Nhạc Việt: Sến-sang bất phân thắng bại
Trong năm 2011, các thảm họa V- pop bùng nổ với rất nhiều hình thức quái dị. Tuy nhiên, cũng có không ít những chương trình nghệ thuật đích thực ra đời.
Thảm họa V-Pop tái xuất
Không phải tới năm 2011 các ca khúc được coi là thảm họa V-Pop mới xuất hiện. Tuy nhiên, có lẽ đây là năm mà các thảm họa ra đời một cách ồ ạt nhất. Hàng loạt những cái tên như Phi Thanh Vân, Phương My, HKT, Lê Kiều Như, Vĩnh Thiên Kim…ra sức tác oai tác quái. Họ hát những ca khúc mà chỉ nghe tên thôi cũng đủ khiến không ít người sởn da gà, nào là Nàng kiều lỡ bước, Cấm trẻ em dưới 18 tuổi, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Buông xuôi cho số kiếp, Người ấy và con cha phải chọn...hay độc hơn là những cái tên (có vẻ) mỹ miều như Tâm hồn vĩnh cửu, Huyền thoại tình yêu…
HKT có lẽ là thảm họa được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2011
Điều đáng nói là nếu như trước đây, những thảm họa V-pop ra đời theo kiểu tự phát và nhỏ lẻ thì nay nó được lên kế hoạch cụ thể và có chiến lược rõ ràng. Nếu các thảm họa trước đây ra đời rồi nhanh chóng chết yểu thì nay nó là đòn bẩy đưa không ít người bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Nhóm HKT, ngoài việc tung ra các ca khúc thảm họa còn gây chú ý với những phát ngôn chê bai nhóm nhạc Hàn Quốc có nhiều fan vào dạng bậc nhất Việt Nam – nhóm Suju. Sốc hơn nữa, họ còn kéo cả đại thi hào Nguyễn Du vào cuộc với những phát ngôn ngang ngược như: Cụ Nguyễn Du phải cảm ơn chúng tôi vì đã đưa nào Kiều vào âm nhạc hay: Nếu các bạn cho rằng đạo nhạc là có tội thì Nguyễn Du cũng có tội, các bạn cũng biết Truyện Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân (người TQ) sáng tác nhưng Nguyễn Du đã “ăn cắp” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân rồi biến thành của ông. Có thể gọi Nguyễn Du đã ĐẠO VĂN của Thanh Tâm Tài Nhân mà ĐẠO VĂN và ĐẠO NHẠC cũng giống nhau nên nếu đạo nhạc có tội thì đại thi hào Nguyễn Du cũng có tội”.
Video đang HOT
Phi Thanh Vân khiến công chúng tẩu hỏa nhập ma với việc “Đọc những con chữ vô nghĩa trên nền những nốt nhạc bị loạn, bị méo hay lỗi về thu thanh”
Những phát ngôn ngông cuồng đó cùng với những ca khúc vô nghĩa đã giúp HKT từ một nhóm hát nhỏ tầm phủ sóng gói gọn trong các tỉnh miền Tây thì giờ đã đi diễn khắp các tỉnh trong cả nước. Phương My đã từng gõ cửa cuộc thi Vietnam Idol với lời nguyện ước được trở thành ca sĩ nhưng không thành, thế nhưng chỉ với MV Nói Dối, Phương My đã được rất nhiều người biết tới. Gần đây nhất, Karik với thảm họa Rắc rối còn bất ngờ vượt mặt hàng loạt ca sĩ khác như Văn Mai Hương, Phương Vy, Uyên Linh, V.Music để nhận giải MV xuất sắc nhất tại giải thưởng Video âm nhạc Việt Nam (VMVC) 2011.
Vietnam Idol không thể biến ước mơ làm ca sĩ của Phương My thành hiện thực nhưng thảm họa V-pop thì lại làm được
Cho tới thời điểm cuối năm, các thảm họa V-pop có vẻ như tạm thời yên ắng. Tuy nhiên, chẳng ai dám chắc là chúng đã bị dẹp hay đang tạm “nghỉ đông” và cũng chẳng ai biết được trong lần tái xuất tiếp theo, các thảm họa này sẽ còn tung ra các chiêu trò quái dị nào.
Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý gây tiếng vang khi xuất hiện trong Không gian âm nhạc
Show nghệ thuật: Liệu có chết yểu?
