Nguyễn Tử Quảng, CEO Tập đoàn Công nghệ Bkav: Chàng “Đông-ki-sốt” của thế kỷ 21?
Lúc chưa gặp Nguyễn Tử Quảng, vẫn cứ hình dung, người đã dám mạnh miệng tuyên bố sứ mệnh của mình là kiến tạo một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt làm chủ – có chút dị dị và chỉ thích… chém gió.
Nhưng gặp rồi mới nhận ra, Quảng là một con người chân tình và cởi mở, trong anh luôn có một khát khao cháy bỏng, thậm chí đến mức… máu lửa về việc tạo ra một sản phẩm có giá trị dành cho người Việt. Chỉ nguyên khát khao đó thôi, đã thật đáng trân trọng.
Thực ra, tôi đã muốn gặp Nguyễn Tử Quảng từ năm 2015, khi Bkav chính thức tung ra Bphone phiên bản đầu tiên, gây “sốc” thị trường. Nhưng rồi mãi đến bây giờ, mới có được một cuộc gặp gỡ với anh. Gần đây, anh cởi mở hơn với báo chí.
“Đó cũng là một phần của công việc. Bkav tự nhận mình có sứ mệnh xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt làm chủ, việc đó không đơn giản, nên muốn thành công thì phải để mọi người hiểu việc mình đã làm. Trước mới bắt tay vào việc, bây giờ thì công việc đã đủ lớn để chia sẻ với mọi người”, Quảng nói một cách đơn giản và bật cười khi tôi bảo, tôi tưởng anh là “người dị dị”.
CEO Nguyễn Tử Quảng luôn có khát vọng xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt làm chủ.
Nghĩ Quảng dị cũng phải. Bởi đang yên đang lành, đang nổi danh với phần mềm diệt virus Bkav, smart-home, chữ ký số… thì bỗng dưng lại quyết định sản xuất Bphone, rồi xuất hiện một cách “không thể tin nổi” để nói về giấc mơ sánh ngang tầm những tên tuổi lớn, từ Apple, Samsung đến Google Pixel, HTC…
Thậm chí, còn dốc cả 500 tỷ đồng – số tiền có được từ kinh doanh phần mềm diệt virus Bkav – để đeo đuổi giấc mơ sản xuất smartphone thương hiệu Việt. Đã thế, Quảng lại còn một bước muốn tiến tới “đỉnh vinh quang” ngay, khi định vị thương hiệu Bphone là cao cấp, với phân khúc giá trên 10 triệu đồng khi ra mắt Bphone 2015.
Sau này, khi ra mắt Bphone 2017, hiểu “ngưỡng cản tâm lý” 10 triệu đồng của người tiêu dùng Việt, Quảng và các đồng sự chỉ đưa ra mức giá suýt soát con số đó: 9,79 triệu đồng. Nhưng kèm theo đó, vẫn còn có một bản Gold, với mức giá cao hơn và với kế hoạch đưa ra thị trường thế giới, để định vị và chứng minh, Bphone thực sự có thể “chất đến từng đồng”, rằng Bkav có thể sản xuất cả những dòng sản phẩm đỉnh cao, chất lượng quốc tế.
Người ta vẫn hay gọi Quảng là Quảng nổ. Tưởng anh chỉ thích chém gió và nói những điều không tưởng, nhưng gặp và trò chuyện, mới hiểu anh là người chân thật và cởi mở. Trong anh luôn có một khát khao cháy bỏng, thậm chí đến mức… máu lửa về việc tạo ra một sản phẩm có giá trị từ một doanh nghiệp Việt dành cho người Việt.
