Nguyễn Văn Chung: Tiết lộ thu nhập khủng nhờ tiền tác quyền và chuyện ly hôn ít người biết
“Tôi đã chịu một nỗi buồn rất lớn về gia đình. Tinh thần tôi khá vững ở chỗ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải chết mà phải làm gì để mình tốt hơn hôm qua”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể.
Nguyễn Văn Chung được xem là một nhạc sĩ trẻ thành công trong việc gây dựng hình ảnh cho các ca sĩ như Khánh Phương (Chiếc khăn gió ấm), Akira Phan (Mùa đông không lạnh), Tần Khánh (Chuyện tình dưới mưa), The Men (Em luôn ở trong tâm trí anh), Hiền Thục (Nhật ký của mẹ)…
Sau gần 20 năm làm nghề, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có một gia tài bài hát đồ sộ. Và trong cuộc gặp mới đây với phóng viên, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” đã có những giây phút trải lòng về âm nhạc cũng như cuộc sống của anh thời gian qua…
Có những người viết 3 bài/ ngày, bán bài hát nhiều như bán cà phê
Anh có nhớ mình đã sáng tác bao nhiêu ca khúc không?
Tôi nhớ gần hết vì tôi chỉ nghe nhạc của mình. Tôi bị một kiểu, chỉ nghe một lần là nhớ giai điệu nên phải hạn chế nghe nhạc người khác. Tôi sợ mình viết nhạc giống người ta nhưng lại nghĩ là mình sáng tác ra. Tôi từng gặp trường hợp như thế và nếu tôi phát hành thì chắc chắn sẽ bị nói là đạo nhạc nên phải bỏ bài đó luôn.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng ở trong nhà, anh cũng phải ra ngoài, đi gặp bạn bè, dự sự kiện của đồng nghiệp… thì cũng nghe nhạc của người khác chứ?
Đúng vậy nhưng tôi không có thói quen đeo tai nghe nhạc người khác một cách chủ đích. Còn nghe thụ động thì vào tai này sẽ ra tai kia. Ngày xưa, khi chưa sáng tác, tôi thích nghe nhạc và nghe nhiều lắm nhưng sau này phải bỏ. Đó là một sự hy sinh và mình phải chịu.
Thông thường, một bài tôi viết ra, tôi sẽ nghe rất lâu cho tới khi nó tới được với khán giả là tôi không nghe nữa. Tôi phải tự quên chính bài hát đó của mình để tập trung viết bài khác vì sợ bài sau giống chính bài mà mình đã viết trước đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhạc sĩ nào cũng như vậy?
Tôi không biết người khác sáng tác thế nào. Nói về nhạc sĩ, cũng chia ra làm nhiều kiểu. Có những nhạc sĩ chỉ viết vì nghệ thuật, thật đẳng cấp nhưng kiếm tiền ít vì đối tượng đủ trình độ nghe được những bài đó rất ít, và hầu như không phải các bạn trẻ.
Có những nhạc sĩ muốn viết thật nhiều, bán thật nhiều, thị trường cần gì, sân khấu tỉnh cần gì là viết rồi bán. Tôi biết có những nhạc sĩ như vậy và tác quyền rất cao. Có những người ngày viết 3 bài, bán nhiều như bán cà phê vậy. Mục tiêu của những người đó là bán được bài, kiếm được tiền.
Tôi đi theo hướng cân bằng cả hai. Sáng tác gần gũi với mọi người nên nói về yếu tố chuyên môn, “Nhật Ký Của Mẹ” không khó, thậm chí đơn giản như bài hát ru, không có sự sáng tạo về nghệ thuật nhưng tôi đặt hết tâm trí trong lời bài hát. Đó là cái tôi hơn các bạn sáng tác theo thị trường.
Và cái tôi hơn những người sáng tác vì nghệ thuật ở chỗ, tôi không viết khó như họ, mà viết gần gũi hơn. Như vậy, bài hát lan tỏa được tới nhiều người mà không bị đánh giá là dở.
Tại sao tôi phải cân đối hai con đường đó vì nhạc sĩ cũng cần tiền để sống. Mình phải có thu nhập bằng nghề thì mới yêu nghề. Còn nếu mình viết nhạc mà không sống được bằng nghề thì làm kinh doanh cho rồi.
