Nhân sâm: “Tiên dược” của phái đẹp
Thời đại làm đẹp không phải mới bắt đầu từ khi các thương hiệu mỹ phẩm ra đời, từ hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước, các quý bà, quý cô nơi hoàng thất cung điện đã có tâm lý làm sao để đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
Vô số câu chuyện giữ gìn nhan sắc làm đẹp, từ vóc dáng đến tóc da, từ làn hơi tới nét mặt đã theo thời gian lưu truyền tới tận ngày nay. Nhắc tới nhân sâm, dân gian không chỉ lưu truyền tác dụng tuyệt vời gần như có thể “cải tử hoàn sinh”, người ta còn tỉnh táo nhắc nhau câu chuyện cười “đau bụng uống nhân sâm … tắc tử”, … để thấy rằng nhân sâm rất tốt, nhưng phải biết cách sử dụng nếu không có thể dẫn tới cái chết. Và đương nhiên với những mỹ nữ quyền quý trong cung, nhân sâm ắt là một vị nhất thiết phải có trong kho y dược, mỹ phẩm của cung đình.
Hương thơm từ trong truyền thuyết
Có một truyền thuyết về nhân sâm như sau: “Thưở xưa, có một đền thờ được gọi là đền Vân Mộng trên ngọn núi Vân Mộng (nghĩa là giấc mộng của mây) ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trong đền có một vị sư phụ và một đồ đệ. Sư phụ đối xử với đồ đệ rất tàn nhẫn khiến cho vị sư trẻ trở nên xanh xao, gầy yếu. Một ngày nọ, vị sư già rời khỏi đó và để đồ đệ làm việc một mình ở trong đền. Một đứa trẻ mặc yếm đỏ không rõ tung tích đã xuất hiện để giúp vị sư trẻ. Kể từ đó, bất cứ khi nào vị sư già rời đi, nó cũng đến và giúp vị sư trẻ làm việc. Cứ khi nào vị sư già trở về thì đứa trẻ lại biến mất.
Thời gian trôi qua, vị sư già nhận thấy đệ tử hồng hào, khoẻ mạnh và có thể hoàn thành mọi việc được giao. Vị sư già bối rối và nghĩ có cái gì đó thật là lạ. Ông ta gọi đồ đệ của mình đến và hỏi anh việc gì đang xảy ra. Vị sư trẻ miễn cưỡng kể cho ông ta nghe sự thật. Vị sư già nghĩ: “Rất ít người sinh sống trên núi, vậy đứa trẻ yếm đỏ từ đâu đến nhỉ? Nó chắc hẳn phải là cây thảo dược huyền thoại (nhân sâm)”. Ông ta bèn lấy một sợi chỉ màu đỏ sâu vào cây kim vào trao cho vị sư trẻ. Ông ta ra lệnh cho đồ đệ phải cắm cây kim vào chiếc yếm đỏ của đứa trẻ khi nó quay lại.
Ngày hôm sau vị sư già lại đi. Vị đồ đệ muốn kể cho đứa trẻ nghe chuyện gì đã xảy ra, nhưng anh ta quá sợ hãi không dám trái lời thầy. Cuối cùng anh ta cắm cây kim vào chiếc yếm đỏ của đứa trẻ khi nó vội vàng biến mất. Sáng sớm hôm sau, vị sư già nhốt đồ đệ vào trong đền rồi cầm cuốc lần theo sợi chỉ màu đỏ tìm đến một cây thong đỏ già. Nơi đó ông ta tìm thấy loài thảo mộc huyền thoại. Ông ta vô cùng sung sướng về khám phá của mình khi cuốc lên được một củ nhân sâm lớn mang hình dạng một đứa bé.
