Nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu do thiếu hụt kỹ sư lai tạo giống
Một nghiên cứu quốc tế do cơ quan khoa học quốc gia của Australia dẫn đầu cảnh báo rằng việc thiếu hụt các nhà khoa học chuyên về lai tạo giống thực vật có thể đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu.
Thu hoạch lúa mạch trên cánh đồng ở Grenfell, phía Tây New South Wales, Australia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu chung được công bố ngày 11/6 bởi Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Đại học McGill của Canada và Đại học Lincoln ở New Zealand, việc thiếu các kỹ sư lai tạo giống thực vật có kỹ năng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Lai tạo giống thực vật là kỹ năng khoa học về thay đổi các đặc tính của cây trồng để cải thiện tiềm năng di truyền của chúng. Lai tạo giống nhằm mục đích cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong sản phẩm và là nền tảng cho sản xuất toàn cầu các loại thực phẩm cho động vật và con người, cũng như nhiên liệu và sợi.
Nghiên cứu mới cho thấy tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng đã gia tăng trong một thời gian và cần được giải quyết khẩn cấp để duy trì mức sản xuất nông nghiệp, sợi và thức ăn chăn nuôi hiện tại.
Video đang HOT
“Những gì chúng tôi đang thấy là cả một thế hệ các chuyên gia lai tạo giống thực vật có kỹ năng cao hiện đang đến tuổi nghỉ hưu, tạo ra một khoảng trống khi các cử nhân đại học chọn tập trung vào các lĩnh vực khác của khoa học thực vật, như sinh học phân tử,” Lucy Egan, tác giả chính của nghiên cứu từ CSIRO, cho biết. “Những hậu quả của sự thiếu hụt này có thể rất nghiêm trọng, bao gồm ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu và nền kinh tế của các quốc gia khác nhau trên thế giới, bao gồm cả Australia”.
Nghiên cứu kêu gọi thành lập các cơ sở đào tạo chuyên về lai tạo giống thực vật trên khắp thế giới để giải quyết tình trạng thiếu hụt và tăng cường sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này.
Nơi 'thuyền xanh' cập bến
Trong không gian gió lộng biển khơi ở vịnh Lagonoy của Philippines, ngư trường cá ngừ vây vàng quan trọng nhất của quốc gia Đông Nam Á này đã khoác trên mình "chiếc áo" mới mang màu xanh đặc trưng của biển cả.
Đó là chứng nhận MSC mà Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council) cấp cho thủy hải sản có nguồn gốc từ nghề cá bền vững, hạn chế tối đa tác động đối với hệ sinh thái và quản lý hiệu quả.
Giống như "giấy thông hành", những mẻ cá ngừ mang theo những "chiếc áo" xanh MSC vươn tới "bến đỗ" xa hơn, đến các thị trường khó tính, đem lại sinh kế tốt hơn cho ngư dân Philippines, trong khi bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cho thế hệ sau. Đây là nỗ lực bền bỉ tiếp theo nhằm duy trì vị thế quốc gia có nghề cá bền vững và thân thiện với môi trường mà Philippines thúc đẩy sau khi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 4/2015 gỡ bỏ "thẻ vàng" cảnh báo về hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với Philippines. Và nỗ lực kiến tạo cuộc "cách mạng xanh" này cần sự tham gia của tất cả các nước có nghề cá là mũi nhọn kinh tế, thông qua việc sử dụng "con thuyền xanh" mang tên "Blue transformation in action" mà FAO đã "hạ thuỷ" từ năm 2021.
Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là một "mắt xích" quan trọng trong hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và nền tảng của thịnh vượng. Báo cáo hai năm một lần mà FAO vừa công bố một lần nữa khẳng định vai trò này khi tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu trong năm 2022 đạt 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020. Đáng chú ý là lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng vượt quá sản lượng đánh bắt trong bối cảnh trữ lượng tự nhiên đang ngày càng sụt giảm. Điều này làm dấy lên hy vọng về khả năng giải quyết vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu mà không hủy hoại hơn nữa môi trường biển. Chỉ riêng năm 2022, lượng tiêu thụ thực phẩm thủy sản trên toàn cầu ước đạt 165 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số thế giới hằng năm kể từ năm 1961. Ngành nuôi trồng thuỷ sản ở châu Á chiếm tới khoảng 70% sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành thủy sản toàn cầu cũng đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt, nạn khai thác và đánh bắt quá mức, thiếu bền vững có nguy cơ phá vỡ sự đa dạng sinh học hoặc làm suy yếu các chức năng của hệ sinh thái mà hệ quả tồi tệ nhất là nguy cơ "xóa sổ" nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, đánh bắt IUU cũng làm xói mòn nỗ lực quốc gia và khu vực trong bảo tồn hệ sinh thái biển và mục tiêu phát triển nghề cá bền vững. Đó là lý do năm 2021, FAO phát động chương trình "Chuyển đổi Xanh" cho ngành thủy sản.
Sau 3 năm kể từ khi thúc đẩy "con thuyền" hành động chuyển đổi xanh bền vững cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, Tổng Giám đốc FAO, ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) khẳng định "con thuyền" này đã đi đúng hướng. Những nỗ lực "xanh hóa"ngành thủy sản mà nhiều quốc gia đang thực hiện được ví như "ngọn gió" thổi căng cánh buồm đưa con thuyền xanh ấy tiếp tục ra khơi, trên hành trình đạt được mục tiêu thủy sản bền vững, đem lại môi trường biển tốt hơn, nguồn dinh dưỡng tốt hơn và không bỏ lại ai phía sau.
Chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản đặt trọng tâm vào việc bảo đảm đủ nguồn cung cho dân số ngày càng tăng theo cách bền vững về mặt môi trường, xã hội và kinh tế cũng như hỗ trợ khả năng phục hồi hệ thống thực phẩm thủy sản chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động đánh bắt quá mức của con người và tác động của môi trường biến đổi khí hậu. Đây cũng là trụ cột của Tuyên bố nghề cá bền vững 2021 của FAO, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu 14 về bảo tồn và phát triển bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển.
FAO đã và đang triển khai hàng loạt sáng kiến. Trước hết là Chương trình phát triển chuỗi giá trị thủy hải sản (FISH4ACP) tại các quốc đảo nhỏ đang phát triển từ châu Phi, Caribe đến Thái Bình Dương. Sáng kiến này đã "lột xác" ngành đánh bắt tôm - sản phẩm xuất khẩu chính của Cameroon. Việc cải thiện thu thập dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi giá trị đã giúp giám sát sự ổn định của trữ lượng tôm để quyết định mức đánh bắt theo hướng bảo tồn nguồn lợi, cải thiện kiểm soát chất lượng sản phẩm đánh bắt để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường giá trị cao hơn. Nhờ đó, quốc gia Trung Phi này cân bằng được "đa phương trình": duy trì nguồn tôm bền vững cho thế hệ mai sau, đảm bảo sản lượng và tính cạnh tranh cao hơn mà vẫn bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương và thúc đẩy việc làm.
Một "bảo bối" khác của FAO là sáng kiến Tăng trưởng Xanh (Blue Growth Initiative) hỗ trợ Indonesia, Bangladesh, Cote d' Ivoire, Cabo Verde và Seychelles xử lý vấn đề môi trường. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng "ra khơi" với dự án nuôi trồng thủy sản bền vững, có lợi nhuận và phục hồi toàn Đại Tây Dương (ASTRAL) năm 2020, tập trung phát triển các chuỗi giá trị mới cho nuôi trồng thủy sản tích hợp.
Là một trong những quốc gia hàng đầu trong ngành thủy sản, Na Uy luôn cập nhật chiến lược phát triển để duy trì "ngôi vương". Điểm nhấn trong Chiến lược nuôi trồng thuỷ sản 2021 của Na Uy là sáng tạo và có trách nhiệm. Điều này được thấy rõ nhất trong đổi mới công nghệ tại trang trại nuôi cá hồi ngoài khơi với hệ thống cảm biến giám sát hoạt động của lồng cá, việc cho ăn và ngăn chặn sự cố cá hồi thoát ra khỏi lồng.
Gần đây, lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Mỹ cũng cập nhật kế hoạch phát triển thủy sản quốc gia, trong đó đề cao sự hợp tác của liên ngành trong việc phát triển và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách. Các chuyển động này nhằm tối đa hóa lợi ích nuôi trồng thủy sản đối với an ninh lương thực, tăng cường khả năng phục hồi khí hậu và bảo vệ các loài sinh vật biển và nước ngọt đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Xác định chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, ngành thủy sản Việt Nam đang hướng đến những mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mô hình sinh thái, hữu cơ, mô hình sử dụng vi sinh, hoặc sử dụng năng lượng điện tái tạo như điện Mặt Trời, điện gió, điện biogas. Mới đây con nghêu và nghề khai thác nghêu Bến Tre đã lần thứ ba được MSC chứng nhận vị thế khai thác bền vững cho đến năm 2029. Năm 2009, nghêu Bến Tre là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, cũng là sản phẩm thủy sản đầu tiên của Đông Nam Á được cấp chứng nhận MSC.
Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Đại dương Peter Thomson từng khẳng định rằng một khi con người đối xử với biển cả bằng sự tôn trọng xứng đáng, biển cả sẽ vẫn mang lại lợi ích như trước đây - trở thành nguồn cung cấp tuyệt vời cho cuộc sống trên hành tinh Trái Đất. Có thể khẳng định nỗ lực chuyển đổi xanh ngành thủy sản thế giới là một cách để con người bày tỏ "sự tôn trọng" với biển cả, và khi đó, biển cả sẽ truyền sức mạnh để "con thuyền xanh" no gió và cập bến.
LHQ cảnh báo nạn đói nghiêm trọng có thể xảy ra ở miền Nam châu Phi Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 6/6, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) và các đối tác cảnh báo rằng hàng triệu người ở miền Nam châu Phi có thể rơi vào nạn đói nghiêm trọng trong mùa giáp hạt sắp tới từ tháng 10 đến tháng 2/2025. Người dân chờ được phát...