Nhà giàu Trung Quốc né casino vì “bão” chống tham nhũng
Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng mở rộng tại Trung Quốc, mà đỉnh điểm là tuyên bố điều tra cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang mới đây, đang khiến giới nhà giàu nước này phải ẩn mình, tránh xa các casino cũng như cửa hàng đồ xa xỉ.
Theo Tạp chí phố Wall, cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc đang đem đến những tác động bất lợi rõ ràng cho ngành bán lẻ hàng xa xỉ cũng như casino tại Hong Kong và Macau.
Các casino tại Macau đã liên tục chứng kiến lượng khách từ Trung Quốc sụt giảm
Trong tháng 6 vừa qua, doanh số các mặt hàng xa xỉ như trang sức và đồng hồ tại Hong kong đã sụt tới 28%, đánh dấu tháng đi xuống thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, doanh thu của các sòng bạc Macau đã giảm 3,6% trong tháng 7, là tháng thứ hai liên tiếp đi xuống.
Sự sụt giảm doanh thu tại Macau phần lớn là do lượng khách hàng VIP ít lui tới trung tâm cờ bạc này, vốn từng là nguồn lực thúc đẩy doanh thu tại các casino lên mức cao nhất thế giới trong những năm vừa qua.
Những con bạc lớn này, thường là giới nhà giàu Trung Quốc, được đưa tới Macau thông qua những trung gian môi giới. Tuy nhiên trong tháng 7 vừa qua, số lượng khách VIP đã sụt khoảng 14% – 18%, các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết. Trước đây, doanh số từ khách hàng VIP năm 2010 từng tăng tới 70%.
Khắp châu thổ sông Châu tại Hong Kong, những du khách giàu có từ đại lục, những người từng rồng rắn tới các cửa hàng đồ xa xỉ, cũng ngày một thưa vắng. Doanh số hàng xa xỉ trong quý II vừa qua được khẳng định sụt tới gần 1/3, trong đó riêng tháng Tư đã lao dốc tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành này cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc chính là tác nhân dẫn đến tình trạng ảm đạm ở cả hai ngành trên.
Các “đại gia” ẩn mình né “bão”
Với việc Bắc Kinh ngày càng chú ý hơn tới những hành vi mua sắm gây chú ý hoặc hoạt động điều chuyển vốn, việc bị trông thấy mua tới 10 chiếc đồng hồ nạm kim cương, hay ném vào sòng bạc hàng triệu nhân dân tệ là điều không ai muốn.
Video đang HOT
Mặc dù cuộc chiến chống tham nhũng bắt đầu năm 2012, chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy mạnh đáng kể chiến dịch này trong tuần qua, với tuyên bố điều tra ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, và từng là một trong những chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc cho tới khi nghỉ hưu năm 2012.
Cảnh người mua sắm từ đại lục đổ xô tới Hong Kong mua hàng hiệu giờ ngày một thưa dần
“Chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc đang mở rộng và đi ngày càng sâu vào cộng đồng VIP, vượt mọi nhận định và hậu quả có thể là sự suy yếu kéo dài trên thị trường này”, nhà phân tích Grant Govertsen của cơ quan nghiên cứu thị trường cờ bạc Union Gaming Research nhận định.
Lần gần đây nhất Macau ghi nhận doanh thu sụt giảm là vào năm 2009, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, nhưng nó chỉ là một cú vấp nhẹ trên đà tăng trưởng chóng mặt của Macau. Trong năm ngoái, vùng lãnh thổ từng thuộc về Bồ Đào Nha này đem về doanh thu từ hoạt động cờ bạc lên tới 45 tỷ USD, gấp 7 lần Las Vegas Strip. Những khách hàng VIP tới đây chủ yếu thông qua những người môi giới, đóng góp gần 2/3 vào nguồn thu khổng lồ đó.
“Cuộc chiến chống tham nhũng đang tiếp diễn và tập trung đáng kể sự chú ý vào các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp từ Trung Quốc đi nước ngoài. Macau là một nhân tố lớn trong đó”, Steve Vickers, một nhà tư vấn từng tham gia điều tra các tổ chức môi giới, và cũng từng đứng đầu Cục tình báo tội phạm của cảnh sát hoàng gia Hong Kong cho biết.
Các hoạt động môi giới trước đây bị ảnh hưởng thấy rõ nhất vào cuối năm 2012, khi cảnh sát Trung Quốc bắt giữ những người bảo kê cho một trong số những tổ chức đưa người đi đánh bạc lớn nhất Macau khi đó, với nghi vấn những người này có liên quan đến Bạc Hy Lai, một cựu Ủy viên Bộ chính trị khác của Trung Quốc đã bị kết án tù chung thân.
“Đột ngột cả thế giới đang đổi thay”, lãnh đạo một casino lớn, người làm việc với các tổ chức môi giới cho biết. “Chính quyền trung ương giờ chú ý nhiều hơn tới các tổ chức môi giới vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật”. Tình hình đáng lo ngại cho cả các khách hàng VIP lẫn những người điều hành các tổ chức môi giới.
Macau, khu vực duy nhất tại Trung Quốc cho phép kinh doanh cờ bạc, từ lâu vẫn phải dựa vào các tổ chức môi giới để lôi kéo những con bạc cỡ lớn từ đại lục. Những người môi giới được cấp tín dụng để cho các con bạc vay, và chịu trách nhiệm thu nợ của người chơi để hưởng tiền hoa hồng từ các casino. Hệ thống này phát triển mạnh do Bắc Kinh vẫn giới hạn số tiền mỗi người dân có thể đem ra khỏi đại lục, và xem các món nợ cờ bạc là không hợp pháp.
Còn tại Hong Kong, chiến dịch truy quét tham nhũng của Bắc Kinh đã khiến những du khách đại lục mê mua sắm hơn đánh bạc trở nên e dè. Các doanh nhân cũng như nhân viên công vụ từ Trung Quốc trước đây vẫn là những người “bạo chi” tại Hong Kong, Kevin Lai, một nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets cho biết.
Trước đây những người này có thể dễ dàng tung ra hàng trăm nghìn đô la Hong Kong cho những bữa tiệc thịnh soạn, hay nửa triệu đô la Hong Kong mua hàng xa xỉ chỉ trong một chuyến đi. Nhưng giờ những khác hàng như vậy đã biến mất. “Họ đã bị bắt hoặc đang lẩn trốn đầu đó, hoặc đơn giản là biến mất”.
Thanh Tùng
Theo Dantri/WSJ
Báo chí Macau rầm rộ đòi dân chủ
Sự kiện 3 tổ chức hoạt động dân chủ tại Macau kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về cải cách dân chủ tại đặc khu này, đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ truyền thông Macau. Mọi sự diễn ra nhanh tới mức Bắc Kinh không kịp trở tay.
Không thành công cũng thành nhân
Trang Macau Daily Times cho biết cuộc trưng cầu dân ý do 3 tổ chức hoạt động dân chủ là Lương tâm Macau, thanh niên Macao cấp tiến và Xã hội Macau cởi mở thực hiện. Những người tổ chức cuộc trưng cầu này ý thức rõ việc làm của họ không được pháp luật công nhận.
Cuộc biểu tình của 20.000 người Macau hồi tháng 5
Tuy nhiên, theo thành viên ủy ban (trưng cầu dân ý) Jason Chao, cuộc bỏ phiếu tạo cơ hội "cho người dân trải nghiệm việc thực hiện các quyền công dân và dân chủ"
Các tổ chức đề nghị lá phiếu có thể theo một trong hai phương án. Phương án đầu tiên chỉ có câu hỏi "Có nên bầu chọn người đứng đầu Macao theo hình thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2019?". Phương án thứ hai là hỏi cử tri: "Bạn có tín nhiệm với ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử người điều hành (Macau) năm 2014?"
Công dân quan tâm đều có thể cung cấp ý kiến về kế hoạch cho tới ngày 19.7 (thứ sáu). Các lá phiếu sẽ có sẵn trong ba ngôn ngữ: Trung Quốc, Anh và Bồ Đào Nha. Giấy hướng dẫn sẽ ghi bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Trang Macau Bussiness Daily cho biết thêm Ủy ban hiện đang cân nhắc về độ tuổi bỏ phiếu của cử tri là trên 16 hay 18 tuổi.
Nhưng dù thế nào, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra từ 24 đến 30.8, tức là sớm hơn 1 ngày so với cuộc "bầu cử" do Bắc Kinh tổ chức chính thức ở Macau.
Kết quả cuộc trưng cầu sẽ chỉ được công bố sau khi kết quả của cuộc bầu cử chính thức được công bố.
Cuộc trưng cầu diễn ra gần như song song với cuộc bầu cử chính thức cũng là cách cho thế giới thấy người dân Macau quan tâm đến cuộc bỏ phiếu nào hơn.
Nếu cuộc trưng cầu dân ý mà đông người bỏ phiếu hơn cuộc "bầu cử" do Bắc Kinh công nhận thì quá đau cho Trung Quốc.
Như vết dầu loang
Macau vốn là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc vào năm 1999. Cũng giống như Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh hứa sẽ cho người dân Macau được tự do lựa chọn người đứng đầu sau 20 năm. Tức là đến 2019, người dân Macau được quyền bỏ phiếu chọn lãnh đạo của họ.
Nhưng với động thái vừa qua đối với Hồng Kông thì Macau đừng mơ đến chuyện Bắc Kinh thực hiện lời hứa. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ dùng rượu cũ, bình mới đãi dân Hồng Kông và Macau.
Các ứng viên trước khi được đưa ra cho dân chúng hai vùng bỏ phiếu sẽ phải do một hội đồng gồm những người thân Bắc Kinh đề cử trước. Hội đồng người ở Hồng Kông gồm 1.200 người và ở Macau là 400 người.
Sở dĩ báo chí Macau đăng tin rầm rộ vào lúc này là vì họ được truyền cảm hứng từ cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ ở Hồng Kông với nửa triệu người xuống đường mà cảnh sát không dám làm mạnh tay.
Bắc Kinh quậy phá ở Biển Đông bị cả thế giới lên án. Bắc Kinh lại phải lo Nhật xây dựng liên minh chống lại mình. Giờ đến lượt các khu tự trị, đặc khu ở trong nước chống lại áp bức. Quả là quá nhiều cơn đau đầu cùng rủ nhau kéo đến Bắc Kinh lúc này. Trung Quốc giống như người to xác lắm bệnh, bệnh từ ngoài đến bên trong cơ thể.
Theo Một Thế Giới
Học giả Mỹ: Hồng Kông gắn với 'lợi ích cốt lõi' của Mỹ Trung Quốc hay dùng từ "lợi ích cốt lõi" để nhận xằng các khu vực thuộc chủ quyền của nước khác mà điển hình là đường lưỡi bò vô lý, vi phạm luật pháp quốc tế. Lần này, đến lượt người Mỹ dùng từ "lợi ích cốt lõi" khi nói về Hồng Kông. Mỹ phải có trách nhiệm với Hồng Kông Báo chí...