Nguy cơ nợ xấu từ tín dụng BĐS: Con dao hai lưỡi…
Đổ tiền vào BĐS là con dao 2 lưỡi, có thể đem lại lợi nhuận nhưng rủi ro rất cao.Khi các bên lợi dụng nhau thì điều này càng dễ xảy ra.
Bất chấp nguy hiểm vì lợi nhuận
Trong báo cáo tài chính hết Quý III/2019, hàng loạt doanh nghiệp BĐS thông báo kinh doanh lỗ sau khi phát hành thành công hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.
Đa phần những đơn vị mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS này là ngân hàng thương mại. Đa phần những đơn vị mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS này là ngân hàng thương mại. Trong tổng số 36.876 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, có 7.410 tỷ đồng (20,1%) được mua bởi các ngân hàng thương mại.
Có 9 ngân hàng thương mại đã mua vào 11.160 tỷ đồng, chiếm 9,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019 trong đó mua nhiều nhất là MBBank (3.770 tỷ đồng) rồi đến PVCombank (1.900 tỷ đồng), Techcombank (1.510 tỷ đồng), MSB (1.150 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, khi loạt các doanh nghiệp BĐS thông báo kinh doanh lỗ các ngân hàng đã phải giảm quy mô đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử như Techcombank – ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống giảm 30% quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong quý 3.
Nguồn Công ty CP Chứng khoán SSI.
Việc kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu quy mô lớn trong thời gian vừa qua, dù đến nay chưa có doanh nghiệp nào “chậm thanh toán”.
Ngày 1/11/2019, trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, loạt doanh nghiệp BĐS báo kinh doanh lỗ sau khi hút được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu từ các ngân hàng thương mại dẫn đến nguy cơ nợ xấu rất cao có thể xảy ra. Tín hiệu kinh doanh từ các doanh nghiệp BĐS đã cho thấy nguy cơ này đang hiện hữu trước mắt.
“Bất động sản là thị trường thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế nếu hoạt động không đúng hướng và bị lợi dụng bởi một nhóm nào đó. Ở thời kỳ nào, quốc gia nào bao giờ cũng xảy ra vấn đề đó. Chính vì thế, bất động sản là thị trường cực kỳ rủi ro mà chúng ta phải cảnh giác” – TS Cao Sỹ Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, tiền mua trái phiếu từ ngân hàng thực chất là một khoản cho vay chứ không phải là một khoản đầu tư. Khoản vay thông qua trái phiếu này khác với khoản vay tín dụng BĐS là số tiền thu về được từ phát hành trái phiếu có thể được doanh nghiệp đầu tư vào BĐS. Khi thị trường bất động sản mang tính đầu cơ, phá hoại nền kinh tế thì người quản lý, các ngân hàng phải rất tỉnh táo, cảnh giác.
Với việc doanh nghiệp bất động sản bán trái phiếu mà ngân hàng mua để rót vốn vào đầu tư thì có thể xảy ra 2 lý do:
Một là, sự yếu kém của ngân hàng, không quản lý chặt chẽ, kiểm soát được việc cho vay dẫn đến doanh nghiệp bất động sản lợi dụng để chuộc lợi.
Hai là, ngân hàng thương mại bản chất cũng là một doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng là doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp này lợi dụng lẫn nhau để đem lợi ích về cho riêng mình. Khi mà Ngân hàng Nhà nước đang quản lý rất chặt vấn đề hạn mức tín dụng bất động sản thì buộc các ngân hàng phải tìm cách “lách” các quy định của NHNN để rót vốn vào đầu tư loại hình này. Bởi, mua trái phiếu hiện chưa nằm trong sự quản lý tín dụng vào bất động sản của NHNN.
Như thế, chủ đầu tư bất động sản vừa có vốn để kinh doanh, còn ngân hàng vừa có thể trốn được chỉ tiêu cho vay tín dụng bất động sản.
