“Nhân chứng đặc biệt” về một anh hùng huyền thoại
Đến bây giờ, gốc cây thị hàng trăm tuổi tại làng Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân, TP Huế) vẫn còn hằn in những vết bom đạn của một thời chiến tranh khốc liệt. Cây thị cổ thụ này là niềm tự hào của người dân địa phương, vì nó được xem là “nhân chứng đặc biệt” về cuộc chiến đấu ngoan cường của một người anh hùng đã đi vào sử sách như một huyền thoại…
Cây thị được ghi vào gia phả
Một ngày giữa tháng Tư lịch sử, chúng tôi về làng Dương Xuân Hạ, nay là tổ 18, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP Huế, cũng vào dịp con cháu dòng họ Thân ở nơi này tổ chức lễ chạp mả. Trước từ đường, dưới tán cây thị cổ thụ rộng lớn, ông Thân Văn Hoàng Long (76 tuổi) cùng con cháu quây quần kể lại chuyện gốc tích dòng họ gắn liền với cây thị này.
Theo gia phả, họ Thân có nguồn gốc ở Bắc Giang. Riêng phái Thân Văn do ngài Thân Văn Thẩm (1671-1758) khai sinh khi rời quê đến làng Nguyệt Biều dạy học sau đó lập gia đình, định cư tại làng Dương Xuân Hạ. “Năm 1698, cụ Thẩm lúc đó mới 27 tuổi đã mang hạt thị từ Nguyệt Biều về đây gieo, khi cây lên cao khỏi mặt đất, cụ mang trồng để đánh dấu thời gian phái họ Thân định cư. Đến nay cây thị đã 319 năm tuổi, cao trên 30m, thân cây có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m, chu vi nhánh tỏa xung quanh hơn 10m. Đều đặn vào tháng 5 cây ra hoa, mùa hè kết trái tỏa ngát hương một vùng”, chỉ tay lên tán cây thị râm mát, ông Long nói.
“Nhân chứng đặc biệt” về một anh hùng huyền thoại
Các bậc cao niên làng Dương Xuân Hạ còn cho biết thêm, trong 2 cuộc kháng chiến đánh Pháp, chống Mỹ cứu nước, tại gốc cây thị cổ thụ này là nơi tụ họp của nhiều thanh niên trai tráng trong làng, rồi họ chia tay nhau lên đường tham gia cách mạng. Và, đã có nhiều người ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…
Để tưởng nhớ nguồn cội, phái Thân Văn đã dựng một bia ký ở gốc cây thị vào ngày 12-3-2009. Tới tháng 11-2010, dòng họ Thân và người làng Dương Xuân Hạ càng tự hào khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã long trọng tổ chức lễ công nhận và gắn bia “Cây Di sản Việt Nam” cho cây thị cổ thụ. Đây cũng là cây Di sản đầu tiên được vinh danh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Điều đáng trân quý, đó là việc người làng Dương Xuân Hạ luôn kể về cây thị cổ thụ với con cháu mình, xem nó như “nhân chứng đặc biệt” về cuộc chiến đấu ngoan cường của Anh hùng Thân Trọng Một…
Huyền thoại một người anh hùng
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhà thờ họ Thân ở làng Dương Xuân Hạ nhiều lần bị quân địch giội pháo sập nát và đến nay đã 5 lần tu sửa. Thế nhưng cây thị cổ thụ vẫn sừng sững hiên ngang như một “chiến sĩ quả cảm”, dù thân cây chịu nhiều vết thương do bom đạn gây ra. Trong đó, sự nghiệp cách mạng của Đại tá Thân Trọng Một, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đã có nhiều năm tháng “gắn” với cây thị cổ thụ này.
Anh hùng Thân Trọng Một, tên thật là Thoan, sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, có 6 người con. Năm chưa tròn tuổi 20, Thoan đã tham gia vệ quốc quân, thuộc Trung đoàn 101. Năm 1946, Huế vỡ mặt trận, Thoan bị thương tách khỏi đoàn quân vào Bình Điền, được cơ sở cưu mang.
Sau khi vết thương lành hẳn, Thoan về quê nhà tìm bạn bè cùng chí hướng tập hợp lại thành một đơn vị du kích đánh giặc. Thoan là người đầu tiên nên lấy biệt danh là “Một”, những người kế tiếp tham gia vào lực lượng du kích có số thứ tự “Hai”, “Ba”, “Bốn”… Cũng từ đây, tên tuổi của Thân Trọng Một khiến kẻ địch phải khiếp sợ khi anh tổ chức nhiều trận đánh địch dũng cảm, kiên cường.
