Nguy cơ cho ngành xuất khẩu điều của Việt Nam
Mới đây, Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều (thành viên Vinacas) vừa gửi công văn kiến nghị Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan về việc “không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi”.
Công văn này xuất phát từ việc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa ký kết văn bản hợp tác với Đoàn công tác Hội đồng Bông – Điều Bờ Biển Ngà, nhằm triển khai hoạt động hợp tác về nhân sự cũng như chuyển giao phương tiện máy móc giữa hai bên.
Theo ông Nguyễn Văn Lãng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), để Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu hạt điều chế biến đứng đầu thế giới như hiện nay, một yếu tố quan trọng là nhờ chúng ta có được “bí quyết” công nghệ. Cụ thể, ưu điểm của công nghệ này là tách hạt lấy nhân, với tỷ lệ hạt vỡ và nhiễm dầu thấp nhất… Trong 20 năm qua, công nghệ này đã không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và góp phần rất lớn cho sự phát triển của ngành điều Việt Nam.
Video đang HOT
Ảnh minh họa – Nguồn: Hội Nông dân VN
Không chỉ Bờ Biển Ngà, nhiều nước khu vực châu Phi cũng đang rất muốn công nghệ chế biến điều của Việt Nam. Ông Lãng cho rằng nếu không chặn đứng tình trạng buôn bán công nghệ này ra nước ngoài, chỉ vài năm nữa ngành điều Việt Nam sẽ chẳng còn nằm trong danh sách những nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Việc làm này cũng là để hỗ trợ hàng trăm ngàn lao động có công ăn việc làm và vì sự phát triển bền vững của ngành điều.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký VINACAS cho biết: “Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên tiến hành việc hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ. Về lâu dài có thể hợp tác chuyển giao nhưng ở thời điểm, mức độ phù hợp, làm sao có lợi nhất cho doanh nghiệp, ngành hàng. Xem xét, đàm phán các nội dung hợp tác, VINACAS sẽ chịu trách nhiệm làm việc, sau đó báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Còn vấn đề đứng ra hợp tác trực tiếp thì các Bộ phải triển khai chứ VINACAS không làm được”, ông Giang khẳng định.
Thực tế cho thấy, hợp tác phát triển là xu thế chung, tất yếu. Hiện nay, các vấn đề hợp tác như thông tin, chuyển giao giống hay thương mại không gặp vướng mắc gì nhiều, song đang có nhiều quan điểm chưa đồng thuận từ phía doanh nghiệp đối với vấn đề hợp tác trong chuyển giao công nghệ, máy móc bởi lo lắng nếu chuyển giao thành công, doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn khi nhập khẩu điều thô.
Vậy thì có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, xem lại công nghệ mà ĐHBK bán cho Bờ Biển Ngà có nằm trong danh mục những công nghệ mà Nhà nước cấm bán hay không. Thứ hai, phía doanh nghiệp, cụ thể là VINACAS có cần mua lại công nghệ của ĐHBK để không lo công nghệ đó bị bán ra bên ngoài hay không
Theo Thủy Bích (Tổ Quốc)
Ngành điều sắp thiếu nguyên liệu trầm trọng
Nắng nóng kéo dài, thiếu nước, hàng tồn kho ít, khiến nhiều nhà máy sản xuất điều chỉ đủ nguyên liệu đến tháng 2.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, xuất khẩu hạt điều năm nay chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do lượng hạt điều tồn kho trong nước ít, biên độ mùa vụ bị kéo dài do hiện tượng nắng hạn dẫn tới tình trạng nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu sản xuất hết tháng 2 và sẽ thiếu trầm trọng trong các tháng 3, 4, 5. Trong khi đó, việc nhập khẩu hạt điều thô cũng tiềm tàng nhiều rủi ro, nhất là đối với thị trường Bờ Biển Ngà và châu Phi, nhiều khi hợp đồng đã ký nhưng đối tác không chịu giao hàng.
Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình huệ/TTXVN).
Bên cạnh việc thiếu hụt nguyên liệu, doanh nghiệp điều còn gặp khó tại thị trường Mỹ khi sắp tới nước này áp dụng Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Trong khi đó, sản phẩm của Việt Nam còn kém chất lượng so với Ấn Độ, lẫn nhiều tạp chất và màu sắc không đồng đều do Việt Nam có quá nhiều nhà máy chế biến nhỏ lẻ, tăng từ 345 lên 371 nhà máy chỉ trong vòng một năm qua dẫn tới tình trạng lộn xộn trong khâu chế biến. Hạt điều của Việt Nam còn bị đánh giá là không đồng đều, bắt mắt như của Brazil. Dù có sản lượng 150.000 tấn một năm, nhưng Brazil chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp chuyên về chế biến hạt điều.
Để ngành điều Việt Nam tồn tại và phát triển, theo ông Thanh, các doanh nghiệp phải chuyển từ việc cạnh tranh mua bán giá rẻ sang cạnh tranh về chất lượng và giá thành cao. Cửa duy nhất cho Việt Nam cạnh tranh được tốt ở thị trường thế giới là phải gia tăng chế biến sâu (hạt điều rang muối còn vỏ). Hiện, các doanh nghiệp điều Việt Nam bán giá cao và giá rẻ đang chênh lệch nhau đến 0,5 USD một kg.
Đáng báo động, tới thời điểm này Việt Nam mới chỉ có 22 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn ISO, chứng chỉ HACCP trên tổng số 371 đầu mối, doanh nghiệp tham gia chế biến.
Theo Hồng Châu (VnExpress)