Video đang HOT
Nếu trong trường hợp doanh nghiệp bất động sản kinh doanh thất bại dẫn đến ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp đó cũng thất bại thì ảnh hưởng đến tăng trưởng, nền kinh tế, nguy cơ nợ xấu cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín đầu tư đối với các doanh nghiệp ngoại.
Nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số ngân hàng, có thể thấy hầu hết những nhà phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện là “con nợ” của ngân hàng này. TS Bùi Quang Tín – CEO Trường Doanh nhân BizLight từng cảnh báo “điều này rất nguy hiểm!”
Bởi, việc mua trái phiếu của “con nợ” dễ dẫn đến nguy cơ đảo nợ ngân hàng tư các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ dùng chính số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu để trả nợ ngân hàng và tiếp tục khoản vay mới. Như thế, nợ vẫn hoàn nợ.
Vì sao chưa xử lý?
Trước nguy cơ nợ xấu từ việc mua trái phiếu từ các ngân hàng, cũng phải nói rằng NHNN đã có nhiều văn bản quy định, cảnh báo tình trạng đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng này vẫn tái diễn.
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, vấn đề này là do khâu tổ chức thực hiện, chấp hành. Hệ thống quản lý của chúng ta đều đầy đủ nhưng người thực hiện chưa nghiêm túc, vẫn còn có tình trạng buông lỏng hoặc xu xê, không kiên quyết xử lý. Dẫn đến việc, anh này nhìn thấy anh kia “lách” được thì mình cũng “lách” được, thành tiền lệ xấu.
Còn doanh nghiệp thì có ý đồ, tìm cách làm sao để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng để có báo cáo đẹp, có lợi nhuận tăng trưởng mà bất chấp tất cả.
“Với những ngân hàng cố tình vi phạm quy định, cảnh báo thì NHNN phải tăng cường quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm. Việc phát hiện những ngân hàng cố tình lách luật, vi phạm là điều không khó, trên hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính hàng năm đều thể hiện rõ cả. Chỉ có điều, người phụ trách quản lý của NHNN thực sự làm nghiêm vấn đề này hay không thôi!” – ông Kiêm bày tỏ.
Tiến Hưng
Theo Baodatviet.vn
Chứng khoán hóa xử lý nợ xấu ngân hàng: Nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc
Kế hoạch hành động Hà Nội vào năm 2000 trong khuôn khổ ASEAN mà các nước thành viên cam kết thực hiện đã đưa ra phương án hợp tác về phát triển thị trường vốn bao gồm 11 điểm, trong đó có cam kết về thức đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán hóa.
Tuy nhiên, cho đến nay, chứng khoán hóa vẫn là một kỹ thuật mới đối với thị trường tài chính Việt Nam. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng phát triển chứng khoán hóa tại Hàn Quốc và rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình tìm kiếm những giải pháp xử lý nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đặt vấn đề
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tài chính Việt Nam trong năm 2018 là khoảng 2,4%. Việc xử lý nợ xấu sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%, thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%, bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là bằng các hình thức khác. Mặc dù, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro là biện pháp xử lý nợ xấu đang được các tổ chức có liên quan vận dụng nhiều nhất, nhưng bản chất của giải pháp này vẫn là sử dụng nguồn lực nội tại của các tổ chức tín dụng.
Chứng khoán hóa có thể hiểu là một quá trình cơ cấu lại các tài sản tài chính mà theo đó các tài sản thế chấp khác nhau của những người đi vay được tập hợp và đóng gói bởi một tổ chức trung gian chuyên trách, sau đó, thông qua công tác định giá rủi ro của các tổ chức định mức tín nhiệm, những tài sản đó đảm bảo để phát hành các chứng khoán qua kênh của tổ chức bảo lãnh phát hành với mức giá và lãi suất hợp lý. Tương ứng tiền từ người mua các chứng khoán này sẽ được chuyển đến những trung gian tài chính để những trung gian này bù đắp vào các khoản cho vay thế chấp trước đó. Các loại tài sản có thể đem chứng khoán hóa rất đa dang nhưng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật và phải đạt được mức độ tương đồng nhất định trong cùng một nhóm tài sản mang đi đóng gói.
