Nhận diện ISIS-K, nhóm nhận thực hiện vụ khủng bố đẫm máu ở Moskva
Chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan đã nhận thực hiện vụ nổ súng đẫm máu ở thủ đô Moskva, Nga.
Tình báo Mỹ đã cảnh báo trước về âm mưu tấn công Nga của nhóm này.
Lửa cháy dữ dội tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào trung tâm thương mại “Crocus City Hall” ở Moskva, Nga tối 22/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 22/3 đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Moskva khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Các quan chức Mỹ đã xác nhận tuyên bố này ngay sau đó.
Trong vụ khủng bố trên, nhóm tay súng chưa rõ danh tính đã xông vào nhà hát Crocus City Hall ở Krasnogorsk, thành phố thuộc tỉnh Moskva vào tối 22/3 (theo giờ địa phương) và nổ súng vào những người đến dự buổi biểu diễn nhạc. Tòa nhà cũng bị phóng hoả trong cuộc tấn công.
Các nhà điều tra và nhân viên khẩn cấp Nga vẫn tiếp tục tìm kiếm các thi thể và cảnh báo rằng số người thiệt mạng có thể còn tăng thêm. Người phát ngôn của Ủy ban điều tra Svetlana Petrenko cho biết các chuyên gia pháp y đang thu thập bằng chứng vật lý và nghiên cứu các camera an ninh.
Theo tờ New York Times, nhóm nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố chết người ở Moskva ngày 22/3 là một nhánh của IS ở Afghanistan có tên là “Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”, hay ISIS-K.
ISIS-K được thành lập vào năm 2015 bởi các thành viên bất mãn của Taliban ở Pakistan, những người sau đó theo đuổi một phiên bản Hồi giáo cực đoan bạo lực hơn. Nhóm này chứng kiến hàng ngũ của mình bị cắt giảm gần một nửa, xuống còn khoảng 1.500 – 2.000 chiến binh vào năm 2021 do sự kết hợp giữa làn sóng không kích của Mỹ và các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của nhóm thiệt mạng.
Các thành viên của ISIS-K tại Afghanistan. Ảnh: Herald Sun
Video đang HOT
Nhóm ISIS-K đã gặp phải luồng gió quét thứ hai ngay sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào năm đó. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi đất nước, ISIS-K đã thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế ở Kabul vào tháng 8/2021 khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng. Cuộc tấn công đã đưa ISIS-K vào tầm chú ý lớn của cộng đồng quốc tế, và chúng bị coi là mối đe dọa lớn đối với khả năng cai trị của Taliban.
Kể từ đó, Taliban đã chiến đấu quyết liệt chống lại ISIS-K ở Afghanistan. Cho đến nay, các cơ quan an ninh của Taliban đã ngăn chặn nhóm này chiếm giữ lãnh thổ hoặc tuyển mộ số lượng lớn các cựu chiến binh Taliban chán nản trong thời bình – một trong những tình huống xấu nhất đã được đặt ra sau khi chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ.
Tổng thống Joe Biden và các chỉ huy hàng đầu của ông cho biết Mỹ sẽ thực hiện các cuộc tấn công “ngoài đường chân trời” từ một căn cứ ở Vịnh Ba Tư chống lại phiến quân ISIS và Qaeda đang đe dọa Mỹ và các lợi ích của họ ở nước ngoài.
Tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, phát biểu trước một ủy ban Hạ viện hôm 21/3 rằng ISIS-K “vẫn duy trì khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài chỉ trong vòng sáu tháng mà không có dấu hiệu cảnh báo gì nhiều”.
Đầu tháng 3 này, chính phủ Mỹ đã có thông tin về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Moskva – có khả năng nhắm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc – khiến Bộ Ngoại giao phải đưa ra lời khuyên công khai cho người Mỹ ở Nga. Chính phủ Mỹ cũng chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga theo chính sách “nghĩa vụ cảnh báo” lâu nay của nước này.
ISIS rõ ràng đang tìm cách mở rộng các hoạt động của mình ra ngoài “sân nhà”. Các quan chức chống khủng bố ở châu Âu cho biết trong những tháng gần đây họ đã dập tắt một số âm mưu mới của ISIS-K nhằm tấn công các mục tiêu ở châu lục này.
Trong một bài đăng trên tài khoản Telegram chính thức của mình vào tháng 1, ISIS-K cho biết tổ chức này đứng sau vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman, Iran, trong lễ tưởng niệm Thiếu tướng Qassim Suleimani, một vị tư lệnh đáng kính của Iran, người đã thiệt mạng ở một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào năm 2020.
Một chiến binh Taliban đứng gác tại địa điểm xảy ra vụ đánh bom liều chết năm 2021 ở sân bay Kabul, Afghanistan, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. ISIS-K chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Ảnh: Getty Images
ISIS-K, vốn nhiều lần đe dọa Iran với cáo buộc nước này đa thần và bội giáo, đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công trước đó ở Iran.
Và bây giờ nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Moskva.
