Nguy cơ nhiễm trùng Amip “ăn não” do rau bẩn
Thủ phạm “ăn não” là ký sinh trùng Amip, có mặt ở nhiều môi trường nước bẩn và ai cũng có thể mang nang kén trùng Amip. Có khoảng 5 – 10% dân số bị nhiễm trùng Amip này.
Thông tin trùng Amip “ăn não” làm một bệnh nhân tại TPHCM tử vong khiến nhiều người rúng động. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề – Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), ca tử vong vì loại ký sinh trùng này rất hiếm gặp nhưng không có gì lạ…
Nhiễm bệnh qua ăn uống
Theo TS Đề, thủ phạm “ăn não” là ký sinh trùng Amip, có mặt ở nhiều môi trường nước bẩn và ai cũng có thể mang nang kén trùng Amip. Có khoảng 5-10% dân số bị nhiễm trùng Amip này. Trùng Amip chủ yếu gây ra bệnh lỵ, làm tổn thương ruột với các vết loét nhỏ.
“Tuy nhiên, trùng Amip có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi theo đường máu lên não, phổi, hoặc gan, làm tiết ra các chất tiêu protein và gây viêm nhiễm, tạo thành các ổ áp xe ở gan, phổi và não. Nếu ở các vị trí nguy hiểm, các ổ áp xe vỡ có thể gây tử vong” – TS Đề cho biết.
TS Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc BV Nhiệt đới T.Ư cũng cho biết, việc bệnh nhân bị trùng Amip ăn lên não, gây tử vong là rất hiếm, phần lớn, nếu phát bệnh thì bệnh nhân chỉ bị lỵ, một số nhỏ khác bị áp xe gan, nhưng nếu điều trị kịp thời, bệnh sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng đáng nói, không phải ai mang nang trùng Amip cũng bị bệnh. Chỉ khoảng 10% những người có nang Amip bị phát bệnh. Theo TS Đề, chỉ những người bị rối loạn tiêu hóa, miễn dịch kém thì trùng Amip mới hoành hành.
Nhưng điều đáng lo ngại là do trùng Amip sinh sản vô tính theo kiểu “nhân đôi” nên mỗi ngày, người khỏe mang nang Amip có thể thải ra ngoài môi trường hoàng trăm nghìn nang Amip theo đường phân. Do đó, trùng Amip có thể phát tán rất rộng và lây lan sang người khác.
72% rau bẩn chứa Amip
TS Đề cũng cho biết, một kết quả nghiên cứu về mầm bệnh ký sinh trùng của ông và các cộng sự Trường ĐH Y trên 660 mẫu rau tưới bằng nước thải tại thành phố và nông thôn tỉnh Nam Định cho thấy, có đến 72% rau ở nông thôn có tỷ lệ nhiễm đơn bào trong đó có cả khuẩn E.coli và bào nang Amip (thành phố là 53%).
Video đang HOT
Theo TS Đề, rau bẩn chứa trùng Amip “ăn não”. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm trứng giun đũa là 2,4%, giun tóc là là 2,2%, nhiễm ấu trùng giun móc/lươn 3,6%, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ là 0,3 %.
“Không chỉ rau trồng ở hồ ao mà rau cạn cũng có thể nhiễm ký sinh trùng. Chính tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt, nước tiểu của người, gia súc, nước hồ ao bẩn là nguồn gốc lây nhiễm trùng Amip nói riêng và các loại ký sinh trùng khác nói chung” – TS Đề cho biết.
Nang kén Amip có sức đề kháng với các hóa chất nên khó mà diệt chúng trong môi trường nước, tuy nhiên, chúng có thể chết ở nhiệt độ 85 độ C.
Vì thế, người dân có thể phòng ngừa nhiễm Amip và các loại giun sán khác bằng cách ăn chín, uống sôi, rửa rau thật sạch, đặc biệt nên rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ ký sinh trùng. Người dân cũng nên được vận động để bỏ thói quen tưới rau bằng nước thải sinh hoạt.