Vị sư già mang cây nhân sâm về ngôi đền và bỏ nó vào nồi nước. Sau đó, ông ta đè một cục đá lên nắp nồi, rồi gọi đồ đệ đến đun lửa nấu lên. Đúng lúc đó, ông ta lại phải rời khỏi ngôi đền vì nhận được lời mời gấp từ một người bạn mà ông ta không thể từ chối. Trước khi đi, ông ta nghiêm khắc dặn dò vị sư trẻ: “Ngươi không được mở nắp trước khi ta trở lại”. Sau khi vị sư già rời đi, chiếc nồi không ngừng toả ra hương thơm vô cùng quyến rũ. Vị đồ đệ hết sức tò mò. Anh ta bỏ ngoài tai lời dặn dò của sư phụ, gỡ cục đá xuống và mở nắp nồi. Hương thơm quyến rũ khiến anh ta không thể không bẻ một miếng ăn thử. Nó có rất nhiều nước và rất ngọt. Thế là, quên hết mọi chuyện trên đời, vị sư trẻ ăn hết củ nhân sâm và nước canh ấy. Vừa lúc đó vị sư già trở về. Vị đồ đệ quá lo sợ không biết phải làm sao bèn bỏ chạy về phía ngôi đền. Đột nhiên anh ta cảm thấy đôi chân của mình nhẹ bẫng, rồi bay lên trời. Khi vị sư già nhìn thấy cảnh tượng đó, ông ta biết rằng đồ đệ của mình ăn hết nhân sâm rồi …”
Từ truyền thuyết đi vào cấm cung
Video đang HOT
Với những mỹ nữ quyền quý trong cung mà chúng ta đã có dịp nhắc tới như Dương Quý Phi, Từ Hi Thái hậu, nhân sâm ắt là một vị nhất thiết phải có trong kho y dược mỹ phẩm của cung đình.
Mỗi sáng sớm, Dương Quý Phi dùng một ít canh sâm. Cách này các triều đại cung đình và các nhà giàu có thường dùng. Theo y án của cung đình thời Thanh ghi lại, mỗi buổi sáng sớm, Từ Hi Thái hậu đều ngậm một chỉ nhân sâm.
“Thần nông bản thảo kinh” liệt nhân sâm vào vị thuốc thượng phẩm, cho rằng nhân sâm có công năng bổ ngũ tạng, an tinh thần, sáng mắt, khai tâm ích trí. Hiện nay con người đã nghiên cứu và chứng minh rằng, nhân sâm có thể nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng để đối phó với các loại bệnh tật, tăng cường khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết. Nhân sâm thường được dùng với lượng ít để làm khoẻ cơ thể.
Sách sử ghi lại rằng, hàng ngày khi vua Tự Quang đến vấn an Từ Hi Thái hậu đều phải kiểm tra lại xem nhân sâm có đủ dùng hay không, từ đó mà suy thì biết cung đình đời Thanh coi trọng việc dùng nhân sâm thế nào.
Dương Quý Phi có lệnh cho người đem trân châu, bạch ngọc, nhân sâm nghiền thành bột, trộn đều với bột sắn dây thượng hạng, ban đêm dùng thoa mặt, thành một lớp mặt nạ rồi rửa đi trước khi đi ngủ. Mặt nạ với bột thuốc hỗn hợp này không những có thể khử vàng, làm cho da dẻ tươi mịn, mềm mại và dồi dào sức đàn hồi, mà có thể hút các chất bụi bẩn trong lỗ chân lông và tế bào chết trên da, làm sạch và duy trì da dẻ trắng nõn.
Một nhân vật tiêu biểu nữa cũng coi nhân sâm là vị thuốc làm đẹp không thể thiếu, đó là Nhân Duệ Vương Hậu ở xứ Cao Ly. Truyền rằng vào năm 1052, thê tử của Văn Tông (1019 – 1046, trị vì 1046 – 1083) – Quốc vương thứ 11 của Cao Ly (Triều Tiên) là Nhân Duệ Vương Hậu (In – ye Wanghu). Nàng là con gái trưởng của Thượng thư Bộ Lễ Lý Tử Uyên (Yi Jayoen). Ngày được tuyển làm vương hậu, nàng không khỏi lo lắng bất an trước việc làm quen từ đầu với các phép tắc luật lệ trong cung, khiến cho nàng mất ngủ, nước da trắng tinh như ngọc trở nên xanh tái. Vì quá căng thẳng và áp lực mà da mặt nàng mọc mụn, để lại những vết nám, sẹo. Tình trạng này khiến cho Bình Kính Đại Phi rất lo lắng tìm cách để Nhậm Duệ khoan tâm, bèn dùng bí thuật chế ra phương thuốc cấp cứu làn da đem đến vương thất cho nàng, đó là một lọ cao bảo vệ da. Đương nhiên thành phần công hiệu nhất trong đó chính là nhân sâm Cao Ly.
