Nhân chứng tố cảnh sát Myanmar bắn vào người biểu tình
Hla, 23 tuổi, nói một người biểu tình trúng nhiều phát đạn và thiệt mạng khi cảnh sát Myanmar bắn đạn thật vào đám đông phản đối đảo chính.
Hla, người không sử dụng tên thật để đảm bảo an toàn, cho hay hôm 20/2 tham gia đoàn biểu tình Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, nơi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và công nhân xưởng đóng tàu Yadanarbon. Cảnh sát cam kết sẽ rút lui nếu người biểu tình giải tán, cô kể, nhưng khi đám đông bắt đầu tản ra, nhà chức trách bắt đầu dùng dùi cui tấn công họ.
Cảnh sát chặn mọi ngả đường, buộc Hla phải trú ẩn trong một khu nhà gần đó và chứng kiến cảnh lực lượng an ninh bắn hơi cay vào các căn nhà. Hla thấy một người đàn ông trúng đạn ở bụng và đầu gối.
“Viên đạn xuyên thẳng qua và tôi có thể thấy bắp thịt ông ấy lộ ra. Có rất nhiều máu, mọi người giơ tay để kêu gọi cảnh sát ngừng bắn nhưng không có tác dụng. Tôi phải trốn chạy để bảo toàn tính mạng”, cô nói.
Người đàn ông này và một thiếu niên được cho là hai người thiệt mạng do trúng đạn thật của cảnh sát ở Mandalay hôm 20/2, khi hàng chục nghìn người xuống đường phản đối cuộc đảo chính của quân đội.
Video đang HOT
Một người biểu tình trúng đạn trong vụ đụng độ ở Mandalay hôm 20/2. Ảnh: AFP .
Một nhân viên y tế chia sẻ hình ảnh đang cứu chữa người biểu tình bị thương ở đầu trên xe cảnh sát. “Tôi xin họ thả anh ta hoặc cho tôi ít nhất 15 phút để khâu vết thương nhưng không được. Tôi không thể làm gì ngoài bôi thuốc và khóc”, người này cho hay.
Người biểu tình dùng ná cao su bắn đá về phía cảnh sát, khiến lực lượng an ninh đáp trả bằng đạn cao su và đạn thật, theo các nhân chứng. Ít nhất 30 người bị thương trong vụ đụng độ, trong khi quân đội Myanmar tiết lộ một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng vì vết thương quá nặng.
Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cho biết chính quyền quân sự đã phát cảnh báo sau khi xuất hiện thông tin về những cuộc biểu tình lớn có thể diễn ra trong ngày 22/2.
“Người biểu tình đang tăng cường kích động bạo loạn và phá hoại, họ đang kích động người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, đẩy những người này vào con đường nơi họ có thể mất mạng”, thông cáo từ ban thông tin Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar có đoạn viết.
Ít nhất 569 người đã bị quân đội bắt trong những tuần qua. Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi, tử vong hôm 19/2 sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện vì trúng đạn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Naypyidaw. Đây là người biểu tình đầu tiên thiệt mạng từ khi phong trào chống đảo chính tại Myanmar bắt đầu.
Quân đội Myanmar hôm 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử. Họ tiếp quản chính quyền với lý do có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, khi đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường trong những ngày qua để biểu tình phản đối cuộc đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội. Quân đội đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để giải tán.
Suu Kyi bị giam với cáo buộc nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm luật quản lý thiên tai. Bà vẫn chưa xuất hiện trước công chúng từ khi bị giam. Luật sư cho hay bà Suu Kyi đã gặp một thẩm phán qua cuộc gọi video nhưng các luật sư không thể tham dự vì chưa được cấp giấy ủy quyền. Cố vấn Nhà nước Myanmar dự kiến xuất hiện trong phiên điều trần ngày 1/3.
Người biểu tình Myanmar tiếp tục đổ ra đường bất chấp bị trấn áp
Đám đông người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar vẫn đổ ra đường bất chấp lệnh cấm và các cuộc trấn áp bạo lực từ cảnh sát.
Các nhân chứng ước tính có tới hàng chục nghìn người tuần hành ở Yangon và Mandalay, Myanmar. Biểu tình cũng diễn ra ở thủ đô Naypyitaw và nhiều nơi khác.
Các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2. Người dân Myanmar đang đấu tranh đòi khôi phục quyền lực cho chính phủ bị phế truất của bà Suu Kyi.
Người biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2. (Ảnh: AP)
" Chúng tôi hy vọng họ trả tự do cho các nhà lãnh đạo đất nước và mong muốn có một nền dân chủ thực sự ", một học sinh giấu tên tham gia biểu tình cho biết.
Một số người biểu tình ở Yangon tụ tập tại các đại sứ quán nước ngoài để tìm kiếm sự ủng hộ từ phía quốc tế. Nhóm người biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản hô khẩu hiệu: " Chúng tôi muốn nền dân chủ, nhưng chúng tôi lại có những kẻ độc tài".
Công chức ở nhiều nơi thuộc Myanmar tham gia biểu tình bất chấp khả năng bị đuổi việc, thậm chí một số cảnh sát cũng chuyển sang ủng hộ cuộc biểu tình của người dân.
Ông Guy Ryder, lãnh đạo tổ chức Lao động Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar đảm bảo không có người tham gia biểu tình ôn hòa nào bị bắt giữ hoặc đe dọa: " Tôi kêu gọi quân đội ngay lập tức dỡ bỏ lệnh hạn chế tụ họp trên năm người, ngừng trấn áp các ý kiến bất đồng... "
Các cuộc biểu tình tại Myanmar ngày càng gia tăng. Hôm 9/2, cảnh sát tại Naypyitaw và Mandalay đã phun vòi rồng và bắn cảnh cáo người biểu tình. Ở Naypyitaw, cảnh sát bắn đạn cao su làm bị thương một phụ nữ tham gia tuần hành.
" Cảnh sát Myanmar nên chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực quá mức có khả năng gây chết người ", một cơ quan giám sát có trụ sở tại New York kêu gọi.
Thêm hai người chết trong biểu tình Myanmar Hai người thiệt mạng ở Mandalay hôm nay khi cảnh sát nổ súng để giải tán những người phản đối cuộc đảo chính quân sự. Hàng trăm cảnh sát và binh lính tập trung tại xưởng đóng tàu Yadanarbon ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, khiến các cư dân sống xung quanh lo ngại rằng giới chức cố gắng bắt...