Xếp hạng 4 trong top 10 nhạc sĩ có thu nhập cao nhất từ tác quyền
Anh có sống được bằng nghề không?
Có, tôi sống tốt bằng nghề. Ngay cả bây giờ, nếu tôi không làm gì, tôi vẫn sống khỏe nhờ tiền tác quyền. Tác quyền là nguồn thu nhập thụ động mỗi quý đến tận 50 năm sau khi tôi mất, vẫn còn tiền về cho gia đình. Đó là những gì tôi đã gầy dựng gần 20 năm qua nhưng không ai đánh giá tôi là nhạc sĩ viết cho thị trường.
Trong top 10 nhạc sĩ có tiền tác quyền lớn nhất Việt Nam, Nguyễn Văn Chung đứng thứ mấy?
Tôi hạng 4. Trung bình một quý, tôi có từ 60 đến hơn 200 triệu tiền tác quyền. Ngoài ra, tôi vẫn sáng tác cho các nhãn hàng, công ty, dạy học, thu tiền từ nhạc chờ. Riêng kênh Youtube của tôi, mỗi tháng cũng thu được hơn 10 triệu đồng.
Làm thế nào để anh kiểm soát được tiền tác quyền?
Rất khó để kiểm soát tiền tác quyền, mọi thứ chỉ là tương đối, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Nếu các đơn vị không hợp tác, không đưa ra danh sách những bài hát họ đang dùng thì sẽ không có căn cứ để họ phải trả tiền. Hoặc họ chây ì, trốn tránh không trả tiền… thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lấy tiền tác quyền.
Cho tới thời điểm hiện tại, ca khúc nào mang lại cho anh tác quyền nhiều nhất?
“Nhật ký của mẹ”. Ngày xưa, tôi có nhiều bài hit về tình yêu nhưng bán cho ca sĩ. Khi ca sĩ mua độc quyền thì ca khúc đó không mang lại tiền nhiều cho mình. Ví dụ, tôi bán hài hát được 25 triệu nhưng khi tiền về là ca sĩ được vì họ bỏ tiền ra mua đầu tư.
“Nhật ký của mẹ” là ca khúc đầu tiên tôi không bán mà nhờ Hiền Thục thu. Nhờ vậy mà mọi quyền lợi đều đổ về cho tôi. Ví dụ, có một hãng bột giặt dùng một đoạn chừng 30 giây bài “Nhật ký của mẹ” cho quảng cáo của họ trong 6 tháng và tôi được trả 60 triệu đồng. Có rất nhiều nhãn hàng dùng bài hát này.
Và chắc chắn “Nhật ký của mẹ” tới sau này vẫn còn nhiều người nghe trong các dịp sinh nhật, vu lan, đám cưới… Khi khán giả còn nghe thì mình còn nhận được tiền.
Tôi từng viết theo thị trường, trào lưu và có tiền nhiều ngay lập tức nhưng “Nhật ký của mẹ” là một con đường khác hoàn toàn. Và khi nhìn thấy hai con đường đó, tôi quyết tâm viết nhạc thiếu nhi. Nói đúng hơn, tôi chuyển sang sáng tác nhạc thiếu nhi từ sau “Nhật ký của mẹ”.
Nhạc thiếu nhi còn kinh khủng hơn vì qua lứa thiếu nhi này sẽ có lứa thiếu nhi khác và cứ liên tục như thế. Đó là lý do tại sao đến giờ người ta vẫn hát “Con cò bé bé” hay “Cháu lên 3″, “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”… Không đứa nhỏ nào không biết những bài hát đó. Thử hỏi, những bài trên top 1 Youtube, 50 năm sau làm sao được nhớ như những bài đó?
Video đang HOT
Làm nhạc thiếu nhi, anh phải đánh đổi cái gì?
Tôi đánh đổi rất nhiều. Tôi đánh đổi bằng cả sĩ diện của mình. Tôi đang là nhạc sĩ nổi tiếng về nhạc tình, mỗi năm đều có giải thưởng nhưng khi viết nhạc thiếu nhi tôi chấp nhận năm đó mình không có bài hit, không có giải thưởng. Cuối năm, những người em trong nghề đi nhận giải còn mình không được mời, tôi rất tủi thân.