Giải mật bí thuật đẹp da nhờ nhân sâm
Công hiệu làm đẹp da của nhân sâm từ lâu đã được giới học thuật uy tín khẳng định, trong nhân sâm có thành phần rất công hiệu là saponin. Saponin là một glicozit tự nhiên thường gặp trong nhiều loại thực vật, chính thành phần này làm nên giá trị của nhân sâm. Sâm càng có nhiều thành phần này thì càng tốt vì vậy, dù có nhiều nước trên thế giới trồng sâm nhưng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên được đánh giá là tốt nhất. Trong sâm tươi có khoảng 10 thành phần saponin nhưng sau khi qua các công đoạn sấy khô thành hồng sâm và bạch sâm, nhân sâm Hàn Quốc có thể tới 35 thành phần saponin.
Nhân sâm được xếp vào loại đầu tiên trong 4 loại dược liệu quý của Đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhâm sâm có tên khoa học là “Panax Ginseng C.A.Mey.”, họ nhân sâm “Araliaceae”, họ “ngũ gia bì”. Trên thực tế do cách chế biến khác nhau, người ta có được các sản phẩm chế của nhân sâm khác nhau, như hồng sâm, bạch sâm, đại lực sâm …
Nhân sâm được đông y ghi vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là có tác dụng tốt mà không gây ra độc tính, được ghi vào đầu vị của dòng “bổ khí” với những công năng tuyệt vời: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí … Người lớn, có thể dùng riêng, ngày 6 – 8g, dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: nhân sâm 8g, bạch truật, bạch linh, cam thảo, mỗi vị 4 – 6g, ngày một thang, uống liền 2 đến 3 tuần lễ. Cũng có thể sử dụng dưới dạng rượu sâm (40g sâm, thái lát mỏng ngâm trong một lít rượu trắng 30 – 35 độ trong 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Tiếp tục ngâm lần 2 với 0,5 lít rượu trong 2 – 3 tuần lễ nữa). Ngày có thể dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 – 50ml. Uống trước các bữa ăn, hoặc vào các buổi tối. Với trẻ em gầy còm, chậm lớn, yếu mệt, biếng ăn, có thể dùng với lượng nhỏ hơn, 2-4g/ ngày, dưới dạng thuốc hãm.
Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm cần có những lưu ý đặc biệt, nhất là với núm rễ của của sâm (còn gọi là lô sâm). Để giữ được các hoạt chất khi chế biến và để tạo dáng cho sâm (giống như cái đầu người), người ta đã giữ nó lại. Lô sâm, không có tác dụng bổ mà còn gây ra cảm giác buồn nôn. Do đó cần cắt bỏ đi, trước khi sử dụng. Người có các triệu chứng đau bụng thuộc “thể hàn”, đau bụng “tiết tả”, tức đau bụng đi ngoài, đầy bụng, trướng bụng …, nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, những người cao huyết áp cũng không nên dùng nhân sâm, những người hay mất ngủ tránh dùng nhân sâm vào buổi chiều và buổi tối. Lúc uống nhân sâm không nên uống trà và ăn củ cải.
Theo Đẹp
Đẹp như mỹ nữ ngày xưa
Cùng xem những bí mật giúp làm nên sắc đẹp của các nữ hoàng.
