Nguyễn Minh Đức: “Tôi như gái mới về nhà chồng”
Nguyễn Minh Đức – “phó tướng” của BKAV, người có 9 năm lăn lộn trong lĩnh vực an ninh mạng – vừa đầu quân cho FPT. Anh chia sẻ về công việc và cảm nhận của mình về “gia đình mới”.
Lí do nào anh chọn FPT làm điểm đến của mình, khi có rất nhiều cơ hội hấp dẫn khác đang chờ?
Nói theo kiểu ngắn gọn thì lí do tôi chọn FPT là vì anh Nguyễn Lâm Phương (cười). Khi biết tôi “available”, anh Lâm Phương (CTO FPT) hẹn gặp, chia sẻ về định hướng R&D của FPT và các dự án mà Ban Công nghệ ( FTI) đang và sẽ làm. Qua trao đổi, tôi nhận thấy phù hợp và nhận lời đầu quân cho FTI.
Nguyên Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV, Nguyễn Minh Đức, đầu quân cho FPT.
Nhiều người đang tò mò về công việc của anh tại FPT. Anh có thể bật mí?
Bản thân tôi cũng đang tò mò về công việc của mình mà. Tại FTI, tôi phụ trách một dự án liên quan tới Big Data, cứ tạm gọi nó là D Project. Bên cạnh đó, tôi cũng hỗ trợ các CTO trong những vấn đề liên quan tới bảo mật (security) ở những dự án khác nhau của các công ty thành viên và tập đoàn.
Anh thấy chuyên môn của mình ở FPT sẽ được “dụng võ” như thế nào?
Bạn biết đấy, bảo mật về cơ bản luôn cần thiết với mọi dự án của tập đoàn.
Kế hoạch sắp tới của anh là gì?
Hiện tại, tôi đang trong giai đoạn “gái mới về nhà chồng”. Tôi sẽ nhanh chóng tìm hiểu về các dự án của FTI cũng như liên kết với các CTO và chuyên gia công nghệ để nắm bắt được vấn đề. Tiếp theo là lên kế hoạch 2014 thực hiện cho dự án mà mình phụ trách (D Project).
FPT trong suy nghĩ của anh trước đây và bây giờ có khác nhau?
Video đang HOT
Trong suy nghĩ của tôi, FPT không khác nhiều lắm. Qua quan sát từ trước cũng như sau khi vào làm tôi thấy việc FPT đang đầu tư mạnh vào các dự án R&D của các công ty thành viên và FTI là một định hướng đúng đắn. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt để biến FPT trở thành một tập đoàn hàng đầu về công nghệ trong khu vực.
Anh Đức là một trong những người lên ý tưởng tổ chức hội thảo Hacker mũ trắng đầu tiên tại Việt Nam, lập ra Diễn đàn Hacker mũ trắng WhiteHat.vn.
Điều gì ở FPT khiến anh thấy đặc biệt?
Đó là con người của FPT. Mọi người đều chủ động trong công việc của mình và phối hợp với các thành viên khác hiệu quả, để đạt được kết quả công việc tốt nhất.
Nếu cho anh vài từ để miêu tả về mình, anh sẽ dùng những từ gì?
Tôi luôn cố gắng để được như 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.
Anh có thể tiết lộ sở trường, sở đoản của mình?
Sở trường của tôi là không tiết lộ sở đoản của mình (Cười).
Mỗi khi rảnh rỗi, anh thường làm gì?
Cũng không có gì khác biệt so với mọi người, lúc rảnh tôi chơi với 2 nhóc tì ở nhà, thỉnh thoảng café với bạn bè hoặc làm một trận tennis kiếm vài quả aces (giao bóng ăn điểm trực tiếp – PV).
Anh Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1981), nguyên Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV. Anh có 9 năm làm việc và giữ vai trò phụ trách về an ninh mạng – một trong những mảng hoạt động cốt lõi và tạo dựng nên hình ảnh, thương hiệu của BKAV.
Anh đã chủ trì tiến hành nhiều nghiên cứu, đánh giá và cảnh báo quan trọng về các vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam, thậm chí cả vấn đề liên quan đến an ninh mạng tại nước ngoài.
Phó tướng của BKAV đã lên ý tưởng và cùng đơn vị tổ chức hội thảo Hacker mũ trắng đầu tiên tại Việt Nam, lập ra Diễn đàn Hacker mũ trắng WhiteHat.vn, tạo dấu ấn mạnh trong cộng đồng CNTT-TT Việt Nam.
Không chỉ dày dạn kinh nghiệm chuyên môn về an ninh mạng, anh Nguyễn Minh Đức còn được đánh giá là một lãnh đạo CNTT đầy bản lĩnh trong hoạt động đối ngoại, có khả năng thuyết trình ấn tượng, hiệu quả. Riêng với báo giới, anh luôn sẵn sàng hợp tác trong các cuộc trả lời phỏng vấn và từng thẳng thắn đưa ra nhiều thông tin “gây sốc” đối với cộng đồng.
Anh Đức cũng là giảng viên chính trong các khóa đào tạo về lĩnh vực an ninh mạng của BKAV cho các doanh nghiệp như ngân hàng, tài chính, viễn thông… là nhà tư vấn đánh giá an ninh mạng độc lập cho các doanh nghiệp, tổ chức. Anh thường xuyên được mời phát biểu tại các hội thảo an ninh mạng uy tín tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo Chungta.vn
Nâng năng lực cạnh tranh nhờ ảo hóa và điện toán đám mây
Theo những xu hướng mới trong năm 2014 mà tập đoàn chuyên về hạ tầng ảo hóa và điện toán đám mây VMware vừa công bố, ảo hóa và điện toán đám mây sẽ là hai nhân tố giúp doanh nghiệp Việt chuyển mình nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ông Huỳnh Phúc Yêm Quán, Tổng giám đốc VMware Việt Nam, cho biết: "Ảo hóa và điện toán đám mây sẽ đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao để cạnh tranh với các nước trên toàn cầu. Sự tăng tốc ứng dụng điện toán đám mây sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng cùng chất lượng và năng lực sản phẩm của họ, đồng thời còn giúp cho chính phủ gia tăng những lợi ích của các chương trình quốc gia cũng như giáo dục trên toàn bộ đất nước Việt Nam."
Bối cảnh CNTT trong khối doanh nghiệp năm 2013
Có 2 nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực CNTT trong khối doanh nghiệp trong năm nay. Thứ nhất, công nghệ ảo hóa là yếu tố then chốt cho phép các tổ chức đổi mới và phát triển bằng cách tinh giản các hoạt động CNTT để hỗ trợ các mục tiêu và ưu tiên kinh doanh, đồng thời cho phép triển khai các dự án CNTT mang tính chiến lược.
Theo khảo sát IDC Server Economies Index (Chỉ số kinh tế máy chủ của IDC) - được tài trợ bởi VMware, thì ảo hóa đã giúp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tối giản được 98 tỉ đô-la Mỹ từ năm 2013 tới năm 2020 cho việc chi tiêu liên quan đến phần cứng, điện năng, bất động sản và chi phí quản lý. Ảo hóa là một trong những nhân tố có tính đột phá và chuyển đổi mạnh mẽ nhất trong ngành CNTT hiện tại và tất cả những chi phí cắt giảm được nói trên sẽ được dùng để tiến hành các dự án mang tính chiến lược hơn trong lĩnh vực này.
Thứ hai, ngành CNTT đang chuyển mình sang theo hướng tiếp cận "định nghĩa bằng phần mềm" (Software-Defined) trong quản lý các Trung tâm dữ liệu. Trung tâm dữ liệu được định nghĩa bằng phần mềm (Software Defined Datacenter) hiện đang giúp khối CNTT doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ hơn, linh động hơn, cho phép tận dụng tối ưu các dịch vụ điện toán đám mây tư nhân và đám mây công cộng, đồng thời giúp lực lượng lao động trở nên di động hơn (xu thế BYOD).
Những xu hướng nổi bật trong năm 2013
Sự phát triển không ngừng của điện toán đám mây đã là xu hướng nổi bật. Tỉ lệ ứng dụng điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam hiện nay là 39%, và điện toán đám mây được coi là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp nhờ giúp cải thiện hiệu năng kinh doanh.
Thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp đó là hướng các dự án CNTT phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tại Việt Nam, 88% doanh nghiệp cho biết ưu tiên hàng đầu của họ đó là điều chỉnh sao cho phù hợp với kỳ vọng ngày càng tăng từ phía khách hàng và cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng.
Một xu hướng khác tại Việt Nam đó là lực lượng lao động di động sử dụng nhiều thiết bị. Các doanh nghiệp sẽ phải mở rộng nguyên tắc cốt lõi của ảo hóa để tạo ra không gian làm việc ảo cho người dùng cuối làm việc khi di chuyển.
"Có thể gọi đây là xu thế BYOD hoặc doanh nghiệp cho phép ứng dụng tính di động (enterprise-enabled mobility). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải đưa ra một chiến lược điện toán người dùng cuối phù hợp nhằm mang lại hiệu năng cao hơn cho lực lượng lao động của họ ở bất cứ đâu, tại bất kỳ thời điểm nào và trên bất kỳ thiết bị di động nào - điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng, phablet hay máy tính xách tay. Công việc hiện nay không nhất thiết phải ở một vị trí cố định và các nhân viên cần một giải pháp an toàn, không rủi ro dưới sự hỗ trợ của CNTT." - ông Quán cho biết thêm.
Viễn cảnh năm 2014
Xu thế ảo hóa, điện toán đám mây và di động người dùng cuối sẽ tiếp tục là những xu thế phát triển mạnh trong năm 2014 đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, theo đó việc ứng dụng và phát triển xu thế này sẽ có khả năng thành công cao hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi cần có sự thay đổi về văn hóa trong tư duy của doanh nghiệp.
Ảo hóa và Trung tâm dữ liệu được định nghĩa bằng phần mềm (SDDC)
Ảo hóa sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm sau khi mà tất cả các lĩnh vực tại thị trường Việt Nam nhận ra những lợi ích của ảo hóa và ứng dụng điện toán đám mây trở nên phổ biến. Các trường đại học, các bộ ngành trong chính phủ và các nhà mạng viễn thông đã ứng dụng điện toán đám mây nhằm đưa ra những dịch vụ mới và để phát triển các chương trình giáo dục. Khảo sát VMware Cloud Index 2013 cho thấy 83% các doanh nghiệp Việt Nam coi đám mây là ưu tiên hàng đầu hoặc có tầm ảnh hưởng lớn tới tổ chức của họ; 67% doanh nghiệp Việt Nam cho biết điện toán đám mây hoặc xu hướng "dưới dạng 1 dịch vụ" (as-a-Service) là thực sự quan trọng/quan trọng đối với tổ chức của họ, đồng thời tác động mạnh tới việc chuyển đổi kinh doanh.
Quản lý các thiết bị di động và Điện toán người dùng cuối
Xu hướng điện toán người dùng cuối trong năm 2013 được kỳ vọng sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm tới do lực lượng lao động tiếp nhận xu thế BYOD ngày càng nhiều hơn. Sự khác biệt của các thiết bị di động trên thị trường và các mô hình điện toán khác nhau đòi hỏi hạ tầng CNTT cần phải được nâng cấp. Những chính sách doanh nghiệp về sử dụng các thiết bị phần cứng mà nhân viên sở hữu cần được xem xét kỹ, cập nhật mới và cởi mở hơn bởi vì chỉ có 32% các doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ sở hữu hạ tầng CNTT phù hợp và sẵn sàng cho các chương trình BYOD.
Khi Việt Nam theo đuổi mục tiêu tận dụng điện toán đám mây để xây dựng lực lượng lao động lành nghề và để cạnh tranh trên đấu trường quốc tế thì xu thế ảo hóa và định nghĩa bằng phần mềm (software-defined) sẽ càng ngày trở thành yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí vận hành và quản lý, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho họ hướng tới những đổi mới, sáng tạo trong tương lai.
Theo VNE
Đà Nẵng cần 2000 kĩ sư CNTT làm việc cho thị trường Nhật Bản Giai đoạn 2 năm từ 2014 đến 2016, bao gồm cả yêu cầu từ phía công ty của Nhật Bản, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển khoảng 2.000 nhân viên cho các vị trí kĩ sư cầu nối, biên phiên dịch tiếng Nhật, kĩ sư phần mềm... Chiều 15/12 tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) và Công ty...