Sự cần thiết ứng dụng chứng khoán hóa ở Việt Nam đã được Chính phủ chính thức ghi nhận. Kế hoạch hành động Hà Nội vào năm 2000 trong khuôn khổ ASEAN mà các nước thành viên cam kết thực hiện đã đưa ra phương án hợp tác về phát triển thị trường vốn bao gồm 11 điểm, trong đó có cam kết về thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán hóa. Đây là một cam kết quốc tế của Chính phủ về phát triển chứng khoán hóa ở Việt Nam và là căn cứ khẳng định việc ứng dụng chứng khoán hóa xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây.
Kinh nghiệm phát triển chứng khoán hóa ở Hàn Quốc
Thị trường chứng khoán (TTCK) hóa ở Hàn Quốc hình thành và phát triển sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999, nhằm tái cấu trúc hệ thống tài chính mà cụ thể là chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Đến những năm 2000 - 2001, thị trường đã đạt được mức phát triển ổn định và chứng khoán hóa nhanh chóng trở thành một công cụ hỗ trợ cho các công ty huy động nguồn tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn của giai đoạn hậu khủng hoảng. Khi TTCK hóa đã bước vào giai đoạn phát triển sâu hơn thì hoạt động này trở nên phổ biến thành một công cụ huy động tài chính hữu hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, các định chế cung cấp các khoản vay thế chấp bất động sản và các khoản vay sinh viên... (Oh, 2008).
Chứng khoán hóa được các định chế tài chính Hàn Quốc coi như một công cụ tái cấu trúc các khoản nợ nói chung và đặc biệt các khoản nợ xấu nói riêng. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, kể từ khi ban hành Đạo luật ABS năm 1997, chứng khoán hóa đã trở thành một trong những kỹ thuật tài chính phổ biến nhất ở Hàn Quốc và khối lượng giao dịch thành công kể từ đó đã tăng theo cấp số nhân trong những năm qua (Lee, 2002).
Với 2 ưu thế cơ bản là khả năng chuyển đổi những tài sản kém thanh khoản thành các tài sản thanh khoản hơn và tạo ra những công cụ có độ tín nhiệm cao hơn từ những khoản nợ có độ tín nhiệm thấp (Gyntelberg, J. & E.M. Remolona, 2006), nên chứng khoán hóa được các định chế tài chính Hàn Quốc coi như một công cụ tái cấu trúc các khoản nợ nói chung và đặc biệt các khoản nợ xấu nói riêng. Thông qua việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, các tổ chức tài chính Hàn Quốc không chỉ xử lý các nợ xấu một cách hiệu quả, mà còn nhanh chóng nhận được khoản tiền cần thiết để giảm bớt các nghĩa vụ nợ phải trả để tuân thủ các quy định chung. Để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 1997, tỷ lệ chứng khoán hóa nợ xấu trên tổng khối lượng chứng khoán hóa tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng, lên tới khoảng 42,2% vào năm 1999 (Lee, 2002). Chứng khoán ABS được phát hành lần đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 1999 và có số lượng phát hành liên tục gia tăng nhanh cho đến năm 2001, nhưng sau đó có xu hướng giảm dần cho đến năm 2008. Chứng khoán ABS ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng hơn các sản phẩm khác nên đã lý giải được hiện tượng số lượng phát hành của ABS, dù có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khả quan cho tới năm 2009.
