Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng: Gameshow âm nhạc của VTV nên đi đúng hướng!
“Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan báo hình lớn nhất cả nước, xin đừng đi chệch hướng” - Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng, Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ với Dân Việt.
Ông Nguyễn Lân Hùng – Chuyên gia sinh học – Nông nghiệp; Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam
Ngay sau bài viết về chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang có nhan đề: “VTV đang làm náo loạn nhạc Việt”, ông Nguyễn Lân Hùng – Chuyên gia sinh học – Nông nghiệp; Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có những tâm sự rất chân thành về vấn đề này với Dân Việt và bạn đọc.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Lân Hùng:
“Trên báo Dân Việt ngày 15.2.2017 có bài “VTV đang làm náo loạn nhạc Việt”, đó là lời chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến này của nhạc sĩ. Tôi tin rằng rất nhiều người sẽ đồng quan điểm với ông. Đặc biệt, bà con nông dân ở rất nhiều nơi cũng đã từng phàn nàn về vấn đề này. Mỗi lần ngồi nói chuyện với họ, tôi thường được nghe những lời chê bai về các chương trình ca nhạc trên Đài Truyền hình Việt Nam (THVN).
Có bác nông dân còn nổi khùng và lên án: “Đài là tiếng nói của Đảng, phải gìn giữ bản sắc dân tộc. Các chương trình âm nhạc nhí nhố ấy thì bản sắc dân tộc ở đâu? Ăn mặc thì hở hang, hát thì chỉ thấy nhẩy nhót…tổ tiên ta có hát theo kiểu đó đâu? Các bạn giám khảo ít nói về chuyên môn, lắng nghe thí sinh mà chỉ thể hiện cái tôi, khoe mẽ thời trang…trông khó chịu vô cùng”.
Có thể họ đã nói hơi quá nhưng rõ ràng, những người nông dân đó rất khó chấp nhận những chương trình âm nhạc kiểu mới trên Đài THVN mà chúng ta cần biết rằng, ở Việt Nam nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất. Họ đã làm nên những kỳ tích cho đất nước.
Tôi đã phản ánh điều này với một đồng chí lãnh đạo Đài. Anh ấy cho rằng: “Ở Đài có nhiều chương trình, không thích xem chương trình này thì xem chương trình khác. Vì sao lại khắt khe như vậy!”. Họ nói thế thì không thể góp ý gì được nữa.
Chúng ta vẫn biết rằng, trên Đài THVN đã có những chương trình âm nhạc rất tốt, như Giai điệu tự hào. Đây là một chương trình âm nhạc ấn tượng và gây đầy cảm hứng. Mọi tầng lớp nhân dân đều ca ngợi chương trình này. Các thế hệ nhạc sĩ lớp trước đã để lại cho dân tộc những tác phẩm âm nhạc bất hủ cả về giai điệu và nội dung. Tác phẩm của họ vang lên làm rung động lòng người. Khán giả say đắm theo những làn điệu du dương hoặc hoành tráng. Nội dung bài hát đều đưa ta về với mọi miền quê hương, giúp ta tự hào hơn về đất nước của mình. Thức dậy lòng yêu nước quật cường của dân tộc. Ta chỉ ngồi xem qua ti vi mà lòng trào dân nhiều cảm xúc…âm nhạc như thế mới là âm nhạc.
Ca sĩ Thu Minh, Tóc Tiên trong tập đầu của vòng giấu mặt The Voice 2017
Lại bàn tới ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang. Ông cho rằng, nhiều chương trình âm nhạc trên Đài THVN đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Tôi hoàn toàn nhất trí với nhạc sĩ. Tôi luôn theo dõi các chương trình âm nhạc mới trên truyền hình. Rất khó tìm được một bài hát nào có thể so sánh được với các tác phẩm của các thế hệ đàn anh. Các bài hát ở các chương trình âm nhạc truyền hình thực tế, sau khi nghe xong ta không thấy đọng lại một giai điệu nào trong đầu (lời ca thì rất khó biết họ định nói cái gì).
Các ca sĩ thì nặng về tô vẽ mặt mũi, áo quần thì cầu kỳ. Còn phong cách thì nửa Tây, nửa ta. Họ nhẩy, họ hát, họ hú hét gào thét… Tôi không tìm thấy một chút bản sắc dân dộc qua các tiết mục đó. Vậy sao một số bài hát đó lại được đánh giá là Bài hát Việt hay nhất?
Video đang HOT
Việc trẻ hóa nền âm nhạc đâu phải là học theo phong cách phương Tây! Ta cứ xem các nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…thì thấy họ vẫn giữ được bản sắc âm nhạc của mình. Xem các phim của họ đều thấy âm nhạc vẫn đậm nét các giai điệu dân tộc. Có một bộ phim dài nhiều tập của Trung Quốc mà âm sắc chủ đạo vẫn là tiếng đàn nhị rất cổ của họ ngân nga. Tôi đi thăm Thái Lan, Lào, Campuchia thấy âm nhạc của họ vẫn đầy tính dân tộc, ít bị lai căng. Vậy sao ta lại lai căng như thế?
Những trang phục, đầu tóc kỳ dị của dàn HLV The Voice 2017 đang khiến nhiều khán giả khó chịu
Người ta hay nói rằng, phải trẻ hóa nền âm nhạc nước nhà. Vậy, trẻ hóa là thế nào? Trẻ hóa không phải là đốt cháy giai đoạn, trẻ hóa không phải là du nhập âm nhạc từ nước ngoài vào (hoặc coppy phong cách của họ). Tôi vẫn nghĩ các bạn trẻ thành tài thì phải rèn luyện, phải tích lũy, phải trải qua thử nghiệm. Phải trau dồi kiến thức, biết lắng nghe và chọn lọc. Biết tôn trọng truyền thống và tiếp thu cái mới. Ta không nên đốt cháy giai đoạn.
Tôi biết một vài nhạc sĩ cùng thời với tôi như nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Thụ, Phó Đức Phương…các anh ấy đã thành những nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc tuyệt vời. Nhưng họ không phải tự nhiên thành tài đâu! Họ là những người có năng khiếu, các tác phẩm đầu tay đều có tiếng vang. Tuy nhiên họ đã phải vượt qua rất nhiều trải nghiệm, không ngừng nâng cao kiến thức, xâm nhập thực tiễn, tích lũy vốn sống…thì mới thành tài được. Muốn thành tài thì không thể vội vã!
Tôi nghĩ thiếu sót lớn ở VTV là việc có một số người không chịu lắng nghe ý kiến của các bậc thầy. Họ cho họ có quyền nên phớt lờ ý kiến của người khác. Tôi đã nhiều lần ngồi trao đổi với các nhạc sĩ lão thành. Họ thất vọng vì không thể chấp nhận được những chương trình âm nhạc trên Đài THVN. Họ buồn vì những người lãnh đạo của Đài cho rằng ý kiến của họ lỗi thời, cổ hủ, già cỗi…
Trong chiến tranh, âm nhạc đã trở thành một vũ khí tinh thần. Được cả dân tộc đứng lên, kiên quyết bảo vệ đất nước. “Tiếng hát át tiếng bom” là khẩu hiệu thời đó.
Vậy bây giờ vào thờ bình, âm nhạc phải làm sao động viên nhân dân cả nước phấn khởi đi vào sản xuất và xây dựng đất nước.
Tôi cho rằng bài hát Việt hay nhất phải là những bài được đông đảo nhân dân khen ngợi. Vì vậy không được phép cẩu thả trong việc chọn lọc các ca khúc để đưa lên sóng. Hãy tôn trọng ý kiến của các nhạc sĩ lão thành và của khán giả.
Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải có được một phương hướng rõ ràng cho các chương trình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước tiên, các gameshow âm nhạc của VTV nên đi đúng hướng.
Theo Danviet
Gameshow âm nhạc trên truyền hình làm lệch chuẩn âm nhạc Việt
Nhiều nghệ sĩ bức xúc và phản ứng gay gắt với các chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là về âm nhạc. Mới đây nhạc sĩ Phú Quang đã bức xúc và chia sẻ VTV đang gây náo loạn âm nhạc Việt.
Vài năm trở lại đây những chương trình âm nhạc không còn là xa lạ với khán giả truyền hình. Rất nhiều chương trình âm nhạc đã là cái nôi để từ đó nhiều ca sĩ trưởng thành, nhưng cũng nhiều chương trình không còn là bệ phóng cho các ca sĩ trẻ mà trở thành nơi tạo ra chiêu trò, scandal. Thậm chí có những bài hát, giai điệu, ca từ không tốt cũng được lăng xê trên đài truyền hình gây nên sự lệch chuẩn trong thẩm mỹ âm nhạc của khán giả, khiến nhiều nhạc sĩ, ca sĩ bức xúc và phản ứng.