Họ là hiện thân của cái đẹp cổ xưa, họ luôn giữ được nét thanh xuân tươi trẻ cho dù tuổi đã về già. Ai cũng nghĩ, bí kíp làm đẹp của các nữ hoàng, của những cung tần mỹ nữ chốn thâm cung hẳn phải là những loại thuốc quý hiếm bậc nhất thiên hạ.
Nhưng điều kỳ lạ là "mỹ phẩm" của họ đều không phải là những thứ khó tìm, nếu không nói là luôn sẵn có trong tự nhiên.
Sữa và mật ong: Bí mật của nữ hoàng Cleopatra
Biểu tượng nhan sắc mọi thời đại, nữ hoàng Cleopatra, đã sử dụng sữa và mật ong như một liệu pháp giữ gìn dung nhan tươi trẻ.
Tương truyền, bà thường tắm với sữa (Cleopatra dùng sữa lừa), mật ong, dầu jojoba và cánh hoa hồng. Mỹ phẩm chống nhăn da hàng ngày của bà cũng được làm từ sữa và mật ong.
Cleopatra làm đẹp với mật ong.
Ngoài ra, nữ hoàng còn dùng bùn khoáng, vàng, ngọc trai để duy trì nét thanh xuân cho mình. Tuy nhiên, trong tất cả những liệu pháp dưỡng da đó, sữa và mật ong vẫn là những thành phần quan trọng nhất.
Đó là bởi acid lactic trong sữa có thể làm sạch và tẩy đến lớp tận cùng của da, và nhờ đó, sữa đóng vai trò là một loại mỹ phẩm tẩy da chết rất hiệu quả, giúp cho da mềm và sạch sẽ.
Còn mật ong chứa nhiều thành phần không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có ích cho da. Trong các thành phần của mật ong có gluco và fructo giống sữa, do đó nó cũng giúp làm sạch da.
Ngoài ra, mật ong còn chứa khoáng chất và vitamin cùng các thành phần có trong các loại hoa thiên nhiên có tác dụng nuôi dưỡng, làm khỏe và chống viêm da, nhanh chóng làm lành các vết thương. Hơn thế nữa, mật ong cũng là một loại kem dưỡng ẩm cực kỳ hữu hiệu.
Thảo dược thiên nhiên: Dưỡng nhan của Từ Hy Thái Hậu
Cung nữ Đức Linh, người hầu thân cận của Từ Hy Thái Hậu, tả về vẻ đẹp của Nữ hoàng nổi tiếng nhất trong các vương triều Trung Hoa như sau: " Khi về già, làn da của Thái hậu vẫn trắng mịn, tươi tắn và mềm mại như da thiếu nữ".
Còn trong một tài liệu về Từ Hy Thái Hậu của một nữ họa sĩ người Mỹ - người đã được vẽ chân dung bà khi còn sống, có đoạn viết: " Dù đã sang tuổi 70 nhưng Từ Hy Thái Hậu vẫn có một khuôn mặt sáng đẹp, trẻ trung. Vóc dáng bà vẫn thon nhỏ, duyên dáng, những ngón tay thon dài, mềm mại và mái tóc dài vẫn còn đen mượt".
Có lẽ đó là lý do chàng sĩ quan người Anh Edmund, 29 tuổi, đã phải lòng bà lão 68 tuổi này và họ đã có một thiên tình sử kéo dài tới 6 năm.
Sách cổ Trung Hoa có ghi lại những "chiêu thức" làm đẹp hết sức công phu của Từ Hy Thái Hậu.
Một trong số đó là Ngọc dung tán hay Bát bạch tán, bào chế từ tám loại cỏ khác nhau và được Từ Hy Thái Hậu bổ sung thêm các thành phần khác bằng kinh nghiệm và hiểu biết của bà về đông y.
Ngọc dung tán này có tác dụng làm nhuận da, giúp da sáng hồng hào, lưu thông khí huyết, tránh gió độc và loại trừ những bệnh liên quan đến da mặt.
Những thành phần được Từ Hy thêm vào Bát bạch tán có tác dụng loại bỏ các vết thâm nám trên da, ngăn ngừa hữu hiệu các nếp nhăn.