8 năm qua là 8 năm tôi rất cô độc và tủi thân nhưng tôi chấp nhận vì tôi tính đường khác lâu dài. Suốt 8 năm đó, nhiều người đánh giá tôi làm vậy là sai. Đôi khi tôi cũng băn khoăn, mình đúng hay sai nhưng bây giờ khi kết thúc hành trình rồi, tôi tự tin mình làm quá đúng.
Tôi đã đi một bước quá xa với các nhạc sĩ trẻ. Tôi chắc chắn là các bạn đó 10 năm nữa cũng chưa làm được những gì như tôi vừa làm. Tôi tự tin như thế.
Tôi quan niệm, người nghệ sĩ chỉ cân đo được sự thành công khi họ quyết định không làm nghề nữa. Đó là lúc họ tổng kết tuổi xuân, con đường của mình có thành công không, chứ không phải ở 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm.
Khi đã xong con đường lâu dài cho mình rồi, tôi trở lại với niềm đam mê, sáng tác nhạc trẻ. Giờ, tôi tự cho phép mình liều lĩnh vì đã thoải mái về kinh tế. Tôi có gia tài nhạc thiếu nhi 300 bài sắp xuất bản thành sách. Giờ tôi cho phép mình phóng túng trong dự án mới.
Đó là dự án mà tôi nghĩ ít có nhạc sĩ nào dám làm, nhạc hòa tấu trị liệu tâm hồn. Đó là dòng nhạc mà những người đang buồn, đang stress nghe sẽ cảm thấy được giải tỏa. Vì nguyên 1 năm vừa rồi, tôi là người như vậy.
Tôi đã chịu một nỗi buồn rất lớn về gia đình. Trong thời gian đó, tôi cứ ngồi đàn và không muốn nghe bất cứ một bài hát nào có lời. Vì lời bài hát sẽ luôn gắn với một câu chuyện nào đó, không đúng với câu chuyện của mình. Còn nhạc hòa tấu thì khác, không khí là của bài hát nhưng câu chuyện là của mình.
Tôi gọi album đó là “Cứu chữa cho tôi”. Khi làm album này, tôi có tham khảo các bác sĩ tâm lý. Có 6 bước để trị liệu tâm lý cho một ai đó. Bước 1 là gợi cho họ nói ra những điều họ buồn. Thứ hai là lắng nghe để họ vơi bớt, nhẹ lòng đi. Thứ ba là lời khuyên. Thứ tư là lãng quên. Thứ năm là thanh lọc và cuối cùng là cứu chữa.
Album “Cứu chữa cho tôi” gồm 6 bài hát tương tự với 6 bước trị liệu đó.
Trầm cảm vì hôn nhân đổ vỡ
Nghĩa là, khi rơi vào stress, anh cũng phải tới bác sĩ tâm lý để trị liệu?
Tinh thần tôi khá vững ở chỗ, tuy tôi nhạy cảm so với người thường nhưng không bao giờ suy nghĩ tiêu cực. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải chết mà phải làm gì để mình tốt hơn hôm qua.
Nỗi buồn đó rất lớn, mỗi ngày tôi phải ngồi nhìn nó nhưng tôi có thể chịu được. Tôi cảm nhận được nó rất gần mình nhưng không để nó khiến mình suy nghĩ tiêu cực. Tôi biết mình phải viết gì, đàn gì để xoa dịu nó, làm nó vơi đi.
Sau khi hôn nhân đổ vỡ, anh làm album nhạc hòa tấu trị liệu tâm hồn. Và sau dự án này, anh sẽ quay lại dòng nhạc trẻ về tình yêu. Liệu rằng những ca khúc mới của Nguyễn Văn Chung có buồn hơn, da diết hơn…?
Buồn nhiều hơn. Nỗi buồn chia tay bạn gái và nỗi buồn chia tay trong hôn nhân rất khác, nó mang theo sự day dứt, dằn vặt. Đã từng là một gia đình với nhau, còn liên đới nhiều thứ khác, con cái, tình nghĩa. Chỉ những ai đã từng ly hôn mới thấu hiểu được cảm giác đó, tâm trạng đó.
Những sáng tác của tôi buồn nhưng không có sự chỉ trích, chửi bới hay cãi vã mà hướng đến kết thúc tốt hơn cho cả hai, bình yên hơn cho cả hai. Đó là quan điểm trong sáng tác cũng là quan điểm trong cuộc sống của tôi. Buồn là nhất thời thôi.
