Nhà văn Hoàng Anh Tú: Trẻ con hư không phải lỗi tại chúng, lỗi tại người đẻ ra mãi không chịu thành bố mẹ
Làm cha, làm mẹ vốn không phải chuyện cứ đẻ con ra là thành cha, thành mẹ! Mà nó cần, rất cần, một tâm thế sẵn sàng cho việc chịu trách nhiệm cả cuộc đời còn lại của mình cho đứa trẻ đó.
Tin tôi đi, quá nhiều những người đã đẻ con nhưng mãi vẫn chỉ là những chiếc máy đẻ không hơn.
Loại thứ nhất là loại yêu đương không cẩn thận dính bầu phải đẻ, cưới để đẻ. Đứa trẻ ra đời trong nhiều trường hợp trở thành “cục nợ”. Đáng thương! Thân lo chưa xong lại đèo bòng thêm đứa con khiến nhiều người tiếng là bố mẹ nhưng thực sự thì vẫn chỉ là những đứa con lớn xác nuôi con mình, phụ thuộc vào ông bà nội ngoại.
Loại thứ hai là loại cưới xong là đẻ. Tôi sợ nhất nhóm người này. Những người lên một kế hoạch cưới hoành tráng nhưng chẳng có kế hoạch nào cho chuyện làm cha, làm mẹ.
Tôi sợ là bởi nhiều cô gái mắm môi mắm lợi đẻ con ra chỉ để trói chân chồng hoặc vui lòng ông bà nội.
Tôi sợ là bởi nhiều anh chồng coi chuyện làm cho vợ mang bầu chỉ để chứng minh rằng máy móc mình còn ngon lành.
Tôi sợ là bởi nhiều người coi chuyện đẻ ra một đứa con như lấy chồng là phải đẻ, lấy vợ là phải đẻ mà chẳng mảy may nghĩ đến việc nuôi đứa trẻ ấy thế nào, dạy đứa trẻ đó ra sao?
Vịn vào câu: Trời sinh voi – trời sinh cỏ, mà đẻ! Thậm chí đẻ dày, đẻ nhiều. Thậm chí đẻ mãi không có con trai thì cứ thế đẻ tiếp.
Có một đứa con có phải là cách để neo giữ hôn nhân – trói chân nhau lại? Hay nói như các cụ: “ Có đứa con cho vui cửa vui nhà“. Thật, những đứa con kiểu đó khác gì một sở thích, một công cụ? Hoặc đẻ con để sau này có đứa chống gậy, có đứa nuôi mình?
Cái tư duy đó đáng sợ vô cùng! Đứa trẻ phải nghe mỗi ngày điệp khúc: Bố mẹ vất vả lo cho con, mai sau lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ. Thật, chẳng khác nào cuộc trao đổi.
Lại có người viện lý do thời đại này vô sinh nhiều nên đẻ được là phải đẻ ngay. Thậm chí nhiều người còn xúi nhau dính bầu rồi hẵng cưới. Rồi lại bảo: Đẻ sau 30 tuổi con sẽ kém thông minh.
Khao khát đẻ con sớm thật sớm nhưng lại không có sự chuẩn bị gì cho việc trở thành một ông bố, bà mẹ. Thậm chí, ai mà cưới 1 – 3 năm vẫn chưa đẻ là bị gán ngay tội: Tịt đẻ! Đẻ con gái đầu lòng xong mà mãi không đẻ đứa thứ 2 sẽ bị gán tội nhà vô phúc. Ai mà chỉ có 1 đứa con là luôn bị coi có vấn đề. Cứ luẩn quẩn loanh quanh điệp khúc: Bao giờ cưới? Bao giờ đẻ? Bao giờ đẻ đứa thứ 2?
Từ từ hẵng đẻ! Từ từ! Hãy đẻ con khi bạn đủ sẵn sàng làm cha mẹ. Về không chỉ kinh tế mà còn cả tinh thần.
Kinh tế đủ để nuôi lớn một đứa trẻ mà không phải giật gấu vá vai.
Video đang HOT
Kinh tế đủ để chi phí cho con cái không phải là một gánh nặng khiến bạn muốn tung hê tất thảy.
Kinh tế đủ để cho một đứa trẻ mình sinh ra nhận được sự đầy đủ về vật chất.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Đừng lãng mạn kiểu có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Rồi vật vã chuyện phải cho con học những môi trường nhếch nhác, không bảo vệ được con mình. Những vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non rẻ mạt là lời chứng minh rõ nhất cho việc chưa đủ điều kiện kinh tế mà đã đẻ vậy.
Từ từ hẵng đẻ! Kinh tế có thể gom góp, cày cuốc nhưng tinh thần nếu chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị đầy đủ thì thật đáng sợ. Nhiều người có con rồi mà lòng vẫn vấn vương cuộc đời độc thân. Mà thành giận lây. Cho rằng vì đẻ con ra mà đời mình mất đi tự do, cơ thể mình tan hoang.
