Nguy cơ virus SARS-CoV-2 có thêm biến thể mới
Việc phát hiện biến thể Omicron trên loài hươu đuôi trắng ở New York (Mỹ) đang làm dấy lên lo ngại rằng loài động vật này (hiện có 30 triệu con tại Mỹ) có thể trở thành vật chủ cho một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Hình ảnh do Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ cung cấp về virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nghiên cứu công bố ngày 8/2, các nhà khoa học tại trường Đại học bang Pennsylvania đã lấy mẫu máu và dịch mũi của 131 con nai tại đảo Staten (thuộc New York). Kết quả cho thấy gần 15% con trong số này có kháng thể chống virus. Phát hiện trên đồng nghĩa với việc trước đó, chúng đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và có khả năng tái nhiễm các biến thể mới.
Theo ông Suresh Kuchipudi, một chuyên gia về vi sinh vật thú y tại trường đại học trên, con người có nguy cơ bị lây nhiễm sau khi virus lây lan ở một loài động vật, nhưng nguy hiểm hơn là với vật chủ là các loài động vật, virus có cơ hội phát triển các biến thể mới và sau đó có thể lây trở lại cho người. Ông cho biết: “Khi virus hoàn toàn biến đổi, chúng có thể né tránh được vaccine. Đây là lý do con người phải thay đổi vaccine”.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện biến thể Omicron ở một loài động vật hoang dã. Dù hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy các con hươu đuôi trắng này có thể lây truyền virus sang người, nhưng đến nay hầu hết các loài động vật nhiễm COVID-19 đều được ghi nhận ở các loài có tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Tháng 8 năm ngoái, giới khoa học Mỹ đã phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở hươu hoang dã tại bang Ohio, nối dài danh sách các loài động vật có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này. Phát hiện dựa trên các mẫu thu thập được ở hươu nhiều tháng trước khi biến thể Omicron xuất hiện và thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo nhất trong đại dịch ở người tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ghi nhận COVID-19 ở các loài động vật như chó, mèo, hổ, sư tử, báo tuyết, rái cá, khỉ đột và chồn.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm ở chuột
Kết quả nghiên cứu mới công bố của một nhóm các nhà sinh vật học thuộc Đại học bang Georgia (Mỹ) cho thấy một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm qua đường hô hấp ở loài chuột hoang, không giống như chủng ban đầu được ghi nhận ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Hình ảnh 3D của virus SARS-CoV-2 (phía sau) và cấu trúc phân tử giúp SARS-2-CoV xâm nhập tế bào con người (phía trước). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Viruses cho thấy biến thể Alpha - được ghi nhận lần đầu tại Anh, và biến thể Beta - được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi, có khả năng tự nhân trong phổi của chuột hoang. Nhà virus học và miễn dịch học Mukesh Kumar - trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định sự tiến hóa này của virus đồng nghĩa chuột thí nghiệm thông thường giờ đây là mô hình hữu ích để các nhà khoa học tìm hiểu về virus, gồm cả những tác động COVID-19 kéo dài (Long COVID), và thử nghiệm những liệu pháp điều trị khả thi.
Theo ông Kumar, kết quả nghiên cứu cho thấy virus hiện có thể lây nhiễm sang các loài động vật dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, vì vậy gây ra nhiều quan ngại hơn về các loài dơi, gặm nhấm và nhiều thú vật hoang khác, do có thể xuất hiện biến chủng nguy hiểm ở động vật và lây sang người.
Đến nay các nhà nghiên cứu và bác sĩ thú y đã phát hiện các chủng virus SARS-CoV-2 ở hươu đuôi trắng, khỉ đột, mèo lớn, hà mã và các động vật khác trong vườn thú ở một số bang tại Mỹ, chồn nuôi ở châu Âu; và số lượng nhỏ chó mèo nuôi. Đáng chú ý rằng nhiều loài động vật ít hoặc không biểu hiện triệu chứng bệnh, dù ít nhất đã có 3 con báo tuyết có nguy cơ tuyệt chủng ở Mỹ đã chết do COVID-19. Tại Hong Kong (Trung Quốc), nhà chức trách khu hành chính đặc biệt này có kế hoạch tiêu hủy hơn 2.000 chuột hamster sau khi phát hiện gần chục cá thể ở một cửa hàng thú cưng nhiễm biến thể Delta, dù lưu ý rằng hiện không có bằng chứng cho thấy những vật nuôi này nhiễm bệnh cho người.
Hiện giới nghiên cứu và chuyên gia y tế cộng đồng nhìn chung nhất trí quan điểm rằng động vật vườn thú và vật nuôi có khả năng nhiễm virus từ người hoặc các loài động vật khác, song ít có nguy cơ lây nhiễm cho người.
Nhóm nghiên cứu Đại học bang Georgia cũng phát hiện biến thể Beta có khả năng lây nhiễm ở chuột cao hơn biến thể Alpha và gây tải lượng virus lớn trong phổi. Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang tìm hiểu liệu chuột hoang có thể nhiễm biến thể Delta và Omicron hay không. Dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố.
Giới nghiên cứu: Thế giới có thể chậm trễ trong phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 Thế giới có thể "chậm chân" trong việc phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 do hiện chỉ có 2% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu được giải trình tự gene. Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện Y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 ở...