Tất nhiên là, nếu hạnh phúc không ai quyết định chia tay hết. Phải có chuyện gì đó xảy ra, dẫn đến sự ngột ngạt, dẫn đến không thể đi cùng nhau nữa. Và sau cùng, dù không đi cùng nhau vẫn đối với nhau như những người thân, để cả hai có cuộc sống tốt hơn và tìm được người xứng đáng hơn. Ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
"Chi Pu hát hay không có gì để bàn, dở đi một chút sẽ đẩy lượt view lên"
"Có thể nhiều người chê Chi Pu hát chưa tốt, Sơn Tùng hát không rõ lời nhưng có thể là do các bạn muốn hát như vậy để khán giả phải nghe đi nghe lại", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ca sĩ Đức Tuấn đã nêu quan điểm: " Xu hướng làm MV hiện nay đang có vấn đề khi phần music bị phần video đè bẹp hoàn toàn. Âm nhạc bị đưa thành thứ yếu trong khi đúng ra phải là phần quan trọng hơn trong một music video, nhạc là chính, hình ảnh chỉ là phần trợ giúp cho âm nhạc thăng hoa.
Cũng vì trào lưu này mà các bạn nghệ sĩ trẻ không chú trọng trau dồi giọng hát nhiều hơn nữa để trở thành một ca sĩ. Việc tập trung trau chuốt hình ảnh mà không trau chuốt chuyên môn rất dễ làm một nghệ sĩ trở nên nông cạn và hời hợt".
Từ quan điểm này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung về chủ đề MV của các nghệ sĩ trẻ hiện nay: Xem nhạc hay nghe nhạc?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (ảnh: FB nhân vật)
Sơn Tùng, Jack, Đen Vâu, Bích Phương... đều dám đột phá
Cảm ơn anh đã hứng thú với chủ đề này. Trước tiên, là một người đã có gần 20 năm hoạt động trong nghề, có nhiều ca khúc hít, anh nhìn nhận các bạn nghệ sĩ trẻ như thế nào và anh nghĩ gì về xu hướng làm MV hiện nay?
Tôi thấy các bạn năng động hơn các ca sĩ thời xưa. Các bạn dám đột phá. Ngày xưa, ca sĩ thường chiều theo ý khán giả. Có một khoảng thời gian, khán giả thích thể loại hát nói, hát chửi thì hầu hết các ca sĩ thị trường, muốn đi tỉnh hát đều phải như vậy.
Các ca sĩ thời xưa luôn đặt mình trong vùng an toàn, ai đã có hit ở dòng nhạc nào rồi thì album sau sẽ làm theo phong cách đó, không dám đột phá chính mình. Còn các bạn ca sĩ trẻ bây giờ dám đột phá, dám bứt ra khỏi bản thân.
Tôi ví dụ như Bích Phương. Nhiều người thích Bích Phương hát ballad nhưng giờ Bích Phương dám hát nhạc trẻ và thành công. Sơn Tùng, Đen Vâu, Jack đều vậy. Mỗi bạn đều có sắc thái riêng và muốn khẳng định cái tôi của mình trong âm nhạc. Ngày xưa, một người hát ballad thì nhà nhà hát ballad, nên âm nhạc không có sự đa dạng.
Bây giờ, các bạn trẻ đầu tư rất nhiều về hình ảnh nên sản phẩm rất giá trị về hình ảnh, thu hút người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Và rõ ràng, âm nhạc là phải hòa trộn giữa nghe và xem. Đôi khi, phần nghe yếu hơn phần nhìn vì họ cầm điện thoại suốt.
Ngày xưa, khán giả nghe nhiều hơn là vì công nghệ chưa phát triển. Muốn nghe nhạc, chỉ có MP3, băng cassette, không phải lúc nào cũng sẵn đầu DVD. Tiện lợi nhất là MP3, CD cầm tay.
Nhưng bây giờ, ai cũng có điện thoại. Nhu cầu luôn phát triển, mọi người muốn xem, muốn nghe thì tất yếu, xu thế âm nhạc phải là phần nhìn nhiều hơn.
Ai cũng thấy một thực tế là khán giả hầu hết đều nghe nhạc bằng... điện thoại nhưng tôi cũng nhớ nhạc sĩ Đức Trí nói, "không gì tàn ác với chúng tôi bằng việc các bạn nghe nhạc bằng điện thoại"?