Có người đặt sự hy sinh của bản thân lớn hơn niềm hạnh phúc của việc có con vốn là những người không nên đẻ là vậy. Cứ uẩn ức trong lòng rằng vì sinh con mà bụng thành một thúng. Cứ chì chiết rằng vì có con mà không bỏ quách đi được gã chồng vô tích sự. Con cái thành gánh nặng, thành lý do, thành trở ngại để có thể hạnh phúc.
Làm cha, làm mẹ vốn không phải chuyện cứ đẻ con ra là thành cha, thành mẹ! Mà nó cần, rất cần, một tâm thế sẵn sàng cho việc chịu trách nhiệm cả cuộc đời còn lại của mình cho đứa trẻ đó. Là khi lôi trái tim mình ra khỏi ngực, cho nó trong hình hài một đứa trẻ.
Thế nên, cứ từ từ hẵng đẻ là thế! Mong là thế! Cưới nhau rồi, hãy cứ dùng thử hôn nhân đôi ba năm đi rồi hẵng đẻ.
Để đứa trẻ đó được ra đời với ước muốn nó giống bố, từ mẹ, nó giống mẹ, từ bố.
Để mỗi đứa trẻ ra đời là kết tinh yêu thương chứ đừng là quả đắng chẹn họng.
Để đừng phải nói: Lấy chồng lãi nhất đứa con!
Để đừng phải thở hắt ra khi nghĩ về năm tháng thanh xuân đã vùi trong bỉm sữa.
Theo Helino
Nhờ "miễn tiền tàu", thanh niên tán được "bà chị" và bộ váy cưới đắt đỏ nhất làng cách đây 33 năm
Đúng là những "mánh khóe" tán gái từ ngày xưa mà bây giờ các thanh niên khó lòng áp dụng.
Nhờ chiêu "đánh vào kinh tế" mà thành công có vợ
Mới đây, cô nàng Kim Yến đã chia sẻ câu chuyện về đám cưới của ba mẹ mình. Ba Yến tên Quốc Sử, sinh năm 1967, mẹ là Tuyết Mai, nhiều hơn ba 1 tuổi. Hiện tại, gia đình Yến đang sinh sống tại Sóc Trăng. Đám cưới ba mẹ cô được tổ chức vào năm 1986.
"Hồi đó, ba vừa đi học lái tàu chở khách theo chuyến mỗi ngày. Mẹ là khách đi tàu đó. Mẹ đi thường xuyên lắm, ba vì ưng nên chẳng lấy tiền tàu của mẹ. Nhà ngoại em kinh doanh trái cây, ba suốt ngày ghé mua, ghé chơi, một thời gian sau mẹ cũng "đổ", yêu ba luôn đó", Yến tâm sự.
Hình ảnh ba mẹ Yến trong ngày cưới.
Hồi đó, ba Yến sinh ra trong một gia đình khá giả lại học hết lớp 12, trong khi mẹ cô hơn tuổi, chẳng học nhiều như thế. Tuy nhiên vì yêu, họ đã bỏ qua mọi khoảng cách.
"Gia đình ông bà nội khá giả, ba là con út nên được cưng chiều lắm. Hồi ấy, ba học đến lớp 12 cơ, ở quê ai học đến tầm đó là hiếm lắm rồi. Nhưng cuối cùng, ba lại chọn lấy mẹ. Nói chung em nghĩ do ba thích "lái máy bay" nên quyết định lấy đó".
Mẹ Yến hồi còn trẻ.
Cưới được chồng nhà giàu nên đám cưới của mẹ Yến cũng trở nên rất đặc biệt so với người trong vùng. Mẹ cô là người đầu tiên được mặc bộ váy cô dâu đầy đủ phụ kiện ở làng thời điểm ấy.
"Em cũng không rõ váy cưới bao nhiêu tiền nhưng chắc chắn giá trị của nó không nhỏ vào thời điểm ấy. Mẹ có nhắc lại rằng khi ấy cả xóm chỉ có mẹ được mặc váy và chụp ảnh cưới. Mẹ cũng cảm thấy may mắn vì lưu lại được kỷ niệm của ngày vu quy".
Người đàn ông hết mực yêu chiều vợ
Sau đám cưới, cuộc sống của ba mẹ Yến không dễ dàng gì nhưng chính cách họ ở bên nhau, động viên nhau đã khiến mọi người xung quanh phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Yến kể tiếp: "Hồi đó ba lái tàu, ban đầu tàu cũng đông khách nhưng sau này đường sá phát triển nên khách ít đi, cạnh tranh lớn hơn nên ba bán tàu với giá rất rẻ rồi tích cóp vốn liếng mở cây xăng.
