“Nhà Báo – Luật sư và 67 chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ”
“Nhà báo – Luật sư và 67 chuyện nhỏ nhưng không nhỏ” là tập sách tập hợp một số bài Hồi ký, Tiểu luận, Phỏng vấn và Truyện vui… viết về cảm nghĩ, những kỉ niệm của Nhà báo, Luật sư Ngô Tất Hữu đối với nghề làm báo và nghề luật sư.
Những vụ việc có thực trong đời sống hàng ngày của xã hội, đã đăng trên Báo Bảo vệ Pháp luật trong năm 2013. Cuốn sách này vừa được Nhà xuất bản Lao động – Xã hội ra mắt và giới thiệu trong những ngày đầu năm 2014.
Dân trítrân trọng giới thiệu đôi nét về tác giả và nội dung cuốn sách trên với quý độc giả qua bài : Đôi lời giới thiệu của nhà báo Phạm Xuân Chiến – Tổng Biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật, Cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đăng trang đầu của cuốn sách.
” Nhà báo, Luật sư Ngô Tất Hữu sinh năm 1940 tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội – quê hương của nhà văn nổi tiếng Ngô Tất Tố. Ông và nhà văn Ngô Tất Tố cùng họ nhưng khác chi. Ông thuộc chi trưởng của dòng họ Ngô, gọi cụ Ngô Tất Tố là ông, gọi các con của cụ là cô, chú và xưng cháu.
Ngay từ lúc còn là cán bộ khoa học kỹ thuật, ông đã say mê viết báo và luôn chịu khó rèn luyện, học tập, tắm mình trong cuộc sống xã hội. Năm 1964, ông được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tuyển dụng, đưa đi đào tạo tại khóa VI, Học viện thông tấn Việt Nam. Trong quá trình làm báo, ông học thêm các ngành kinh tế, luật học, chính trị. Cuộc đời làm báo, ông được lãnh đạo giao phó một số chức vụ quản lý báo chí như Trưởng phân xã TTXVN tại Quảng Ninh, Phóng viên TTXVN tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, cán bộ giáo vụ Học viện Thông tấn; Tổng biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật và Đời sống, Phó tổng biên tập các Báo và Tạp chí như Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tạp chí Pháp lý, Báo Kinh doanh Pháp luật và Báo Đời sống và Pháp luật…
Những năm công tác ở TTXVN, ông có vinh dự được cử đi viết tin phục vụ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Nhà nước như các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…. Đặc biệt, do có trình độ của một luật sư lâu năm nên ông viết các bài về điều tra trên lĩnh vực pháp luật có chất lượng, đồng thời ông còn là một trong những nhà báo có kinh nghiệm trong tổ chức xuất bản, ra đời những tờ báo đầu tiên như Báo Pháp luật và Đời sống và Báo Đời sống và Pháp luật.
Khi nghỉ hưu, ông vẫn hành nghề luật sư và nghề báo.
Trên lĩnh vực hành nghề Luật sư: Ông làm trưởng Văn phòng luật sư Thủ Đô, Ủy viên Hội đồng khen thưởng và kỷ luật Đoàn Luật sư Hà Nội khóa VIII, Phó Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Việt Nam Bảo vệ Quyền trẻ em. Ông tham gia tư vấn thường xuyên cho một số doanh nghiệp và báo chí, đồng thời tham gia nhiều vụ án về Hình sự, Dân sự, Hành chính, Lao động ở hầu hết các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM.
Về nghề làm báo: Nhiều năm qua, ông tham gia làm cố vấn pháp luật thường xuyên cho Báo Điện tử Dân trí và được Tổng Biên tập báo ủy quyền giải quyết toàn bộ các khiếu nại, khởi kiện trên lĩnh vực báo chí và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông còn tham gia Hội đồng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và trang trại Việt Nam, và cộng tác với một số cơ quan báo chí với bút danh Ngô Công Lý, Công Tâm, Phúc Đức, Phương Anh…
Video đang HOT
Với Báo Bảo vệ Pháp luật, ông là người có duyên thầm với ngành Kiểm sát nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với báo hơn 10 năm qua ngay từ khi tờ báo xuất bản số đầu tiên. Từ cuối năm 2011, ông đề xuất mở thêm chuyên mục “Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ” đăng thường kỳ tại trang 3. “Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ” gồm những tiểu phẩm khai thác sử dụng vũ khí sắc bén của báo chí, với đề tài là những câu chuyện đời thường gắn bó với đời sống thường ngày của mỗi người dân.