Chúng ta có nhiều dòng nhạc và cũng có nhiều cách hưởng thụ âm nhạc khác nhau, giống như ẩm thực vậy. Có những món ăn, chúng ta có thể cầm trên tay và đi ngoài đường ăn, như là bánh mì. Có những món, mình phải ngồi trong nhà, tại bàn ăn, mới thưởng thức được.
Có những món ăn, mình muốn ăn chung với mọi người và cũng có những món ăn, mình chỉ muốn ăn một mình. Âm nhạc cũng vậy. Có rất nhiều thể loại nhạc. Có loại nhạc, phải nghe trong một đám đông mới thấy vui, như IDM, vừa nghe vừa nhảy nhót.
Có loại âm nhạc, mình chỉ muốn nghe một mình, tận hưởng trong không gian riêng của nó, trong sự tĩnh lặng như các bài hòa tấu cổ điển, các bản nhạc của các diva, đầy chất nghệ thuật để cảm nhận được cái hay của nó. Và cũng có dòng nhạc, mình phải nghe chung với bạn bè, đi trên đường đi học hoặc lúc đi ngủ.
Âm nhạc bây giờ là vậy nên chúng ta không thể dùng suy nghĩ của 1 người thích món ăn này mà phê phán món ăn khác hay phê phán người đang ăn món ăn khác, điều đó không hợp lý.
Nếu Chi Pu hát hay hơn một chút thì khán giả sẽ không có gì để bàn tán
Vậy về chuyên môn thì sao. Là ca sĩ thì có cần phải hát tốt hay chỉ cần biết vũ đạo, có ý tưởng, body sexy, còn giọng hát thì để... phòng thu lo?
Nhiều bạn ca sĩ trẻ hát tốt và cũng có nhiều bạn hát chưa tốt nhưng các bạn hay ở chỗ, biết dùng cái tốt hơn để che lấp khuyết điểm đó. Đó là sự thông minh và sản phẩm của họ vẫn được công chúng đón nhận, bàn tán, đánh giá và xuất hiện trên bảng xếp hạng. Ở một khía cạnh nào đó, họ thành công.
Có nhiều cách đánh giá một người nghệ sĩ. Có người được đánh giá hát rất hay và có người được đánh giá là thông minh. Có người suốt đời luyện thanh để vươn tới đẳng cấp diva. Có người suốt đời theo đuổi sự trúc trắc trong âm nhạc để viết được bài giao hưởng vươn tới đỉnh cao nghệ thuật. Nhưng cũng có những người, chỉ cần bài hát lan tỏa, được nhiều người biết tới.
Thế nên, có nhiều mức độ thành công. Nếu để đánh giá, nhận xét thì các bạn nghệ sĩ trẻ đang được khán giả biết tới và thích những bài hát của họ thì đã là thành công, dù về mặt chuyên môn, giọng hát chắc chắn là chưa tốt.
Xét về nghệ sĩ cũng có nhiều khía cạnh khác nhau. Người nhảy đẹp, hát hay. Người nhảy đẹp nhưng hát chưa hay. Người nhảy đẹp, có đầu tư, chỉnh chu, có truyền thông, chiến lược quảng bá nhưng hát chưa hay thì mình cũng nên ghi nhận.
Các bạn rõ ràng cũng đang lao động nghệ thuật nghiêm túc, chỉ cần sản phẩm không bị phản cảm, không thô tục thì suy cho cùng, cũng không có gì để phê phán cả. Nếu để góp ý thì là các bạn nên luyện thanh nhiều hơn để bài hát tốt hơn.
Vừa rồi có hai MV khá nổi là "Cung đàn vỡ đôi" của Chi Pu và "Có chắc yêu là đây" của Sơn Tùng. Cả 2 MV này vừa ra đã đạt lượt views khủng. Nhưng về giọng hát thì anh đánh giá các bạn như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà Sơn Tùng thủ khoa Nhạc viện TPHCM. Có thể nhiều người chê Chi Pu hát chưa tốt, Sơn Tùng hát không rõ lời nhưng có thể là do các bạn muốn hát như vậy để khán giả phải nghe đi nghe lại.