Thời gian đầu làm ăn gặp nhiều sóng gió, trắc trở nhưng ba mẹ luôn ở bên cạnh động viên nhau rất nhiều. Từ bé đến lớn, em chưa từng nghe tiếng ba mẹ cãi vã. Ba hay đi gặp đối tác ở xa nhưng lúc nào cũng cố gắng về nhà chứ chẳng ngủ chỗ khác đâu. Đi xa thì lúc nào ba cũng nhớ để mua quà tặng mẹ và các con, chẳng bao giờ quên".
Bố mẹ Yến bây giờ.
Đôi khi, ba Yến cũng nhắc đến việc lấy vợ hơn một tuổi. Tuy nhiên, ông luôn tấm tắc rằng vì tình yêu say đắm của mình thì tuổi tác chẳng bao giờ quan trọng. Yến chia sẻ rằng, ba cô luôn yêu thương mẹ và trân trọng những gì vợ đã giúp đỡ.
" Hơn 30 năm bên nhau, ba mẹ sống rất hạnh phúc. Có chuyện gì họ cũng chia sẻ và giúp đỡ nhau. Họ luôn vì nhau, vì các con mà bỏ qua hết những vấn đề xảy đến.
Ba mẹ nói chuyện với nhau ngọt ngào lắm. Họ cũng quan tâm nhau rất nhiều. Mẹ luôn nấu món ba thích, mua quần áo, chăm chút cho ba từng tí một. Ba thì chẳng bao giờ quên những lời khen ngợi, cảm ơn dành cho mẹ. Đôi khi ba nói những câu khen mà tụi em còn nghĩ chẳng bao giờ dám nói ra cơ đấy", Yến nói thêm.
Vốn là một người có nhan sắc nên "vận đào hoa" cũng theo chân ba Yến. Tuy nhiên, người đàn ông ấy vẫn một lòng chung thủy và yêu thương cô vợ hiền đã gắn bó suốt hơn 30 năm nay.
" Ba đi đâu cũng có người thương mến, để ý. Tuy nhiên, mẹ mà biết thì chỉ cần nói một tiếng thôi là ba lại phải giải thích ngay. ba chẳng bao giờ có ý với ai khác ngoài mẹ hết. Ba cũng không bao giờ cố ý khiến ai hiểu nhầm điều gì. Ba là đàn ông "kiểu mẫu" đấy, không hút thuốc, cờ bạc hay nhậu nhẹt luôn. Ba còn nấu ăn ngon và hay mua quà bánh cho mấy mẹ con nữa".
Họ có hơn 30 năm hạnh phúc bên nhau.
Vợ chồng nào cũng sẽ xảy ra xích mích. Tuy nhiên với ba mẹ Yến, thường thì chỉ có mẹ cô lên tiếng thôi. Ba sẽ lắng nghe rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ sau.
" Thật tình ba mẹ chẳng cãi vã đâu, chỉ có xích mích chuyện vặt vãnh. Những lúc đó ba im lặng cho mẹ "xả" hết bực bội rồi ba nhẹ nhàng hỏi chuyện như vậy là hòa nhau luôn.
Ba trân trọng mẹ lắm, em nhớ có lần mẹ dành tiền mua cho ba cái điện thoại 6 triệu. Khi đó chẳng mấy ai dùng số tiền lớn như thế mua điện thoại đâu, hồi ấy em mới học tiểu học thôi đó. Ba dùng hoài, đến lúc hư lấy dây thun cột lại dùng tiếp. Sau này nhiều dòng điện thoại mới ra ba vẫn không bỏ. Chỉ đến khi nó hư hẳn, không dùng được nữa ba mới chịu cất tủ để dành. Cặp gối uyên ương mua từ lúc cưới đến giờ, 33 năm rồi vẫn được ba mẹ cất trong tủ, mới lắm.
Mẹ mà bệnh là ba lo sốt vó. Mẹ hay có kiểu sợ điều trị lâu tốn tiền nhưng ba bảo ba lo tất. Cứ khi nào mẹ ốm là ba chở đi viện luôn dù buổi nào trong ngày. Ba bảo mẹ cứ trị bệnh, bao nhiêu tiền cũng được. Nhờ vậy mà bệnh đau đầu của mẹ đã bay biến luôn".
Đúng là có nhiều cuộc hôn nhân của ba mẹ khiến chúng ta phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Chính cái cách họ bên nhau, gắn bó, cùng vượt qua khó khăn và những khác biệt đã giúp giới trẻ tin hơn vào cái gọi là tình yêu đích thực trong thời đại bây giờ.
Theo Thế giới trẻ
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đừng khoác lên vai con nghĩa vụ sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau nó nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi. Tôi biết sẽ có nhiều vị phụ huynh và cả các bạn trẻ sẽ lên án tôi khi tôi nói rằng đừng ai...