Nhân viên y tế có thể trở lại làm việc bình thường sau tiêm vaccine 30 phút
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ phải ở lại phòng theo dõi 30 phút, sau đó tiếp tục trở lại làm việc.
Sáng 8/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhân viên y tế đang làm việc tại đây. Trước khi tiêm các nhân viên sẽ được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng cá nhân, đồng bộ với hệ thống của Bộ Y tế. Tiêm xong, những người này sẽ ở lại viện để theo dõi 30 phút, sau đó một số nhân viên tiếp tục quay lại làm việc theo lịch.
Chị Phạm Nguyệt Quyên – Phụ trách phòng Công tách xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chị là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong đợt này. Sau khi tiêm, chị được theo dõi trong 30 phút, do không có phản ứng bất thường, nên chị trở lại làm việc.
Vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca đang được tiêm tại Việt Nam.
Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, bất cứ thứ thuốc, vaccine hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều dẫn đến tác dụng phụ nhất định. Đến nay, tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất với vaccine COVID-19 là đau ở chỗ tiêm, áp- xe nơi tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ.
“Tất cả các thuốc, kể cả vaccine khi tiêm đều có thể sốc phản vệ. Do đó các cơ sở y tế cần phải chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với các sự cố. Trước khi tiêm vaccine các đơn vị phải hỏi người được tiêm có tiền sử bệnh nền, dị ứng hay tiền sử phản vệ hay không để xem xét có tiêm được hay không”, ông Kính khẳng định.
Mỗi loại vaccine đều có chống chỉ định riêng. Với vaccine COVID-19 hiện chưa nghiên cứu nhiều ở phụ nữ mang thai. Các vaccine hiện cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 0-18 tuổi nên chỉ định khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra, quá trình thử nghiệm ở các nước cho thấy tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả.
Hiện thế giới ghi nhận khoảng 400 biến chủng mới của SARS-CoV-2. Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều biến chủng mới, đặc biệt ở Hải Dương đã phát hiện chủng ở Anh, lây lan lan rất nhanh dù bản chất độc lực không tăng cao. Vì lý do này, theo ông Kính, khi làm vaccine các nhà khoa học sẽ làm thành một “khuôn mẫu”, sau này có các chủng mới thì sẽ cải biến khuôn mẫu đó. Cũng có thể xem chúng ta đang chạy theo virus. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả đối với các chủng mới của SARS-CoV-2.
Ông Kính cũng cho biết, mỗi người tham gia tiêm chủng sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Theo nghiên cứu, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng hơn 80%. Sau tiêm các nhân viên y tế sẽ được theo dõi sức khoẻ cũng như lấy mẫu máu để xem xét lượng kháng thể.
Do lượng vaccine đợt đầu về hạn chế nên Bộ Y tế chỉ phân bổ vaccine cho các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 và 13 tỉnh, thành có dịch.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo bác sĩ Vũ Minh Điền – Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine, cả đợt đầu tiên bệnh viện có 420 nhân viên y tế được tiêm vaccine. Tuy nhiên, trong ngày 8/3, bệnh viện sẽ tiêm cho khoảng 100 người, trong đó ưu tiên cho các cán bộ, nhân viên y tế là nữ.
Nếu có điều kiện thì bệnh viện mong sẽ được tiêm vaccine cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên, do lượng vaccine còn phải phân bố ra nhiều tỉnh/thành phố khác nên ngày đầu bệnh viện sẽ chỉ tiêm cho những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) và một số người làm công tác khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cơ sở Giải Phóng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 'Hôm nay là ngày đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam'
Hôm nay là ngày đầu tiên Việt Nam thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cũng là Quốc tế phụ nữ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể nữ nhân viên y tế và khẳng định 'đây là ngày đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam'.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trò chuyện cùng ông Kapoor NiTin - giám đốc AstraZeneca Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 8-3, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội).
Tại các địa phương có sự giám sát của các đoàn công tác Bộ Y tế gồm Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - chia sẻ khi bệnh viện được chọn là một trong các đơn vị tiêm ngừa đầu tiên Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Với việc tiêm vắc xin, chúng tôi - những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch, được trang bị thêm một hệ thống giáp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus - hệ thống giáp sinh học. Đây là một việc làm cần thiết giúp nhân viên y tế đủ sức khỏe chăm sóc bệnh nhân, và quan trọng hơn nữa là ngăn không gây hại cho bệnh nhân" - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ.
Theo kế hoạch, có 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vắc xin đợt này, riêng trong ngày 8-3 sẽ có 100 nhân viên được tiêm, gồm các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tùy theo nguồn cung ứng, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần.
Bác sĩ Châu cho biết để bước vào đợt tiêm quan trọng này, bệnh viện đã nghiêm túc triển khai sẵn sàng tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm vắc xin cho nhân viên y tế. Những liều vắc xin đầu tiên từ VNVC đã được nhập vào kho lạnh đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực 24/7 xử lý lập tức.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế một cách thận trọng. Cụ thể, các nhân viên y tế đều được khám sàng lọc trước khi tiêm; sử dụng phần mềm và hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý từng cá nhân xuyên suốt và đồng bộ trong suốt chiến dịch tiêm chủng.
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, người được tiêm vắc xin đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: "Mong ai cũng sớm được tiêm vắc xin" - Video: HOÀNG LỘC
"Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng lâu nay của bệnh viện. Sau đó người được tiêm sẽ ngồi nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng 30 phút trước khi ra về. Nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết các biểu hiện bất thường cần quay lại cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Ngoài ra, khu vực tiêm chủng cũng trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu và nằm cạnh khoa cấp cứu để kịp thời xử lý những sự cố tức thì ngoài ý muốn", bác sĩ Châu nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đến nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á có được vắc xin AstraZeneca. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Y tế tổ chức.
"Và ngày hôm nay là khởi động của chiến dịch để đưa vắc xin về nước nhanh nhất và có thể tiêm được cho người dân một cách càng nhanh càng tốt", ông khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt; nước ta được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và các hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một "hình mẫu" về cách thức kiểm soát dịch bệnh, đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu, là một "tấm gương" trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Và để tiếp tục duy trì bên cạnh ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh nhân... thì việc có được vắc xin ngừa COVID-19 là ước mơ chung của người dân toàn thế giới.
Nhân viên y tế trả lại 61 triệu đồng nhặt được cho người nhà bệnh nhân Nhặt được 2 chiếc ví khi dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, bà Hà Thị Tựa (59 tuổi, quê ở Hải Dương) đã chủ động tìm người bị mất để trả lại. Bà Hà Thị Tựa hiện là nhân viên vệ sinh tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương. Trong 10 ngày qua, bà đã nhặt được hai chiếc...