Nguy cơ tan rã trường ĐH dân lập: Lối thoát nào?
Thông tin nguy cơ tan rã của nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang làm dư luận xôn xao. Vậy nguyên nhân do đâu và đâu là lối thoát?
Sự góp mặt của loại hình trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục – đào tạo Việt Nam, thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục, tạo thêm cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người. Đây là kết quả của việc thực hiện đường lối đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều trường ĐH, CĐ NCL rơi vào thảm cảnh nguy cơ tan rã. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã phải khẩn thiết gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ mong giúp đỡ. Vậy nguyên nhân do đâu? Lối thoát nào cho các trường này?
Thí sinh cần cân nhắc kỹ lựa chọn trường thi phù hợp với bản thân.
Không tuyển đủ chỉ tiêu, chất lượng kém!
Ý kiến về chất lượng giáo dục các trường NCL, đại diện Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng, đầu vào của các trường ĐH, CĐ NCL chất lượng thấp. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học trừ một số ít trường, còn lại là không đáp ứng được yêu cầu dạy – học – nghiên cứu cho cán bộ giảng dạy và sinh viên.Chất lượng “đầu ra” của sinh viên đại đa số là trình độ kém sinh viên đại học công lập.
Video đang HOT
Phân tích về nguyên nhân, theo đại diện Ban tuyên giáo Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là trong vài năm gần đây, chủ trương tuyển sinh tạo những trở ngại làm cho các trường NCL khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Về phía trường, ông Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh cho biết, không nên so sánh chất lượng giữa các trường ĐH công lập và trường ĐH dân lập. Trường quốc lập được nhà nước bao cấp, trường dân lập thì không, trong khi đó, hệ thống trường dân lập còn non trẻ, đang trên đường phát triển thì so sánh là sao được với các trường công lập có bề dày. Hiện nay nhiều trường dân lập đang sử dụng một đội ngũ rất tốt nhưng chất lượng kém là do đối tượng đầu vào. Giáo dục ở đâu cũng vậy, quan trọng người học có tốt hơn không.
Ông Hùng kiến nghị: “Cần bình đẳng hơn giữa các trường dân lập. Công bằng hơn về chính sách và hỗ trợ cho sinh viên dân lập vì họ là con của người đóng thuế và công dân tương lai. Ngoài ra, cần dành cho trường dân lập về chính sách đất đai, thuế….”.
Còn ông Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội thừa nhận rằng thí sinh không tuyển được ở các trường căn cứ vào trình độ hay uy tín, thương hiệu trường đó tốt hay không. Các trường không tuyển được cũng cần nhìn lại mình xem và chất lượng thực hiện Thông tư 57 có đúng hay không. Muốn tuyển được nhiều phải căn cứ vào thực chất của mình. Ông Hóa cho hay, các trường không tuyển được sinh viên gặp rất nhiều khó khăn nhưng do Bộ GD-ĐT cho thành lập quá nhiều trường thời gian qua.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: Các nhà đầu tư, nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết với sự nghiệp giáo dục rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP năm 2005 về “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020″ trong đó nêu rõ: “mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 400 sinh viên/1 vạn dân, tỷ lệ sinh viên học tập tại các trường NCL đạt 40% “; Nghị định 69/2008/NĐ-CP năm 2008, trong đó có điều khoản nêu rõ: “Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa. Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhà nước áp dụng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở thực hiện xã hội hóa để khuyến khích đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ …”. Trên thực tế, cho đến nay phần lớn các văn bản trên đều chưa được thực hiện.
GS Quân cho hay: “Điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường NCL phải đóng cửa, hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục đào tạo”.
Phân tầng liên thông đại học
GS Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình ý kiến: “Chúng ta nên phân tầng đại học. Hình thành tầng các trường đại học tinh hoa, đảm bảo chất lượng cao, còn tầng thấp hơn là trường dành cho số đông đại chúng thì cái đó mới giải quyết triệt để chất lượng. Khi phân tầng như vậy thì không phải lúc nào trường này cũng là trường tinh hoa và không phải lúc nào trường này cũng là trường số đông. Quá trình phát triển, biết đâu có trường dân lập vượt qua giai đoạn ban đầu khó khăn trở thành ĐH tinh hoa. Trong khi đó hiện nay nhiều trường dân lập đang phát triển mà muốn họ trở thành ĐH tinh hoa thì không phát triển nổi”.