Xét về khía cạnh các hoạt động âm nhạc, Hà Nội vốn được đánh giá là nơi kém sôi động hơn so với Sài Gòn. Nếu người Sài Gòn có thói quen vào các buổi tối đi xem kịch, xem ca nhạc thì Hà Nội gần như chỉ có ngày cuối tuần. Không những thế, những hoạt động này cũng không thực sự nhiều. Tuy nhiên, điểm đáng mừng trong năm 2012 là tại Hà Nội đã xuất hiện những chương trình ca nhạc có tính nghệ thuật cao và mang tính chất định kỳ hàng tháng. Ban đầu là Music on the roof với sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sĩ Huy Tuấn, tiếp đến là Không gian âm nhạc của đạo diễn Việt Tú…Những chương trình này ra đời thực sự đã được cả công chúng và giới chuyên môn háo hức đón nhận. Không gian âm nhạc đã tạo cơ hội cho khán giả được thưởng thức những giọng ca hàng đầu của Việt Nam như Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Ngọc Anh, Thu Phương, Tùng Dương, Nguyên Thảo…Còn Music on the roof cũng khiến khán giả Hà Thành choáng váng với đêm nhạc Quê Nhà của nghệ sĩ người Pháp gốc Việt, người được coi là nhân vật quan trọng nhất của dòng nhạc world music trên thế giới – Nguyên Lê…Không hẹn mà gặp, các chương trình này đều có chung mục đích tạo cơ hội cho khán giả được NGHE ca nhạc một cách đích thực, nơi ca sĩ hát và tung hứng với ban nhạc.
Music on the roof “chơi sang” khi mời Nguyên Lê về Việt Nam biểu diễn
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các chương trình ca nhạc này có vẻ như đang hoạt động không mấy suôn xẻ. Music on the roof chưa thấy có thêm đêm nhạc nào kể từ sau Quê nhà hồi tháng 7/2011. Không gian âm nhạc số 10 dự kiến diễn ra vào ngày 26 – 27/1/2012 cũng đã bị hoãn lại vô thời hạn. Trước đó, chương trình số 9 của Thu Minh – Phạm Anh Khoa đã bị rút ngắn xuống còn một đêm thay vì hai đêm như thường lệ.
Theo VNN
2011: thảm họa âm nhạc và những bước tiến
Có lẽ chưa có năm nào nhạc Việt được chứng kiến những thảm họa âm nhạc nhiều như năm 2011, và cũng có lẽ chưa bao giờ mọi chuyện lại thay đổi nhanh như thế!
Thảm họa âm nhạc, một năm nhìn lại...
Có thể nói 2011 là năm bùng nổ của hiện tượng "thảm họa V-Pop". Cộng đồng online thì có thêm nhiều Music Video (MV) khôi hài để bàn tán xôn xao, dư luận cũng được dịp chỉ trích không thương tiếc. Những cái tên như Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như, HKT, Phương My,... đã không còn xa lạ đối với công chúng, đặc biệt là giới văn phòng thường xuyên sử dụng internet.
Đến lúc nhìn lại chặng đường của những thảm họa, có lẽ công chúng cần tỉnh táo để nhận biết con đường, mục đích mà những nghệ sỹ này muốn đạt được đó là sự nổi tiếng, khác hoàn toàn với cái gọi là danh tiếng.
Phi Thanh Vân từng tuyên bố " Muốn gọi tôi là ca sỹ, Phi Thanh Vân hát hay người đẹp hát gì cũng được" và con đường mà cô theo đuổi đâu phải là một ca sỹ chuyên nghiệp.
Về hai "thảm họa" nổi nhất trong năm 2011 này là Phương My và HKT thì câu trả lời có lẽ là phong cách mà họ chọn cho con đường âm nhạc của mình.
Phương My đã từng là thí sinh trong cuộc thi Idol
Phương My đã từng là thí sinh trong cuộc thi Idol, có lẽ ca hát nhiều mà không có được tiếng tăm nên quyết định chọn cách hát và thể hiện khác người, thế là nổi thật. Cô từng tuyên bố " vui mừng vì được gọi là thảm họa".HKT dù có bị gọi là "thảm họa" đi chăng nữa nhưng đã đầu tư về tiền bạc lẫn công sức, ý tưởng cho những MV của họ được. Nếu cho rằng dòng nhạc HKT hát là nhạc chợ thì những dòng nhạc thị trường đã từng làm mưa làm gió như Khi người đàn ông khóc của Lý Hải hay Thà rằng như thế của Ưng Hoàng Phúc là gì? Vậy chuỗi series Trọn đời bên em đã làm nên tên tuổi của Lý Hải nếu xuất hiện vào thời điểm này có bị gọi là "thảm họa" hay không?!
Nếu nhìn vấn đề một cách thấu đáo thì liệu có hay không cái gọi là thảm họa trong âm nhạc, khi mà dưới sự công kích của búa rìu dư luận những sản phẩm ấy vẫn tồn tại và sống khỏe.
