Nguy cơ xảy ra chiến tranh điện tử Mỹ – Trung trên Biển Đông
Việc Trung Quốc xây các trạm radar phi pháp khi Mỹ điều động nhiều thiết bị công nghệ cao đến Biển Đông có thể làm nổ ra chiến tranh điện tử trên biển.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông trong kịch bản bị gây nhiễu điện tử mạnh ngày 1/8. Ảnh: AP
Hồi đầu tháng, hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Hoa Đông với sự tham gia của hàng trăm tàu chiến và tàu ngầm trong tình huống giả định bị gây nhiễu và chế áp điện tử mạnh, theo RT.
Chuyên gia Brendan Thomas-Noone thuộc trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney cho rằng cả cuộc tập trận trên là một động thái chuẩn bị và phô diễn lực lượng của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh điện tử với Mỹ trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Biển Đông có thể là “đấu trường” nơi Mỹ và Trung Quốc phô diễn khả năng tác chiến điện tử của mình, khi cả hai cường quốc đều hiểu rằng việc sử dụng biện pháp quân sự khác đều dẫn đến kết cục hủy diệt lẫn nhau.
Một dấu hiệu chuẩn bị cho chiến tranh điện tử của Trung Quốc ở Biển Đông là Bắc Kinh đã xúc tiến xây dựng các trạm radar ở hầu hết các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), các trạm radar này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự một cách nhanh chóng, và một số trạm có thể phục vụ cả hai mục đích.
Video đang HOT
Chẳng hạn như các trạm radar trên đá Chữ Thập và đá Subi có thể dùng để hỗ trợ các chuyến bay dân sự từ các đường băng tại đây. Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng sẽ mở rộng đáng kể khu vực nhận dạng phòng không theo thời gian thực và tăng cường năng lực tình báo, trinh sát, giám sát (ISR) của quân đội Trung Quốc (PLA) trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Khi kết hợp với mạng lưới vệ tinh quân sự và tình báo đang phát triển của Trung Quốc, các trạm radar này có thể giúp Bắc Kinh theo dõi tàu và các phương tiện quân sự khác trong khu vực theo thời gian thực tốt hơn.
Thomas-Noone cho rằng có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh cũng đang triển khai các trang thiết bị kết nối vệ tinh trên các đảo nhân tạo, giúp tăng cường năng lực khóa mục tiêu ngoài đường chân trời cho các tên lửa đạn đạo diệt hạm, mở rộng phạm vi đe dọa cho khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).
Quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu lắp thiết bị kết nối với hệ thống định vị Bắc Đẩu cho hạm đội tàu cá và cả lực lượng dân quân biển, giúp Bắc Kinh có thể đảm bảo huy động lực lượng này đến nơi cần tăng cường hiện diện.
Tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang tích cực triển khai và đầu tư cho việc nghiên cứu nhiều công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, bắt đầu ở cấp chiến thuật trên Biển Đông.
Điển hình nhất là việc hải quân Mỹ điều động 4 tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler đến Philippine tháng 6 vừa qua. Các tiêm kích Growler này hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động trinh sát và tình báo tín hiệu (SIGNT) ở Biển Đông.
Tiêm kích EA-18G Growler Mỹ cũng có khả năng gây nhiễu các trạm radar phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Điều đó có thể dẫn tới kịch bản các phương tiện tác chiến điện tử Mỹ tập trung nhắm vào các trạm radar Trung Quốc trên Biển Đông, còn PLA sẽ tìm cách phát triển năng lực tấn công và phòng thủ điện tử nhằm bảo vệ các cơ sở này.
Trong trường hợp chiến tranh điện tử nổ ra, cả hai bên có thể huy động nhiều hơn các loại phương tiện, khí tài tác chiến điện tử đến Biển Đông để giành quyền kiểm soát hoặc vô hiệu hóa vùng cảnh báo sớm của đối phương.
“Loại hình tác chiến điện tử sẽ phát triển trong tương lai, đặc biệt khi các trạm radar của PLA trên các đảo nhân tạo sẽ vận hành đẩy đủ hơn, các phương tiện không quân Trung Quốc sẽ hoạt động nhiều hơn trong khu vực. Kịch bản này có thể làm gia tăng căng thẳng và tiềm ẩn rủi ro leo thang ở Biển Đông”, Thomas-Noone nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Trung - Nga tập trận chung đổ bộ đảo ở Biển Đông một tuần
Trung Quốc và Nga đồng ý thời điểm tổ chức cuộc tập trận chung giữa hai nước tại Biển Đông từ 12-19/9.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung tại Biển Hoa Đông hồi tháng 5/2014. Ảnh: AP
TASS hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Vladimir Matveyev cho biết trong cuộc tập trận này, hải quân Nga và hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập các nội dung như tổ chức bảo vệ tàu, thuyền cũng như đổ bộ lên các đảo tại Biển Đông.
Các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao cũng được tổ chức trong khuôn khổ cuộc tập trận
Cuối tháng 7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố cuộc tập trận hải quân chung giữa Bắc Kinh và Moscow sẽ diễn ra trên "vùng biển và vùng trời thích hợp" ở Biển Đông và đây là hoạt động "định kỳ", "không nhằm vào bên thứ ba nào". Mỹ chỉ trích cuộc tập trận gây căng thẳng khu vực.
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không có quyền lịch sử ở Biển Đông và chỉ trích hành động phá hoại của Trung Quốc đối với môi trường tại đây. Trung Quốc bác bỏ phán quyết này.
Nga và Trung Quốc đã tổ chức 6 cuộc tập trận hải quân chung kể từ năm 2005. Trung Quốc lần đầu tiên chủ trì tập trận chung giữa hai nước vào năm 2012.
Năm 2015, Bắc Kinh và Moscow tập trận hải quân tấn công và đổ bộ ở vùng biển Nhật Bản, đồng thời tiến hành một cuộc tập trận khác nhỏ hơn ở Địa Trung Hải. Cả hai nước cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận ba bên và đa phương khác như các cuộc diễn tập trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ Một đơn vị hải cảnh của Trung Quốc hôm nay tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật phi pháp ở vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 8/7. Ảnh: AP. Cục Hải sự Trung...