Nhà vệ sinh dát vàng của Hà Nôi thua xa Thái Nguyên
Trong khi HN xin 15 tỷ đồng để xây 14 NVS dát vàng, thì Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN tại Thái Nguyên đã có khu NVS 9,4 tỷ đồng.
Theo phản ánh của người dân, dù Bảo tàng đã có nhiều NVSCC trong khuôn viên nhưng vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng một NVSCC trị giá cả chục tỷ đồng. Đáng nói, khu NVSCC này không được thường xuyên mở cửa để phục vụ du khách, người dân.
Đây là khu nhà vệ sinh được xây dựng nửa chìm nửa nổi, phần sử dụng được xây ngầm dưới đất. Phần công trình ngầm dưới đất 4m và trên mặt đất là 1,2m.
Được biết, công trình là một hạng mục thuộc dự án khu trưng bày ngoài trời và được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích 500m2.
Giải thích trước sự việc này, bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng xác nhận giá trị đầu tư xây dựng công trình NVSCC là 9,4 tỷ đồng và cho rằng đó là “cái giá không đắt vì đầu tư để sử dụng trong 50 – 70 năm”.
Nhà vệ sinh công cộng được đầu tư gần chục tỷ đồng. (Ảnh Dân Việt)
Video đang HOT
Giải thích về việc nhà vệ sinh phải đóng cửa, bà Ngân cho biết: “Khu NVSCC có người trông coi, dọn dẹp. Buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 nhân viên nghỉ trưa nên tạm đóng cửa, không phục vụ khách chứ không có chuyện NVSCC đóng cửa thường xuyên”.
Dù bảo tàng đã có NVSCC ngoài trời và các NVS trong tòa nhà trưng bày nhưng theo bà Ngân, việc xây dựng khu NVSCC hiện đại là cần thiết.
Vụ việc làm nhớ tới đề xuất xây 14 nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội. Cụ thể, dự án NVS dát vàng của HN được Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị HN đưa ra vào cuối tháng 10/2013. Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều đại biểu Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ “đề án này là lãng phí vì nhiều nhà vệ sinh không sử dụng hết công suất, khóa cửa cả ngày; nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đắt như vậy…”. Nhiều ý kiến khác thì cho rằng nên để xã hội hóa và không thu phí.
Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
Ông Thảo cũng chỉ đạo việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Bởi vì, hiện tại 4 quận nội thành cũ của Hà Nội có 310 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lý, riêng khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (nơi tập trung đông khách du lịch) có 16 nhà vệ sinh đang hoạt động.
Vậy nhưng, sau khi dư luận đã bắt đầu yên lặng khi dự án này được dừng lại, bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Xây dựng lại tiếp tục đề xuất xây 14 nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ.
Theo_Báo Đất Việt
Nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ thành nơi... tắm giặt miễn phí
TP.HCM đã đưa vào sử dụng thí điểm miễn phí 3 nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ tại các công viên (800 triệu - 1 tỷ đồng/nhà vệ sinh). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân viên phục vụ, nhiều người coi đây là nơi tắm gội, giặt giũ miễn phí và sử dụng giấy vệ sinh thoải mái.
Có mặt tại nhà vệ sinh công cộng (VSCC) ở công viên Tao Đàn, vừa cởi giày bước vào bên trong tôi đã thấy thoang thoảng mùi nước hoa và tiếng nhạc du dương. Một giỏ hoa to, đẹp đặt ngay ngắn trên mặt lavabo. Chị nhân viên phục vụ niềm nở: "Em ơi, giấy vệ sinh ở góc tường kia kìa". Tôi giật mình, một nhà VSCC miễn phí mà phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp.
Phía trước được thiết kế bồn hoa rất đẹp.
Diện tích mỗi nhà vệ sinh chừng 60m2 còn có cả khu dành cho người khuyết tật. Hàng chục đôi dép để ngoài để khách thay thế mỗi khi bước vào. Xung quanh được trồng hoa, cây xanh. Mỗi nhà vệ sinh có 2 nhân viên phục vụ theo 2 ca: Từ 5h tới 14h và từ 14h tới 22h. Ngoài việc lau dọn, những nhân viên này kiêm luôn việc trông xe cho khách.
Theo ông Lê Minh Triết, Phó phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, hiện tại, TP đã đưa vào sử dụng 3 nhà vệ sinh tại Công viên 23/9, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám. Theo kế hoạch, TP sẽ triển khai thí điểm lắp đặt 11 nhà vệ sinh công cộng tại các công viên, bến xe trên địa bàn TP (kèm trạm ATM tại các khu vực nhà vệ sinh và bảng quảng cáo tuyên truyền cổ động).
Mặc dù nhà vệ sinh được đầu tư gần tỷ đồng với thiết bị đắt tiền, sử dụng miễn phí nhưng nhiều người dân khi vào sử dụng rất thiếu ý thức. Quan sát tại nhà VSCC ở Tao Đàn cho thấy, trước cửa đã có nhiều đôi dép để khách sử dụng mỗi khi vào nhà vệ sinh. Tuy nhiên, không ít người đã mang luôn cả giày dép bê bết bùn đất đi vào trong.
Chị Lê Thị Minh Thủy, nhân viên lau dọn nhà VSCC ở công viên Tao Đàn cho biết, trong 100 người thì chỉ chừng 10 người có ý thức khi vào nhà VSCC. Có người còn không thèm xả nước sau khi đi vệ sinh.
Chị Quất Thị Rở, nhân viên lau dọn nhà VSCC ở Công viên 23/9 chia sẻ: "Mỗi ngày khoảng 400 lượt người ra vào, ngày Tết có khi tới hơn 1.000 lượt/ngày. Người dân lẫn du khách nước ngoài đều khen ngợi và hài lòng vì nhà vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều người coi đây là nơi tắm gội, giặt giũ... miễn phí và sử dụng giấy vệ sinh thoải mái. Có kẻ xấu còn lấy trộm vòi nước gắn ở lavabo bồn rửa tay", chị Rở cho hay.
Chị Rở đề xuất cơ quan chức năng cần bổ sung thêm bảng nội quy, chỉ dẫn để người dân có ý thức hơn.
"Việc đầu tư xây dựng thí điểm nhà VSCC văn minh, lịch sự đã nhận được sự phản ánh tích cực từ người dân. Vào ngày 25.2 sắp tới, thành phố sẽ xây thêm 8 nhà VSCC tại Công viên 23 tháng 9, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám 2; Công viên Gia Định, bến xe Chợ Lớn; bến xe Đầm Sen. Việc làm này góp phần làm giảm tình trạng phóng uế bừa bãi, giữ gìn mỹ quan đô thị".
(Ông Lê Minh Triết, Phó phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM)
Theo Danviet
TPHCM: Vô tư tắm giặt trong nhà vệ sinh tiền tỷ TPHCM đã đưa vào sử dụng thí điểm miễn phí 3 nhà vệ sinh công cộng (VSCC) tại các công viên. Các nhà vệ sinh này được đầu tư từ 800 triệu tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân viên phục vụ, nhiều người coi đây là nơi tắm gội, giặt giũ miễn phí và sử dụng giấy vệ...