Ngoài Bát bạch tán, Từ Hy Thái Hậu còn dùng bài thuốc chế từ các loại hoa cúc, hàng ngày, bà dùng nhân sâm để dưỡng da từ bên trong, 10 ngày một lần lại uống rất nhiều bột trân châu để da mềm mại, tươi trẻ, nõn nà.
Từ Hy dưỡng da với nhân sâm từ bên trong.
Người ta cũng nghe nhiều về một loại mỹ phẩm dưỡng nhan làm từ lòng trắng trứng gà và bột chu sa hết sức kỳ công của bà.
Thức ăn đẹp da của Dương Quý Phi
Là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, nhan sắc của Dương Quý Phi được cho là "hoa nhường nguyệt thẹn". Bí quyết làm đẹp của Dương Quý Phi lại bắt đầu từ... những món ăn.
Dương Quý Phi rất thích ăn quả lệ chi (quả vải). Loại quả này chứa nhiều protein, chất béo, sinh tố A, B, lân, sắt. Đặc biệt, theo Đông y, lệ chi không nóng, độc như nhiều người vẫn thường nghĩ, mà nó là loại quả ích tâm, tỳ, dưỡng can huyết, ích da dẻ...
Dương Quý Phi làm đẹp da với quả vải.
Ngoài ra, sáng sáng, Dương Quý Phi dùng một ít canh sâm, bồi bổ cơ thể, giúp da khỏe từ bên trong.
Một phương pháp đơn giản nữa của bà là tắm suối nước nóng, trong khi tắm thì vỗ nhẹ toàn thân, đặc biệt là vùng da mặt để kích thích nội tạng, thúc đẩy tuần hoàn máu, cho da hồng hào.
Mặt nạ tẩy tế bào chết, giúp da trắng sáng của Dương Quý Phi được làm từ trân châu, bạch ngọc, nhân sâm, tất cả nghiền thành bột, trộn với bột sắn dây, thoa lên mặt vào buổi tối rồi rửa sạch, sau đó massage.
Một số các loại thuốc bắc cũng được Dương Quý Phi dùng làm da sạch, mịn, mềm mại. Còn mỹ phẩm hàng ngày của bà là Dương Thái Chân Hồng Ngọc cao được bào chế từ hạnh nhân, hoạt thạch, bột nhẹ, xạ hương, long não, lòng trắng trứng gà.
Đây là phương thuốc để Dương Quý Phi giữ da mặt hồng hào, mịn màng.
Phấn nụ xứ Huế - mỹ phẩm của cung phi
Tương truyền, bà Từ Cung, mẹ của Vua Bảo Đại cả đời dùng phấn nụ, thọ đến 104 tuổi nhưng làn da không một vết nâu hay đốm đồi mồi.
Phấn nụ xứ Huế chính là một phương pháp làm đẹp bí ẩn từ cung đình mà đến giờ vẫn còn được lưu giữ.
Gọi là phấn nụ vì viên phấn có hình như nụ hoa, có các màu từ trắng, hồng cánh sen đến hồng đào, phù hợp cho từng loại da.
Phấn nụ làm đẹp da của bà Từ Cung.
Phấn nụ có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, làm trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế quá trình lão hóa, ổn định bề mặt tiểu bì, hài hòa màu da tự nhiên.
Quy trình sản xuất mỹ phẩm hoàng cung này cũng lắm công phu, qua tới 9 công đoạn. Nguyên liệu chính là thạch cao và trên 10 vị thuốc bắc bí truyền, một số loại hoa và đặc biệt là... nước mưa xứ Huế tinh khiết.
Theo phunutoday
Dược thảo tốt cho tóc Làm sao để mái tóc luôn khỏe mạnh, óng mượt như tơ là điều phái đẹp rất quan tâm. Tùy từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách điều trị riêng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng chia sẻ, từ thời thơ ấu, anh đã rất thích mùi tóc gội bằng hoa lá của mẹ. Không chỉ tạo mùi thơm,...