Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Mong muốn tạo ra một khu vườn âm nhạc dành cho thiếu nhi
Sau hàng loạt thành công trong các sáng tác ở thể loại nhạc trẻ, vài năm trở lại đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn được biết đến như một ‘nhạc sĩ của thiếu nhi’ khi anh liên tục cho ra đời các ca khúc tạo được dấu ấn mạnh mẽ về nhiều chủ đề xoay quanh thế giới trẻ thơ và nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả nhỏ tuổi.
Từ nhạc sĩ chuyên viết nhạc tình yêu với nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Chiếc khăn gió ấm”, “Vầng trăng khóc”, “Con đường mưa” … Nguyễn Văn Chung đã chuyển hướng sáng tác nhạc dành cho thiếu nhi. Trong sự nghiệp hơn 20 năm sáng tác, anh đã viết hơn 300 ca khúc thiếu nhi và được xác lập kỷ lục là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam vào năm 2020. Hiện nay, anh cũng là một nhạc sĩ trẻ có nhiều ca khúc thiếu nhi được các em nhỏ và phụ huynh đón nhận như: Nhật ký của mẹ; Gia đình nhỏ, hạnh phúc to; “Mẹ ơi có biết”, “Cảm ơn chú bộ đội”, “Điệu múa thiên nga”…
Sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi như thế nào để hấp dẫn và thu hút các em, là chủ đề chính trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Điện tử Tổ quốc và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Nguồn cảm hứng nào đưa anh đến với thế giới âm nhạc dành cho thiếu nhi?
- Nếu như trước đây, khi còn là thanh niên, tôi muốn trở thành một nhạc sĩ chuyên sáng tác các khúc về đề tài tình yêu đôi lứa, nhưng đến khi tôi lập gia đình, có con, nhìn các con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, bản thân tôi muốn làm điều gì ý nghĩa. Là một nhạc sĩ, điều tôi có thể làm tốt nhất chính là để con được sống và lớn lên trong một không gian âm nhạc lành mạnh, trong sáng, có những điều tốt đẹp vui vẻ và nhiều bài học đầu tiên của cuộc sống.
Ban đầu tôi chỉ định làm album nhạc thiếu nhi khoảng 10 bài cho con tôi (album “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to). Sau khi viết xong, tôi cảm thấy chưa đủ vì ngày xưa có rất nhiều bài thiếu nhi hay, nhưng có một số bài không còn phù hợp với bối cảnh bây giờ. Bởi những bài hát này dần trở nên xa lạ, làm cho con không cảm nhận được cuộc sống ngày xưa. Điều các con cần nhất bây giờ là trải nghiệm cuộc sống như thế nào, vì vậy tôi viết thêm cho con nhiều bài hát với các chủ đề khác nhau như về gia đình, ông bà, cha mẹ…
Bên cạnh đó, khi sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi tôi nhận ra, âm nhạc là phương tiện giáo dục tốt và gần gũi nhất dành cho trẻ nhỏ, giúp trẻ học được những bài học đầu tiên trong đời, khám phá được những thứ mới mẻ của cuộc sống. Những điều nho nhỏ trong ca khúc sẽ định hướng cho trẻ về chân-thiện-mỹ một cách nhẹ nhàng qua lời ca, tiếng hát, góp phần hình thành nên nhân cách tốt đẹp cho con trẻ. Vì vậy, tôi mong muốn mình có thể xây dựng một khu vườn âm nhạc với đủ mọi thể loại chủ đề, để nơi đó các bé thiếu nhi Việt Nam đều cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đến nay, tôi đã sáng tác được hơn 300 bài hát thiếu nhi và có thể con số ấy chưa dừng lại tại đó.
Sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay là điều không dễ dàng, anh nghĩ sao về điều này?
Nhật ký của Mẹ là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Video đang HOT
- Theo tôi sáng tác nhạc cho trẻ em vừa có cái dễ, cũng có cái khó. Cái dễ khi sáng tác nhạc cho trẻ em là cần sự đơn giản, ngôn ngữ không cần quá văn vẻ, không đòi hỏi kĩ thuật, kĩ xảo cao và chất liệu về trẻ em thì có rất nhiều. Thế giới trẻ thơ cực kỳ rộng lớn, bởi cùng với thế giới thực vốn đã rất sống động, trẻ thơ còn có thế giới của mộng mơ và sự tưởng tượng đến vô cùng. Đây là một nguồn dữ liệu rất tốt để cho các nhạc sĩ sáng tác.
Nhưng rất khó ở việc không phải ai cũng có thể thực sự bước vào thế giới của con trẻ, không phải ai cũng có một tình yêu lớn dành cho trẻ thơ. Nếu không hiểu tâm lý, ý thích của thiếu nhi, ca khúc có sáng tác ra cũng không thể sống được. Tôi từng được một bậc tiền bối cho xem tập nhạc thiếu nhi khá dày dặn. Thế nhưng, những bài hát này đều nằm im trên giấy chứ chưa đến được đông đảo công chúng. Một phần vì đa số bài hát đều viết theo lối cũ với điệu hành khúc hoặc tung tăng. Lời ca quá đơn giản, chung chung, thậm chí là ngô nghê hay giáo điều sáo rỗng. Chính vì thế, những người sáng tác âm nhạc dành thiếu nhi phải có tâm và phải có cảm xúc.
Với đời sống xã hội hiện đại ngày nay, theo anh, sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi cần có những yếu tố gì để chinh phục khán giả nhỏ tuổi?
- Với thời đại hội nhập, trẻ em bây giờ được nghe rất nhiều loại nhạc nước ngoài hiện đại nên sở thích của các em rất khác thế hệ ông bà, cha mẹ. Các bé được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên chúng giỏi hơn, thông minh hơn, gu thẩm mỹ âm nhạc và độ cảm thụ đó cũng cao hơn.
Album Gia đình nhỏ hạnh phúc to cũng được đông đảo các em nhỏ yêu thích
Vậy nên, muốn các em yêu thích thì bài hát thiếu nhi ngày nay phải đáp ứng nhiều tiêu chí cùng lúc như: Có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật, gần gũi với đời sống của tuổi thơ. Nội dung phải đúng với những gì chúng đang quan tâm, hình ảnh cũng phải đầy màu sắc, đủ thu hút và tạo sự thú vị. Bên cạnh đó, thông điệp bài học ý nghĩa phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng… Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và khoa học trước khi đặt bút viết một bài hát thiếu nhi với nguồn cảm xúc sẵn có.
Chúng ta có thể thấy, sở dĩ “Về ăn cơm”, “Bống bống bang bang”, “Nhật ký của mẹ”, “Mẹ ơi có biết”, “Chiếc bụng đói”… được các em yêu thích vì giai điệu bắt tai, thời thượng, ca từ ý nghĩa, vui nhộn. Chính vì thế, trong đời sống hiện đại ngày nay, các ca khúc thiếu nhi không ngại kết hợp với thể loại pop, rock, R&B hay thậm chí là rap, hip hop, EDM… mới mong chinh phục thị hiếu các em.
Bên cạnh đó, sáng tác nhạc thiếu nhi tôi không cần ai có chuyên môn đánh giá mà đơn giản nhất là cần những đứa bé đánh giá. Chỉ cần bài hát nào bé thích thì sẽ hát, sẽ nghe, nhún nhảy theo và bộc lộ niềm vui khi hát thì tôi xem đó là một bài hát thành công.
Trong thời gian qua, anh đã thực hiện rất nhiều dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi, đặc biệt dự án âm nhạc “Cùng con tập hát”, anh có thể chia sẻ về dự án này?
- Tôi xây dựng kênh Youtube nhạc thiếu nhi, trong đó có chuỗi chương trình “Cùng con tập hát” với mong muốn tạo ra một khu vườn âm nhạc tươi đẹp đúng lứa tuổi dành cho các bé thiếu nhi từ 3 đến 13 tuổi.
Mỗi tập sẽ có cô giáo thanh nhạc dạy cho các bé hát 1 bài hát thiếu nhi mới trong kho nhạc 300 bài hát thiếu nhi của tôi đã sáng tác với nhiều chủ đề và nội dung đa dạng từ gia đình đến trường học, những ngày lễ tết, những bài học nhỏ, thế giới tuổi thơ… và có thể nhiều hơn sau này. Bên cạnh đó, sẽ có một số tập hướng dẫn các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản cho những bé chưa có điều kiện được học hát tại các trung tâm hoặc lớp năng khiếu cũng có thể tự tập và học theo dễ dàng để có thể đi biểu diễn trong lớp, trong trường hoặc các sân khấu ca nhạc thiếu nhi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mang âm nhạc thiếu nhi đến các em học sinh
Tôi mong rằng, đây sẽ là một nguồn tư liệu âm nhạc thiếu nhi, xem như bộ sách dạy hát trực tuyến để các thầy cô giáo âm nhạc tại các trường mầm non, tiểu học có thể tham khảo để chọn giáo án giảng dạy phù hợp. Đồng thời, đây cũng là một kênh giáo dục âm nhạc trực quan và dễ hiểu dành cho trẻ em ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi thiếu những cơ sở, trung tâm đào tạo năng khiếu cho những bé có đam mê.
Sau dự án “Cùng còn tập hát”, trong thời gian tới, anh có dự định triển khai thêm dự án nào để cho âm nhạc thiếu nhi đến gần hơn với công chúng?
- Với sự yêu thương và đón nhận của khán giả dành cho hàng trăm ca khúc của mình, tôi cảm thấy mình cần phải tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhất là âm nhạc thiếu nhi. Tôi nghĩ đó là nghĩa vụ, là sứ mệnh của mình với cuộc sống này.
Hiện tại, tôi vẫn cố gắng thực hiện mọi thứ tự mình và trong khả năng của mình. Tôi vẫn tiếp tục sáng tác, sản xuất các nội dung mới trên kênh “Cùng con tập hát” và phổ biến 300 ca khúc thiếu nhi qua việc in sách, giới thiệu ở trường học, các trung tâm dạy nhạc thiếu nhi, trung tâm văn hóa để tiếp tục gieo những hạt mầm yêu thương. Tôi hy vọng, những việc mình làm sẽ góp phần thổi bùng lên ngọn lửa của những tấm lòng nhân ái dành cho trẻ em để chúng ta cùng chung tay xây dựng, dành những món ăn tinh thần tốt nhất cho thiếu nhi, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho thế hệ tương lai của đất nước.
Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chia sẻ!
Nhạc cho thiếu nhi trở lại đầy cuốn hút
Ca khúc 'Nắng ngoài sân' của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đang nhận được sự yêu thích và quan tâm của nhiều khán giả
Theo Hứa Kim Tuyền, "Nắng ngoài sân" lấy bối cảnh một gia đình khi người mẹ đi vắng, chỉ còn bố ở nhà chăm con. Ngược lại với mẹ - người luôn bao bọc con cái, bố lại muốn cho con được ra sân chơi, thỏa thích trải nghiệm và khám phá.
Bài học trải nghiệm từ bố
Thông qua ca khúc, Hứa Kim Tuyền mong muốn gửi thông điệp đến các bậc phụ huynh: "Những cơn nắng, mưa ngoài kia có thể giúp con mình trưởng thành và khám phá ra rất nhiều điều. Có một thực trạng là các ông bố bà mẹ Việt Nam thường bảo bọc con rất kỹ, muốn con sống một cuộc đời an toàn, không phải chịu quá nhiều sóng gió. Nhưng tôi nghĩ, nên cho con được trải nghiệm, khám phá nhiều hơn với thiên nhiên để con khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn".
Một số hình ảnh giới thiệu ca khúc "Nắng ngoài sân" được khán giả thích thú. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trước đây, Hứa Kim Tuyền từng sáng tác "Hai mươi hai" - ca khúc về tình cảm mẹ con do AMEE thể hiện gây xúc động, thì "Nắng ngoài sân" lại đem đến góc nhìn của người cha dành cho con mình tình cảm đong đầy không kém. Là một nhạc sĩ trẻ luôn đặt tâm tư và trải nghiệm thật của mình vào từng sáng tác, Hứa Kim Tuyền đã chạm đến trái tim của khán giả với từng sáng tác, liên tục mở rộng câu chuyện trong âm nhạc không chỉ viết về tình yêu đôi lứa, mà còn về tình thân, đưa góc nhìn đa chiều về các mối quan hệ trong gia đình.
"Nắng ngoài sân" đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ những bậc phụ huynh và cả những người làm con bởi câu chuyện nhẹ nhàng mà gần gũi, thiết thực. "Mong rằng ánh nắng này sẽ nuôi dưỡng thêm thật nhiều bông hoa nhỏ, cho các con tuổi thơ thả ga khám phá để lớn khôn hồn nhiên, khỏe mạnh, hạnh phúc trong đôi tay dẫn dắt, chỉ dạy và nâng đỡ của ba mẹ" - Hứa Kim Tuyền nói.
Một số hình ảnh giới thiệu ca khúc "Nắng ngoài sân" được khán giả thích thú. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
May áo mới cho ca khúc cũ
Ca khúc "Chú voi con ở bản Đôn" vừa được làm mới cũng thu hút nhiều người nghe. Hẳn tuổi thơ ai cũng biết ca khúc thiếu nhi quen thuộc này nhưng nay khi ca khúc được hòa âm phối khí theo hướng hiện đại, khán giả đã từng biết ca khúc này đặc biệt thích thú trong khi những khán giả trẻ chưa từng nghe qua thì thừa nhận "một bản nhạc hay, lạ, đầy cảm xúc".
May chiếc áo mới hơn, hợp thời đại hơn cho những ca khúc thiếu nhi cũ đang trở thành xu hướng được yêu thích và chinh phục khán giả hiện nay. Các ca khúc "Chú ếch con" hay "Bông hồng nhỏ", "Heal the world"... khi được trình diễn dưới hình thức dàn hợp xướng thiếu nhi, đã nhận được nhiều lời khen của khán giả. Những ca khúc dân gian truyền thống như "Trống cơm" của Việt Nam và "Arirang" của Hàn Quốc cũng trở nên thú vị hơn khi được khoác chiếc áo mới mang hơi thở đương đại.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người đã thực hiện tuyển tập "300 ca khúc thiếu nhi", cho biết hiện nay để thu hút khán giả nhí cần lưu tâm những yếu tố như ca khúc phải có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật, gần gũi với đời sống của tuổi thơ. Thông điệp giáo dục phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng.
Một số hình ảnh giới thiệu ca khúc "Nắng ngoài sân" được khán giả thích thú. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Các ca khúc "Về ăn cơm", "Bống bống bang bang", "Nhật ký của mẹ", "Mẹ ơi có biết", "Chiếc bụng đói"... được các em yêu thích vì giai điệu bắt tai, thời thượng, ca từ ý nghĩa, vui nhộn. Ca khúc thiếu nhi nếu "làm bạn" với thể loại pop, rock, R&B hay thậm chí là rap, hip hop, EDM... sẽ càng dễ chinh phục thị hiếu các em" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhìn nhận.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, hơn 10 năm trở lại đây, những sáng tác mới và hay dành cho thiếu nhi không nhiều, tạo nên một "khoảng trống" về âm nhạc cho thiếu nhi. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, việc làm mới ca khúc cũ hay viết ca khúc mới phù hợp với thị hiếu và thẩm mỹ người nghe, cho thấy thị phần nhạc thiếu nhi đang được chú ý và hứa hẹn ngày nở rộ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung rơi vào khủng hoảng với dòng nhạc 'đặc biệt' Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dù ghi kỷ lục Việt Nam nhưng từng hoang mang, mất phương hướng vì không kiếm được tiền khi sáng tác nhạc thiếu nhi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng bế tắc vì không biết làm gì sau thành công lớn của mình Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết vào khoảng năm 2009 là thời điểm đỉnh...