Tác giả mở ra cuộc trò chuyện, đàm thoại cởi mở, thân mật, dân dã, đời thường nhưng bổ ích, thiết thực để cùng phân tích những cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai đưa đến sự đồng thuận theo tiêu chí của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua gần 3 năm (từ giữa năm 2011 đến nay), gần 250 bài báo về “Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ” ra đời, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, đã góp phần làm cho Báo Bảo vệ Pháp luật ngày càng khởi sắc, đi vào cuộc sống, gần gũi với bạn đọc.
Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 năm nay, nhân dịp ông 75 tuổi đời với gần 50 năm làm báo chuyên nghiệp, 46 năm tuổi Đảng, 15 năm hành nghề luật sư chuyên nghiệp, Báo Bảo vệ Pháp luật cùng tác giả in lại một số bài viết của ông đã đăng trên Báo Bảo vệ Pháp luật. Tập sách gồm hai phần.
Phần một với tiêu đề: “Nhà báo – Luật sư” gồm các bài Hồi ký, Tiểu luận, Phỏng vấn và Truyện vui… viết về cảm nghĩ, những kỷ niệm của ông đối với nghề làm báo và nghề luật sư. Phần hai tập sách gồm 67 bài Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ theo thứ tự thời gian báo đã đăng trong năm 2013.
Chuyện nhỏ…nhưng không nhỏ là những vụ việc có thực trong đời sống hàng ngày của xã hội, có tên, địa chỉ, người, ngành, địa phương, song đã qua thời gian dài, mọi việc theo quy luật đã biến thiên và thay đổi theo hướng phát triển, tiến bộ và trưởng thành, do vậy, cũng như tập đầu “135 Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ” xuất bản năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập báo, các bài báo Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ trong tập sách này chỉ mang dấu ấn thời sự nhất thời về quá trình xây dựng trưởng thành của Báo Bảo vệ Pháp luật – cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời là tài liệu trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho phóng viên trẻ.”
Dân trí trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả !
Thanh Phong
Theo Dantri
Bán đất, mất nhà vì giấy tờ giả
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, những kẻ bất lương lừa lấy mất nhà đất của người dân lương thiện, lừa tiền người có nhu cầu mua nhà đất.
Bán đất với giấy ủy quyền giả
Tháng 9/2013, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử 1 vụ án lừa đảo nhà đất mà nguyên nhân là do nạn nhân chủ quan trong giao dịch nhà đất, còn cơ quan công chứng thì thiếu nghiệp vụ khi không phát hiện ra giấy tờ giả khi chứng thực.
Cụ thể, Nguyễn Văn Nhựt (42 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) nợ Phạm Thị Khơ 20 triệu đồng nhưng không có tiền trả nên nảy sinh ý định làm giấy tờ giả lừa bán miếng đất rộng hơn 400m2 của cha mẹ ruột mình.
Để thực hiện hành vi này, Nhựt nhờ Khơ làm giả hợp đồng bà Hường (mẹ Nhựt) uỷ quyền cho Nhựt làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu miếng đất trên (miếng đất bà Hường và cha ruột nhựt là ông Tâm đứng tên). Nhựt còn đến Công an thị trấn Trảng Bàng làm thủ tục xoá tên ông Tâm trong hộ khẩu, đến UBND thị trấn Trảng Bàng làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân của bà Hường.
Sau khi có đầy đủ giấy tờ, Nhựt nhờ Khơ tìm người mua miếng đất này và bán được cho vợ chồng anh Dũng với giá 400 triệu đồng. Thấy giấy ủy quyền, vợ chồng anh Dũng tin ngay mà không đến gặp chủ đất để xác minh. Khi đến Phòng công chứng số 2 để làm hợp đồng chuyển nhượng, nhân viên phòng công chứng đã không phát hiện ra giấy ủy quyền giả và công chứng cho hợp đồng chuyển nhượng của 2 bên. Anh Dũng giao cho Nhựt 380 triệu đồng, còn 20 triệu đồng sẽ giao khi ra giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, khi vợ chồng anh Dũng làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng miếng đất trên thì được thông báo là miếng đất đang có tranh chấp vì chủ sở hữu miếng đất là ông Tâm và bà Hường không bán đất. Biết là bị lừa, vợ chồng anh Dũng đã tố cáo hành vi lừa đảo của nhựt ra cơ quan công an. Nhựt bị xử phạt 2 năm tù, còn Khơ bỏ trốn.