Theo các quan chức chống khủng bố của Mỹ, sau một thời gian tương đối yên tĩnh, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang tìm cách tăng cường các cuộc tấn công từ bên ngoài. Hầu hết những âm mưu đó ở châu Âu đều bị ngăn chặn, khiến người ta đánh giá rằng năng lực của nhóm này đã bị suy giảm.
Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua” và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin trong các hoạt động tuyên truyền của mình. “ISIS-K cáo buộc Điện Kremlin dính máu người Hồi giáo trong tay, ám chỉ sự can thiệp của Moskva ở Afghanistan, Chechnya và Syria”, ông Clarke nói thêm.
Cuộc tấn công ngày 22/3 ở Moskva, giống như cuộc tấn công vào tháng 1 ở Iran mà nhóm này đã nhận trách nhiệm, có thể thúc đẩy việc các nước đánh giá lại khả năng tấn công bên ngoài lãnh thổ hoạt động gốc của IS.
IS đã từng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Brussels, Bỉ vào 17/10/2023. Trong ảnh, cảnh sát Bỉ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài cảnh báo công khai hôm 7/3 về một cuộc tấn công có thể xảy ra, các quan chức Mỹ cho biết họ đã trao đổi riêng với các quan chức Nga về thông tin tình báo chỉ ra một cuộc tấn công sắp xảy ra. Không rõ phía Mỹ đã cung cấp cho các quan chức Nga bao nhiêu thông tin ngoài những gì có trong cảnh báo công khai.
Mỹ cũng đã cảnh báo Iran về một cuộc tấn công có thể xảy ra trước vụ đánh bom kép vào tháng 1 năm nay khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ tưởng niệm tướng Qassim Suleimani.
Bầu cử Tổng thống Nga: Hàng triệu cử tri thực hiện quyền công dân
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, sau 4 giờ mở cửa các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga, đến 12h00 (giờ Moskva - tức 16h00 giờ Hà Nội) ngày 15/3, Ủy ban Bầu cử Trung ương LB Nga đã công bố tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống đạt 5,47%, bao gồm cả các cuộc bỏ phiếu sớm dành cho các cử tri ở các khu vực xa xôi, khó tiếp cận diễn ra từ ngày 25/2 - 14/3.
Tại khu vực bầu cử Moskva, trong vòng 4 giờ đã có 1,3 triệu cử tri bỏ phiếu điện tử, trong khi số cử tri sử dụng lá phiếu giấy là hơn 212.000.
Cử tri ở thủ đô Moskva tiến hành bỏ phiếu. Ảnh: TTXVN phát
Liên quan các cuộc bỏ phiếu sớm, Ủy ban Nhân quyền LB Nga khẳng định chưa ghi nhận sự cố nào trong quá trình bỏ phiếu sớm ở hơn 40 khu vực. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, bà Ella Pamfilova xác nhận gần 2,6 triệu cử tri trên khắp nước Nga đã thực hiện bỏ phiếu sớm.
Trong ngày bỏ phiếu đầu tiên, 4 phi hành gia Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng đã thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân, khi ủy quyền cho ông Igor Trifonov - người đứng đầu thành phố Korolev, qua một kênh an toàn của RSC Energia, thuộc Cơ quan Vũ trụ LB Nga (Roscosmos) để lựa chọn theo nguyện vọng.
Ngay trong sáng 15/3, đoàn quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Tổng Thư ký Zhang Ming dẫn đầu đã đến thăm 3 điểm bỏ phiếu. Ông Zhang Ming khẳng định hoạt động bỏ phiếu đang diễn ra theo đúng kế hoạch, có tổ chức.
Cho tới thời điểm hiện tại, cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra an toàn, song Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cũng đưa ra một số cảnh báo đối với các dấu hiệu vi phạm. Ủy ban Nhân quyền LB Nga đã thông báo về dấu hiệu của các hành động khiêu khích và tấn công vào hệ thống điện tử.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp ở trung tâm thông tin của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, Chủ tịch ủy ban Pamfilova đã thông tin về một số trường hợp các đối tượng sử dụng thẻ nhà báo giả để có mặt tại các điểm bỏ phiếu ở thành phố Saint Petersburg và một số vùng với mục đích thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra từ ngày 15 - 17/3. Lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức trong 3 ngày và áp dụng cả hình thức bỏ phiếu điện tử. Có 4 ứng cử viên tham gia bầu cử, gồm ông Vladislav Davankov của đảng "Những con người Mới", ông Leonid Slutsky của đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) và đương kim Tổng thống Vladimir Putin - người ứng cử với tư cách ứng cử viên độc lập.
Kết quả thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều dự báo Tổng thống Putin sẽ giành chiến thắng áp đảo trước 3 ứng cử viên còn lại và tiếp tục giữ thêm một nhiệm kỳ 6 năm. Trước đó, ông Putin đã 4 lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống Nga vào các năm 2000, 2004, 2012 và 2018.
Đại hội đại biểu lần thứ I Hội sinh viên Việt Nam tại LB Nga Sáng 10/3, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva của LB Nga đã long trọng diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ I Hội Sinh viên Việt Nam tại LB Nga nhiệm kỳ 2024 - 2026. Tham dự sự kiện có Bí thư Đảng ủy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi;...