Nhà đầu tư không phải máy rút tiền
Các doanh nghiệp thì coi nhà đầu tư cổ phiếu như “máy rút tiền”. Còn các nhà đầu tư thì coi cổ phiếu như một món đầu tư “ nóng”, mua vào rồi bán ngay để kiếm tiền.
Coi nhà đầu tư như máy rút tiền
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 diễn ra ngày 22/2, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, là kênh phân bổ, huy động nguồn vốn cho các doanh nghiệp, thế nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ coi nhà đầu tư chứng khoán như… “máy rút tiền”. Còn các nhà đầu tư chỉ kiếm lời từ việc mua cổ phiếu – mua vào rồi bán ra rất nhanh, không chủ định đầu tư lâu dài. Xảy ra hiện tượng này, ông Hưng cho rằng có lý do của nó và chắc chắn điều đó thể hiện phần nào sự thiếu chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư không phải máy rút tiền
Ông Hưng phân tích, hiện nay hầu hết những nhà đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup… đều là các ngân hàng chứ hoàn toàn toàn không có các nhà đầu tư tư nhân. Vì các nhà đầu tư tư nhân, dù có tiền nhàn rỗi tức là tiền tiết kiệm nhưng chỉ mua cổ phiếu với mục đích bán lấy lãi nhanh, không đầu tư lâu dài do họ không tin tưởng vào các doanh nghiệp hay nói cách khác là doanh nghiệp đã không tạo được niềm tin cũng như bảo đảm quyền lợi cho họ. Một nguyên nhân nữa cũng vô cùng quan trọng là sự minh bạch đã không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân đồng hành lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Hưng nói: “Thị trường chứng khoán là một trong những kênh huy động vốn quan trọng nhất và sẽ trở thành quan trọng nhất. Chính vì vậy để huy động được vốn phải làm sao cho các nhà đầu tư quan tâm. Và để họ quan tâm, thị trường chứng khoán phải bảo đảm ba yếu tố: tạo được niềm tin, bảo đảm quyền lợi và phải minh bạch”. Ông Hưng cũng khẳng định luôn: “Hiện các doanh nghiệp chưa đồng hành với các nhà đầu tư dẫn đến họ chỉ mua nhanh và bán nhanh khi tham gia thị trường chứng khoán”.
Video đang HOT
Đơn điệu sản phẩm thị trường chứng khoán
Đồng quan điểm với ông Hưng, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu nhiều yếu tố. Như đại diện Viet Jet Air cho rằng, hiện nay thời gian cổ phiếu về tài khoản vẫn còn khá dài, nhà đầu tư không được phép bán trước khi chứng khoán về tài khoản. Điều này làm ảnh hưởng sự hấp dẫn của chứng khoán cơ sở với chứng khoán phái sinh. Hay sản phẩm của thị trường chứng khoán vẫn chưa đa dạng, phong phú. Bởi khi nhắc đến thị trường chứng khoán người ta chỉ nghĩ đến IPO (cổ phiếu phát hành lần đầu tiên), huy động vốn là cách tiếp cận nguồn vốn hiệu quả nhất. Trong khi thị trường chứng khoán cũng với mục đích này có thể có nhiều hình thức khác nữa như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín phiếu huy động vốn nước ngoài… Theo đại diện Viet Jet Air các sản phẩm này hiện chưa phổ biến rộng rãi.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam ở lĩnh vực khác cũng đã đề cập đến quản trị công ty. Theo bà Hà, trước đây và hiện tại, đã có nhiều công ty trên thị trường chứng khoán thực hiện công tác quản trị chỉ dừng ở hình thức, chưa thực sự đi vào thực tiễn với các quy trình, quy chế cũng như hoạt động điều hành của HĐQT đối với công ty.
Báo cáo chưa chuẩn theo ngôn ngữ kế toán quốc tế
Về chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế cũng vậy, theo bà Hà cần khuyến khích triển khai áp dụng thí điểm với các công ty niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) trước khi áp dụng rộng rãi, đồng bộ trên toàn thị trường. Bởi đó là ngôn ngữ rất quan trọng liên quan đến tính minh bạch của các thông tin tài chính. Không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ tiếng Anh/Việt mà đó còn là ngôn ngữ kế toán chung phổ biến toàn cầu để giúp kết nối và gia tăng giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam với khu vực và thế giới.