Đó là một lựa chọn liều lĩnh mà mình không nói đúng sai được. Đúng sai phải chờ kết quả sau này. Nếu Sơn Tùng hát không rõ lời mà views ít thì là sai nhưng views cao thì quyết định đó là đúng.
Chi Pu cũng vậy, nếu Chi Pu hát hay hơn một chút thì khán giả nghe sẽ không có gì để bàn tán. Nhưng Chi Pu hát dở đi một chút, nảy sinh hai luồng khán giả, người chê người khen thì sẽ đẩy lượt view lên.
Tôi không đứng về phía nào trong hai luồng dư luận đó. Về chuyên môn, tôi phải trung lập để nhìn nhận qua từng sản phẩm của bạn.
Và rõ ràng, Chi Pu hát tốt hơn so với sản phẩm đầu tiên. Mình thấy được sự cố gắng trong giọng hát của Chi Pu thì đó là điều đáng ghi nhận. Nếu đứng ở một trong hai bên thì mình là khán giả chứ không phải nhà chuyên môn nữa.
MV của Sơn Tùng, Chi Pu, Jack, Hoàng Thùy Linh view khủng nhưng "tuổi thọ" ngắn
MV của các bạn trẻ như Sơn Tùng, Hòa Minzy, Hoàng Thùy Linh, Chi Pu, Jack, Bích Phương... thường đạt lượt views khủng, lọt top trending trên Youtube sau một thời gian rất ngắn. Trong khi ca khúc mới của những ca sĩ thuộc hàng top trong làng nhạc Việt, được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn lại khó có được "thành tích" này?
Thứ nhất, các bạn có một lượng fan rất lớn, sẵn sàng support cho thần tượng của mình, hiểu cách đơn giản là "cày views". Lượng khán giả nghe nhạc của các bạn hầu hết là khán giả trẻ. Mà khán giả trẻ có rất nhiều thời gian trên mạng, nắm trend tốt để chia sẻ nhau, kêu gọi ủng hộ cho thần tượng của mình.
Nói về khán giả, chúng ta có khán giả lớn tuổi, khán giả nhỏ tuổi và khán giả thanh thiếu niên. Ai cũng nhận thấy rằng, khán giả thanh thiếu niên chiếm 70-80% lượng khán giả đang nghe nhạc. Những người đó lại siêng lên Youtube, mạng xã hội thì đương nhiên các bạn có lượt views cao.
Thứ hai là Sơn Tùng, Chi Pu rất thông minh trong truyền thông, có chiến lược PR bài bản để thu hút sự chú ý của khán giả.
Chưa kể, dòng nhạc của các bạn biến hóa qua từng sản phẩm. Không ai đoán trước được, Sơn Tùng hay Chi Pu sắp ra dòng nhạc thuộc thể loại gì. Ví dụ, không ai ngờ Chi Pu lại kết hợp với cải lương trong Cung đàn vỡ đôi.
Kích thích được sự tò mò của khán giả là điều mà các nghệ sĩ lớn đôi khi bị quên mất. Họ tự tin vào năng lực của họ mà quên mất yếu tố đó. Trong khi, đó là yếu tố đẩy lượt views lên.
Ngày xưa, chúng ta có câu "hữu xạ tự nhiên hương", ai hát hay, khán giả sẽ đến nhưng bây giờ, âm nhạc phát triển giống như công nghệ marketing, nếu biết cách quảng bá thì khán giả mới tìm đến mình. Hai quan điểm khác nhau rồi.
Thứ ba là các bạn đổ tiền rất nhiều vào sản phẩm đó và đổ tiền rất đúng, ở chỗ, khán giả nhìn thấy ngay điều đó. Ví dụ, Sơn Tùng đổ tiền đúng ở chỗ trang phục, bối cảnh, hình ảnh, câu chuyện. Chi Pu cũng vậy.
Nhưng có nhiều người đổ rất nhiều tiền vào MV nhưng khán giả không nhìn thấy vì họ đổ tiền sai. Ví dụ, một bài hát thu trong phòng thu bình thường và một bài hát qua Mỹ mix, giá tiền khác nhau.
Nhưng thực chất, khán giả không phân biệt được điều đó. Chỉ có người chuyên môn với thiết bị đặc biệt mới nhận ra sự chênh lệch của âm thanh. Còn khán giả, họ nghe bằng điện thoại thì làm sao nhận ra sự khác nhau giữa phòng thu 2 triệu và 20 triệu.
Tôi không gọi đó là sai lầm mà là quan điểm làm nghệ thuật của mỗi người khác nhau. Có người thích đổ tiền vào MV chứ không phải vào nhạc vì họ nghĩ, khán giả nghe thấy "bắt tai" là ok. Nhưng có người muốn làm nhạc chất lượng thực sự và khi nghe thấy sướng. Đó là quan điểm nghề, quan trọng là khán giả nhìn nhận thế nào.
Ngoài ra, các bạn trẻ có chiến lược PR bắt trend của giới trẻ bằng các hastag. Đó là chất xám. Ngược lại, có những người đổ tiền vào truyền thông. Chẳng hạn, họp báo ở những nơi cực kỳ sang trọng, mời ăn uống, tốn rất nhiều tiền. Dù đó là tấm lòng của họ với báo chí nhưng sẽ không hiệu quả bằng cách kia.
Đó là những yếu tố đương nhiên khiến sản phẩm của các nghệ sĩ trẻ luôn nhiều views hơn sản phẩm của nghệ sĩ lớn tuổi.
Nhưng có một thực tế là, MV của các bạn nhanh chóng lọt top 1 trending nhưng "tuổi thọ" cũng rất ngắn?
Đúng rồi. Top 1 Youtube chỉ tồn tại thời gian ngắn, chỉ tuần sau là sẽ có sản phẩm khác thay thế. Top 1 Youtube chỉ thể hiện sự quan tâm nhất thời của công chúng trong thời điểm đó chứ không khẳng định được MV đó tốt hay không tốt, chất lượng hay không chất lượng. Đó là 2 chuyện khác nhau.
Không phải MV nào lọt top 1 cũng chất lượng và tốt. Cũng không phải MV nào chất lượng cũng lọt top 1 Youtube. Có những ca khúc người ta nghe hoài nhưng không lên top 1 vì ca khúc đó là nằm trong lòng khán giả, không nằm ở những comment tranh luận trên mạng xã hội.
Hiểu một cách nào đó, MV của các bạn trẻ là "ăn xổi"?
Nghệ sĩ nào cũng mong muốn sản phẩm của mình ở trong lòng khán giả nhưng bây giờ các bạn chạy theo trending, theo trào lưu nhiều hơn, chỉ mong đạt top 1 Youtube nên ít ai dám sản xuất bài hát với mong muốn ca khúc đó nằm trong lòng khán giả thật lâu.
Tôi đang nói khán giả nói chung chứ không phải fans vì tất cả bài hát của thần tượng, fans nhớ hết. Mà top 1 thì tuần sau sẽ có người khác, sản phẩm khác thay thế. Không thể nói họ sai, đó là quan điểm làm nghề của mỗi người. Họ muốn vậy và coi như vậy là thành công.
Nghệ sĩ có rất nhiều cái muốn. Họ vừa muốn được khán giả yêu mến vừa muốn bài hát mới ra được bàn tán xôn xao, vừa muốn bài hát được khán giả nhớ lâu.
Tuy nhiên, thông thường sẽ phân loại ra ngay. Có thể bây giờ bài hát đó nổi nhưng 3 tháng sau nó hết thời vì trào lưu là nhất thời, cảm xúc là mãi mãi. Cảm xúc thì không bao giờ bằng trào lưu nhất thời được, nó cần thời gian dài, và mình chỉ chọn được 1 trong 2. Những người đã chọn cái này thì không thể được cái kia.
Hiền Thục hát hay nhưng không thể bằng diva Trần Thu Hà, Hồng Nhung
Nếu Chi Pu hay Sơn Tùng, Bích Phương muốn hát ca khúc của anh, anh có đồng ý?
Có chứ. Hay hay dở chưa bàn tới nhưng, tôi nghĩ Sơn Tùng và Chi Pu sẽ đảm bảo được chất lượng nằm ở mức trên trung bình khá mà tôi chấp nhận được.
Muốn làm nghệ thuật thì tâm trí phải mở, dám thả bung vùng an toàn của mình ra. Ngày xưa, tôi từng thử nghiệm nhiều giọng hát và may mắn nhiều bài hit nổi lên. Tôi cũng thất bại nhiều, chỉ là không ai biết chuyện đó. Vậy thì tại sao mình lại ngại thử nghiệm? Thử nghiệm cho nghệ sĩ sự hứng thú trong làm nghề và tôi rất thích điều đó.
Anh theo đuổi cách sáng tác nhạc cảm xúc, tức là ca khúc phải đọng lại điều gì đó cho người nghe. Tôi nghĩ, Sơn Tùng, Chi Pu khó có thể làm được điều đó nếu hát ca khúc của anh. Vì 1 bài hát cảm xúc thì cần giọng hát cảm xúc nhưng các bạn hát không tốt và phải che khuyết điểm đó bằng hình ảnh như anh đã nói?
Tôi không lo ngại điều đó. Chưa chắc đã như bạn nghĩ vì nó thuộc về duyên. Khi sáng tác, tôi đã đặt quan điểm của mình vào bài hát. Bản thân bài hát đã có cảm xúc rồi. Nếu nó được trang bị thêm nhiều lớp áo nữa thì có khi nào sẽ được cộng hưởng để thành công hơn?
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế có thể biến đổi. Ví dụ, Hiền Thục hát hay nhưng không thể bằng những diva như chị Trần Thu Hà, Hồng Nhung. Nhưng Hiền Thục vô tình hợp với "Nhật ký của mẹ" ở chỗ có cảm xúc. Đó là duyên khi hai người kết hợp với nhau. Chị Hồng Nhung cũng có cảm xúc chứ nhưng cái duyên ở chỗ, khán giả thích Hiền Thục hát bài hát đó.
Tôi coi âm nhạc là trò chơi và khi chọn lựa thì phải biết được gì và mất gì và chấp nhận nó. Việc mình tính cũng chỉ được 70%, còn phụ thuộc vào may mắn và duyên nữa. Ví dụ, có những bài tôi nghĩ dở nhưng lại thành hit, như "Mùa đông không lạnh", tôi thấy nó dở,quê nhưng khi Akira Phan hát thì thành hit.
Mới đây, Dương Triệu Vũ ra mắt sản phẩm mới và được anh trai Hoài Linh dạy rằng, làm gì thì làm, phải để ý tới thông điệp của mình trong từng sản phẩm, đừng làm bậy để các em nhỏ xem xong bắt chước là hư cả một thế hệ.
Từ điều này, tôi nhớ tới MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng và nhiều ca sĩ trẻ khác với những hình ảnh phản cảm, gợi dục, bạo lực. Điều này rất có thể sẽ gây tác động xấu tới những bạn trẻ?
Đó là vấn đề nhạy cảm, nếu tranh luận thì còn liên quan tới chuyện giáo dục nữa. Tôi nghĩ, lứa tuổi đủ để các em xem MV và không chịu tác động xấu phải từ 15 tuổi trở lên.
Đúng như bạn nói, MV của các ca sĩ nên gắn mác C15, C16 thậm chí C18 để hạn chế em nhỏ xem và có sự phân loại rõ ràng. MV có nhiều hình ảnh gợi cảm, nam nữ, giường chiếu, bạo lực hay câu chuyện drama giang hồ... thì nên gắn mác giống như phim rạp.
Ngoài ra, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Sở Văn hóa thông tin. Hiện tại, mọi người đang dễ dàng vì up lên Youtube mà không phải xin phép. Vấn đề này, các bộ ban ngành phải vào cuộc. Còn về chuyên môn thì rõ ràng điều này không đúng với nhận thức của các con.
Tôi nghĩ, trong tâm thức các bạn ca sĩ trẻ chỉ muốn làm một sản phẩm cho các bạn ở ngang lứa tuổi mình chứ chưa nghĩ khi các em nhỏ xem sẽ thế nào. Thiếu sót của các bạn là không gắn mác độ tuổi. Nói tóm lại, tôi chỉ phản đối những MV, bài hát có ca từ thô tục, gợi dục, nói lái phản cảm.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lần đầu hé lộ cuốn nhật ký của mẹ viết cho mình Những hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từ nhỏ đến lớn đã được mẹ cất giữ cẩn thận. Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác ra nhiều ca khúc hot như "Pha lê tím", "Bay giữa ngân hà", "Mùa đông không lạnh", "Chiếc khăn gió ấm"... Đặc biệt, ca khúc "Nhật Ký của mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn...