Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trên các lưu vực sông ở Bắc Bộ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 8, nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20 đến 30%, mức thiếu hụt cao hơn 30% xảy ra trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.
Lực lượng dân quân tham gia chữa cháy rừng ven biển Quảng Nam.
Từ tháng 6 đến tháng 8, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Trong khi đó, từ tháng 5 đến tháng 8, lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 đến 50%, một số sông thấp hơn 60%. Do vậy, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên từ tháng 3, tháng 4, sau đó mở rộng ra các địa phương khác ở Trung Bộ.
Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,45 m, tại Châu Đốc là 1,6 m. Đến ngày 1-3, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,35 m; tại Châu Đốc ở mức 1,5 m. Vì vậy, xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng dần và đạt mức cao nhất từ nay đến 28-2.
Hiện các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo cấy lúa đông xuân 2020-2021 được khoảng 346 nghìn héc-ta. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng gieo cấy được khoảng 400 nghìn héc-ta, khu vực trung du miền núi phía bắc gieo cấy được khoảng 160 nghìn héc-ta. Hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cho sản xuất cho nên các tỉnh Bắc Trung Bộ đang tập trung chăm sóc lúa; khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc đang tập trung làm đất, gieo cấy lúa và phấn đấu cơ bản kết thúc trong tháng 2.
Khoảng 16 giờ ngày 24-2, người dân phát hiện ngọn lửa bốc lên tại khu vực rừng trồng thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bèn báo cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã huy động người và phương tiện đến dập tắt đám cháy. Thống kê ban đầu, vụ cháy đã làm thiệt hại khoảng 50 ha rừng.
Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có gần 46.000 ha rừng, trong đó hơn 33.500 ha rừng phòng hộ. Để hạn chế cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu – Nghĩa Lộ đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 514.900 ha rừng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh đang tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy để tổ chức lực lượng ứng trực nhằm xử lý kịp thời khi xảy ra cháy.
Hiện đang là giữa mùa khô, nắng nóng kéo dài dễ gây cháy rừng nên Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp (Bình Phước) đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ hơn 8.400 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, giám sát người và phương tiện ra, vào rừng.
Tại Đồng Nai, hiện có gần 170.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 30%. Hiện nay, một số nơi do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, có những ngày cảnh báo ở cấp độ 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Lực lượng kiểm lâm đã và đang cử lực lượng ứng trực nhằm phát hiện, xử lý kịp thời.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 60.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 46 nghìn ha. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức trực suốt 24 giờ trong ngày tại đơn vị và các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, hôm nay 26-2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực đông bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ ngày 26-2, các tỉnh vùng núi phía bắc có mưa, mưa rào; ngày 27-2 ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18oC, vùng núi có nơi dưới 14oC.
Ngày 23-2, tàu cá TG 91428TS khi đang khai thác hải sản thì một ngư dân bị rơi xuống biển mất tích. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với tàu, phát thông báo cho các tàu cá hoạt động gần đó tìm kiếm. Cùng ngày, tàu PY4061TS với ba lao động bị phá nước chìm. Rất may, ba lao động này đã được một tàu cá khác cứu đưa vào bờ an toàn.
Chiều 25-2, xảy ra vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc trên đường Lê Thị Hồng Gấm (thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) với chiều dài hơn 60 m, chiều sâu vào bờ 6 m, làm 12 căn nhà ven sông bị hư hại.
Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng quận Bình Thủy hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả và lên phương án phòng, chống sạt lở đoạn sông này.
Video đang HOT
Nâng cao năng lực dự báo thiên tai
Năm 2020 được đánh giá là một năm thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả ba miền đất nước.
Mặc dù công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng cực đoan, khó lường.
Trong phòng, chống thiên tai, công tác dự báo có vai trò hết sức quan trọng. Để có những bản tin dự báo chính xác hơn nữa, cần tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ trong công tác dự báo.
Cán bộ Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đo lưu lượng nước trong đợt lũ ở miền trung.
Thiên tai ngày càng dị thường
Trong năm 2020, người dân cả nước đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Ngay giờ đầu, ngày đầu của Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành của miền bắc. Mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục năm 2016. Tiếp đến mùa mưa, miền trung phải hứng chịu chuỗi thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 41 ngày, nơi đây đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của sáu cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài, với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3 đến 5,5 lần so trung bình nhiều năm (TBNN), với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lũ lớn cũng xảy ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 đến 2 m, nhiều sông vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.
Mặc dù năm 2020 công tác dự báo đạt hiệu quả tốt, được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn vẫn luôn yêu cầu các đơn vị trực thuộc, những người làm công tác dự báo tuyệt đối không chủ quan, luôn có ý thức nâng cao năng lực, không ngừng đổi mới, thường xuyên theo dõi, giám sát và cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết. Các đơn vị dự báo từ trung ương đến địa phương luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Trước mắt, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác dự báo phòng, chống thiên tai năm 2020, rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng - thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo,... trên cơ sở đó cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp trong năm 2021 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu.
Áp dụng khoa học - công nghệ - hướng đi tất yếu
Những bản tin dự báo khí tượng - thủy văn đã ngày một chính xác hơn, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Làm được điều đó là do ngành đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác dự báo. Có thể khẳng định, các công nghệ hiện đại ngày nay có thể giúp phát hiện và dự báo trước được thời tiết trong thời hạn khoảng 10 ngày, cảnh báo thiên tai khoảng 3 đến 5 ngày. Đôi khi, có thể cảnh báo được các hiện tượng cực đoan tới thời hạn một tháng, giúp phục vụ kế hoạch sản xuất, xây dựng kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên không phải bất cứ lúc nào, hiện tượng nào cũng có thể cảnh báo được, đặc biệt là các hiện tượng quy mô không gian nhỏ, thời gian ngắn như mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét.
Với công nghệ tiên tiến, những mô hình dự báo số mà nước ta đang vận hành có thể thu thập số liệu trực tiếp và chủ động vận hành mô hình để dự báo hằng ngày, đối với thời tiết nguy hiểm như khi xảy ra mưa lớn, góp phần đưa ra các thông tin dự báo và cảnh báo sớm các loại hình thiên tai. Thực tế chứng minh, độ chính xác của các dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của nước ta đã tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Từ năm 2018, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã nâng thời hạn dự báo quỹ đạo bão lên năm ngày và áp thấp nhiệt đới lên ba ngày, với độ tin cậy cao, đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, khoa học - công nghệ dự báo khí tượng - thủy văn trên thế giới hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đưa ra các dự báo, cảnh báo đủ độ tin cậy đối với các thiên tai quy mô nhỏ, thời gian ngắn, xảy ra nhanh như lũ quét, sạt lở đất hay mưa lớn cục bộ. Trong công tác nghiên cứu khoa học phòng, chống thiên tai, các nghiên cứu phục vụ nâng cao hiểu biết và năng lực dự báo, cảnh báo các thiên tai ở Việt Nam còn hạn chế, các đầu tư chủ yếu tập trung vào nâng cao năng lực ứng phó, thích ứng với thiên tai.
Nhận thức được cần phải ứng dụng và triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai, trước mắt, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác giám sát, dự báo, cảnh báo, truyền tin và ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả. Khoa học hiện đại, nhất là công nghệ 4.0 sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong các khâu như: quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo.
Năm 2021 cũng được dự báo là một năm thiên tai có nhiều biến động, cực đoan, không theo quy luật. Chính vì vậy, toàn ngành khí tượng - thủy văn đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo khí tượng - thủy văn thường xuyên, liên tục, qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thiếu hụt nguồn nước phục vụ chữa cháy ở Yên Bái Tại một số địa phương ở tỉnh miền núi Yên Bái, do nhiều yếu tố tác động đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Khó tiếp cận lấy nước, thời gian lấy nước lâu hơn, đòi hỏi triển khai nhiều lực lượng...