Khi nền kinh tế dần hồi phục, hoạt động chứng khoán hóa tại Hàn Quốc vẫn đóng vai trò như một biện pháp xử lý nợ xấu (Bank of Korea, 2017). Số lượng chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản (ABS) vẫn tiếp tục gia tăng đáng kể. Khối lượng chứng khoán ABS trung bình hàng năm được phát hành là khoảng 40 - 60 nghìn tỷ Won trong vòng 7 năm vừa qua, đặc biệt năm 2015 lên tới 83 nghìn tỷ Won (Thomson Reuters, 2019). Những kết quả này một phần là do các cơ quan quản lý Hàn Quốc tiến hành các biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo thị trường phát triển nhanh chóng nhưng vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được. Dù ở giai đoạn này bản thân các ngân hàng thương mại Hàn Quốc có thể tự xử lý các khoản nợ xấu của mình một cách tương đối hiệu quả thì chứng khoán hóa vẫn được coi là một trong số các biện pháp được vận dụng nhiều nhất.
TTCK hóa Hàn Quốc hoạt động trên cơ sở 2 đạo luật cơ bản sau:
Thứ nhất, Đạo luật về Chứng khoán ABS được ban hành vào ngày 16/9/1998 nhằm tạo điều kiện tái cơ cấu hoặc xử lý các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á giai đoạn 1997-1998.
Thứ hai, Đạo luật về Công ty Tài chính Nhà ở Hàn Quốc. Đạo luật này được ban hành vào ngày 31/12/2003 với mục tiêu tạo điều kiện để chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp bất động sản và khoản cho vay sinh viên của Tập đoàn Tài chính Nhà ở Hàn Quốc, qua đó cung cấp nguồn vốn tài trợ dài hạn cho các khoản vay này.
Chứng khoán hóa tại Hàn Quốc từ trước tới nay chủ yếu tập trung thực hiện đối với các khoản vay thế chấp nhà ở, các khoản phải thu thẻ tín dụng, các khoản vay trả góp mua ô tô và các khoản phải thu liên quan dự án bất động sản. Các sản phẩm chứng khoán hóa của các nghĩa vụ cho vay thế chấp được xếp hạng tín nhiệm cao cũng đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm Hàn Quốc, do họ cam kết thanh toán mức bảo hiểm cao cho các khách hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm chứng khoán hóa mới được giới thiệu gần đây tại Hàn Quốc như: Chứng khoán hóa các khoản phải thu thương mại nhượng quyền, các nghĩa vụ nợ được thế chấp hay các sản phẩm phái sinh cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
TTCK hóa nội địa tại Hàn Quốc đã phát triển với những quy định quản lý hoàn chỉnh hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, các giao dịch chứng khoán hóa xuyên biên giới vẫn còn khá ít với quy mô phát hành hàng năm tương đối nhỏ trung bình khoảng từ 2-3 tỷ USD (Asifma, 2018) và chủ yếu vẫn là phát hành riêng cho 1-3 nhà đầu tư (Bank of Korea, 2017) nên cũng khó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Nguyên nhân là do các tổ chức khởi tạo có thể dễ dàng huy động nguồn vốn nội tệ bằng cách phát hành trái phiếu, cũng như Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các công ty Hàn Quốc giảm huy động bằng vốn ngoại tệ do lo ngại sự biến động thường xuyên của nền kinh tế toàn cầuua. Thêm vào đó, những quy định kiểm soát ngoại hối của Hàn Quốc khá khắt khe. Trên thực tế, những quy định này có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng mặt khác đã góp phần ổn định hệ thống tài chính Hàn Quốc vốn trước đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến động của thị trường ngoại hối (Lee, 2002), (Thomson Reuters, 2019).
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển TTCK hóa Hàn Quốc với tư cách là một trong những thị trường sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương là kinh nghiệm hữu ích cho những quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể nghiên cứu và rút ra những bài học đáng lưu ý. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, TTCK hóa có thể hình thành và phát triển trên cơ sở ban hành một đạo Luật Quản lý hoạt động chứng khoán hóa thống nhất.
