Nhận diện rõ dư địa để phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
“Nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách bền vững”, đây là yêu cầu của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với Bảo hiểm xã hội 6 địa phương phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Người dân sử dụng ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm giấy khi đăng kí khám bệnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 6 tỉnh, thành phố trên diễn ra vào ngày 13/8, ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, sau cao điểm dịch COVID-19, lực lượng lao động ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đa phần đã trở lại với công việc, nhưng ước tính vẫn có khoảng 550.000 lao động chưa quay lại. Trong số này, mới có 350.000 người tham gia bảo hiểm, như vậy còn khoảng 200.000 người cần phát triển tiếp.
Ông Dương Văn Hào đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương phân tích, đánh giá cụ thể đối tượng tiềm năng; bám sát doanh nghiệp, mở hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, cần chú trọng phân tích, đánh giá các nhóm tham gia như nhóm bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, nhóm do ngân sách nhà nước đóng, nhóm bảo hiểm y tế hộ gia đình… nhằm đảm bảo công tác phát triển người tham gia đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội 6 tỉnh, thành phố, trong 7 tháng năm nay, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Trước những áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tổ chức, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, đề ra nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, phối hợp tốt với các ban, ngành liên quan trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đại diện Bảo hiểm xã hội 6 địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua đã được giải quyết khá tốt, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã phát hành nhiều công văn đôn đốc công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Trong tháng 7/2022, có một số cơ sở khám, chữa bệnh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nên Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế đã và đang nỗ lực phối hợp để giải quyết.
Còn theo đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu thiếu thuốc, do kết quả đấu thầu thuốc năm 2021 kéo dài tới 18 tháng (đến cuối năm 2022). Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các năm trước đang được Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế nỗ lực phối hợp giải quyết.
Thông tin về những vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị mượn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đại diện Bảo hiểm xã hội Long An cho biết đang tích cực tham gia giải quyết vấn đề này.
Tại Bình Dương, đến nay việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản, song việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước khá phức tạp do một số bệnh viện vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, khối lượng công việc còn lại trong 5 tháng cuối năm rất lớn, nhất là tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Theo ông, trong thời gian còn lại của năm 2022, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần quyết tâm triển khai nước rút, toàn hệ thống dồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần phân tích cụ thể, nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách bền vững.
Video đang HOT
Trong công tác thu, Bảo hiểm xã hội địa phương cần nhận diện rõ 3 chỉ tiêu tổng thể song hành nhau là chặn nợ, thu nợ và tổng nợ của địa phương phải giảm. Đối với việc phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, cần rà soát trong học sinh, sinh viên để đạt được tiệm cận 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó, chủ động rà soát, tham mưu cho địa phương có chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội các địa phương cần nhìn nhận thực tế khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời, ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh rà soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo quyết liệt, rõ ràng. Đối với những bất thường trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phải dừng lại kiểm tra, rà soát ngay để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thuốc, vật tư y tế; nỗ lực cân đối dự toán được giao, đảm bảo quyền lợi người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo kế hoạch, từ ngày 13-21/8/2022, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức 4 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc và ba Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn trực tiếp xuống làm việc với 7 cụm Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa phương.
Lương bác sĩ ra trường chưa đến 5 triệu và 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc
Theo Công đoàn y tế Việt Nam, sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, lương của bác sĩ chỉ 3.486.000 đồng, cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có báo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài
8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 1,5 năm
Thứ nhất, do thu nhập thấp: Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Thứ hai, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế).
Do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.
Mặt khác trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.
Cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao trong khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp mà công việc lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng.
Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của Hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuân lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ.
Anh hùng bị lãng quên, hay cái giá của sự cao quý?
Thứ năm, do áp lực công việc cao: Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Thứ sáu, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
Thứ bảy, do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.
Theo Công đoàn y tế Việt Nam, sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, lương của bác sĩ chỉ 3.486.000 đồng, cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Ảnh minh hoạ
Thứ tám, nguyên nhân khác: Viên chức y tế xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp nên xin thôi việc để về chăm sóc gia đình. Mặt khác, một số cán bộ, viên chức y tế do sức khỏe không đảm bảo nên tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc để chữa bệnh.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ y tế vẫn phải lo lắng cho người thân, gia đình, nhiều cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh trong khi người thân gia đình cũng đang ở các khu cách ly cần được chăm sóc, có trường hợp người thân trong gia đình mất không thể về được cũng tạo nên tâm lý cho cán bộ, nhân viên y tế.
Đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề lên mức 100%; xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường
Vì thế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đồng thời, Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lương. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.
Ngoài ra, để khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1- 2 lần mức lương cơ sở hiện nay.
Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ Nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế...
Chính phủ cần có nhiều chế độ chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh; cần có những chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo làm việc nhất là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu, ...
Người bệnh kêu thiếu thuốc, đại diện các bệnh viện nói gì? Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở nhiều nơi, từ tuyến cơ sở tới trung ương, khiến bệnh nhân thiệt thòi, bác sĩ mệt mỏi. Nhiều bệnh viện trên cả nước đang đối diện thực trạng thiếu trang thiết bị y tế, nhất là thuốc phục vụ người dân. Lãnh đạo các đơn vị đưa ra nhiều nguyên nhân và đang tìm giải...