Mất nhà vì vay nóng
Trong vụ án trên, cơ quan chức năng còn có cơ sở để can thiệp, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân. Nhưng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn diễn ra tình trạng các cá nhân cho vay nóng và đòi thế chấp bằng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất khiến nhiều gia đình mất nhà mà cơ quan pháp luật cũng không can thiệp được.
Như trường hợp của ông Thành (55 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) thế chấp 2 sổ đỏ vay ngân hàng 20 triệu đồng để nuôi heo. Vì dịch bệnh, heo chết hết ông Thành đành vay nóng bên ngoài để trả tiền đáo hạn ngân hàng. Để vay tiền bên ngoài, ông Thành phải làm hợp đồng vay tiền dưới dạng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, nếu ông Thành không trả được thì phải làm thủ tục bán nhà đất cho người cho vay. Chỉ sau hơn 1 năm lãi mẹ đẻ lãi con, cấn nợ từ chủ nợ này sang chủ nợ khác, ông Thành mất hẳn 2 miếng đất mà số tiền vay thực tế nhận được chưa tới 30 triệu đồng.
Không chỉ riêng ông Thành mà tình trạng này xảy ra khá nhiều ở các huyện thị của tỉnh Tây Ninh trong mấy năm gần đây, từ đó nảy sinh nhiều vụ kiện tụng phức tạp. Tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi cuối tháng 4/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh phải kiến nghị UBND tỉnh chấn chỉnh.
Theo Viện KSND tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng đáng quan tâm là một số đối tượng cho vay lãi nặng, buộc bên vay thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ), có dấu hiệu ép buộc để chiếm đoạt tài sản của bên vay tiền.
Thủ đoạn của đối tượng là nhằm tới những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc có nhu cầu vay tiền gấp để giải quyết việc gia đình như trị bệnh hoặc trả nợ ngân hàng khi đáo hạn. Đối tượng này đặt vấn đề cho vay tiền với điều kiện bên nhận vay phải thế chấp tài sản là QSDĐ nhưng bằng "hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ".
Khi đến hạn, bên vay tiền thanh toán thì các bên làm thủ tục hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; Còn nếu bên vay không có khả năng thanh toán thì bên cho vay tiến hành thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp bên vay tiền không đồng ý thực hiện thủ tục sang tên chuyển quyền vì giá chuyển nhượng quá thấp hay vì lý do khác thì phát sinh tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ mà bản chất vụ việc là hợp đồng vay tài sản.
Nhưng khi sự việc đưa ra tòa, cơ quan tư pháp khó bảo vệ quyền lợi của nạn nhân vì hợp đồng chuyển nhượng của đối tượng cho vay làm rất đúng quy trình, thủ tục, được công chứng đàng hoàng; bên vay cũng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Chấn chỉnh hoạt động công chứng
Trong vụ sử dụng giấy ủy quyền giả mạo để bán đất có thể thấy rõ lỗi chủ quan của người mua khi không gặp chủ nhà đất để xác minh, nhưng cũng thấy rõ lỗi của cơ quan công chứng là thiếu trình độ nghiệp vụ xác minh tính xác thực của giấy tờ trong hồ sơ công chứng.
Còn trong các vụ cho vay nóng rồi lấy nhà đất của người dân, lỗi nghiệp vụ của các cơ quan công chứng được Viện KSND Tây Ninh chỉ rõ khi giá mua bán thỏa thuận trong hợp đồng là số tiền mà người dân vay của đối tượng cho vay nặng lãi, thường thấp hơn nhiêu lần so với giá thực tế nhưng nhân viên công chứng bỏ qua, vô tình hợp thức hóa cho thủ đoạn biến hợp đồng cho vay tài chính thành hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với hoạt đoạt động công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nhưng thực chất là hợp đồng thế chấp tài sản để vay tiền.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Tư pháp chấn chỉnh ngay hoạt động công chứng tại các Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng và công tác chứng thực đối với hoạt động này; có biện pháp ngăn chặn thực trạng trên nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tỉnh lưu ý các cơ quan công chứng phải phát hiện kịp thời những trường hợp công chứng nhằm che đậy việc cho vay biến tướng bằng hành vi chuyển nhượng; giá trị tài sản chuyển nhượng không đúng giá trị thực tế thị trường tại thời điểm công chứng; hành vi công chứng không thể hiện được sự tự nguyện...
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Cho 2 bị can trong vụ "hôi bia" ở Đồng Nai được tại ngoại Ngày 26/1, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Công an TP Biên Hòa đã cho tại ngoại đối với 2 bị can Đinh Văn Vinh và Trần Anh Cường, bị bắt giam trước đó về hành vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản". Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP...