Nhà thơ Vi Thùy Linh: Gieo hạt nhân văn trên mảnh đất đời mình
Ai là người đầu tiên ví nhà văn với nông dân? Lao động nông nghiệp và lao động chữ nghĩa có nhiều tương hợp. Những đồng điệu thú vị gây cảm hứng và khiến ta thấy thấm thía hơn ý nghĩa cuộc sống này.
Chẳng ngại sự “khập khiễng” khi so sánh nỗi vất vả, tính chất lao động của nghề văn và nghề nông. Tôi viết bài này đúng sinh nhật tuổi 37, một trùng hợp như duyên mệnh, khi ngày 4.4 là ngày Hội Nhà văn Việt Nam (VN) chọn tổ chức kỉ niệm 60 năm thành lập, đến nay đã tròn một vòng hoa giáp.
5 giáp tồn tại và phát triển ấy bằng năm tháng của một kiếp sống. Còn niên hạn của đời văn không phải lúc nào cũng song trùng với đời người. Biên giới mờ, độ giãn nở của khái niệm thời gian chính là sự kì diệu và ý nghĩa vô giá của tác phẩm văn học có giá trị.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh và nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội NVVN . Ảnh: Ngô Thảo
Video đang HOT
Mong được làm nhiều nhất cho cái Đẹp
Ngày 4.4 không phải ngày Hội Nhà văn VN ra đời hay chính thức hoạt động. 60 năm trước, Hội được vận động thành lập trong mấy tháng mùa Xuân, với đội hình các nhà văn đã thành danh, đang sung sức. Sự trùng hợp ngẫu nhiên rơi vào sinh nhật tôi, khiến tôi – một người yêu nghiệp chữ đắm say càng tin vào duyên mệnh nghệ thuật.
Lễ mitting kỉ niệm diễn ra sáng 4.4.2017 tại hội trường tầng 2, Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại nơi này, 10 năm trước, năm 2007, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn VN. Thực ra, trước khi chính thức là hội viên trẻ nhất (và giữ vị trí này trong vài năm) trong lịch sử của Hội, tôi đã được các đồng nghiệp và công chúng công nhận và gọi nhà thơ.
Đâu chỉ vì có thơ in báo từ 1996, vì có 3 tập thơ riêng, mà nhờ tác phẩm có sức sống được biết và nhớ đến trong người đọc, cùng các hoạt động quảng bá cho tác phẩm, khai thác những năng lực của mình, với mong muốn làm được nhiều nhất cho cái Đẹp, cho Nghệ thuật.
“Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Người nông dân VN ngàn đời canh tác lúa nước, đã có câu ca dao nhắn nhủ người đời, cũng là sự chia sẻ (hay than thân?) về nỗi vất vả, nhọc mệt của lao động vất vả. Đầu tư sức lực, người nông dân còn phải bỏ vốn mua giống, phân, thuốc trừ sâu. Vốn đầu tư của các nhà văn là vốn sống, sức lực, thời lượng giấc ngủ, đốt cháy calore và tuổi thọ của mình.
Lao động chân tay thì ăn khoẻ, ngủ ngon. Lao động chữ nhọc nhằn hơn nhiều. Trăn trở, chọn lựa, vật vã kiếm tiền, lựa chọn, sửa chữa…Căng thẳng, nhức nhối theo vào cơn ngủ chập chờn không kịp mơ thành giấc, thậm chí vừa đặt lưng nằm lại vùng dậy viết, sửa, vẽ, hoặc vừa chợp mắt chợt tỉnh, nghĩ ra được ý, chữ, hình gì thì thi – văn sĩ, hoạ sĩ bật dậy lao đến bàn viết, giá vẽ lao động, làm việc ngay, chộp lấy khoảnh khắc ấy. Nếu cảm hứng đến, chớp thời cơ, dấn đà làm luôn thâu đêm suốt sáng.
Người cầm bút và người gieo hạt
Không phải làm không biết mệt, mà hưng phấn khiến nghệ sĩ nén mệt để cảm xúc thăng hoa, khao khát bộc lộ, oà vỡ, bung toả, bùng nổ choán hết tâm hồn và thể xác. Không phải nghệ sĩ nào cũng đủ năng lực, can đảm, tận tuỵ để vắt kiệt, rút mình ra như con tằm nhả tơ. Nghệ sĩ đích thực không tiếc tâm sức khi sáng tạo. Nên sau những “cơn” viết, vẽ điên cuồng dốc tâm lực ấy, người trống rỗng, bơ phờ, thực sự kiệt quệ.
Nguyễn Tuân – một bậc thầy tiếng Việt, đã coi trang giấy trắng như một pháp trường, nó có thể “xử” quyết liệt với kẻ xem thường chữ nghĩa, ẩu, bừa với nghề văn. Và trang giấy, toile đen trắng sẽ là thiên đường, miền đất mỡ màu, hứa hẹn để nghệ sĩ viết, vẽ tác phẩm công phu, gây xúc cảm lớn lao cho người thưởng ngoạn, khi họ được đối diện sản phẩm hoàn thiện, thành quả lao động ở một loại giấy trắng khác: giấy của sách in chữ của người cày cấy kí tự.
Nông nghiệp sạch là đòi hỏi bắt buộc và xu hướng của toàn cầu thì sự sạch, đẹp và tử tế là đòi hỏi muôn đời của nghệ thuật, cũng là điều kiện sống còn của nghệ thuật đương đại giữa cạnh tranh khốc liệt và xáo trộn, đảo lộn, sa đoạ, thoái hoá, biến tướng của những giống người, những vật thể hữu hình và vô hình, những thang bậc giá trị và quy chuẩn. Văn chương sạch là chứng chỉ của lao động đích thực và chân chính khi không có sự đạo, thuổng, sao chép, sáo nhàm, quen lặp; là danh dự và liêm sỉ của người cầm bút có đạo đức nghề.
Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Vi Thuỳ Linh , dịch giả văn học Nga Phan Hồng Giang. ảnh: Ngô Thảo
Không có “giống” mới nào đem lại, chứng thực sự kì diệu của phát triển hiện đại, của xã hội văn minh bằng hạt giống, câu chữ đích thực mang sức nóng, hơi thở, là máu và ADN của nhà văn gieo vào dòng viết. Lịch sử tâm hồn nghệ sĩ làm nên lịch sử văn hoá – tinh thần của nghệ thuật.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Trên mảnh đất người đời” của nhà văn Nga Anatoli Stepanovich Ivanov (1928-1999), truyện đã được Mosfilm dựng thành phim cùng tên năm 1973, tác giả nhấn mạnh: “Đất chỉ yêu người tốt, người xấu thì đất trừng phạt”.
Nhà văn, nhà thơ sẽ sống khi đang sống, sẽ sống sau khi chết nếu biết gieo hạt nhân văn bằng chính câu chữ yêu thương, thiết tha sự sống, hướng con người tới cao đẹp, tử tế và cả những dự báo về tương lai trong nghĩ suy và hành động, giúp độc giả những con người thiên lương và cống hiến.
Mỗi năm chỉ 1 lần sinh nhật. Một đời văn có thể sinh ra nhiều tác phẩm. Sinh nhật của tác phẩm được người đời nhớ đến đâu chỉ qua lưu chiểu, xuất bản, mốc ra đời, mà ở tuổi không năm tháng trong thẩm định sòng phẳng và nghiệt ngã của công chúng, thời gian.
Theo Danviet