Nhật Bản cân nhắc điều chỉnh quy định quản lý giờ làm việc của người lao động
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ điều chỉnh các quy định về thời gian lao động nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia công việc phụ dễ dàng hơn, khuyến khích phong cách làm việc tự do hơn, đồng thời cũng tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý của doanh nghiệp tiếp nhận nhân viên làm thêm.
Người lao động làm việc tại nhà máy Nakamoto Mfg ở Oizumi, Gunma, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dự kiến sẽ công bố báo cáo vào cuối năm nay, trong đó đề xuất bãi bỏ hệ thống quản lý tổng thời gian làm việc. Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc cho phép nhân viên làm thêm ở một cơ sở khác, qua đó có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, cơ chế quản lý tổng thời gian làm việc hàng tháng nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên vẫn sẽ được duy trì, tức là thời gian làm thêm không quá 4 giờ/ngày.
Mặc dù cơ chế hiện hành có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng những người lao động làm thêm ở một công ty phụ vẫn chưa thực sự phổ biến tại Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Persol (Tokyo), mặc dù có 60,9% doanh nghiệp cho phép nhân viên làm thêm ở một công ty phụ nhưng chỉ có 24,4% doanh nghiệp có nhân viên tham gia thực sự. Mặt khác, có 40,8% nhân viên có mong muốn được làm thêm để cải thiện thu nhập nhưng chỉ 7% thực sự đang làm công việc phụ.
Video đang HOT
Hiện nay, có hai hình thức làm thêm phổ biến đối với người lao động tại Nhật Bản là “làm thuê” và “ủy thác công việc”. Hình thức làm thuê bao gồm các hợp đồng ngắn hạn hoặc làm việc bán thời gian với một công ty thứ hai, còn hình thức ủy thác công việc được xem là lao động tự do như giao hàng, chuyển phát nhanh.
Theo Luật Tiêu chuẩn Lao động Nhật Bản, thời gian làm việc tại nhiều nơi của một nhân viên phải được cộng dồn để đảm bảo quyền lợi. Nếu tổng thời gian làm việc vượt quá 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần, công ty phải trả lương làm thêm giờ. Việc bãi bỏ quy định quản lý tổng thời gian làm việc sẽ chủ yếu áp dụng đối với nhân viên làm thêm theo hình thức làm thuê. Ví dụ, ngoài thời gian 8 giờ làm việc theo quy định tại công ty A, người lao động làm thêm 2 giờ tại công ty A sẽ do công ty A chi trả còn thời gian làm việc 2 giờ tại công ty B sẽ do công ty B chi trả.
Hiện tại, việc quản lý thời gian làm việc của người lao động, bao gồm cả công việc chính và phụ, thường dựa vào báo cáo từ phía người lao động, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi thực tế.
Các doanh nghiệp cũng phải tính toán lương làm thêm giờ hàng ngày và hàng tuần để làm cơ sở phân chia phần lương giữa các nơi làm việc. Chủ tịch LINE Yahoo, ông Kentaro Kawabe trong một cuộc họp thuộc Hội đồng Thúc đẩy cải cách quy định lao động, đã nêu lên thực trạng rằng việc quản lý thời gian làm việc dự kiến và thực tế của nhân viên làm thêm đang gia tăng gánh nặng cho các công ty.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng xem xét lại quy định về “nghĩa vụ tránh cạnh tranh”, hiện đang cấm nhân viên tiết lộ bí mật của công ty chính cho công ty phụ. Hướng dẫn hiện hành yêu cầu các doanh nghiệp phải cảnh báo nhân viên về phạm vi cạnh tranh bị cấm và nhắc nhở họ không được gây thiệt hại cho lợi ích của công ty chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng phạm vi của quy định này còn mơ hồ, khiến người lao động khó tiếp cận với các công việc tại công ty phụ. Quy định mới về “nghĩa vụ tránh cạnh tranh” sẽ xem xét cụ thể hóa bằng các hướng dẫn liên quan, ví dụ như cấm tải danh sách khách hàng hoặc cho phép người lao động làm thêm trong trường hợp người này được xác nhận là khó có thể tiếp cận bí mật kinh doanh của công ty chính.
Sau khi báo cáo được công bố, Hội đồng Chính sách Lao động, cơ quan tư vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ hoàn thiện chi tiết hệ thống này. Việc điều chỉnh có thể được thực hiện thông qua thay đổi cách diễn giải của Luật Tiêu chuẩn Lao động hoặc thông qua việc sửa đổi luật và thời điểm áp dụng có thể bắt đầu từ đầu năm 2026.
Các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ dạy tiếng Nhật cho con em người lao động nước ngoài
Theo hãng thông tấn Kyodo, các tổ chức doanh nghiệp khu vực ở miền Trung Nhật Bản đang hỗ trợ dạy tiếng Nhật cho trẻ em nước ngoài nhằm tạo ra môi trường hội nhập lâu dài đối với người lao động nước ngoài, qua đó hỗ trợ sự ổn định và phát triển của ngành sản xuất địa phương.
Người lao động Indonesia làm việc tại nhà máy Nakamoto Mfg ở Oizumi, Gunma, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều lớp học tiếng Nhật đang được tổ chức tại địa phương và do các tình nguyện viên giảng dạy. Liên đoàn Kinh tế Miền Trung Nhật Bản đã kêu gọi các công ty thành viên cung cấp địa điểm và giáo viên cho các lớp tiếng Nhật và cũng đã khởi xướng sáng kiến kết nối giáo viên với các lớp học.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, khoảng 10 trẻ em và học viên nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đã tham gia lớp học tiếng Nhật tại Komaki, tỉnh Aichi. Lớp học được tổ chức tại ký túc xá của công ty gốm sứ NGK Insulators Ltd., do một nhân viên công ty phụ trách giảng dạy.
Người lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành sản xuất ở miền Trung Nhật Bản. Người lao động nước ngoài thường mang theo gia đình, theo đó khu vực này ngày càng có nhiều trẻ em người nước ngoài không thông thạo tiếng Nhật nên gặp khó khăn trong giao tiếp hằng ngày hoặc trong học tập ở trường.
Kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố năm 2023 cho thấy gần 58.000 học sinh quốc tịch nước ngoài sinh sống ở nước này có nhu cầu học tiếng Nhật.
Con số này đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua. Xét theo tỉnh, Aichi đứng đầu danh sách với gần 12.000 trẻ em nước ngoài cần học tiếng Nhật.
Số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản lần đầu vượt mốc 2 triệu người Theo hãng thông tấn Kyodo, lần đầu tiên số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã vượt 2 triệu người, trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Á khan hiếm lao động khi dân số ngày càng già hóa. Người lao động Indonesia làm việc tại nhà máy Nakamoto Mfg ở Oizumi, Gunma, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN...