Nhà vệ sinh nóng quá, một bạn nữ chia sẻ cách tự lắp thêm quạt cho mát mà ai cũng làm được
Tuy nói là sử dụng trong nhà vệ sinh nhưng các bạn có thể tùy biến để lắp quạt, bóng đèn,… ở nhiều vị trí khác nhau cũng với những đồ nghề như đã dùng trong bài này.
Nhà vệ sinh xưa nay vẫn phải mang tiếng là “khu phụ” nhưng có lẽ không ai phản đối về tầm quan trọng của nó trong ngôi nhà. Mặc dù thời gian chúng ta ở trong nhà vệ sinh mỗi ngày không tính bằng tiếng đồng hồ nhưng đó lại là lúc cần thư giãn nhất, và không ngẫu nhiên mà mọi người vẫn thường nói đi vệ sinh là “đi trút bầu tâm sự” hay “đi xả stress”.
Mình ở chung cư, nhà có 2 phòng vệ sinh nhưng cả hai đều không có cửa sổ. Những ngày trời nóng 39-40 độ C mà ngồi trong nhà vệ sinh thì mồ hôi vã ra như tắm, hơn nữa mình lại có thói quen mang điện thoại vào xem trong lúc ngồi “thư giãn” nên phải nghĩ ra cách để giảm bớt cơn nóng là lắp thêm quạt.
Độ khó: Trung bình
Thời gian: khoảng 20-30 phút.
Mình sẽ nói rất chi tiết để những bạn chưa quen tay cũng có thể tự làm, còn các bạn thợ thì vui lòng bỏ qua những lỗi của mình và chia sẻ thêm kinh nghiệm nhé!
Do diện tích nhà vệ sinh nhà mình không lớn (dưới 3m2) nên tiêu chí chọn quạt phải là loại treo tường và nhỏ xinh. Mình thích mọi thứ phải điều khiển từ xa được, thế nhưng quạt nhà vệ sinh thì lại chọn loại điều khiển cơ vì đặc thù sử dụng. Mình dự định muốn mỗi lần bật/tắt quạt là chỉ cần bật/tắt công tắc, không phải lo tìm điều khiển bởi trong nhà vệ sinh vừa dễ dính nước lại dễ thất lạc.
Từ kinh nghiệm của mình thì quạt trong nhà vệ sinh nên là loại điều khiển cơ, dùng 1 dây giật/núm xoay để chỉnh tốc, còn chỉnh quay thì dùng tuốc năng.
Sau khi dành nhiều ngày nghiên cứu thì mình đã chọn ra được một mẫu quạt ưng ý là Lifan T-109 với những đặc điểm sau đây:
1. Kích thước nhỏ gọn: 43 x 23 x 35 cm.
2. Sải cánh: 20 cm.
3. Công suất tiêu thụ: 22 W
4. Khối lượng: 1,2 kg.
5. Điều khiển cơ bằng một dây giật/núm xoay và tuốc năng.
Nếu nhà vệ sinh của các bạn rộng thì hãy chọn những mẫu quạt có sải cánh lớn hơn, có thể đến 40 cm và cho gió rất mạnh luôn!
Kỹ năng và đồ nghề cần có
Lắp quạt không yêu cầu bạn phải hiểu biết nhiều về điện, miễn là các bạn biết sử dụng bút thử điện và máy khoan là có thể tự tin làm được.
Các dụng cụ, đồ nghề mình sử dụng
Chúng ta sẽ dùng đến những thứ sau đây:
1. Mặt ổ điện loại 1 hạt – 2 lỗ. Nếu bạn muốn sử dụng thêm thiết bị thì chọn loại có 2 hạt – 2 lỗ cắm.
2. 1 hoặc 2 hạt công tắc. Mình chọn loại hạt vuông vì sẽ bền hơn loại hạt tròn (người bán hàng bảo thế).
3. Ổ cắm đơn gắn tường.
4. Bút thử điện.
5. Tuốc nơ vít.
Video đang HOT
6. 2 sợi dây điện 1.0 mm các màu khác nhau hoặc 1 sợi dây đôi. Do quạt có công suất tiêu thụ nhỏ nên dây như vậy là thừa đủ rồi. Mình chọn mua 2 dây đơn vì rẻ hơn và đỡ phải tách vỏ như dây đôi.