GS Vận kiến nghị: “Tạo điều kiện cho các trường dân lập có nguồn tuyển sinh, nếu trường mở ra mà không có sinh viên thì sẽ tan rã. Hiệp hội các trường NCL xin xét tuyển trên cơ sở kết quả tốt nghiệp THPT còn các trường ĐH tinh hoa cứ lấy theo điểm thi đại học”.
Theo GS Hoàng Xuân Sính – phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam,nên xem xét thật kỹ các quy chế ban hành cho các trường đại học NCL, cái gì không hợp lý, mất công, mất sức, tốn tiền, không cần thiết thì không đưa ra ép người ta phải thực hiện. Phải thiết lập một mạng lưới các trường cho hợp lý, một tỉnh chưa phải là công nghiệp mà có tới 3 trường đại học công và một trường đại học dân lập là tối ư bất hợp lý, khiến trường dân lập không tuyển sinh được. Không tuyển sinh được đang khiến nhiều trường tư phải hàng tháng bỏ tiền túi ra để trả lương giáo viên, một việc không thể tồn tại lâu được. Hãy tránh mọi lãng phí cho xã hội, ta sẽ có dư thêm khối tiền để làm giáo dục tốt lên”.
Đại diện Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng, cần xây dựng, bổ sung quy chế chặt chẽ khi mở trường ĐH NCL (không để việc mở trường “tràn lan” như những năm trước đây). Cần đưa ra những tiêu chí sát với thực tế, yêu cầu giải thể, đình chỉ hoạt động với những trường yếu, kém. Cần nghiên cứu bài toán “phân tầng đại học”: Đáp ứng cho một xã hội học tập suốt đời cần có một hệ thống giáo dục linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu học tập đa dạng của người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi ở tất cả các bậc học. Các “tầng” đại học trên đều có cách liên thông với nhau.
Theo Ban tuyên giáo Hà Nội, cần tạo cơ chế “mềm” cho người học. Điều quan trọng là: Mỗi “tầng” đại học như vậy đều có nội dung chương trình đào tạo theo chất lượng riêng, phù hợp với từng đối tượng của loại trường. Xã hội sẽ căn cứ vào loại hình đào tạo mà sử dụng con người lao động theo yêu cầu. Như vậy là tạo thuận lợi cho người học, giải được bài toán chất lượng ĐH dân lập. Bởi hiện nay nhiều sinh viên đầu vào 8 điểm, học cùng chương trình với sinh viên đầu vào 20 điểm đến 28 điểm và giá trị bằng cấp được đánh giá như nhau là điều vô lý; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục đại học hiện nay
Theo ANTD
Hà Nội "nói không" với tại chức, dân lập
UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn với đầu vào là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy các trường công lập. Đây là một phần trong Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 của TP.Hà Nội, để thay thế những công chức về hưu.
Đáng chú ý, quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nói trên nêu rõ đối tượng là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên. Chỉ tiêu đào tạo cụ thể theo 5 chức danh, gồm: 98 chỉ tiêu văn phòng - thống kê; 146 chỉ tiêu tư pháp - hộ tịch; 85 chỉ tiêu địa chính - xây dựng; 137 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 34 chỉ tiêu tài chính - kế toán.
Các học viên phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có thì phải tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; bằng tốt nghiệp tiến sĩ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học công lập hệ chính quy, phù hợp chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn. Nếu là người dân tộc ở các xã miền núi của thành phố phải tốt nghiệp đại học công lập chính quy loại trung bình khá trở lên, đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.
Ngoài ra, người được đào tạo phải có bằng B tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc trở lên, kèm theo trình độ tin học văn phòng, tuổi đời 27 trở xuống với người tốt nghiệp đại học; 30 trở xuống với thạc sĩ; 35 trở xuống với tiến sĩ. Người được đào tạo cũng phải cam kết sẽ làm việc ít nhất 5 năm tại xã phường, thị trấn được phân công.
Một điểm đáng chú ý khác, theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp, năm 2013 Hà Nội sẽ thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sở Nội vụ cũng xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh công chức; xây dựng một số khung năng lực đối với chức danh lãnh đạo, quản lý (từ cấp phòng trở xuống) tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố; xây dựng cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ để tăng thu nhập (ngoài lương), bảo đảm ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Theo TNO
Bất trắc trên các cung đường Bên cạnh những điều thú vị để thoả mãn niềm đam mê khám phá bất tận của những bạn trẻ sẵn sàng cháy hết mình với niềm yêu thích xê dịch, "phượt" cũng tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Nhiều khó khăn mà dân "phượt" phải đối mặt trong mỗi chuyến đi... Rủi ro rình rập Trong các chuyến "phượt", xe máy...