Chứng khoán hóa là quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều bên có liên quan. Vì vậy, việc ban hành một khung khổ pháp lý hướng dẫn cho hoạt động chứng khoán hóa là yếu tố cần thiết, góp phần tạo lập và phát triển TTCK hóa như trường hợp Hàn Quốc ban hành Đạo luật ABS. Đối với Việt Nam, việc cân nhắc ban hành một Luật Quản lý hoạt động chứng khoán hóa để tạo thành một khung khổ pháp lý mang tính hướng dẫn; đồng thời, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện giải pháp này sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của TTCK hóa tại Việt Nam.
Thứ hai, Luật Quản lý hoạt động chứng khoán hóa nên liên kết chặt chẽ với các quy định hiện hành khác.
Tại Hàn Quốc, Đạo luật ABS có liên kết chặt chẽ với một số đạo luật khác của Hàn Quốc như Bộ luật Dân sự Hàn Quốc, Luật Kiểm soát về ưu đãi thuế và các luật dân sự chung khác để tránh những vướng mắc pháp lý đối với các giao dịch chứng khoán hóa hoặc giảm đến mức chấp nhận được. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam nên cân nhắc áp dụng vì nếu Luật Quản lý hoạt động chứng khoán hóa được liên kết với các luật dân sự khác sẽ cung cấp cho các bên có liên quan một văn bản quy phạm pháp luật tham chiếu tổng hợp hướng dẫn thực hiện các vấn đề có thể phát sinh liên quan tới quá trình chứng khoán hóa. Việc liên kết này sẽ làm rõ những ưu đãi mà các bên có liên quan được hưởng, qua đó góp phần tạo động lực cho hoạt động chứng khoán hóa phát triển nhanh chóng.
Thứ ba, cần hoàn thiện các điều kiện của thị trường.
Nhu cầu sử dụng chứng khoán hóa như một biện pháp xử lý nợ xấu là nét tương đồng của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay với thị trường Hàn Quốc trước đây. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, nhu cầu thực tế của thị trường là một động lực thúc đẩy sự phát triển của TTCK hóa, tuy nhiên để triển khai hiệu quả giải pháp này cần hoàn thiện các điều kiện của thị trường. Quá trình chứng khoán hóa là phức tạp nên cần có cơ chế khuyến khích phát triển, đồng thời đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các bên có liên quan như: Tổ chức khởi tạo, tổ chức trung gian chuyên trách phát hành, tổ chức phục vụ, tổ chức ủy thác kinh doanh, nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín nhiệm...
Xuất phát từ thực tiễn là quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam thời gian qua vẫn chưa hoàn toàn triệt để nên chúng ta có thể cân nhắc để lựa chọn giải pháp chứng khoán hóa như một biện pháp mang tính thị trường hơn để xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. ADB (2018), Asean 3 Bond market guide: Republic of Korea. Asean Development Bank;
2. Asifma. (2018), ASIFMA Securitisation in Asia 2018. Asifma;
3. Bank of Korea. (2017), The Financial Market in Korea. Seou: Bank of Korea;
4. Gyntelberg, J. & E.M. Remolona, (2006), Securitisation in Asia and the Pacific: implications for liquidity and credit risks. BIS Quaterly Review, June, 65-75;
5. He, D. (2004), The Role of KAMCO in Resolving Non-Performing Loans in the Republic of Korea. Washington D.C.: IMF;
6. Sustainalytics, (2018), Korea Housing Finance Corporation Social Covered Bond, Sustainalytics;
7. Thomson Reuters, (2019, June), Structured finance and securitisation in South Korea: overview, Retrieved from http://uk.practicallaw.com/6-381-1640?source=relatedcontent.
TS. Trần Thị Vân Anh
Theo Tapchitaichinh.vn
Đề nghị 'tấn công' nhanh, mạnh vào tín dụng đen Nợ xấu của hệ thống ngân hàng là từ các đại gia, chứ không phải do mấy khoản nợ "bèo" của những người nghèo, công nhân, nông dân mà ra. "Làm chính sách cần có trái tim biết rung động vì người nghèo" - đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước, thành viên của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng,...