7. Bút dạ dầu (bút viết kính): để đánh dấu những chỗ sẽ khoan.
8. Dao rọc giấy: để tách vỏ dây dẫn và cắt ba via của ghen điện. Nếu bạn có kìm tuốt dây thì càng tốt.
9. Búa.
10. Tắc kê nhựa (nở) cỡ 6 vít. Do môi trường nhà vệ sinh có độ ẩm cao nên nếu có điều kiện thì các bạn hãy dùng vít inox cho bền nhé.
11. Một cái máy khoan có chức năng búa.
12. Ghen điện. Mình không sử dụng ống luồn dây tròn vì nếu cần phải sửa chữa thì tháo ra phức tạp hơn nhiều.
13. Đèn pin: để soi sáng khi ngắt cầu dao điện.
Bắt tay vào thực hiện nào!
Bước 1: Đo ghen điện
Các bạn ướm ghen điện và áng chừng vị trí muốn lắp ổ điện để cắm quạt. Tùy vào điều kiện cụ thể của nhà vệ sinh mà các bạn có thể giấu dây sao cho gọn nhất nhưng nguyên tắc là càng thẳng, càng ngắn thì càng tốt.
Bước 2: Đục lỗ thanh ghen, đánh dấu lên tường
Sau khi đã cắt được đoạn ghen vừa ý thì chúng ta tách phần nắp trên ra, để riêng cho khỏi lẫn. Với những bạn chưa quen thì phần nắp là phần mỏng hơn, còn phần đáy là phần chữ U.
Chúng ta tiến hành đánh dấu các điểm sẽ gắn vít trên phần đáy ghen, dùng mũi nhọn của tuốc nơ vít để xuyên lỗ và cắt phần ba via để khi lắp ghen không bị trồi lên khỏi mặt tường. Ít nhất phải có 2 lỗ nằm cách các đầu của thanh ghen khoảng 5 cm, còn lại thì tùy thuộc vào độ dài của thanh ghen mà các bạn bổ sung thêm lỗ ở giữa cho chắc chắn.
Dùng mũi nhọn của tuốc nơ vít để dùi lỗ trên ghen điện
Đặt phần đáy ghen đã đục lỗ lên tường, dùng bút đánh dấu những chỗ sẽ khoan. Các bạn nên làm dấu hướng của thanh ghen để tránh bị lắp ngược đầu/đuôi khiến các lỗ bị lệch.
Ở bước này các bạn có thể đánh dấu luôn phần đầu trên của thanh ghen – chỗ tiếp giáp với gờ dưới của ổ điện và đánh dấu các lỗ sẽ khoan để bắt vít ổ điện. Mình thì đánh dấu sau khi đã lắp ghen.
Bước 3: Khoan lỗ bắt ghen
Máy khoan có chức năng khoan búa (khoan bê tông)
Đây là lúc các bạn cần đến kỹ năng sử dụng máy khoan. Tường nhà vệ sinh thường dán gạch men, và khi khoan các bạn cần chú ý một chút để tránh bị vỡ gạch. Mẹo nhỏ ở đây là sử dụng chế độ khoan thông thường (hình cái mũi khoan) để tạo lỗ nông trước rồi mới chuyển sang chế độ khoan búa.
Khoan mồi qua lớp men
Khi khoan búa thì các bạn nhấp cò (bóp/nhả) như vẩy súng AK trong Counter Strike cho đến khi mũi khoan đã xuyên qua lớp gạch thì có thể bóp cò lút cán được. Nếu thực hiện đúng thì đảm bảo gạch men sẽ không bị vỡ hoặc rạn nứt.
Khoan thành lỗ mà không làm rạn, nứt gạch
Gạch men nhà mình đã hơn 10 năm tuổi mà mình còn khoan được thì các bạn có thể tự tin mà tiến hành thôi!
Bước 4: Đóng tắc kê, bắt vít
Chúng ta lấy tắc kê nhựa cho vào lỗ vừa khoan và dùng búa gõ cho ngập lút vào trong và mặt tắc kê bằng với mặt tường. Nếu mặt tắc kê bị lồi ra do lỗ khoan chưa đủ sâu thì các bạn có thể rút tắc kê ra để khoan tiếp hoặc dùng dao rọc giấy cắt phần lồi ra.
Dùng búa đóng nở (tắc kê) vào lỗ
Trong trường hợp các bạn sợ làm bể gạch thì có thể dùng cán búa, búa cao su hoặc kê thêm miếng gỗ để gõ nhé!
Đặt thanh ghen lên tường cho đúng hướng như lúc lấy dấu. Giả sử chúng ta làm đúng các bước thì lỗ trên thanh ghen và lỗ trên tường sẽ trùng với nhau. Việc tiếp theo là dùng tuốc nơ vít vặn vít vào cho chặt tay là được thôi à!
Bước 5: Gắn ổ điện, kéo dây điện từ ổ xuống, treo quạt
Bên trong ổ điện gắn tường đơn
Chúng ta dùng tuốc nơ vít mở nắp ổ điện ra và đặt lên tường – chỗ tiếp giáp với đầu trên của ghen điện, chỉnh vị trí cho cân và đánh dấu – khoan lỗ – bắt vít như ở trên.
Gắn ổ điện lên tường
Sau khi đã cố định được ổ điện vào vị trí thì chúng ta tuốt đầu dây điện – khoảng 5 mm là đủ. Nới bớt ốc vít ở lỗ gá trên ổ điện, cho 2 đầu dây vừa tuốt vào và siết chặt ốc lại. Các bạn thả cho dây tự treo theo trọng lực và tiến hành cắt dây.
Ở đây mình cắt dây dài hơn mép dưới của mặt ổ điện khoảng 5 cm – vừa đảm bảo không bị thiếu dây khi phải co kéo lúc lắp mà lại không quá thừa.
Kéo dây
Do chiếc quạt Lifan T-109 chỉ có 1 lỗ ở mặt sau nên chỉ cần khoan 1 lỗ, bắt 1 con vít là đã treo được lên tường rồi. Với các loại quạt khác sử dụng ngàm giữ thì các bạn cần khoan 2 lỗ để giữ ngàm.
Bây giờ các bạn đã có thể lắp lại nắp ổ điện, đóng nắp trên của ghen điện (bằng búa hoặc tay không) và cất máy khoan sang một bên cho gọn.
Bước 6: Gắn dây, lắp mặt ổ điện
Mặt sau của mặt ổ điện
Sau khi bóc mặt ổ điện ra khỏi túi thì chúng ta gắn hạt công tắc vào và lật mặt sau ra. Trên lưng lỗ cắm điện thường in ký hiệu L (lửa) – N (nguội) để chúng ta dễ ghi nhớ. Dây lửa thường có vỏ màu đỏ hoặc vàng, còn dây nguội sẽ có màu xanh hoặc trắng, tuy nhiên trường hợp thợ điện đấu nhầm màu khi làm nhà không phải là không có.
Đèn sáng thì đừng chọc tay vào nha các bạn!
Để chắc chắn thì các bạn gỡ mặt ổ điện có sẵn trên tường ra và dùng bút thử điện để thử lại nhé. Dây lửa là dây làm cho bút thử điện sáng còn dây nguội thì không.
Chúng ta sẽ đấu dây như hình dưới đây:
Do làm việc với điện rất nguy hiểm nên đến bước này chúng ta cần ngắt cầu dao điện và lấy đèn pin để soi sáng. Các bạn có thể dùng đèn pin ở điện thoại cũng được, ở đây do làm việc một mình nên mình sử dụng loại đèn pin đeo đầu cho rảnh tay.
Sau khi đã đấu dây xong thì các bạn nhớ kiểm tra lại bằng mắt thường vài lần cho chắc cú trước khi mở cầu dao nhé! Cẩn thận 10 lần không thừa, bất cẩn dù chỉ 1 lần cũng là quá nhiều!
Trước khi cắm quạt vào ổ điện gắn tường thì các bạn nên dùng bút thử điện để kiểm tra công tắc có hoạt động hay không: khi tắt công tắc thì cả 2 lỗ đều không làm bút sáng đèn, còn khi bật công tắc thì lỗ có dây lửa (màu đỏ) sẽ làm bút sáng.
Bước 7: Chỉnh quạt, hoàn tất và thưởng thức
Mục đích chúng ta lắp công tắc là để đơn giản hóa đến mức tối đa thao tác sử dụng quạt: vào nhà vệ sinh – bật công tắc, rời nhà vệ sinh – tắt công tắc, giống như bật tắt bóng đèn vậy. Do không phải sử dụng đến dây giật/núm vặn chỉnh tốc thường xuyên nên (hy vọng là) độ bền của quạt sẽ tăng lên.
Các bạn chỉ cần cắm quạt, điều chỉnh tốc độ, góc quay và độ ngẩng một lần đầu tiên cho phù hợp thôi, còn từ đó trở về sau chúng ta sẽ thao tác với công tắc.
Mát ghê!!!
Như vậy chúng ta đã cùng nhau giải quyết được bài toán nóng bức khi đi xả stress. Tuy nói là sử dụng trong nhà vệ sinh nhưng các bạn có thể tùy biến để lắp quạt, bóng đèn,… ở nhiều vị trí khác nhau cũng với những đồ nghề như đã dùng trong bài này.
Chúc các bạn thành công!
Thói quen bài trí trong nhà khiến tài lộc hao hụt, sức khỏe giảm sút
Thiết kế sai lầm này rất nhiều gia đình gặp phải mà không hề hay biết.
Trạch tâm là trung tâm ngôi nhà - nguồn gốc phúc họa của một gia đình. Phong thủy nhà có tốt hay không đều dựa vào khu vực này để luận bàn. Trung tâm ngôi nhà là điểm ngưng tụ sinh khí, cũng là nơi tích tụ vượng khí nuôi dưỡng tài lộc cho gia chủ.
Bởi vậy, khu vực này cần được bảo vệ, không được làm ô nhiễm. Trung tâm ngôi nhà không được đặt nhà vệ sinh, phòng tắm hay rãnh nước thải ở đây. Ngoài ra, bếp, lối đi, hành lang và cầu thang cũng nên tránh đặt ở khu vực này.
Sai phạm phong thủy này dễ xảy ra với những thiết kế nhà ống dưới mặt đất, đặc biệt ở các thành phố cư dân đông đúc. Vì diện tích hạn chế, nhiều gia đình thường thiết kế cầu thang giữa nhà, tận dụng bên dưới cầu thang để làm nhà vệ sinh. Nếu thoát nước không tốt, nhiều trường hợp dẫn đến ứ tắc chất thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong thuỷ.
Đặt cầu thang giữa nhà là sai lầm thường thấy trong thiết kế nhà ở. Điều này khiến tài lộc trong gia đình không được tụ mà sẽ hao hụt dần. Vị trí trung tâm nhà thường là nơi tụ khí, thường được dùng làm phòng khách, tại điểm trung tâm thường được đặt hoa tươi, thực vật phong thủy tốt lành hoặc linh vật cát tường.
Nặng nề hơn cả là nhà vệ sinh, rãnh thoát nước, phòng tắm lại được bố trí giữa nhà sẽ phá hỏng điểm tích tụ vượng khí. Những ngôi nhà có thiết kế như vậy đều vi phạm nguyên tắc phong thủy, không những hao tài, giảm lộc mà sức khỏe người trong gia đình cũng sẽ sụt giảm.
Sinh khí đi từ cửa chính vào đến trung tâm ngôi nhà sẽ tỏa ra đi các khu vực khác. Nếu gặp nhà vệ sinh, phòng tắm, bếp nấu sẽ dẫn các khí xấu đi theo làm ảnh hưởng đến vận khí tài lộc của cả gia đình.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)
Mắc những lỗi phong thủy này trong phòng ngủ bảo sao mãi không thoát ế Khá nhiều những lỗi phong thủy phòng ngủ có thể ảnh hưởng đến vận đào hoa của bạn. Vậy hãy thử xem bạn có đang mắc phải lỗi nào trong những lỗi dưới đây không. Bạn cứ luôn thắc mắc tại sao mình vẫn cứ mãi cô đơn chẳng kiếm nổi một cô người yêu hay một cậu chàng nào đó điển trai,...