Theo TS Đề, việc phát bệnh do nhiễm trùng Amip nói chung và nhiễm ký sinh trùng nói riêng thường đều dễ điều trị, thuốc rẻ và khá phổ biến. Tuy nhiên, các loại bệnh này rất dễ chẩn đóan nhầm sang các bệnh viêm nhiễm, ung thư khác nên việc điều trị không kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Người bệnh do trùng Amip thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng, không sốt hoặc sốt nhẹ, đi ngòai nhiều lần, phân nhầy hoặc lẫn máu. Còn nếu đã chuyển sang áp xe gan, phổi hay não thì đau bụng, đau đầu dữ dội và sốt cao, thậm chí co giật nếu áp xe não”. TS Nguyễn Văn Đề thông tin thêm.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Có nên quá hoang mang vì amip "ăn não"?
Thông tin ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam tử vong do mắc phải loại "amip ăn não người" khiến nhiều người hoang mang. Thực tế, loại ký sinh trùng này tồn tại nhiều trong môi trường nước bẩn, nhiễm loại phải rất nguy hiểm, nhưng lại là bệnh lý vô cùng hiếm gặp.
Không phải "amip" ăn não người
Theo TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, loài ký sinh trùng ăn não người như trường hợp ở TPHCM không phải là amip.
TS Nguyễn Hồng Hà khẳng định, khó có nguy cơ amip gây áp xe não
"Còn các loại bệnh do amip gây ra rất cổ điển, đã được mô tả từ lâu trong y khoa, ở những vùng nhiệt đới nước ta có sự lưu hành của amip và tỷ lệ dân số nhiễm amip rất phổ biến, nhưng nó thường gây biểu hiệu amip mãn tính gây ra các triệu trứng tiêu hóa và gây tình trạng áp xe gan (có ổ amip tạo mủ tại gan, có những ổ áp xe đến vài trăm ml mủ)", BS Hà nói.
Tuy nhiên, amip được xếp vào động vật đơn bào, là loại bệnh do bệnh ký sinh nói chung không phát triển thành dịch rầm rộ, lưu hành mang tính địa phương.
Người ta dễ nhiễm phải amip khi ăn phải thức ăn, rau sống, tay bẩn có dính kén amip vào trong cơ thể. Vào trong cơ thể, amip di chuyển, từ dạ dày ruột xuống đến tận ruột già, gặp điều kiện thuận lợi, phá vỡ vỏ chuyển thành thể amip hoạt động, xâm nhập vào niêm mạc đại tràng, đôi khi ăn sâu xuống lớp cơ niêm tạo thành hang trong thành đại tràng.
Giai đoạn đầu mới nhiễm, có 2 thể, thể lâm sàng biểu hiện rõ, có hội chứng lỵ, đau quặn, mót rặn, đi ngoài ra phân, nhầy và máu, hầu như không sốt, sốt không đáng kể. Còn ở thể không điển hình người bệnh chỉ bị rối loạn tiêu hóa, phân thay đổi một chút như ỉa chảy thông thường.
"Đại đa số người nhiễm amip trở thành bệnh amip ruột mãn tính. Tuy nhiên cũng có thể amip ngoài ruột. Tức là amip từ ruột đi vào cơ thể qua đường máu xâm nhập một số cơ quan gây nên các ổ áp xe, gây mủ, điển hình là áp xe gan do amip, ít gặp. Còn trường hợp amip này lên não thì vô cùng hiếm gặp, tại Viện chúng tôi chưa từng ghi nhận bởi amip phải qua gan, vào hệ tuần hoàn chung lên não, ở những người có hệ miễn dịch rất yếu", TS Hà khẳng định.
"Amip ăn não người" - khó nhiễm
Thông tin bệnh bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên) đã tử vong sau một ngày nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy, đây là trường hợp đầu tiên ở Việt nam mắc phải loại ký sinh trùng ăn não người khiến nhiều người hoang mang.
Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nhức đầu, lơ mơ, liên tục sốt cao 40 - 41oC, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong sau hai ngày điều trị. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy BN bị tử vong do loài ký sinh trùng có tên khoa học là Naegleria fowleri tấn công.
Theo một bác sĩ ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, loài ký sinh trùng ăn não người này có tên khoa học là Naegleria fowleri. Nó tồn tại khá phổ biến ở nước bẩn. Bản chất nó không thuộc họ amip nhưng vì có hình dáng, đặc tính khá giống với amip nên nhiều người có thói quen gọi luôn nó là amip.
Ở trong môi trường nước, ký sinh trùng này tự do bơi lội và ăn các loại vi khuẩn. Nhưng khi xâm nhập vào đường mũi, ký sinh trùng này sẽ đi qua các dây thần kinh vúng khứu giác và đi ngược lên não, cư trú tại đây. Khi đã chui vào não nó không di chuyển mà cư trú ở một vị trí nhất định, sinh sôi nảy nở và ăn các tế bào thần kinh và gây nên tình trạng viêm não, viêm màng não tiến triển rất nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không kịp thời điều trị.
Tuy cực nguy hiểm nhưng bệnh lý này lại vô cùng hiếm gặp. Theo báo cáo của một số tác giả trên thế giới thì tỉ lệ có khả năng gặp phải là khoảng 1 trong 2,5 triệu người. "Đó là tính đến nguy cơ bị, còn thực tế các báo cáo chính thức mới ghi nhận khoảng 200 ca trên toàn thế giới", chuyên gia này khẳng định.
Nguy cơ tử vong cao
Theo BS này, nhiễm ký sinh trùng này rất nguy hiểm bởi nó là một bệnh lý hiếm gặp nên người ta ít nghĩ đến nguy cơ này. Trong khi loại ký sinh trùng này gây viêm não, màng não không khác gì do các căn nguyên khác gây nên. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc điều trị viêm não, màng não do loài ký sinh trùng này rất khó khăn. Bởi cùng gây biểu hiện viêm não, viêm màng não nhưng việc điều trị lại rất khác biệt. Loài ký sinh trùng này là loài đơn bào nhưng lại nhạy cảm với thuốc chống nấm AmphotericinB. Mà với điều trị, các bác sĩ thường điều trị theo các căn nguyên thường gặp là vi khuẩn thì điều trị bằng các loại kháng sinh lại không đặc hiệu với ký sinh trùng kia.
Vì thế, khi có một bệnh nhân viêm não, viêm màng não nhập viện, bác sĩ thường điều trị ngay theo các căn nguyên thông thường không trúng vào nó nên không hiệu quả, vì thế bệnh nhân sẽ bị điều trị muộn. Trong khi đây là loại bệnh diễn tiến nhanh, nhanh chóng gây tổn thương não, phù não trầm trọng nên càng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
"Nếu nghĩ đến loại ký sinh trùng này, người ta chọc dịch não tủy và phải soi ngay lập tức thì mới thấy nó. Nếu để lâu thì sẽ không thấy bởi ký sinh trùng này sẽ chết. Vì thế trên thực tế, cơ hội bắt gặp ký sinh trùng này cũng ít đi, bởi như đã nói, nó là bệnh lý hiếm gặp, người ta ít nghĩ đến nên ít có cơ hội tìm ra", BS này nói.
Loài ký sinh trùng này cũng tồn tại trong môi trường nước bẩn. Vì thế, để phòng bệnh việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước rất quan trọng. "Tuy nhiên cần khẳng định, không phải ai gặp nguồn nước bẩn có ký sinh trùng này đều có thể bị mà chỉ xảy ra nguy cơ khi trong quá trình ngụp, lặn bị sặc nước bẩn có chứa ký sinh trùng này và phải có yếu tố cảm nhiễm của cơ thể, chứ không phải ai cũng có nguy cơ", BS này khẳng định.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Đột tử vì ký sinh trùng chui lên não Bị ký sinh trùng amip chui qua mũi lên não, một thợ lặn ngụ tỉnh Phú Yên đã không qua khỏi. Ngày 21-8, thạc sĩ, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM đã cho biết như trên. Bệnh nhân là anh Trương Văn D (ngụ Phú Yên) bị sốt, nhức đầu, đi khám tại...