Bà Hà cho biết, hiện báo cáo tài chính chưa đạt được các yêu cầu như vậy, có nhiều báo cáo để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được theo ngôn ngữ chung của kế toán, công ty của bà đã phải viết lại. Bà khẳng định: “Việc áp dụng các yếu tố như vậy không chỉ vì tuân thủ mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp niêm yết, các công ty, đại chúng khi muốn bước ra sân chơi lớn của khu vực và toàn cầu”.
Trước những “điểm yếu” của thị trường chứng khoán hiện tại, ngay Ủy Ban Chứng khoán cũng đã nhìn ra: dù đã được cải thiện nhưng thị trường chứng khoán vẫn tồn tại các yếu tố chưa thực sự bền vững, còn những biến động bất thường với tần suất dày trong một số giai đoạn nhất định. Thị trường chứng khoán phái sinh quy mô vẫn nhỏ, cơ sở nhà đầu tư còn chưa cân bằng, bền vững. Các nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân (chiếm tới gần 100%), hoạt động phòng vệ rủi ro còn chưa được chú trọng nhiều do còn ít các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường…
Trước những điểm yếu của thị trường chứng khoán, đặc biệt Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: trên thị trường vẫn có những hiện tượng thao túng, nội gián, gian lận, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khung khổ pháp lý còn chưa đầy đủ. Việc thanh kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận và xử lý dứt điểm, nghiêm khắc để răn đe, giữ gìn kỷ cương kỷ luật thị trường còn nhiều hạn chế.
Phải phát triển theo hướng minh bạch
Để phát triển thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò vị thế của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán, thể chế hóa các nội dung quan trọng, đảm bảo sự đồng bộ phù hợp với các luật quan trọng khác.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp: phải đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh với tính chất cung cấp công cụ tài chính phòng vệ rủi ro, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán. Nâng cao chất lượng phát hành và niêm yết chứng khoán, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho sự tăng cường minh bạch và bền vững của thị trường….
Tú Anh
Theo petrotimes.vn
Việt Nam nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2019
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2019, UBCKNN sẽ thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng "thị trường cận biên" lên hạng "thị trường mới nổi" trên bảng xếp hạng MSCI.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tại buổi gặp mặt báo giới mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán nhấn mạnh rằng, những giải pháp cụ thể được đưa ra để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam gồm: Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; ban hành Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung, đẩy mạnh công tác đào tạo nhà đầu tư...
"Việc nâng hạng phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chúng ta. MSCI (Morgan Stanley Capital International và FTSE (Financial Times Stock Exchange), sẽ dựa vào kết quả khảo sát các nhà đầu tư là khách hàng của MSCI cùng với đánh giá của nội bộ của MSCI về Thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Tóm lại, quan trọng nhất MSCI sẽ dựa vào độ hài lòng của nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam để xét nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi" - bà Bình cho biết.
Nói về lộ trình phát triển sản phẩm, bà Bình chia sẻ, trong năm 2019, UBCKNN sẽ sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán trong việc triển khai hai sản phẩm là Chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. "Tuy nhiên Bộ Tài chính cân nhắc, để đảm bảo tính an toàn trong giai đoạn đầu mới triển khai, chúng ta triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trước, thời gian sau khi đã tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Về cơ bản tất cả đã sẵn sàng, tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ lập lộ trình phát triển sản phẩm một cách tổng thể..." - bà Bình nói.
Cũng theo bà Bình, để hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, trong năm 2019, UBCKNN sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho thị trường chứng khoán phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.
Theo đó, năm 2019 ưu tiên số một vẫn là Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp của năm, đi kèm với đó là dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó có nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán...
Theo thegioitiepthi.vn
10 dấu ấn trên thị trường tài chính - chứng khoán 2018 Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2018 đầy biến động, trái ngược với kỳ vọng đầu năm của hầu hết các nhà đầu tư, dù yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán có nhiều cải thiện. Dưới đây là 10 sự kiện tài chính - chứng khoán 2018 nổi bật theo đánh...