng trong ngày 23.3, tờ Mainichi Shimbun đưa tin 2 đảng trong liên minh cầm quyền của Nhật là LDP và Komeito đã nhất trí thông qua đề cương của một dự luật an ninh mới cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) mở rộng hỗ trợ hậu cần cho Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, giới quan sát suy đoán rằng SDF cũng có thể hỗ trợ Mỹ về mặt quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột ở biển Đông. Trước đó, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Robert Thomas tuyên bố nước này hoan nghênh Nhật mở rộng tuần tra trên không sang biển Đông, theo Reuters. Bên cạnh đó, Mainichi Shimbun dẫn một số nguồn tin cho hay Tokyo đang muốn SDF mở rộng hoạt động trên các tuyến hàng hải kết nối nước này với Trung Đông thông qua biển Hoa Đông, biển Đông và Ấn Độ Dương.
Văn Khoa
Theo Thanhnien