Nguyên nhân khủng hoảng chính trị ở Armenia, nước vệ tinh của Nga
Khủng hoảng chính trị ở Armenia được theo dõi sát, từ phía Nga cũng như phương Tây, bởi vị trí chiến lược của quốc gia nhỏ bé với 2.5 triệu dân này.
Nhà đối lập Nikol Pashinyan phát biểu với người ủng hộ. Ảnh: Reuters
Từ hơn hai tuần nay, quốc gia Armenia ở Tây Á, thành viên của Liên Xô trước đây, đột ngột trở thành tâm điểm của thời sự quốc tế.
Phong trào phản kháng do nhà đối lập Armenia Nikol Pashinyanlãnh đạo đã liên tục buộc hai thủ tướng phải từ nhiệm.
RFI dẫn bình luận của nhiều nhà quan sát cho biết, tình trạng nghèo đói nặng nề và nạn tham nhũng là các nguyên nhân chính dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016, tỉ lệ này là 29.8% so với 27.6% vào năm 2008. Thu nhập đầu người gần như không tăng so với cách nay một thập niên.
Nhà nghiên cứu Iuri Navoian, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Nga-Armenia, mang tên Đối thoại, có trụ sở tại Mátxcơva, cho rằng các hoạt động phản kháng đang diễn ra có nguồn gốc sâu xa từ những bất mãn tích tụ trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt là “nạn tham nhũng có tính hệ thống” và “độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế” khiến khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ngóc đầu lên được.
Video đang HOT
Khủng hoảng kinh tế ở Nga trong hai năm 2014-2016 tác động dây chuyền đến Armenia, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào Mátxcơva về mặt kinh tế.
Bên cạnh đó, niềm tin vào đảng cầm quyền lao dốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị, và dân chúng buộc phải bày tỏ thái độ. Le Monde tuần qua có bài phân tích của nhà chính trị học trẻ Armenia Hrand Mikaelian, làm việc tại Viện Caucasus Institute, Yerevan, thủ đô Armenia, một người lớn lên sau thời Liên Xô. Ông Mikaelian nêu con số 17% tin tưởng vào đảng cầm quyền, trong cuộc điều tra Caucasus Barometer của CRRC, hồi năm ngoái, so với 46% hồi năm 2009.
Trong bối cảnh tồi tệ này, đảng Cộng hòa cầm quyền lại có hành xử ngược đời. Đó là “tìm mọi cách để khiến xã hội thờ ơ với chính trị”. Cụ thể như, cuộc cải cách Hiến pháp hồi 2015 đã chấm dứt thể thức bầu cử tổng thống theo phổ thông đầu phiếu, quyền này nay thuộc về Quốc hội.
Việc cựu Tổng thống Armen Sarkissian, sau 10 năm cầm quyền (2008-2018), muốn trở lại đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, thay cho ông Karen Karapetyan, người được coi là đã tiến hành “nhiều nỗ lực cải cách từ năm 2016″, như giọt nước tràn ly, khiến đa số dân chúng thêm giận dữ.
Thủ tướng Armenia Sarkissian hôm 23.4, cũng buộc phải thừa nhận, trong lá đơn từ nhiệm, là “đã sai lầm”, lẽ phải thuộc về lãnh đạo đối lập.
Theo Laodong
Nga dè dặt trước "cách mạng nhung" ở nước vệ tinh Armenia
Nhiều người nói đến một "cuộc cách mạng nhung" sẽ đưa Armenia, một quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào Mátxcơva, bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nhưng cho đến nay, Nga dường như vẫn dè dặt trước các biến động ở Armenia.
Biểu tình ở Armenia. Ảnh: NYT
Theo nhà chính trị học Hrand Mikaelian được RFI dẫn lời, có rất nhiều cơ hội để lãnh đạo đối lập Armenia Nikol Pashinyan và đảng của ông lên nắm quyền, mặc dù cuộc thương lượng hôm 1.5 giữa Pashinyan với đảng đa số thất bại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo đối lập vẫn kêu gọi dân chúng tiếp tục phong trào bất tuân dân sự. Tân chính phủ sẽ phải sửa luật để chuẩn bị tổ chức bầu cử trước kỳ hạn.
Dù chính trị Armenia thay đổi theo hướng nào, vai trò của nước Nga cũng sẽ rất lớn. Hoạt động phản kháng tại Armenia diễn ra cơ bản trong bầu không khí hết sức ôn hòa, chủ trương bất bạo động được tuân thủ, không có các cuộc tranh luận chia rẽ người Armenia thành hai phe thân Nga và chống Nga.
Lãnh đối lập Pashinyan, một chính trị gia rõ ràng có quan điểm thân phương Tây, tuyên bố, nếu lên nắm quyền "các lợi ích của Nga tại Armenia sẽ không bị đe dọa". Ông cũng không che giấu việc đã có cuộc gặp với các đại diện ngoại giao của Nga hôm 25.4, và Mátxcơva bảo đảm không can thiệp vào công việc nội bộ của Armenia.
Một tiến trình chuyển tiếp chính trị có thể gọi là "cách mạng nhung Armenia" đang diễn ra không có sự tham gia của bất cứ thế lực bên ngoài nào. Không có bất cứ một đảng phái nào, bên đối lập hay bên chính quyền, kêu gọi tác nhân bên ngoài, cho dù đảng Cộng hòa cầm quyền cùng các lãnh đạo của đảng này có mối quan hệ mật thiết với Mátxcơva, theo ghi nhận của nhà quan sát Richard Giragosian, giám đốc một trung tâm tư vấn độc lập ở Yerevan.
Quan hệ giữa Armenia và Nga không dễ dàng. Nhà phân tích Richard Giragosian một mặt nhấn mạnh đến những áp lực mà Mátxcơva có thể dùng để chi phối Yerevan, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến những lúng túng của Nga.
Nga có nhiều cách để chi phối Armenia, bởi quốc gia này vốn phụ thuộc sâu sắc vào Mátxcơva, về quân sự, về khí đốt, chưa kể đến nguồn kiều hối đáng kể do người lao động ở Nga gửi về. Armenia là quốc gia duy nhất trong vùng Kavkaz có một căn cứ quân sự Nga.
Vậy vì sao Mátxcơva thận trọng? Nhà phân tích Richard Giragosian ghi nhận thái độ mà ông gọi là "thụ động, chờ đợi" của Mátxcơva. Ông đưa ra ba lý do.
Thứ nhất là về mặt an ninh, quân sự, Mátxcơva không muốn mạo hiểm để cho quan hệ với Yerevan trở nên thêm tồi tệ. Trong các đụng độ quân sự biên giới mới đây (2016) giữa Armenia với nước láng giềng Azerbaijan, phần thắng thuộc về Azerbaijan, chủ yếu do có các vũ khí hiện đại mua được từ Nga (trong lúc chính Armenia, chứ không phải Azerbaijan, nằm trong khối quân sự do Nga bảo trợ).
Điều thứ hai là Mátxcơva không hiểu được những gì đang thực sự diễn ra tại nước láng giềng đàn em nhỏ bé, bởi không có dấu hiệu là Mỹ và EU can thiệp, bởi vậy Mátxcơva quyết định không "khiêu khích phương Tây một cách vô ích".
Điểm quan trọng thứ ba, mà theo ông Richard Giragosian có thể là "điều quan trọng nhất" khiến Nga dè dặt. Đó là Thủ tướng tạm quyền Karen Karapetyan (một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nga Gazprom), được coi là chỗ dựa đáng tin cậy của Mátxcơva, hiện đang nỗ lực "thoát khỏi quan hệ phụ thuộc vào Nga" và xích gần lại EU, đặc biệt với Thỏa thuận Đối tác Toàn diện Tăng cường (CEPA), được ký kết hồi tháng 11.2017. Ông Karen Karapetyan dự kiến sẽ là một "nhân tố căn bản" trong cuộc chuyển tiếp chính trị tại Armenia hiện nay.
Theo Danviet
Đức chấm dứt 5 tháng bế tắc chính trị Đảng Dân chủ Xã hội của Đức (SPD) ngày 4-3 đã bỏ phiếu tán thành gia nhập "đại liên minh" với Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 5 tháng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Với 66% trong 464.000 thành viên bỏ phiếu thuận,...