Video đang HOT
Quảng kể, anh có biệt danh Quảng nổ từ 10 năm trước, chứ không phải là tận đến bây giờ. Quảng xuất thân là dân chuyên toán, học Bách khoa. Khi học năm thứ 3 , anh đã bắt đầu mày mò để nghiên cứu, viết phần mềm để diệt virus, bảo vệ người dùng. Nhưng lúc ấy, chỉ là cung cấp miễn phí. Thậm chí, không chỉ cung cấp cho một vài người, Quảng còn cùng với một số anh em có chung khát vọng, tự bỏ tiền túi, thuê đường truyền Internet, để gửi cho mọi người bản cập nhật mới nhất. Làm một cách miệt mài, không suy tính, sẵn sàng cống hiến. Bao nhiêu thu nhập từ việc làm giảng viên của Đại học Bách khoa, anh đều dồn cả vào việc viết phần mềm diệt virus và cung cấp miễn phí. Thế nên, anh đã từng được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin vào năm 2003.
Nhưng tới năm 2005, nhận thấy cách làm đó không ổn, Quảng quyết định thương mại hóa Bkav. Công ty Bkav được thành lập, đơn giản chỉ vì nghĩ đó là cách tốt nhất để có thêm nguồn lực đưa Bkav trở thành một sản phẩm hàng đầu, để có thể giúp đỡ được nhiều người một cách bài bản hơn. Chỉ thế thôi mà Quảng bị ghét, từ Hiệp sĩ Công nghệ thông tin anh trở thành “tội đồ”. Thậm chí, anh còn bị gắn với biệt danh Quảng nổ từ hồi 2008, khi tuyên bố rằng, Bkav là phần mềm diệt virus số một thế giới, rằng Bkav đi trước cả Microsoft, Google…
“Hồi đó, có một vụ tấn công an ninh mạng ở Mỹ, Hàn. Họ không giải quyết được, phải viết thư cầu cứu khắp thế giới. Bkav là đơn vị đầu tiên phân tích và đưa ra các giải pháp tốt nhất. Sau này, một cuốn sách kinh điển trong lĩnh vực an ninh mạng của Mỹ đã nhắc đến sự kiện này, và đánh giá rất cao Bkav, nhưng chỉ người Việt Nam là không tin”, Quảng kể.
Anh bảo, sau này, lúc Bkav làm smart-home nhiều người cũng không tin. Làm smartphone lại càng không. ” Vì người Việt Nam luôn có phần tự ti, tự thu mình lại và nghĩ, người Việt Nam chẳng thể làm được gì”, Quảng giải thích.
Hiểu rất rõ bản chất vấn đề, và cũng lường trước khi ra mắt Bphone, thế nào cũng bị phản ứng, nhưng Quảng bảo, anh không ngờ mình bị “ném đá” kinh thế. “Kinh” nhất là khi anh bị mọi người nói là “lừa đảo”, không làm thật. Đến nỗi, anh bị stress mất hơn một năm, còn chẳng dám đọc báo.
Sau này, Quảng xuất hiện một cách khiêm tốn hơn và cũng đã dũng cảm đứng lên để tiếp tục với Bphone thế hệ tiếp theo – Bphone 2017, nhưng rồi vẫn bị dư luận ném đá.
Hỏi bị nghi ngờ suốt thế, có mệt mỏi và có khi nào muốn dừng lại không thì Quảng bảo rằng, mệt mỏi là có, con người đâu phải là sắt đá, nhưng dừng lại thì không, anh chưa từng nghĩ tới điều đó. Anh và Bkav sẽ tiếp tục đi về phía trước, để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà mình đã đặt ra.
Thấy Quảng từng so sánh Bphone với Samsung, với Apple, chính bản thân tôi đã có lần tự hỏi, phải chăng anh chỉ giống như một chàng Đông-ki-sốt của thế kỷ 21, hoang tưởng để rồi đi chiến đấu với những chiếc cối xay gió? Nhưng rồi bật cười khi nghe tôi hỏi câu đó, Quảng bảo, anh không phải là chàng Đông-ki-sốt. Bởi vì sao? Vì những điều “tôi nói là không hề viển vông, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế”.
Nói rồi, Quảng chỉ cho tôi xem tấm biển “Làm theo luật lệ”, treo trên bức tường của phòng làm việc có lẽ chỉ vỏn vẹn 10 m2 của anh, một phòng làm việc đơn giản đến không ngờ của CEO một tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam.
“Ở Bkav, chúng tôi làm theo luật lệ. Có hàng ngàn những quy định tỉ mỉ như vậy ở Công ty, và mọi người đều tuân thủ. Nhờ đó, năng suất lao động ở Bkav chắc chắn cao gấp nhiều lần so với các công ty khác. Ở Việt Nam, điều kém nhất chính là làm theo luật lệ. Nếu biết tổ chức tốt, người Việt Nam có thể làm ra những sản phẩm hàng đầu thế giới”, Quảng tự tin.
Bước chân vào Bkav, mọi người sẽ rất bất ngờ khi biết đó là một “công ty chân đất”. Ấy là vì, tất cả nhân viên sẽ phải để giày dép bên ngoài. Một chuyện tưởng đơn giản, nhưng Quảng bảo không hề dễ với một công ty có đến 1.500 nhân viên như Bkav. Làm sao để “ổn định trật tự” khi nhân viên ra vào thường xuyên là một bài toán khó. Từ những việc nhỏ như thế, Bkav đã xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp khác biệt để đi tới thành công.
Người Việt đúng là sẽ làm được chứ, khi Bkav đã “đánh dạt” được không ít thương hiệu phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới ra khỏi thị trường Việt Nam. Các sản phẩm smart-home của Bkav cũng đã có mặt không chỉ ở các công trình lớn của Việt Nam, mà ở cả thế giới. Nếu không thành công, Quảng và Bkav sao có được 500 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ smartphone thương hiệu Việt…
“Chúng tôi đã mất 8 năm để đeo đuổi giấc mơ đó, và bây giờ vẫn đang tiếp tục. Thực tình là lúc đầu, tôi cũng không nghĩ mình phải cần đến 500 tỷ đồng cho kế hoạch này”, Quảng nói và thừa nhận, anh là người lãng mạn. Một sự lãng mạn cần thiết để đủ khát vọng mơ những giấc mơ lớn. “Không lãng mạn, sẽ không bao giờ mơ làm ra những chiếc smartphone hàng đầu thế giới. Phải lãng mạn để sáng tạo, để đứng đầu thế giới”, Quảng mỉm cười.
Tôi biết, chặng đường phía trước với Quảng là không dễ dàng, dù 8 năm qua anh và các đồng sự của mình đã vô cùng vất vả. Từ việc làm sao thuyết phục Qualcomm hợp tác với mình, đến làm sao thiết kế sản phẩm một cách hoàn hảo nhất. Rồi tìm kiếm được các nhà cung cấp nguyên vật liệu tốt nhất thế giới, từ Mỹ, từ châu Âu…, để đảm bảo Bphone có được chất lượng tốt nhất.
Chính Quảng cũng thừa nhận điều đó, về con đường chông gai phía trước. Nhưng anh bảo, với anh, bây giờ điều quan trọng là làm sao để người Việt Nam tin rằng, không chỉ Bkav, mà còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng làm được những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. “Chỉ cần những năng lượng đó xoay chiều”, Quảng trầm ngâm.
Ấy là anh nói về những tiếng nói ngược chiều, những lần “ném đá” của người Việt với Bphone. Chỉ cần họ hiểu và tin Bkav làm thật và làm được, họ sẽ ủng hộ và nguồn năng lượng đó sẽ tạo thêm sức mạnh để Bkav không bao giờ ngừng bước trong hành trình thực hiện sứ mệnh xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất smartphone của người Việt.
Thật tình cờ khi bài báo này lên khuôn cũng là lúc U23 Việt Nam giành vinh quang cho Tổ quốc. Những câu chuyện Quảng chia sẻ về nguồn năng lượng lớn của người Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn. Quảng đã từng nói với tôi rằng, là mọi người không nhận ra nguồn năng lượng ấy, không tự tin vào khả năng của người Việt và người Việt thường thiếu tính kỷ luật, thiếu cách làm bài bản.
Chính HLV Park Hang-seo đã đặt các cầu thủ Việt ngang tầm cầu thủ Nhật, Hàn, truyền được niềm tin, khơi dậy được nguồn năng lượng lớn để U23 làm nên lịch sử. “Lĩnh vực khác cũng vậy, nếu tổ chức bài bản, có niềm tin là có thể làm được. Bkav đã làm được. U23 đã làm được. Vậy tại sao các doanh nghiệp khác không mạnh dạn nghĩ và làm?”, Quảng mỉm cười.
Theo báo Đầu Tư
Bphone 3, Nguyễn Tử Quảng, Bkav, Việt Nam là những từ khoá hot nhất trên mạng vừa qua
Bphone, Bphone 3, Nguyễn Tử Quảng , Bkav, Việt Nam là những từ khoá nổi bật nhất trên Google Trends lúc này, cũng là thời điểm Tập đoàn công nghệ Bkav ra mắt smartphone Bphone thế hệ thứ ba.
Google Trends là công cụ của Google cho biết những từ khoá nào đang được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, kể cả theo thời gian thực.
Việc Bphone 3 và Nguyễn Tử Quảng được tìm kiếm nhiều nhất vào thời điểm hiện tại cũng là điều dễ hiểu bởi đây là một sản phẩm công nghệ Việt được mong chờ nhất trong năm. Bkav cho biết họ đã đầu tư gần một nghìn tỷ đồng cho Bphone kể từ cách đây gần chục năm cho đến nay, với 3 thế hệ Bphone đã ra mắt.
Khách mời "check-in" tại sự kiện ra mắt Bphone 3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 10/10/2018.
Còn ông Nguyễn Tử Quảng, sinh năm 1975, xuất thân là một học sinh chuyên toán Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó là sinh viên khoa CNTT Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi còn là sinh viên năm thứ ba, Nguyễn Tử Quảng đã viết các chương trình chống virus cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng (đến năm 2005). Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giảng viên tại trường, là chuyên gia an ninh mạng và phát triển Bkav.
Là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Bkav, hiện khối tài sản cá nhân của ông được ước tính lên đến ngàn tỷ đồng do ông sở hữu đến 95% cổ phần Bkav. Tập đoàn Bkav có 6 công ty con, chuyên về phần cứng, phần mềm và các dịch vụ online. Riêng Công ty Bkav Pro chuyên về phần mềm diệt virus được định giá lên đến 1.500 tỷ đồng sau khi Bkav Pro bán cổ phần ưu đãi cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao mới đây. Dự kiến, Bkav Pro sẽ lên sàn vào năm 2020 tới.
Nhiều năm trước đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT từng tuyên bố sản xuất, lắp ráp máy tính, điện thoại nhưng sau đó lặng lẽ rút lui do đầu tư lớn trong khi chưa thể có lãi ngay, thậm chí thua lỗ. Duy chỉ có Bkav vẫn kiên trì đầu tư cả ngàn tỷ đồng để bám đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp phần cứng với những sản phẩm cao cấp như nhà thông minh, smartphone.
Đây là một điều đặc biệt bởi từ trước đến nay hiếm có doanh nghiệp hay doanh nhân nào dùng tiền mặt của mình để đầu tư sản xuất như Bkav và Chủ tịch kiêm CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng. Hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đều phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo vnreview
Bkav mở showroom trước ngày Bphone 3 ra mắt? Những hình ảnh bên trong một showroom hiện đại được nhiều lời đồn đoán cho rằng chính là địa điểm bày bán sản phẩm mới của Bkav. Có vẻ như Bkav đã gấp rút xây dựng showroom để kịp trưng bày Bphone 3 ngay sau khi ra mắt. Động thái này cho thấy chiến lược mà Bkav muốn Bphone 3 tiếp cận một...