Từ một người lính áo vải với vũ khí thô sơ, Thân Trọng Một chỉ đạo các chiến sĩ trong đội đào hố, ngụy trang dưới đống lá khô, khi lính giặc đi đến thì xuất kích bằng gậy, giáo mác khiến địch không kịp trở tay. “Có lần vào mùa mưa, do đồng bằng không còn chỗ trú chân nên bộ đội rút lên rừng ẩn nấp và mỗi người chỉ có độc nhất một bộ quần áo.
Video đang HOT
Lính tráng thiếu cái mặc khiến anh Một rất trăn trở. Hay tin lính đồn An Lỗ nhận được quân trang, anh Một không ngần ngại cùng đồng đội bí mật đột kích chiếm đồn, bắt lính xếp hàng dài giữa sân rồi lệnh “Tất cả cởi hết quần áo ra”. Nghe tiếng anh Một, lính ngụy răm rắp làm theo mà không biết chuyện gì đang xảy ra…”, ông Long kể.
Sau trận đánh ác liệt vào tháng 12-1950, Thân Trọng Một bị thương và sa vào tay giặc. Biết tiếng tăm và tài năng quân sự “có một không hai” của ông nên quân địch không giết mà tìm cách mua chuộc và nhờ ông huấn luyện cho một đội quân gan dạ, tinh nhuệ như “lính của Thân Trọng Một”. Tuy nhiên, ông càng huấn luyện thì quân lính của địch lại bị thương, tử vong rất nhiều khiến địch sợ hãi vô cùng.
Về sau, khi trốn thoát về chiến khu, ông được phân công làm Phó Tham mưu trưởng Phân khu Trị Thiên. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông chỉ huy trưởng đoàn Năm được phân công cánh Nam sông Hương đánh vào nội thành Huế.
Nhận thấy Trung đoàn xe tăng Tam Thai của địch có hỏa lực rất mạnh, ông yêu cầu chỉ huy cho tiêu diệt cứ điểm này với quyết tâm “Dù phải hy sinh một phần ba lính đặc công của đoàn Năm cũng phải diệt cho được trung đoàn xe tăng”. Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng, khéo léo nên trung đoàn xe tăng địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công địch kế tiếp.
Anh hùng LLVTND Thân Trọng Một.
Với tài lãnh đạo, cầm quân đánh trận giỏi, Thân Trọng Một rất được bộ đội và nhân dân tin tưởng, ái mộ. Ông sẵn sàng “nhường cơm, xẻ áo” cho cấp dưới khi gặp cảnh đói, rét. Đi đâu nghe bảo “lính ông Một” là nhân dân hết sức giúp đỡ, đùm bọc. Ông còn được đánh giá là một cán bộ chỉ huy quân sự tài ba, đặc biệt là việc tổ chức đường lối chiến tranh nhân dân ở chiến trường Bình Trị -Thiên. Ngoài các phần thưởng Huân, Huy chương cao quý, tên ông còn được đặt cho một con đường ở Nội thành Huế.
Nhớ lại người anh hùng làm vang danh dòng họ, ông Long bồi hồi kể tiếp rằng, cạnh cây thị cổ thụ có một cái khe tựa giao thông hào và trong chiến dịch Mậu Thân, Thân Trọng Một chọn làm nơi tập trung lực lượng, họp bàn phương án tác chiến. Phát hiện ra điểm bí mật này, quân địch cho máy bay càn lướt, ném bom dữ dội hòng tiêu hủy tất cả.
“Địch ném 3 quả bom napan xuống khu vườn thiêu rụi toàn bộ cây cối. Lúc đó, cây thị cổ thụ bị bom đạn phạt sạch cành lá. Nhà thờ họ Thân cũng bị bom đạn giội nát không nhận ra đâu là nền móng. Bọn giặc càn vào làng bắt cha mẹ anh Một tra tấn đến chết”, ông Long xúc động kể và chỉ cho chúng tôi thấy những vết thương lồi lõm trên thân cây thị do bom đạn năm xưa để lại…
Sau giải phóng, con cháu dòng họ Thân đã trở lại mảnh đất Dương Xuân Hạ để xây dựng cuộc sống, thiết lập lại nhà thờ họ và chăm sóc cây thị, giúp cây hồi sinh như ngày hôm nay. Giờ đây, cứ đúng ngày 16-2 âm lịch hàng năm, con cháu gia tộc họ Thân lại tề tựu dưới gốc cây thị cổ thụ để cùng tưởng nhớ về tổ tiên, về người anh hùng Thân Trọng Một, lập nên nhiều chiến công đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Ngoài sự chiến đấu, hy sinh của cha ông, chúng tôi cũng không quên căn dặn con cháu mình đoàn kết, cùng nhau bảo vệ cây thị di sản để cây trường tồn mãi muôn đời sau”, ông Long tâm sự trong niềm cảm xúc dâng trào.
(Theo Công An Nhân Dân)
TP.HCM: Hàng ngàn lượt khách đổ về Dinh Độc Lập mừng ngày 30.4
Mừng lễ 30.4 và 1.5, hôm nay lượng du khách trong và ngoài nước đổ về tham quan Dinh Độc Lập đông hơn hẳn mọi ngày.
Theo ghi nhận tại TP.HCM, tình hình giao thông trong thành phố dịp nghỉ lễ lần này tương đối quang đãng, lượng xe cộ thông thoáng so với ngày bình thường. Tại các điểm vui chơi giải trí như Thảo Cầm Viên, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, du khách đến tham quan đông, đặc biệt là tại Dinh Độc Lập.
Nhiều băng rôn khẩu hiệu giăng cạnh Dinh Độc Lập nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một em bé cầm cờ đỏ sao vàng để mẹ chụp ảnh trước cổng Dinh Độc Lập.
Thiếu nữ xinh đẹp "selfie" trước Dinh Độc Lập ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm.
Bạn Trần Thị Lan (23 tuổi, quê Khánh Hòa) bày tỏ: "Ngày 30.4 là ngày hội vui của non sông đất nước, em thường thấy cảnh Dinh Độc Lập trên báo đài, tivi, hôm nay mới được đặt chân đến đây. Khung cảnh có nhiều cây cối, nước chảy thật yên bình, mát mẻ, những chiếc xe tăng, máy bay là hiện vật lịch sử đặt trong khuôn viên gợi nhớ về những công lao chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước".
Du khách người Anh, Robert Well chia sẻ: "Tôi đã vào Dinh Độc Lập nhiều lần, nhưng với hôm nay ngày 30.4, lại mang một cảm giác đặc biệt. Dinh Độc Lập luôn cuốn hút tôi bởi nét kiến trúc độc đáo mà giản dị".
Khách Tây cũng thích thú đi bách bộ trong công viên
Cạnh Dinh Độc Lập là những công trình mang nét văn hóa truyền thống lâu đời như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố... cũng thu hút rất đông du khách đến tham quan và chụp hình lưu niệm.
Nhiều bạn trẻ chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà
Bưu điện TP.HCM với màu vàng mang lối kiến trúc cổ kính kiểu Pháp thu hút khách du lịch.
Người dân chụp hình ở vườn hoa dọc đường Lê Duẩn dẫn vào Dinh Độc Lập
Xích lô chở khách "du hí"
Trong ngày hội non sông của nước Việt Nam thống nhất, du khách nước ngoài cũng hồ hởi đưa gia đình, con nhỏ đi thăm các địa danh nổi tiếng ở TP.HCM.
Thời tiết ngày 30.4 trời nắng nhưng không gay gắt, thuận lợi cho người dân và du khách có thể đi chơi nhiều địa điểm trong thành phố hoặc ngoại thành. Dịp này, lực lượng thanh niên xung phong và Cảnh sát trật tự cơ động cũng lập các chốt trên đường Lê Duẩn, đảm bảo an ninh, phòng chống trộm cắp móc túi, đồng thời hướng dẫn khách du lịch đường đi lại.
Hình ảnh người dân bán kem cây trên xe máy gợi nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ lớn lên từng ngày cùng thành phố này
Gánh hàng rong phục vụ các bạn trẻ dạo chơi trước cổng Dinh Độc Lập
Theo Danviet
Chuyện ít người biết về hai chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 42 năm trước 42 năm đã trôi qua, khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập - biểu tượng quyền lực cuối cùng của chế độ cũ bị húc đổ vào trưa ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong kí ức của người dân Việt Nam. Số phận hai chiếc xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm 1975 có nhiều thăng trầm khác...