Nguy cơ tấn công mạng từ khai thác 8 lỗ hổng mức cao trong sản phẩm Microsoft
Lưu ý về 8 lỗ hổng bảo mật mức cao trong các sản phẩm của Microsoft, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị các đơn vị cần kiểm tra, rà soát, xác định máy sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa có cảnh báo về các lỗ hổng bảo mật mức cao trong những sản phẩm Microsoft công bố tháng 3/2022 gửi tới đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng, tổ chức tài chính và hệ thống đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin.
Cơ quan này cho hay, ngày 8/3, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 3 với 71 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của mình. Trong 71 lỗ hổng mới được Microsoft công bố và phát hành bản vá, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt chú ý 8 lỗ hổng bảo mật có mức ảnh hưởng cao.
Theo các chuyên gia Cục An toàn thông tin, biện pháp tốt nhất để khắc phục là cập nhật bản vá cho các lỗ hổng bảo mật nói trên theo hướng dẫn của Microsoft
Cụ thể, 2 lỗ hổng bảo mật CVE-2022-21990, CVE-2022-23285 tồn tại trong Remote Desktop Client cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa. Cùng có điểm CVSS là 8.8, hai lỗ hổng bảo mật này đến các máy dùng Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022, Windows 10/8.1/7. Các lỗ hổng đã có mã khai thác được công bố rộng rãi trên Internet.
Video đang HOT
Cũng ảnh hưởng đến máy dùng Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022 và Windows 11/10/8.1/7, lỗ hổng bảo mật CVE-2022-24459 trong Windows Fax và Scan Service cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công leo thang đặc quyền.
Lỗ hổng bảo mật CVE-2022-24508 trong SMBv3 cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa trên Windows SMBv3 Client/Server. Lỗ hổng này ảnh hưởng đến các máy dùng Windows 10/11, Windows Server 2022.
Lỗ hổng bảo mật CVE-2022-23277 trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa với tài khoản xác thực hợp lệ; ảnh hưởng các máy dùng Microsoft Exchange Server 2019/2016/2013.
Có điểm CVSS là 7, lỗ hổng bảo mật CVE-2022-21967 tồn tại trong Xbox Live Auth Manager for Windows cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công leo thang đặc quyền.
Trong khi đó, lỗ hổng bảo mật CVE-2022-22006 trong HEVC Video Extensions cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa; và lỗ hổng bảo mật CVE-2022-24501 trong VP9 Video Extensions cũng cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, xác định máy sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng; thực hiện cập nhật bản vá kịp thời để tránh nguy cơ bị tấn công.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công mạng.
Trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) theo số điện thoại 02432091616 và thư điện tử ais@mic.gov.vn
Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng do lỗ hổng mới trong Linux Kernel
Lỗ hổng bảo mật CVE-2022-0847 trong Linux Kernel cho phép đối tượng tấn công có thể ghi đè lên tệp trong hình ảnh container với tài khoản người dùng chỉ có quyền đọc (read-only), từ đó có thể thực hiện leo thang đặc quyền.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa cảnh báo các cơ quan, tổ chức về lỗ hổng bảo mật mới trong Linux Kernel. Linux Kernel là thành phần cốt lõi trong hệ điều hành Linux đã được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam.
Theo Trung tâm NCSC, lỗ hổng bảo mật "CVE-2022-0847" mới đây đã được công bố với tên gọi là Dirty Pipe ảnh hưởng đến Linux Kernel phiên bản 5.8 trở lên.
Theo NCSC, hiện tại lỗ hổng "CVE-2022-0847" trong Linux Kernel đã có mã khai thác công bố rộng rãi trên Internet, trong khi đó chưa có biện pháp giảm thiểu nào cho lỗ hổng (Ảnh minh họa: nhanhoa.com)
Lỗ hổng "CVE-2022-0847" có điểm CVSS là 7.8 (cao) cho phép đối tượng tấn công có thể thực hiện ghi đè lên tệp trong hình ảnh container với tài khoản người dùng chỉ có quyền đọc (read-only) từ đó có thể thực hiện leo thang đặc quyền. Đối tượng tấn công có thể sửa đổi kết quả containers đang chạy trên một hình ảnh được chia sẻ hoặc đầu độc một hình ảnh trên máy chủ để containers mới nhận được các tệp đã bị sửa đổi.
Hiện tại, lỗ hổng "CVE-2022-0847" tồn tại trong Linux Kernel đã có mã khai thác công bố rộng rãi trên Internet, trong khi đó chưa có biện pháp giảm thiểu nào cho lỗ hổng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, các cơ quan, tổ chức cần cập nhật sớm bản vá.
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2/2022, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.300 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm 8.022 cuộc tấn công cài mã độc (Malwave), 2.358 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing) và 1.792 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface).
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh.
Cục An toàn thông tin: Tấn công mạng lừa đảo tiếp tục phổ biến trong năm nay Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, một trong những xu hướng tấn công mạng chính mà Việt Nam phải đối mặt thời gian tới là tấn công lừa đảo, bên cạnh tấn công có chủ đích và tấn công vào Cloud (đám mây), thiết bị IoT. 4 xu hướng tấn công mạng chính Đề cập đến các xu hướng...