Ba huấn luyện viên bị nghi ngờ không đủ "tầm" làm giám khảo The Voive:Tóc Tiên, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh
Giám khảo chưa đủ tầm
Điểm mặt đầu tiên là chương trình đang gây bức xúc tranh luận gần nhất là Giọng hát Việt 2017 - The Voice. Ngay từ khi đưa ra thông báo dàn huấn luyện viên trẻ bao gồm Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Tóc Tiên thì đã nhận được những ý kiến e ngại từ phía khán giả, thậm chí cả của những đồng nghiệp của 3 ca sĩ rằng liệu họ đã đủ tầm, đủ kinh nghiệm để ngồi vị trí đó chưa? Và quả thực trong số đầu tiên phát sóng của vòng giấu mặt, cả 3 đã khiến cư dân mạng, khán giả truyền hình xem cảm thấy thất vọng vì sự thể hiện quá "lố" của họ.
Rất nhiều ý kiến khán giả đã tỏ rõ sự không hài lòng và cho rằng, các huấn luyện viên chỉ lo thể hiện, diễn trò khiến cho thí sinh hoàn toàn mất khả năng thể hiện tính cách của riêng mình. Tóc Tiên rồi tới Đông Nhi chạy qua chạy lại trên sân khấu, người này nói át người kia đến nhức đầu chóng mặt. Thậm chí phong cách quá tự nhiên tới mức mất tự chủ đã khiến cho khán giả không phân biệt được đâu là thí sinh, đâu là Huấn luyện viên nữa.
Khán giả V.H đã bức xúc và nhận xét: "The Voice có mọi yếu tố, kịch, la, hét, khóc, cười, rặn, đấm, bóp, tranh, cướp, giật, du, đẩy, chém gió, khoe mẽ, khoe chữ .... Đủ hết 50 sắc thái của showbiz Việt. Bạn Tóc Tiên trên show The Voice vừa lấy được 1 thí sinh mà rú lên ngang... cướp được lộc ở chùa!".
Cao Bá Hưng giành ngôi vị quán quân chương trình Sing my Song - Bài hát hay nhất mùa đầu tiên
Chiêu trò nhiều gây thất vọng
Tiếp theo là chương trình Sing my Song 2016 - Bài hát hay nhất. Chương trình tìm kiếm các tài năng có khả năng hát và sáng tác nhạc tại Việt Nam đã từng gây kỳ vọng cho khán giả đặc biệt là giới sáng tác - nhạc sĩ.
Những số phát sóng đầu tiên của Sing my song cực kỳ ấn tượng với dàn thí sinh hot những cái tên ca sĩ nổi tiếng, có số lượng fan đông đảo như: Phan Mạnh Quỳnh, Trịnh Thăng Bình. Hay mỗi đêm là một câu chuyện gây xúc động kiểu như: Lê Thiện Hiếu, một thí sinh chuyển giới, luôn gây tò mò với khán giả. Chuyện thí sinh Ưng Đại Vệ phải bán hết nhà cửa, công ty, bỏ dở nghề ca hát vì gia đình gặp vấn đề về tài chính được nhà sản xuất sắp đặt để tạo thành hiệu tăng rating cho chương trình.
Không những thế, ngồi ghế ở vị trí quyền lực lại là 4 vị nhạc sĩ uy tín, nổi tiếng và tài năng. Nhạc sĩ Hải Phong, Đức Trí, Gáng Son, Lê Minh Sơn, mỗi người mang một phong cách, cá tính âm nhạc đặc trưng tạo nên màu sắc phong phú, đa dạng cho chương trình.
Chính vì vậy mà, những số phát sóng đầu tiên Sing my Song đã "gây sốt" trên các diễn đàn, cộng đồng mạng và cả trong giới chuyên môn cũng như khán giả xem truyền hình.
Tuy nhiên, đi hết vòng đầu tiên, bắt đầu sang vòng tiếp theo chương trình bắt đầu lộ nhược điểm và gây phản ứng từ khán giả. Ở vòng thi thứ hai, chương trình đã bị chê: Ép thí sinh ngồi trong căn phòng nhỏ, với một hình ảnh và thí sinh phải tự nghĩ chủ đề sau đó sáng tác trong vòng 24h không khác gì nhốt gà công nghiệp cho ăn nhiều và bắt... đẻ trứng.
Vòng chung kết, chất lượng bài hát đi xuống rõ rệt, bên cạnh đó là chiêu trò, sự sắp xếp cơ cấu của nhà sản xuất khiến đêm chung kết người đoạt giải không đem đến cho khán giả sự thỏa mãn, tâm phục, khẩu phục. Và những nhạc sĩ, ca sĩ trong nghề khi xem cũng ngán ngẩm không muốn nhắc đến chương trình.
Tài năng thí sinh mờ nhạt
Năm 2014 khán giả cũng từng kỳ vọng vào chương trình Ngôi sao Việt khi có sự liên kết phía bên Hàn Quốc để tạo ra những ca sĩ dòng nhạc K-pop. Mục đích chương trình rất tốt khi không chỉ tạo ra một gương mặt cuốn hút, có giọng hát hay mà hơn thế còn muốn đào tạo, cho ra lò những ngôi sao K-pop chuyên nghiệp.
Một thí sinh tham gia chương trình Ngôi sao Việt
Chương trình Ngôi sao Việt đã đưa thí sinh vào "lò luyện" thậm chí được áp dụng công nghệ đào tạo ngôi sao theo "công thức" K-pop: tuyển chọn, huấn luyện, lên kế hoạch các dự án âm nhạc, sản xuất album... với các tên tuổi nổi tiếng xứ Hàn như nữ hoàng nhạc phim Baek Ji-young, nhà sản xuất Kim Do-hoon, Shinsadong Tiger, ca sĩ - nhạc sĩ Mario... Thế nhưng qua vài số phát sóng, khán giả không khỏi thất vọng bởi độ "chênh" về văn hóa khi thí sinh xuất hiện trong những trang phục mang màu sắc K-pop. Thậm chí họ cũng chỉ biết nhảy múa và hát tiếng Hàn mà không biết hát tiếng Việt.
Hay như với các chương trình khác như Học viện Ngôi sao, Nhân tố bí ẩn...cũng đều đầy rẫy những chiêu trò, scandal gây bức xúc. Ngoài ra có những gameshow đã gây không ít sự mệt mỏi cho khán giả bởi sự nhảm nhí.
Đặc biệt có những gameshow người chơi, khán giả, hay chính những nghệ sĩ - người ngồi cầm cân nảy mực nhận ra những mặt trái, sự giả dối ngay trong chính những người tham gia. Mặt trái của gameshow đã tạo cho con người ta sự giả dối một cách trơn tru, tự nhiên đến trơn tuột không còn cảm xúc e ngại, ăn năn khiến người ngồi vị trí giám khảo nói không còn cảm thấy ngượng, ngại ngùng. Hẳn mọi người còn nhớ trường hợp của một nữ thí sinh tham gia Giọng hát Việt với mặt nạ che kín, nói là do vết sẹo, thực tế đó là một nữ ca sĩ đã từng "chinh chiến" nhiều đội tên giả để đi thi.
Các thí sinh tham gia cuộc thi Ngôi sao Việt
Ép trẻ em hát nhạc người lớn
Với những cuộc thi âm nhạc nhí dành cho trẻ em đang được nở rộ gần đây cũng đã làm hỏng các bé, khi mà nhà sản xuất chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà bắt các em nhỏ lao vào khổ luyện để bắt chước theo phong cách người lớn từ ăn mặc, đi đứng, nói, đến biểu diễn. Đấy là chưa kể áp đặt tư duy của người lên các em nhỏ.
Cuộc thi Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Thần tượng âm nhạc nhí có thời gian cũng bị phản ứng dữ dội, khi mà chương trình không tạo được sự trong sáng, hồn nhiên cho các bé. Thí sinh luôn phải gồng mình hát những bài hát của người lớn, yêu đương anh em, chia xa, ly biệt, nức nở, ai oán với ca từ giai điệu, thậm chí còn phải nhập vai, biểu cảm để bài hát có hồn, có cảm xúc.
Như vậy nhìn tổng quan, trên các kênh sóng truyền hình, mỗi năm có đến vài chục chương trình truyền hình thực tế, chương trình âm nhạc được phát sóng. Mỗi năm cũng cỡ vài chục những thí sinh được đào tạo nhanh ra trở thành ca sĩ. Có người thành danh, nổi tiếng từ bệ đỡ là các cuộc thi, nhưng cũng có người chìm nghỉm chưa từng xuất hiện trở lại.
Với rất nhiều mặt trái, nhiều nhược điểm của các chương trình âm nhạc, vô hình chung đang tạo ra sự lệch chuẩn hướng đi trong nhận thức âm nhạc. Có cảm giác theo dõi các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc này, điều gì cũng có thể xảy ra, ngôn từ, giai điệu không hay, hành vi không chuẩn mực thậm chí nhảm nhí, nhắng nhít cũng có thể dễ dàng được quảng bá trước hàng triệu khán giả trên truyền hình.
Theo Danviet
Nhạc sĩ Phú Quang: Đài Truyền hình VN đang làm náo loạn nhạc Việt! "Nói ra tôi sợ nhà Đài Truyền hình Việt Nam tự ái, không hài lòng nhưng quả thật truyền hình đang làm náo loạn môi trường sáng tác nhạc", nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ. Nhạc sĩ Phú Quang trong đêm nhạc "Phú Quang - Khi mùa Thu đến" diễn ra tháng 11.2016 tại Nhà hát lớn Hà Nội Sáng 15.2, nhạc sĩ...