Dòng nhạc thị trường vốn được giới bình dân ưa chuộng nhờ có giai điệu dễ nghe, lời đơn giản dễ thuộc kết hợp thêm vũ đạo sôi động. Về tiêu chí này rõ ràng HKT đã rất thành công với mục tiêu đặt ra của họ. Và như thế, vẫn tồn tại những lý do để khán giả lắng nghe nhạc "thảm họa"?
Ý kiến trái chiều của của Phương Anh, 20 tuổi - một khán giả khu vực miền Tây cho biết: " Nếu không có những "thảm họa" như HKT, Vũ Hà... thì giới bình dân sẽ nghe cái gì? Chẳng lẽ họ lại nghe nhạc của Đại Lâm Linh - những tác phẩm được giới bình dân cho là... thảm họa. Đã đến lúc dư luận nên nhìn nhận vấn đề thảm họa dưới cái nhìn công tâm và đúng đắn hơn. Nếu nghệ thuật là để thưởng thức thì thảm họa chỉ có một mục đích đơn giản là giải trí, và phân khúc rõ ràng cho đối tượng bình dân. Tồn tại một sự khập khiễng khi dư luận đánh đồng những thảm họa với âm nhạc chính thống và đập nó tơi bời. Trong khi đối tượng chính của dòng nhạc này lại thấp cổ bé họng không có cơ hội lên tiếng trong cuộc chiến không cân sức này."
Khi người hát tự thay đổi "thảm họa"...
"Liên khúc thảm họa" của Duy Khiêm là một cái kết khá đẹp cho một năm 2011 đầy sóng gió của "thảm họa V-Pop". Tác giả đã cover lại 5 thảm họa đình đám của năm 2011, Da nâu và Tâm hồn là vĩnh cửu (Phi Thanh Vân), Nàng Kiều lỡ bước (HKT), Đừng yêu em (Lê Kiều Như), Nói dối (Phương My). Trong thời điểm hiện tại, dù đã chính thức phát hành gần 2 tuần nhưng MV này vẫn còn một độ thu hút nhất định với cộng đồng mạng.
"Bộ ba chế nhạc thảm họa thành nghệ thuật" được ủng hộ mạnh mẽ
Khi được hỏi về mục đích của việc tung ra MV này, tác giả của nó trả lời: " Mục đích của MV này là không có mục đích nào cả... Duy Khiêm muốn để cho công chúng tự thưởng thức và tự cảm nhận về: nhạc sĩ, ca sĩ, ca khúc. Vì yếu tố nào trong 3 yếu tố trên mà một bài hát bị cho là thảm họa? Có bài dở vì giai điệu, vì ca từ, có bài lại vì người thể hiện. Mỗi người sau khi nghe xong sẽ có một cách hiểu khác nhau. Chính cách hiểu của từng người đã thể hiện tư duy của họ về âm nhạc cũng như nhận thức của họ về cuộc sống".
Cũng không cần nói thêm về sự đón nhận của công chúng đối với MV này. "Giải thoát thảm họa", "cứu vớt thảm họa", "biến thảm họa thành nghệ thuật" là những cụm từ được dư luận nhắc đến nhiều khi nhận định về "Liên khúc thảm họa". Công chúng nghe nhạc cũng đã tự mình trả lời được câu hỏi "Ca khúc thảm họa hay là ca sĩ thảm họa?"
Độc giả đã có cái nhìn rất sâu sắc khi nhìn nhận lại về cái gọi là "thảm họa âm nhạc": " Vậy là chứng tỏ, lỗi không phải ở nhạc mà là ở người. Nếu người không có tài thì hát nhạc của diva hay của Trịnh thì cũng sẽ thành thảm hoạ mà thôi. Biến 1 bài hát tầm thường thành một tác phẩm nghệ thuật được hay không là còn tuỳ vào cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ muốn mang đến cho công chúng. Tốt nhất là HKT, Phi Thanh Vân, Phương My và những người khác nên nhìn đây là tấm gương mà đánh giá lại bản thân mình thì tốt hơn". (Vitconxauxi193377)
MiA Theo VNN
Liên khúc thảm họa dậy sóng V-pop Da nâu, Nàng Kiều lỡ bước, Tâm hồn là vĩnh cửu... được làm mới lại bởi 1 cái tên vừa quen vừa lạ. Ngố Duy Khiêm được cộng đồng mạng biết đến là thành viên của nhóm Mr Cù Family, tham gia thực hiện hàng loạt phim hài chế nổi tiếng như Cung tâm kế, Sikula diệu kỳ, Bao Công xử án Tôn...