Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi
Những ngày đầu tháng 5, hơn 500 hộ dân xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Giống Thái Bình (Thaibinh Seed) và Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đang chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021.
Vụ này, niềm vui của các hộ dân được nhân đôi, bởi không những cây lúa đạt năng suất cao và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh thỏa thuận được với các doanh nghiệp giá thu mua lúa dự kiến sẽ đạt mức 900.000 đồng/tạ, cao hơn 50.000 đồng/tạ so với vụ đông xuân năm trước.
Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân).
Bà Hà Thị Thiết, xã Xuân Minh, cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình bà có gần 4 ha trồng lúa tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh và doanh nghiệp. Từ đầu vụ đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến phòng, trừ sâu bệnh đều được gia đình bà tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp và HTX. Vì vậy, năng suất dự kiến đạt 70 tạ/ha/vụ, hạt lúa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện, 80% diện tích lúa đã chín, gia đình đang chuẩn bị các điều kiện để thu hoạch. Dự kiến 1 ha lúa đạt 63 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn khoảng 7 triệu đồng/ha/vụ so với diện tích sản xuất lúa đại trà.
Nói về mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa theo chuỗi, bà Đỗ Thị Hoa, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh, cho biết: Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa đã được HTX thực hiện gần 5 năm nay với 2 doanh nghiệp là Thaibinh Seed và Vinaseed. Vụ đông xuân này, HTX tiếp tục liên kết với 2 đơn vị nói trên để sản xuất 2 loại lúa là TBR225 và VRL20, với tổng diện tích hơn 200 ha. Trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, HTX luôn cập nhật thông tin về quá trình sinh trưởng, phát triển của diện tích lúa cho doanh nghiệp, qua đó HTX và bà con nông dân cũng được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật canh tác phù hợp, hiệu quả để lúa đạt năng suất, chất lượng cao. Sau khi thu mua lúa cho bà con nông dân, gần như năm nào doanh nghiệp cũng thanh toán tiền ngay, nên luôn tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Điều đáng nói là, hầu hết diện tích lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đều đạt năng suất vượt trội, giá thu mua thường cao hơn thị trường từ 5 đến 10%.
Hiện nay, mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi đang được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương. Tham gia vào mô hình, phải kể đến Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, tỉnh Ninh Bình mỗi năm thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu khoảng 2.500 ha lúa thương phẩm với bà con nông dân các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Yên Định, Thọ Xuân… Công ty CP Nông nghiệp Thành Đô, có trụ sở tại Hà Nội thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích mỗi năm khoảng 1.000 ha. Công ty CP Thương mại Sao Khuê, diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm với bà con nông dân đến đầu năm 2021 đạt 1.000 ha. Điển hình tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, ban đầu, diện tích liên kết sản xuất lúa nếp cái hoa vàng với Công ty CP Thương mại Sao Khuê chỉ đạt 4 ha, nhưng đến nay, diện tích này đã được mở rộng lên tới 200 ha. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác, như: Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong cũng đang mở rộng quy mô liên kết sản xuất lúa thương phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP tại các huyện: Nông Cống, Quảng Xương…, với tổng diện tích đạt 400 ha/vụ; Công ty TNHH Bắc Trung Bộ phát triển vùng liên kết sản xuất lúa thương phẩm, với diện tích đạt 200 ha/vụ…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá: Mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, mà còn giúp bà con nông dân được tiếp cận với khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, tiếp cận được nhiều giống lúa mới kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Tư duy sản xuất của nông dân tại các mô hình nhờ đó cũng có sự thay đổi, phù hợp với sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Bởi vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, bà con nông dân đẩy mạnh mở rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi. Qua đó, diện tích lúa được sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tăng nhanh qua các năm. Thông qua đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 193 chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo. Trong vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh cũng có khoảng 5.000 ha lúa được liên kết sản xuất theo chuỗi và dự kiến diện tích này sẽ còn tăng trong vụ thu mùa sắp tới.
Phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa ở huyện Hoằng Hóa
Đến cánh đồng thôn Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) những ngày tháng 3. Thời điểm này, lúa vụ đông xuân 2020-2021 đang đẻ nhánh rộ, cả cánh đồng là một màu xanh mướt.
Ông Lê Văn Bàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, cho biết: Toàn bộ cánh đồng trồng lúa 50 ha của thôn Quỳ Chữ đều được HTX sử dụng liên kết với các công ty giống khu vực phía Bắc để sản xuất hạt giống lúa lai F1. Vì vậy, quá trình trồng, chăm sóc hay thu hoạch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình. Nhờ đó, diện tích lúa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao, năng suất bình quân đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha, lãi đạt từ 35 đến 40 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 đến 3 lần so với diện tích trồng lúa thông thường.
Nông dân xã Hoằng Quỳ chăm sóc lúa đông xuân.
Tại các xã Hoằng Sơn, Hoằng Trung, Hoằng Xuân, mô hình liên kết sản xuất lúa thuần chất lượng cao NA6, Bắc Thơm số 7 đang mở ra một hướng đi mới trong sản xuất cho bà con nông dân. Theo đó, toàn cánh đồng liên kết được canh tác duy nhất một giống lúa do doanh nghiệp cung ứng. Việc canh tác được thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, kiểm soát kỹ thuật canh tác theo yêu cầu, nên năng suất đạt tới 68 đến 70 tạ/ha/vụ. Sau thu hoạch, sản phẩm của mô hình được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn từ 15 đến 20% so với giá thị trường. Điều đáng nói, do được tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí trong các khâu sản xuất, năng suất lúa trong mô hình liên kết cao hơn so với canh tác truyền thống. Vì vậy, mô hình có lợi nhuận cao hơn canh tác truyền thống từ 750 đến 800 nghìn đồng/sào/vụ, tương đương 15 đến 16 triệu đồng/ha/vụ.
Từ hiệu quả kinh tế những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa. Theo đó, cùng với việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng lúa thâm canh tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vận động bà con nông dân đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Sử dụng chỉ 1 đến 2 giống lúa để gieo trồng trên 1 cánh đồng; thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm. Qua đó, toàn huyện đã xây dựng được vùng lúa thâm canh tại 27 xã, với tổng diện tích 3.250 ha/vụ; trong đó, mỗi vụ có gần 200 ha lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Lợi nhuận của diện tích liên kết sản xuất hạt giống lúa và lúa thương phẩm cao hơn 2 đến 3 lần so với diện tích sản xuất lúa truyền thống. Tuy nhiên, yêu cầu lao động phải có trình độ thâm canh cao, tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật về chọn tổ hợp sản xuất phù hợp, nhất là đối với diện tích sản xuất hạt giống lúa. Do đó, huyện Hoằng Hóa luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân về các kỹ thuật mới trong sản xuất hạt giống lúa. Tập trung mở rộng sản xuất các hạt giống lúa lai F1 với các tổ hợp lai hai dòng chủ động được nguồn giống, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đưa các giống lúa thương phẩm mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng vào gieo trồng. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp để thực sự là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay xây dựng thương hiệu nông sản Thông tin gạo ST25 bị một số doanh nghiệp tại Mỹ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ đang tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Nhiều bất cập trong xây dựng thương hiệu nông sản Bình luận về thông tin gạo ST25 bị một số doanh...